Mỹ và câu chuyện tiêu hủy vũ khí hóa học ở Iraq

Thứ Hai, 10/11/2014, 12:45

Báo New York Times của Mỹ vừa tung ra thiên phóng sự điều tra về một "cuộc chiến bí mật" của quân đội Mỹ trong khoảng thời gian từ sau cuộc chiến 2003 đến khi rút quân hoàn toàn khỏi Iraq vào cuối năm 2011. Đó là cuộc tìm kiếm và tiêu hủy các loại vũ khí có tẩm hóa chất độc hại mà quân đội của Tổng thống Saddam Hussein sử dụng trong cuộc chiến biên giới Iran - Iraq thập niên 80 thế kỷ XX.

Cho đến nay, chính quyền Mỹ vẫn giữ bí mật thông tin về cuộc rà phá vũ khí hóa học đó. Những thông tin mà tờ New York Times có được là do phỏng vấn các cựu binh Mỹ và Iraq từng tham gia chương trình và nghiên cứu các tài liệu tình báo.

Cuộc chiến bí mật

Tháng 8/2008, tại một địa điểm gần Taji, Iraq, một toán lính kỹ thuật của quân đội Mỹ đóng tại Iraq kích nổ một đống đạn pháo cũ mà quân đội Iraq thời ông Saddam Hussein đã sử dụng và bỏ rải rác nhiều nơi. Việc kích nổ các quả đạn pháo này là nhằm ngăn chặn chúng rơi vào tay kẻ xấu và biến thành những quả bom tự chế nguy hiểm. Vụ nổ đã để lại một miệng hố nhỏ. Những người lính Mỹ trong toán kỹ thuật rà phá bom đạn cũ nhận thấy có điều không ổn. Họ phát hiện khói bốc ra từ các quả đạn có mùi rất lạ.

Chuyên gia Andrew T. Goldman, một thành viên toán lính kỹ thuật, bước chân vào miệng hố và nhấc một quả đạn pháo lên. Một chất lỏng như bùn nhão chảy ra. Nhưng "chất lỏng đó không phải là nước từ đáy hố", Eric J. Duling, trưởng toán kỹ thuật, cho biết. Goldman dùng giấy thử hóa chất quệt vào quả đạn pháo và miếng giấy chuyển thành màu đỏ, có nghĩa là chất lỏng trên quả đạn là chất sulfur mù tạc, một loại hóa chất gây bỏng hệ hô hấp, da và mắt.

Binh sĩ Mỹ đào hố chuẩn bị tiêu hủy đạn pháo cũ chứa hóa chất.

Trong giai đoạn từ năm 2004-2011, quân đội Mỹ và Iraq đã không biết bao nhiêu lần phát hiện các quả đạn pháo chứa hóa chất như thế. Tổng cộng, các toán lính kỹ thuật của quân đội Mỹ và Iraq đã tìm thấy khoảng 5.000 đầu đạn, đạn pháo, bom chứa hóa chất. Và ít nhất 6 lần họ bị thương vì bị hóa chất dính vào người.

Theo thống kê, trong quá trình đi tìm và tiêu hủy các đầu đạn hóa học ở Iraq giai đoạn sau năm 2003, đã có 17 binh sĩ Mỹ và 7 cảnh sát Iraq bị nhiễm khí độc thần kinh hoặc hóa chất mù tạc. Giới chức Mỹ liên quan chương trình rà phá vũ khí hóa học cho biết con số thực tế có thể cao hơn.

Khi phát động cuộc chiến Iraq vào năm 2003, Tổng thống Mỹ George W. Bush viện lý do ngăn chặn Iraq sở hữu vũ khí giết người hàng loạt, bao gồm vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học và vũ khí hóa học. Tuy nhiên, khi không tìm thấy được bằng chứng về việc Tổng thống Saddam Hussein sở hữu vũ khí giết người hàng loạt, chính quyền Mỹ vẫn tiến hành cuộc chiến.

Ngay sau khi cuộc chiến kết thúc, quân đội Mỹ và đồng minh bắt đầu triển khai kế hoạch chiếm đóng Iraq. Và chính lúc này, binh sĩ Mỹ bắt đầu chạm trán một thứ vũ khí nguy hiểm - vũ khí hóa học. Vấn đề là, các vũ khí được phát hiện đều đã cũ, gỉ sét do lâu ngày không được bảo quản.

Cuộc tìm kiếm đã bắt đầu được triển khai vào năm 2004. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã ém thông tin về cuộc tìm kiếm này. Mọi hoạt động tìm kiếm và tiêu hủy, kể cả những lần chạm trán bất ngờ hoặc vô tình gặp một quả đạn phát nổ bên vệ đường đều được che giấu, giữ kín, công chúng không được biết thông tin. Ngay cả trong hàng ngũ quân đội Mỹ thông tin cũng rất hạn chế. Do phải giữ bí mật thông tin nên các binh sĩ bị thương đã không được chữa trị đến nơi đến chốn. Thông tin được bưng bít ngay cả trong Quốc hội Mỹ, trong khi giới sĩ quan và binh sĩ thì được yêu cầu phải giữ im lặng hoặc phải nói sai sự thật về những gì mà họ tìm thấy.

