Chỉ huy trưởng lực lượng Vệ binh cách mạng Iran:

“Mỹ và IS đều sẽ thất bại thảm hại”

Thứ Bảy, 08/11/2014, 15:30

Là chỉ huy trưởng lực lượng tinh nhuệ nhất - Vệ binh cách mạng Iran (IRGC), “nhân vật quyền lực nhất” của giới tình báo Trung Đông, Qassem Suleimani không phải là một nhà quân sự thích phòng thủ, ông cho rằng tấn công mới chính là biện pháp phòng vệ tốt nhất. Suleimani khiến Mỹ và phương Tây phải đau đầu theo dõi khi luôn phản đối mọi sự can thiệp của Iran vào các vấn đề của Trung Đông, nhất là với tình hình IS hiện nay. Ông nhận định, rồi cả Mỹ và IS sẽ đều thất bại thảm hại tại Iran và Syria. Đây là nhân vật mà Châu Âu đã ban hành cấm vận, còn Mỹ đã liệt kê ông vào danh sách “những kẻ khủng bố vừa đáng ghét vừa đáng ngưỡng mộ”.

Chiến thắng đến từ niềm tin bên trong

Theo thiếu tướng Suleimani, cả hai thế lực như Mỹ hay nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) rồi sẽ đều thất bại thảm hại trong các chiến dịch tại Iraq và Syria. Hãng tin Defa Press trích dẫn lời Suleimani khi ông khẳng định rằng: "Bất kỳ cuộc thám hiểm nào, dù lớn hay nhỏ, từ các chiến dịch của Mỹ cho tới các hành động khủng bố của IS đều không cho thấy một dấu hiệu nào khác ngoài thất bại bởi cả hai lực lượng này đều đang thiếu tin tưởng ở chính những điều họ đang và sẽ thực hiện.

Các động thái nhằm chống lại "Hồi giáo, Iran và chủ nghĩa Shiite đều còn thiếu một dấu hỏi lớn về lòng tin, trong khi thành công, muốn có được ở Iran trước hết luôn phải được bắt đầu bằng "niềm tin từ bên trong" đất nước này. Và sau cùng, những kẻ khủng bố luôn là những kẻ thất bại".

Lực lượng Quds do tướng Qassem Suleimani chỉ huy là một bộ phận của IRGC chuyên trách các chiến dịch ở nước ngoài. Thời gian gần đây, Iran đã khẳng định họ, dưới sự chỉ huy của tướng Qassem Suleimani đang đóng vai trò quan trọng trong việc chiến đấu với lực lượng IS ở Iraq và Syria.

Iran cũng nhấn mạnh rằng, liên quân với sự dẫn dắt của Mỹ để chống lại IS đang được triển khai không hiệu quả và bác bỏ khả năng Mỹ và IS sẽ cùng về một phe trở thành kẻ thù của nước này, dù cả 2 thế lực trên đều muốn chống lại Iran và những người Hồi giáo dòng Shiite.

Hãng tin Fars News của Iran trích lời tướng Suleimani khi nói về "giải pháp" của Mỹ tại Iraq và Syria là sẽ "không đem lại chiến thắng nào". Ông nói: "Tất cả chúng ta đều đã thấy rằng những chiến lược của họ tại Syria đều không  thành công".

Những đánh giá này của ông Suleimani phản ánh quan điểm tương đồng với lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei, người luôn buộc tội chính Mỹ và đồng minh đã tạo ra IS nhằm gieo rắc mối bất hòa giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite.

Nhiều giả thiết cho rằng chính phương Tây đã tạo ra cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng nhằm đối đầu với "Cuộc bừng tỉnh của thế giới Hồi giáo", hiện tượng được cho là do kế thừa và phát huy những giá trị từ cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979.

Mới đầu tháng này, Đại sứ Iran tại Syria, Mohammad Reza Rauf Sheibani đã ca ngợi "lực lượng dân quân" Syria vì hành động chiến đấu đến cùng để chống lại nhóm khủng bố IS.

Người "vừa bị ghét, vừa được ngưỡng mộ"

Theo nguồn tư liệu của phương Tây, dù Qassem Suleimani sở hữu một hồ sơ thông tin cá nhân rất khiêm tốn nhưng ông vẫn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc tạo dựng sức mạnh, định hình nền chính trị hậu chiến tranh ở Iraq cũng như các chiến dịch can thiệp  vào cuộc nội chiến ở Syria - nhằm làm chệch hướng đi chiến lược của lực lượng đối lập ở đất nước này.

