Xung quanh vụ một nhà báo bị đưa vào danh sách khủng bố

Thứ Ba, 19/05/2015, 05:05
Mỹ quy chụp Ahmad Muafaq Zaidan - một nhà báo lâu nay là trưởng văn phòng Đài truyền hình Al-Jazeera ở thủ đô Islamabad của Pakistan - là thành viên Al-Qaeda và đưa tên người này vào danh sách những phần tử khủng bố, theo một tài liệu tuyệt mật nêu chi tiết về những nỗ lực phân tích siêu dữ liệu để theo dõi những người đưa tin cho tổ chức khủng bố của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Zaidan, mang quốc tịch Syria, từng thực hiện một số cuộc phỏng vấn công khai nổi tiếng đối với giới lãnh đạo Al-Qaeda, trong đó có trùm khủng bố Osama bin Laden.

Một trang hồ sơ tuyệt mật được tiết lộ tháng 6/2012 cũng có tên Zaidan, là thành viên của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood) và ghi chú ông “làm việc cho Al-Jazeera”. Trong khi đó, Zaidan hoàn toàn phủ nhận mình là thành viên của cả hai tổ chức trên.

Bị "vơ đũa cả nắm"?

Trong một phát biểu thông qua kênh truyền hình Al-Jazeera, Zaidan nhấn mạnh: nghề nghiệp của ông kéo dài qua nhiều năm làm việc tại những nơi nguy hiểm như Afghanistan và Pakistan, đòi hỏi phải phỏng vấn những nhân vật chủ chốt trong khu vực và đây là nhiệm vụ hết sức bình thường của bất cứ nhà báo nào trên thế giới.

Người phát ngôn cho Al-Jazeera - công ty truyền thông quốc tế và sản xuất các chương trình truyền hình vệ tinh được chính quyền Qatar tài trợ và đặt trụ sở tại thủ đô Doha nhân dịp này trưng ra một danh sách dài các nhà báo của công ty bị theo dõi và tố cáo đó là hành vi "vi phạm quyền tự do báo chí".

Nhà báo Zaidan (phải) trong bộ phim tài liệu năm 2011 do ông thực hiện về Osama bin Laden.

Ahmad Muafaq Zaidan phát biểu: "Để cung cấp thông tin cho thế giới, chúng tôi phải được tự do tiếp xúc với những nhân vật xuất hiện trong những bài diễn văn trước công chúng, trò chuyện trực tiếp với họ ngay tại nơi trú ẩn của họ để thu thập thông tin có giá trị. Do đó, bất cứ một dấu hiệu nào về hành vi theo dõi từ một chính quyền nhằm gây trở ngại cho hoạt động của nhà báo đều được coi là vi phạm quyền tự do báo chí và gây tổn hại cho quyền được biết thông tin của công chúng. Việc quy chụp bản thân tôi, hay bất cứ nhà báo nào, là thành viên của một tổ chức khủng bố thì đó là sự bóp méo sự thật một cách trơ trẽn và vi phạm trắng trợn nghề làm báo".

Theo tiết lộ từ "người thổi còi" Edward Snowden, Zaidan là một nạn nhân điển hình của SKYNET của NSA - đó là chương trình phân tích dữ liệu vị trí và giao tiếp (hay còn gọi là "siêu dữ liệu") được thu thập từ một lượng khổng lồ các ghi âm nghe lén điện thoại để dò tìm những đối tượng nghi vấn.

SKYNET khiến người ta liên tưởng tới bộ phim khoa học viễn tưởng Terminator (với sự tham gia của ngôi sao Arnold Schwarzenegger, nguyên Thống đốc bang California) của Hollywood: một hệ thống máy tính quân sự có khả năng tự nhận thức và phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt rồi sau đó giết chết một cách có hệ thống những người sống sót.

Còn phiên bản SKYNET của NSA có chức năng xác định những đối tượng được tin là những người đưa tin của Al-Qaeda.

Trường hợp của nhà báo Zaidan là dẫn chứng cụ thể cho phương pháp nhận dạng các mục tiêu khủng bố căn cứ vào siêu dữ liệu mà chính quyền Mỹ sử dụng. Tuy nhiên, có vẻ như Zaidan bị xác định là thành viên Al-Qaeda trước khi ông rơi vào tầm hoạt động của mạng lưới SKYNET.

Việc Zaidan bị gán cho một con số trong danh sách theo dõi có nghĩa là NSA có hồ sơ tình báo riêng về ông. Thêm vào đó, TIDE là cơ sở dữ liệu nhận dạng khủng bố của Mỹ trong đó chứa trên 1 triệu cái tên bị nghi ngờ dính líu đến khủng bố và được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng tình báo nước này.

Tài liệu mật mô tả chương trình SKYNET được Edward Snowden tiết lộ.

