NSA hợp tác với quân đội Mỹ trong chiến tranh Iraq

Thứ Hai, 15/12/2014, 15:15
Chiến binh nước ngoài đổ dồn vào Iraq từ hai quốc gia láng giềng Iran và Syria, cùng với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda ở Iraq (AQI), mở hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ và phương Tây, chính quyền Iraq non trẻ và người Shiite. Tuy nhiên, có một thứ vũ khí mà phiến quân không có - đó là các hệ thống máy chủ lưu trữ những cuộc giao tiếp điện tử và tín hiệu được thu thập bởi các trạm nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Trong cuốn sách “@ War: The Rise of the Military - Internet Complex” (tạm dịch: Chiến tranh điện tử: Sự ra đời của phức hợp quân sự - Internet), tác giả Shane Harris mô tả sự hợp tác giữa NSA và quân đội Mỹ ở Iraq và từ đó thay đổi cục diện chiến tranh như thế nào.

Sự phối hợp nhịp nhàng giữa SIGINT và lực lượng mặt đất

Tác giả Shane Harris.

Trong một cuộc họp với các quan chức an ninh quốc gia cao cấp dạn dày kinh nghiệm ở Nhà Trắng, Tổng thống George W. Bush cho phép NSA triển khai chiến dịch nghe lén điện thoại và xâm nhập mạng máy tính của AQI. Mạng điện thoại di động ở Iraq thật sự là mỏ vàng cho tình báo Mỹ khai thác triệt để. Các công ty viễn thông nước ngoài được NSA chi tiền một cách hào phóng - mỗi công ty nhận được hàng chục triệu USD/ năm - để họ cho phép cơ quan đặc quyền khai thác các mạng của họ cũng như luồng dữ liệu khổng lồ lưu thông qua chúng. Sau khi được Tổng thống Bush bật đèn xanh, những chiến dịch hàng ngày ở Iraq đều được tiến hành bởi một đơn vị phối hợp quân đội và tình báo của NSA. Trung tâm của các chiến dịch là một hangar (nhà chứa máy bay) nằm trong căn cứ không quân Balad ở phía bắc thủ đô Baghdad. Đại đa số máy bay ở đây là máy bay vũ trang không người lái (drone).

Các phi công cùng làm việc với nhóm hacker của NSA, những nhà điều tra pháp y của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và các đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ của quân đội. Hacker có nhiệm vụ đánh cắp thông tin từ thiết bị điện tử của kẻ thù và chuyển giao cho chuyên gia phân tích tình báo để lập ra danh sách mục tiêu cho quân đội. Những chiếc drone bắt đầu tìm và diệt nhờ vào hệ thống camera tinh xảo và các thiết bị cảm biến khác do Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) phát triển. Khi cuộc tấn công kết thúc, binh sĩ sẽ thu thập thêm nhiều nguồn tình báo nữa từ hiện trường hay từ số chiến binh bắt giữ được - điện thoại di động, laptop, ổ cứng di động (USB), sổ ghi địa chỉ v.v… Toàn bộ "kho dữ liệu" quý giá này được mang về căn cứ để chuyển giao cho các chuyên gia phân tích tình báo. Thông tin thu được cũng tiết lộ nguồn tài chính của phiến quân xuất xứ từ bên ngoài Iraq như Syria, Iran và Arập Xêút.

Hacker và chuyên gia phân tích NSA cũng xâm nhập mạng các website và máy chủ của AQI mà người Mỹ gọi là Obelisk. Bọn khủng bố chuyển tải các video tuyên truyền đến Obelisk, cùng với mật lệnh và kế hoạch thánh chiến. Obelisk được Mỹ coi là hệ thống điều khiển chiến tranh hiệu quả của tổ chức AQI. Sau khi xâm nhập Obelisk, hacker NSA sẽ cài đặt phần mềm độc hại vào các diễn đàn thánh chiến thông qua đường liên kết mời gọi người đọc nhấp chuột vào. Obelisk giúp cho nhân viên NSA biết được những bí mật của Al-Qaeda cũng như giải pháp để gài người vào hàng ngũ của tổ chức khủng bố. Nhờ tình báo tín hiệu mà NSA ở căn cứ không quân Balad truy ra được người chế tạo áo cài bom tự sát mà các phần tử khủng bố hay dùng, lần ra được cơ xưởng của người này. Khi đột kích căn nhà, binh sĩ Mỹ bắt giữ được người chế tạo áo cài bom và một phụ nữ đang chuẩn bị sử dụng áo này để đánh bom liều chết. NSA ở Balad cũng phát hiện một nhà kho của AQI chứa hàng ngàn quả tên lửa tự tạo dùng để tấn công xe bọc thép của binh sĩ Mỹ. Một người nước ngoài huấn luyện phiến quân sử dụng loại tên lửa này cũng bị bắt giữ.
Cuốn sách “Chiến tranh điện tử: Sự ra đời của phức hợp quân sự - internet”.

Đội chiến binh hacker tinh nhuệ của NSA

Chiến binh mạng hacker của NSA hoạt động trong một đơn vị bí mật mang tên Đội Chiến dịch xâm nhập thích ứng hay TAO, với nhiệm vụ nghiên cứu phát triển những công cụ và kỹ thuật dùng để xâm nhập máy tính. TAO chỉ có vài trăm hacker và họ là chiến binh bí mật nhất của NSA. Đối với TAO, sứ mạng xâm nhập mạng giao tiếp điện tử của giới thủ lĩnh AQI giúp quân đội Mỹ phá vỡ âm mưu tấn công của AQI ở những vùng bao quanh Baghdad, bắt giữ hay giết chết ít nhất 10 thủ lĩnh cao cấp ngay trên chiến trường.

Chiến binh AQI.

Sau khi chiến dịch quân sự quy mô "Arrowhead Ripper" kết thúc vào tháng 8/2007, phần lớn hoạt động của phiến quân quanh Baghdad đã ngưng hẳn. Tháng 11/2007, AQI rời khỏi vùng ngoại ô Dora phía nam Baghdad. Cỗ máy tình báo NSA tiếp tục giành chiến thắng phần lớn nhờ công sức của TAO. Trong 6 tháng đầu năm 2008, chỉ có 28 vụ đánh bom và những cuộc tấn công khác do AQI tiến hành được báo cáo - so với 300 vụ tấn công vào năm trước đó. Số dân thường bị quân khủng bố giết chết cũng giảm mạnh từ 1.500 xuống còn 125 vào nửa đầu năm 2008.

Diên San (tổng hợp)
.
.