Sinh năm 1957, với xuất thân nghèo khó, có thể nói Qassem Suleimani đã trải qua mọi khó khăn vất vả để có thể sinh tồn. Ông từng phải làm nhiều nghề lao động chân tay như công nhân nhà máy lọc nước, công nhân xây dựng trước khi bước đầu tiếp xúc với quân đội bằng việc đưa nước và lương thực cho lực lượng IRGC trong cuộc cách mạng năm 1979. Nói chung, trong quân đội, ông chỉ được nhận những đợt huấn luyện rất cơ bản, nhưng Suleimani đã tiến bộ rất nhanh chóng và không ngừng phấn đấu trong lĩnh vực quân sự.

Ông luôn tự nhận mình chỉ là một "quân nhân bình thường" nhưng nhiều thủ lĩnh Hồi giáo đã ca ngợi ông như là "hình ảnh sống của kẻ sẵn sàng tử vì đạo" trong mỗi cuộc chiến. Điểm đáng chú ý nằm ở chỗ, Suleimani, nhà quân sự quan trọng nhất trong cuộc chiến ở Syria lại không phải là người Syria. Mặc dù, Chính phủ Mỹ đã liệt ông vào danh sách "những kẻ khủng bố" nhưng không quên kèm theo mô tả rằng Suleimani là kẻ "vừa bị ghét vừa được ngưỡng mộ".

Poster cổ động buộc tội Mỹ, chủ nghĩa phục quốc Do Thái và Anh chính là những bàn tay nhào nặn ra IS.

Qassem Suleimani không phải là nhà quân sự thích phòng thủ, ông cho rằng, tấn công mới chính là biện pháp phòng vệ tốt nhất. Những người biết ông đều khắc họa ông là người ít nói nhưng một khi đã nói ra, lời nói đều có trọng lượng và sức mạnh.

Cựu cố vấn an ninh Iran Mowwafak al-Rubaie từng nhận xét về Qassem Suleimani: “Ông ấy là một nhà chiến lược thâm sâu và sẽ trở thành một "bạo chúa" trong cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran. Qassem Suleimani đã nắm vai trò chỉ huy trong vô số các trận chiến và xung đột trên khắp lãnh thổ và khu vực trong suốt 1/3 thế kỷ qua với tư cách là một người lính, một nhà quân sự và một nhà tình báo biệt tài.

Vốn là đồng minh lâu năm của Syria trong suốt nhiều năm, khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra, Qassem Suleimani đã rất nỗ lực đưa ra những chiến lược giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad đảo ngược tình thế, đè bẹp quân nổi dậy và chiếm lại những thành phố chủ chốt ở Syria, trong đó có việc chỉ đạo lực lượng Quds lên kế hoạch giải cứu Damascus.

Richard Clarke, lãnh đạo chống khủng bố cao cấp dưới thời Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush nhận xét: "Suleimani như một tên quái vật thiên tài đằng sau hàng loạt các hành động mà Quds đã thực hiện nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông. Suleimani đảm nhận nhiều vai trò như chỉ huy mặt trận, tổ chức chiến dịch tình báo, vạch đường lối cho các chính sách đối ngoại và lên kế hoạch khủng bố.

Giới tình báo Mỹ và Anh từng so sánh Qassem Suleimani với nhân vật tình báo hư cấu nổi tiếng Karla của Liên Xô trong cuốn tiểu thuyết về Chiến tranh lạnh của John le Carre, bởi cả 2 nhân vật đều có chung mục tiêu đối đầu với Washington.

Tuy vẫn chưa rõ ngày nào nhưng Qassem Suleimani được cho là nhậm chức chỉ huy trưởng lực lượng đặc biệt Quds của IRGC vào khoảng tháng 9-1997 hoặc tháng 3-1998. Ông còn được xem như một trong những người kế nhiệm sáng giá nhất cho chức chỉ huy trưởng của IRGC.

Qua nỗ lực chống lại sức ảnh hưởng của phương Tây - Israel và thúc đẩy cuộc mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông, nhiều lãnh tụ Hồi giáo đã đã gọi ông là "nhà chiến lược xuất sắc của thời đại".

Những tham vọng cho Iran

Tháng 8/2014 Qassem Suleimani đã giao lại nhiệm vụ chỉ huy lực lượng Quds cho chỉ huy phó Hussein Hamadani, còn ông rời đến thành phố Amerli để phối hợp với các lực lượng của Iraq chống lại sức mạnh quân sự của IS. Theo tờ Los Angeles Times, Amerli là thành phố đầu tiên thoát khỏi cuộc xâm chiếm của IS.