Peter L. Bergen, nhà phân tích an ninh quốc gia Hãng tin CNN và là tác giả cuốn sách "Manhunt: The ten year search for Bin Laden - from 9-11 to Abbottabad" (tạm dịch: "Săn Người: Cuộc truy tìm Bin Laden suốt 10 năm - từ ngày 11/9 đến Abbottabad"), phát biểu: "Tôi biết Zaidan hơn một thập niên và ông là nhà báo hạng nhất. Ông có nhiều mối tiếp xúc mà không nhà báo phương Tây nào có được. Thế nhưng, bất cứ nhà báo nào có trải qua thời gian tiếp xúc với Al-Qaeda đều bị Mỹ quy chụp là phần tử khủng bố".

Bản thân Bergen cũng phỏng vấn Osama bin Laden năm 1997. NSA và Văn phòng Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) từ chối trả lời về những cơ sở nào để đưa tên Zaidan vào danh sách theo dõi khủng bố đồng thời coi ông là thành viên của Al-Qaeda. NSA cũng từ chối trả lời hàng loạt câu hỏi chi tiết về chương trình SKYNET. Rõ ràng là dưới mắt NSA, những di chuyển cũng như những cuộc gọi của Zaidan phản ánh hoạt động của mạng lưới người đưa tin của Al-Qaeda.

Theo một tài liệu khác của NSA cũng trong năm 2012, SKYNET được mô tả là chương trình tìm kiếm những kết nối khủng bố dựa trên những câu hỏi như là "ai di chuyển từ Peshawar đến Faisalabad hay Lahore (và quay trở lại) trong tháng qua?" và các hành vi như là sử dụng "SIM hay điện thoại di động quá nhiều" hay "những chuyến đi vào ban đêm".

Tài liệu tháng 6/2013 cũng cho biết các chuyên gia phân tích của NSA xử lý đến 55 triệu biên bản ghi âm cuộc gọi điện thoại thực hiện từ Pakistan, trong đó Zaidan là mục tiêu "quan trọng nhất" di chuyển thường xuyên giữa thành phố Peshawar và Lahore (thủ phủ tỉnh Punjab, miền Bắc Pakistan).

Ngoài Zaidan, tài liệu năm 2012 cũng bao gồm các cá nhân khác được cho là thành viên Al-Qaeda cũng như một số thành viên của Cơ quan tình báo quân đội ISI của Pakistan. Nhưng đôi khi những mô tả về họ không rõ ràng. Ví dụ, một người đưa tin cho Al-Qaeda được xác định một cách đơn giản là "Phần tử cực đoan Sikh".

Các mục tiêu tấn công của máy bay vũ trang không người lái (drone) cũng thường được xác định một phần dựa vào phân tích siêu dữ liệu và theo dõi những cuộc gọi điện thoại.

Phóng viên Tariq Ayoub bị quân đội Mỹ sát hại tại Baghdad, Iraq.

Tháng 5/2014, cựu Giám đốc NSA Michael Hayden nổi tiếng với câu tuyên bố: "Chúng tôi giết người dựa trên siêu sữ liệu". Siêu dữ liệu cũng đóng vai trò quan trong chiến dịch truy tìm và tiêu diệt Osama bin Laden. Từ lâu, những người do tính chất công việc buộc phải tiếp xúc những phần tử cực đoan và các nhóm mà chính quyền Mỹ coi là khủng bố luôn bày tỏ mối lo ngại tên họ nằm trong danh sách phân tích siêu dữ liệu của NSA.

Jameel Jaffer, Phó giám đốc pháp lý của Tổ chức Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU), cho biết: "Các nhà báo Mỹ nổi tiếng cũng phỏng vấn thành viên các nhóm khủng bố bị đưa vào danh sách đen, bao gồm Al-Qaeda. Tôi thật sự ngạc nhiên nếu như các nhà báo ở Pakistan không làm điều tương tự. Một phần công việc của nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền là nói chuyện với những người mà chính quyền Mỹ không hề muốn họ tiếp xúc".

Mục tiêu Al-Jazeera và nhà báo Zaidan

Về hành vi do thám nhà báo Zaidan, đây không phải lần đầu tiên chính quyền Mỹ liên kết Al-Jazeera hay nhân viên của công ty này. Tháng 11/2001, trong cuộc chiến tranh Afghanistan, quân đội Mỹ đã đánh bom tòa nhà văn phòng của Al-Jazeera ở thủ đô Kabul nước này bởi vì Lầu Năm Góc tuyên bố đó là "cơ sở Al-Qaeda". Nhưng đó mới chỉ là đòn tấn công mở màn.

Sami al-Hajj, nhà quay phim của Al-Jazeera, bị chính quyền Mỹ giam giữ tại trại Guantanamo suốt 6 năm trời trước khi được thả năm 2008 mà không hề bị buộc tội gì cả. Nhà báo này cho biết, ông bị thẩm vấn nhiều lần về Al-Jazeera.

Năm 2003, một nhóm phóng viên kinh tế tài chính của đài này bị cấm bước vào sàn giao dịch thuộc Sở giao dịch chứng khoán New York vì "lý do an ninh". Không bao lâu sau sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq cũng có hành động tương tự với phóng viên của Al-Jazeera!