Các loại vũ khí chứa hóa chất mà binh sĩ Mỹ tìm thấy phổ biến nhất là loại pháo 155 ly và 122 ly. Đây là các loại vũ khí mà Iraq chạy đua sản xuất hàng loạt trong thời gian diễn ra cuộc chiến Iran-Iraq thập niên 80. Cho đến khi được phát hiện nằm sâu trong lòng đất hoặc phơi trên những cánh đồng, ao hồ, các quả đạn pháo, rốckét đã bị hoen gỉ. Một số quả đã bị rỗng ruột, nhưng phần nhiều vẫn còn chứa các hóa chất như khí mù tạc và khí độc thần kinh sarin.

Quân đội Iran trong cuộc chiến Iran - Iraq.

Có vài lý do để chính quyền Mỹ cố tình giữ bí mật thông tin về các vũ khí hóa học mà họ tìm thấy và tiêu hủy. Theo những người từng tham gia vào cuộc tìm kiếm và tiêu hủy vũ khí hóa học, lý do trước nhất là Nhà Trắng không muốn thừa nhận sai lầm của mình về vấn đề vũ khí hóa học của Iraq thời Saddam Hussein, từ đó họ muốn dư luận bị đánh lừa để ngộ nhận rằng ông Hussein đã có sử dụng vũ khí hóa học sau sự kiện 11-9.

Một số người khác cho rằng, Washington quả thực muốn che giấu một sự thật mà nếu công khai trước công chúng họ sẽ không biết ăn làm sao nói làm sao. Theo các cựu binh, trong các trường hợp bị sự cố khiến họ bị thương, họ phát hiện các quả đạn pháo đều được thiết kế ở Mỹ, được sản xuất ở châu Âu và được nhồi hóa chất bằng dây chuyền sản xuất của các công ty phương Tây hoạt động tại Iraq.

Các chuyên gia về cấm phổ biến vũ khí giết người hàng loạt cho rằng Lầu Năm Góc đã không thực hiện đúng Công ước về Vũ khí hóa học, vì đã không bảo quản, báo cáo đầy đủ và tiêu hủy theo đúng quy trình được quy định trong Công ước.

Chương trình vũ khí hóa học của Iraq

Iraq tấn công Iran vào khoảng cuối năm 1980, với mong muốn đánh nhanh thắng nhanh. Ông Saddam Hussein cũng nghĩ rằng người Iran sẽ nổi dậy chống lại các nhà lãnh đạo tôn giáo vừa mới lên nắm quyền. Nhưng ông đã tính toán sai. Tháng 6/1981, Iran bất ngờ lật ngược thế cờ và dùng sức mạnh không quân tấn công các thành phố của Iraq. Túng thế, ông Hussein quay sang tìm kiếm một loại vũ khí mới để chế ngự Iran.

Một chương trình bí mật, mang bí danh Dự án 922, ra đời, với sứ mệnh sản xuất các hóa chất gây bỏng rộp và tác động thần kinh. Trong tình thế cấp bách của chiến tranh, ông Hussein tung tiền ra. Trong khi đó, nhiều nước phương Tây cũng đang muốn kiềm chế Iran (với cuộc cách mạng Hồi giáo vừa thành công) nên ra tay hậu thuẫn Iraq. Thế là, Dự án 922 được triển khai với tiến độ nhanh đến chóng mặt; Iraq mua các trang thiết bị từ nhiều quốc gia khác nhau, kể cả Mỹ.

Các công ty xây dựng của Đức giúp xây dựng khu nhà xưởng sản xuất quy mô lớn trong sa mạc phía nam Samarra, sau này được đặt tên là Al Muthanna State Establishment (MSE), và 3 nhà máy ở Falluja sản xuất các nguyên liệu ban đầu cho vũ khí hóa học. Với các cơ sở vật chất đó, Iraq đã sản xuất 10 tấn hóa chất mù tạc gây bỏng rộp chỉ trong năm 1981; và đến năm 1987, sản lượng đã tăng đến 90 lần.

Càng gần cuối cuộc chiến, Iraq còn được 2 công ty Mỹ giúp sản xuất hàng trăm tấn tiền chất mù tạc thiodiglycol. Việc sản xuất khí thần kinh sarin cũng bắt đầu.

Binh sĩ Mỹ bị thương do hóa chất trong các  đầu đạn cũ.

