Nền chính trị Mỹ ám mùi thuốc súng
- Nhiều đề nghị Giám đốc FBI nên từ chức sau vụ xả súng ở Florida
- Chân dung nghi phạm xả súng sát hại 17 người ở trường học Mỹ
- Những vụ xả súng đẫm máu nhất nước Mỹ suốt thập kỷ qua
Bạo lực súng ống đã trở thành hiện tượng xảy ra khá thường xuyên tại các trường học và các trường đại học trên khắp nước Mỹ trong những năm qua. Đây là vụ nổ súng thứ 18 tại các trường học ở Mỹ chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay.
Cứ sau mỗi “đại tang” như vậy, nền chính trị Mỹ lại sôi sục lên đòi kiểm soát súng nhưng cuộc đối đầu giữa các chính trị gia và những kẻ bán súng mà đại diện là Hiệp hội Súng quốc gia (NRA, National Rifle Association) chưa bao giờ có phần thắng nghiêng về những người phản đối súng đạn. Liệu lần này nền chính trị Mỹ dưới sức ép của dư luận có ngăn chặn được những vụ thảm sát tương tự xảy ra trong tương lai?
Ngần ngại chống lại NRA
Hung thủ trong vụ xả súng ngày 14-2-2018 là Nikolas Cruz, 19 tuổi, từng bị chính ngôi trường y đến xả súng đuổi học vì các vấn đề kỷ luật. Khi bị bắt, Cruz đang mặc chiếc áo in logo Chương trình Huấn luyện thiếu sinh quân (JROTC), chương trình hàng triệu USD do quỹ của Hiệp hội NRA tài trợ.
Phụ huynh học sinh khi biết tin về con cái họ trong vụ nổ súng tại trường Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, bang Florida, ngày 14-2-2018. |
NRA là tổ chức vận động chính trị mạnh nhất nước Mỹ. Họ có mục đích rõ rệt là chống các dự luật kiểm soát súng và tìm cách giúp cho nhiều người Mỹ được mua nhiều thứ súng có khả năng giết được nhiều người hơn. Hơn 50 triệu người Mỹ có súng. Số súng nhiều hơn số người dân, hơn 300 triệu. Mỗi lần có một vụ thảm sát, nhiều người hoảng hốt lo đi mua súng.
Hậu quả chính trị tại Mỹ sau mỗi lần giết người hàng loạt bằng súng trong những năm gần đây hầu như đều có kịch bản giống nhau. Các vị tổng thống đưa ra những tuyên bố nói lên sự xót thương và giận dữ của họ cùng cam kết sẽ làm sao để những người thay thế họ sẽ không phải trông thấy cảnh tượng này nữa. Nhưng sau đó thì hầu như không có một thay đổi đáng kể nào xảy ra.
Tổng thống Donald Trump hôm 15-2-2018 thể hiện một thái độ nghiêm trang sau vụ nổ súng kinh hoàng ở bang Florida, mô tả một "cảnh tượng bạo lực khủng khiếp, hận thù và tàn ác" và hứa hẹn "giải quyết vấn đề khó khăn là sức khỏe tâm thần", nhưng không nhắc gì đến súng ống.
Trong thời Tổng thống Barack Obama, người ta có thể thấy ông tổng thống đưa ra những lời thật là hay ho, hùng biện để nói lên nỗi lòng đau đớn của một đất nước sau mỗi vụ tàn sát, nhưng sau đó lại bất lực trong việc đạt đến một thay đổi nào để ngăn chặn chuyện đó tái diễn.
Một lý do chính của sự thất bại tại Washington trong việc kiểm soát súng là NRA. Tổ chức vận động cho súng lớn nhất nước Mỹ này thành công trong việc ngăn chặn những cố gắng tại Quốc hội Mỹ nhằm giới hạn việc mua bán súng đủ loại qua sức mạnh tài chính và chính trị của nó.
