Nạn bắt cóc nhà báo nước ngoài tại Syria
Khoảng 30 nhà báo - một nửa trong số đó là phóng viên người nước ngoài - bị bắt cóc hay mất tích trong cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria, theo báo cáo của Hãng tin Associated Press (AP) vào đầu tháng 11/2013. Đó là con số chưa từng có trước đây ở nước này.
Theo đánh giá của Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ), nhóm luật sư ở New York, hiện nay Syria là nơi diễn ra nạn bắt cóc nhà báo lan tràn. Một sự kết hợp giữa hoạt động tội phạm, phong trào thánh chiến và tình hình hỗn độn đang khiến cho công tác đưa tin tại chỗ có nguy cơ phải dừng lại.
Một trong những xu hướng mới đáng báo động đang nổi lên ở Syria hiện nay là các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan bắt cóc các nhà báo, giam cầm mà không đưa ra yêu cầu nào để phóng thích nạn nhân. Thay vì bắt cóc để đòi món tiền chuộc, họ giam giữ các nhà báo với thời gian vô hạn định có lẽ để sử dụng cho mục đích nào đó trong tương lai.
Matthew Schrier, phóng viên ảnh người Mỹ 35 tuổi, hoạt động độc lập bị bắt cóc ở Syria hồi tháng 12/2012, cho biết bọn bắt cóc cuối cùng đã thả anh ra sau 7 tháng giam cầm mà không hề đưa ra yêu cầu gì. Thay vào đó, bọn họ chỉ hỏi Schrier về mật khẩu trực tuyến và sử dụng thẻ tín dụng của anh… để mua phụ tùng ôtô Mercedes-Benz, kính đeo mắt hàng hiệu Ray-Ban, máy tính bảng và laptop.
Bọn chúng cũng gửi các email giả mạo đến cho gia đình và bạn bè của Schrier thông báo anh vẫn an toàn và đang làm việc ở Syria. Mẹ của Schrier nhanh chóng nhận ra những thông điệp email - chứa đầy lỗi chính tả và văn phạm - là giả mạo và đau đớn lo cho số phận của con trai tại vùng đất máu lửa.
Hai nhà báo nước ngoài Bryn Karcha (trái) của Canada và Toshifumi Fujimoto (bìa phải) của Nhật Bản đang tác nghiệp tại thành phố Aleppo, Syria, ngày 29/12/2012. |
Schrier khuyên các gia đình có người thân mất tích không nên tuyệt vọng. Schrier trình bày trong một email của anh: "Trước khi có ai đó cung cấp bằng chứng cho thấy người thân của bạn đã chết, thì bạn nên vững tin là người này vẫn còn sống ở đâu đó. Nhiều người quen biết tôi cứ nghĩ rằng tôi đã chết, nhưng hãy tìm hiểu xem những chuyện gì đã xảy ra".
Làn sóng bắt cóc cũng bộc lộ một kết quả của chiến thuật được sử dụng rộng rãi ở Iraq và Afghanistan - đó là sự im lặng tạm thời của giới truyền thông về những trường hợp bắt cóc. Các chuyên gia an ninh cũng như giới chức thực thi pháp luật nói chung khuyên rằng những vụ bắt cóc nên được giữ kín với hy vọng các nạn nhân có thể nhanh chóng được tìm thấy, bởi vì sự công khai thông tin có thể làm tăng mức tiền chuộc của bọn bắt cóc.
Theo CPJ, có khoảng 30 vụ bắt cóc ở Syria và gia đình các nạn nhân được yêu cầu giữ bí mật thông tin. Trong nỗ lực cảnh báo các nhà báo về tình hình hỗn loạn ở Syria hiện nay, CPJ chỉ tiết lộ tổng số những vụ bắt cóc ở nước này mà không hề đả động đến danh tính và quốc tịch của các nạn nhân - theo Rob Mahoney, Phó giám đốc CPJ. Những người khác cũng cho rằng, việc giữ kín thông tin về những vụ bắt cóc cũng giúp giảm nhẹ sức ép đến các chính quyền. Nếu không có sự yêu cầu hành động từ phía công chúng thì giới chức chính quyền không cần phải hành động gấp rút.
Hiện có 4 nhà báo Mỹ đang bị bọn bắt cóc giam cầm hay mất tích. Ausrin Tice, nhà báo tự do cộng tác với tờ Washington Post bị bắt cóc gần thủ đô Damascus của Syria hồi tháng 8/2012. James Foley, phóng viên tự do của tờ Glopal Post mất tích ở miền Nam Syria vào tháng 11/2012. Gia đình của hai nhà báo Mỹ khác cũng được CPJ yêu cầu giữ kín bí mật về vụ việc.
Trong nỗ lực làm nản chí những nhà báo tự do tìm đến Syria tác nghiệp, tờ Sunday Times của Anh thông báo vào tháng 2/2013 rằng tòa soạn sẽ không chấp nhận những bức ảnh từ những người bước vào lãnh thổ Syria mà không có sự điều động của tờ báo.
Sunday Times cũng có sự mất mát đáng kể khi nữ phóng viên người Mỹ từng được giải thưởng - Marie Colvin - bị thiệt mạng trong thời gian thành phố Homs bị vây hãm năm 2012. Một số tổ chức báo chí khác cũng lặng lẽ phát đi lệnh cấm tương tự tờ Sunday Times. Vì lý do an ninh, người phát ngôn của Reuters từ chối mô tả công khai về những phương pháp mà hãng tin sử dụng để theo dõi tình hình chiến sự ở Syria.
Trong một dấu hiệu tích cực, con số thiệt hại về nhà báo ở Syria năm 2013 là 18 người, so với 31 người chết trong năm 2012. Trong khi đó, Iraq - nơi có ít nhất 150 nhà báo bị mất từ năm 2003 đến 2011 - vẫn còn là vùng đất cực kỳ nguy hiểm cho những người làm báo.
Theo đánh giá của CPJ, 2/3 số người bị giết ở Iraq không tham gia chiến đấu. Họ mất mạng vì bị ám sát nhằm trả thù cho những bài phóng sự của họ.
Gần đây, những vụ bắt cóc đã phần nào chậm đi ở Syria. Nhưng, các nhà quan sát vẫn cảnh báo các tổ chức báo chí lớn nên ngưng gửi phóng viên đến Syria.
Trong xuyên suốt lịch sử, các nhà báo được coi là gánh chịu nhiều nguy cơ nhất. Công việc của họ là cung cấp bằng chứng về những gì đang xảy ra tại Syria. Thế giới sẽ không biết gì về nỗi đau đớn tột cùng của người dân sống giữa hai lằn đạn từ chính quyền và quân nổi dậy nếu như không có những nhà báo dám hy sinh tính mạng để đưa tin tại chỗ