Khi việc sản xuất vũ khí hóa học tăng mạnh cũng là lúc quân đội của ông Hussein cần thêm đạn dược để phát tán chúng. Thế là ông Hussein lại tung tiền ra để mua các vỏ đạn rỗng - những quả bom kinh khí do một công ty Tây Ban Nha sản xuất, rồi những quả đạn pháo do Mỹ thiết kế và sản xuất bởi các công ty châu Âu, để mang sang Iraq nhồi hóa chất vào. Thế là Iraq có một kho vũ khí quy ước khổng lồ nhưng bên trong chứa các hóa chất độc hại.

Theo tư liệu Tờ New York Times có được, một phần đáng kể kho vũ khí hóa học đó đã được ông Hussein "tiêu thụ" ngay trong cuộc chiến với Iran, một phần lớn khác còn dư thừa đã được tiêu hủy khi chương trình vũ khí chấm dứt sau cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991. Nhưng vẫn còn hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn quả đạn pháo, bom, rốckét chứa hóa chất nằm rải rác khắp Iraq, nhiều nhất là xung quanh khu vực các nhà máy sản xuất vũ khí thời chiến tranh Iran - Iraq, trong các kho vũ khí bị bỏ phế sau cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, không có ai quản lý.

Vấn đề gay go nhất chính là các vũ khí hóa học được bọc bên trong vỏ vũ khí quy ước thông thường, cho nên các nhà kiểm soát vũ khí rất khó phân biệt được chúng.

Nguy cơ vũ khí hóa học rơi vào tay IS

Rất nhiều vũ khí chứa hóa chất được tìm thấy xung quanh khu vực Nhà máy Muthanna State Establishment (MSE), nơi được xem là trung tâm sản xuất vũ khí hóa học của Iraq những năm 80 thế kỷ XX. Nguy cơ các vũ khí hóa học này rơi vào tay phiến quân là nỗi ám ảnh thường trực đối với quân đội Mỹ khi tiến hành cuộc tìm kiếm trên đất Iraq.

Thời kỳ chiến tranh nổi dậy những năm 2004-2009, các phiến quân cực đoan chống sự chiếm đóng của Mỹ cũng đã từng tiếp cận các đầu đạn chứa hóa chất gây bỏng sulfur mù tạc và đã tự chế ra những quả bom đặt bên vệ đường và gây thương vong cho lính Mỹ. Điều này đã không được Lầu Năm Góc công bố rộng rãi vì sợ tiết lộ thông tin về vũ khí hóa học.

Nhưng sau khi rút quân khỏi Iraq vào ngày 31/12/2011, Mỹ đã hoàn toàn mất kiểm soát đối với số lượng bom đạn chứa hóa chất còn sót lại. Và việc quân đội Iraq có kiểm soát được các vũ khí nguy hiểm đó hay không tùy thuộc vào "hên xui".

Đặc biệt, khi IS nổi lên vào cuối năm 2013, nguy cơ vũ khí hóa học rơi vào tay phiến quân càng lớn hơn. Nguy cơ đó đã thành hiện thực từ tháng 6/2014, khi khu vực Nhà máy MSE đã rơi vào tay lực lượng IS. Khi đó, Chính phủ Iraq đã gửi một bức công hàm cho Liên Hiệp Quốc trong đó nêu rõ khoảng 2.500 quả rốckét cũ đã gỉ sét vẫn còn nằm trên mặt đất khu Nhà máy MSE và chúng đã bị ai đó lấy đi trước khi phiến quân IS ập vào.

Chính quyền Mỹ luôn cho rằng các vũ khí cũ và gỉ sét ấy không còn nguy hại gì nữa, nhưng trên thực tế chúng hoàn toàn có thể trở thành vũ khí nguy hiểm nếu được chế tạo lại thành những quả bom tự chế để tấn công bằng hình thức bom xe hoặc bom bên vệ đường.

Sau khi tờ New York Times cho đăng loạt phóng sự điều tra nhan đề "The Secret Casualties of Iraq's Abandoned Chemical Weapons” (Những nạn nhân bí mật của các vũ khí hóa học bị bỏ phế của Iraq), dư luận bắt đầu chú ý trở lại khả năng IS đã nắm trong tay các loại vũ khí chứa hóa chất cũ của Iraq.

Đặc biệt đáng chú ý, trong số ra ngày 24/10 vừa qua, Tờ Guardian của Anh đã đăng thông tin nhiều người Kurd ở thị trấn Kobani chiến đấu chống lực lượng IS bị thương có những triệu chứng bị nhiễm hóa chất. Các y, bác sĩ tham gia điều trị vết thương cho các binh sĩ người Kurd cho biết, họ phát hiện bệnh nhân có các vế phỏng rộp, phỏng mắt và tổn thương hệ hô hấp - những triệu chứng điển hình của chất sulfur mù tạc mà các binh sĩ Mỹ đã phát hiện trong giai đoạn 2004-2011.

Giới chuyên gia nhận định, nhiều khả năng IS đã nắm trong tay các loại vũ khí chứa hóa chất cũ sau khi chiếm giữ các căn cứ quân sự của Iraq, và đây chính là mối nguy hiểm lớn cho liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.