Thành phố được an toàn nhờ có "mối hợp tác bất bình thường giữa Iraq và quân đội Kurdish (cộng đồng Hồi giáo ở vùng biên giới Iran, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ), dân quân dòng Shiite do Iran hậu thuẫn và chiến đấu cơ của Mỹ". Mỹ vẫn luôn đóng vai trò là nhân tố đằng sau cánh gà cho nhiều nhóm vũ trang tại Iran. một số chiến dịch của các nhóm quân sự do Iran hậu thuẫn.

Tháng 3/2007, Qassem Suleimani bị đưa vào danh sách các nhân vật bị cấm vận trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Năm 2011, ông lại bị cấm vận tiếp ở Mỹ, cùng với Tổng thống Syria Bashar Assad và các quan chức cao cấp khác vì có những hành động cung cấp tư liệu để hậu thuẫn cho Chính phủ Syria.

Ngày 24/6/2011, EU đã nêu tên 3 thành viên trong tổ chức IRGC của Iran hiện đang trở thành đối tượng cấm vận do đã cung cấp trang thiết bị cũng như ủng hộ Chính phủ Syria đàn áp các cuộc biểu tình tại nước này. Những người Iran có tên trong danh sách gồm sĩ quan chỉ huy Mohammad Ali Jafari, Qassem Suleimani và chỉ huy phó bộ phận tình báo của IRGC, Hossein Taeb.

Ngoài ra Qassem Suleimani còn bị Chính phủ Thụy Sĩ cấm vận vào tháng 9/2011 cùng với lý do như EU đưa ra trong cáo buộc cấm vận. Các cấm vận tuyên bố mọi công dân EU đều không được phép thực hiện mọi giao dịch với vị tướng này.

Nhiều nhà lãnh đạo Trung Đông đưa ra giả thuyết cho rằng, chính Phương Tây đã "tạo ra IS" với mục đích đối đầu với "Sự thức tỉnh Hồi giáo" (vốn được cho là sự phát huy giá trị của cuộc cách mạng Hồi giáo 1979, bao gồm cả khái niệm "đối kháng" phương Tây của khu vực).

Các nhà phân tích này nhận định các chiến dịch ở nước ngoài của Qassem Suleimani đang thực hiện đúng tính chất của lực lượng Quds khi tướng Suleimani dường như trở thành nhà kiến trúc cho các chiến dịch  trong lòng Iraq cũng như Syria. Theo báo cáo của Iran đầu tháng 9 vừa rồi, Qassem Suleimani chính là sự hiện thân của cuộc chiến khốc liệt chống lại IS tại thành phố Amerli, thành phố biên giới của người Kurd, Sunni và Shiite.

Iran muốn có cam kết lâu dài với những người Kurd vì một lý do rất đơn giản, họ có trong tay nhiều lực lượng hậu thuẫn để có thể chống lại IS. Quân đội Kurd càng chiến đấu ác liệt với IS bao nhiêu, Iran càng dễ dàng thoát khỏi vũng lầy tiềm ẩn tại Iraq bấy nhiêu. Đó là một tính toán khôn ngoan của Suleimani nhằm mở rộng sức ảnh hưởng của Iran và cũng là cơ hội truyền bá tình hữu nghị giữa Tehran và người Kurd.

Tuy nhiên, Suleimani lo ngại rằng cộng đồng người Kurd có thể sẽ làm gì nếu như họ không còn là một cộng đồng vô chính phủ nữa, ai biết được một ngày nào đó họ có thể sẽ tuyên bố thành lập quốc gia độc lập và chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Qassem Suleimani lo ngại những vấn đề này là có lý do bởi trong lịch sử, Tehran và cộng đồng Kurd từng có mối quan hệ không mấy dễ chịu khi nhà nước Hồi giáo này đã từng sát hại thủ lĩnh tinh thần của người Kurd năm 1989.

Nhưng Suleimani vẫn nhìn thấy tiềm năng và buộc phải đánh liều vào người Kurd lần này. Đây là một trong số ít cơ hội để giúp họ chống lại IS, đẩy lùi các thế lực ngoại bang như Mỹ và phương Tây cũng như nâng tầm ảnh hưởng của Iran đối với khu vực biên giới này

Hoàng Cúc (tổng hợp)
.
.