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Iraq, lực lượng liên quân Mỹ tiếp tục đánh bom tòa nhà văn phòng Al-Jazeera đặt tại thủ đô Baghdad của nước này, giết chết phóng viên Tariq Ayoub. Chính quyền Mỹ lên tiếng biện hộ đó là "không cố ý" mặc dù trước đó Al-Jazeera đã cung cấp cho Lầu Năm Góc tọa độ chính xác của tòa nhà.

Khi lực lượng liên quân Mỹ vây hãm Fallujah và Al-Jazeera nằm trong số vài tổ chức truyền thông đưa tin từ bên trong thành phố này, chính quyền Bush liền lu loa lên rằng Al-Jazeera phát động tuyên truyền và dối trá! Ahmed Mansour, phóng viên Al-Jazeera làm việc ở Fallujah, nhóm nhà báo của ông trở thành mục tiêu của những chiếc xe tăng Mỹ và căn nhà mà họ đang lưu trú cũng bị máy bay đánh bom.

Khôi hài nhất là vụ Dennis Montgomery - chuyên gia máy tính và người sở hữu Công ty eTreppid Technologies - đã lừa được Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) khi tuyên bố ông giải mã được những thông điệp bí mật của Al-Qaeda được phát đi từ Al-Jazeera.

Cú lừa ngoạn mục đã dẫn đến việc chính quyền Tổng thống George W. Bush ra lệnh hủy bỏ hàng chục chuyến bay thương mại xuyên Đại Tây Dương vào tháng 12/2003. Nhưng sau đó thì chẳng có gì xảy ra cả!

Trong những năm gần đây, chính quyền Mỹ có vẻ đã mềm mỏng hơn với Al-Jazeera. Chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng chỉ trích Ai Cập về việc đã bắt giữ 3 nhà báo Al Jazeera vì tội giúp đỡ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.

Vào cao điểm sự kiện Mùa xuân Arập năm 2011, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Hillary Clinton đã có lời tán dương hoạt động đưa tin của Al-Jazeera.

Nhà báo Ahmad Muafaq Zaidan bắt đầu nổi tiếng trên thế giới sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001 do ông tiếp xúc được với giới lãnh đạo cao cấp của Al-Qaeda. Zaidan cũng là tác giả cuốn sách bằng tiếng Arập về Osama bin Laden và trực tiếp phỏng vấn trùm khủng bố khét tiếng nhiều lần.

Nhà báo CNN Peter Bergen đánh giá về Zaidan: "Zaidan đưa tin về đám cưới con trai của BinLaden diễn ra không lâu sau cuộc tấn công tàu USS Cole của Mỹ, và tôi nghĩ rằng đó là thành tích đáng nể của nghề báo". Zaidan cũng nhận được nhiều thông điệp của Bin Laden gửi đến cho người Mỹ được phát trên đài Al-Jazeera.

Năm 2002, Zaidan gặp gỡ một người đàn ông bí ẩn với "gương mặt được che kín một nửa" và người này trao cho nhà báo một cuộn băng cassette ghi âm giọng nói của Bin Laden.

Năm 2004, một cuộn băng ghi âm khác của Bin Laden được bỏ lại ngay trước cổng tòa nhà văn phòng Al-Jazeera. Zaidan nhớ lại: "Người gác cổng mang đến cho tôi cuộn băng cùng với một phong bì khác". Các bộ tài liệu thu giữ được từ khu nhà của Bin Laden trú ẩn tại thành phố Abbottabad của Pakistan sau cái chết của trùm khủng bố (trong đó một phần được tiết lộ trong năm nay) cho thấy các thành viên Al-Qaeda coi Zaidan nhà báo mà họ cảm thấy rất thoải mái để tiếp xúc.

Tháng 12/2011, Zaidan cho công chiếu bộ phim tài liệu trên Al-Jazeera, trong đó kể về những năm tháng của Osama bin Laden ở Pakistan và Afghansitan cùng với những cuộc phỏng vấn được thực hiện với hàng loạt các nhân vật - từ chiến binh Taliban, giới chức chính quyền cho đến nhiều nhà báo khác.

Trong những năm gần đây, Zaidan tiếp tục giữ vị trí Trưởng văn phòng Al-Jazeera ở Islamabad (Pakistan) và liên tục đưa tin về xung đột vũ trang ở Syria và Yemen. Al-Jazeera tuyên bố: "Các nhà báo như chúng tôi tiếp tục trở thành mục tiêu theo dõi và bị bêu xấu bởi các chính quyền" cho dù "Al-Jazeera không là kênh truyền hình đầu tiên tiếp xúc với các nhân vật gây tranh cãi như là Osama bin Laden và những người khác - mà chính những mạng truyền thông nổi tiếng của phương Tây nằm trong số những cơ quan làm điều đó đầu tiên".

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.