Được thành lập vào năm 1871 để khuyến khích việc bắn súng như là một trò tiêu khiển, đến thập niên 1970, tổ chức đã thiết lập đuợc một ảnh hưởng chính trị và trở thành người cổ vũ chính cho việc giải thích tu chính án thứ hai của Hiến pháp là quyền sở hữu và sử dụng súng vô giới hạn. Tổ chức hiện nay nhận là họ có 5 triệu hội viên, khiến cho nó có một ảnh hưởng đáng sợ trong vấn đề kiểm soát súng. Eugene Volokh, một chuyên gia về luật kiểm soát súng của Trường Đại học California, cho biết: “Có rất nhiều cử tri (hội viên NRA hoặc không) mà có những ý kiến rất mạnh về quyền sở hữu súng”.
Hậu quả là các nhà chính trị, đặc biệt là từ những tiểu bang hoặc hạt bầu cử mà nhiều người ủng hộ quyền súng đã ngần ngại trong việc đi ngược lại ý của NRA vì họ e ngại rằng cử tri sẽ bỏ phiếu chống lại họ. Thêm vào đó, NRA là một trong những ủng hộ viên tài chính lớn nhất cho các nhà chính trị ủng hộ quyền súng tại Mỹ. Qua lệ phí hội viên, đóng góp và quảng cáo, NRA thu nhập lên đến 433 triệu USD năm 2016 và dùng một phần đáng kể thu nhập này vào việc ủng hộ cho các nhà chính trị thân mình cũng như chống lại những người chống lại mình.
Mỗi mùa tranh cử, NRA dồn tài nguyên đánh bại những người muốn làm hạn chế quyền mua súng và mang súng và cổ động cho các ứng cử viên bảo vệ súng. Những dự luật kiểm soát việc mua súng sẽ bị họ vận động bóp chết khi còn phôi thai. Năm 2013, sau vụ thảm sát ở Sandy Hook, Nghị sĩ Pat Toomey (Cộng hòa) và Joe Manchin (Dân chủ) đưa ra một dự luật tăng cường việc kiểm soát người mua súng. Dự luật không bao giờ được đem ra thảo luận.
Hậu quả là trong gần hai thập niên kể từ vụ thảm sát năm 1999 tại Trường Trung học Columbine, hiện nay người ta còn có thể mua các loại súng bán tự động dễ dàng hơn sau khi một đạo luật cấm bán các loại vũ khí này bị để cho hết hạn dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Hy vọng nhận thức về súng sẽ thay đổi
7 ngày sau vụ xả súng tại Trường Trung học Marjory Stoneman Douglas, ngày 21-2-2018, quốc hội tiểu bang Florida từ chối luật kiểm soát vũ khí chặt chẽ hơn với số phiếu 71/36. Đây là dự luật cấm các vũ khí bán tự động kiểu AR-15, hoặc lớn hơn.
Rõ ràng là do NRA vận động! Hội súng NRA mạnh vì nhiều người Mỹ thích tự do mua súng và chứa súng trong nhà. Sức mạnh đó gia tăng vì họ giỏi tổ chức, vận động. Cho nên, mỗi lần có một vụ thảm sát dư luận dân Mỹ ồn lên đòi kiểm soát việc mua súng gắt gao hơn, sau một thời gian nguôi dần dần, đâu lại vào đó. Nhưng liệu Hội súng NRA có thể thao túng chính trường nước Mỹ mãi mãi hay không?
Người đến đăng ký tại quầy của Hiệp hội Súng Quốc gia (NRA) tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở National Harbor, bang Maryland, ngày 23-2-2018. |
Chắc là không. Sẽ có ngày NRA phải lùi bước. Trận đấu giữa hội NRA và những người muốn kiểm soát việc mua súng sẽ còn kéo dài. Nhưng cuối cùng dư luận đòi hỏi kiểm soát súng chặt chẽ hơn sẽ càng ngày càng mạnh. Khi đó cục diện sẽ thay đổi. Trong đời sống chính trị ở Mỹ, đã có những thế lực mạnh hơn hội NRA, từng gây ảnh hưởng trên chính trị trong thời gian lâu dài hơn NRA; nhưng cuối cùng vẫn chịu thua, và có khi tan biến mất.
Một thí dụ trước mắt là các hãng làm thuốc lá. Nước Mỹ bây giờ đầy những súng, thì nửa thế kỷ trước đây cũng đầy khói thuốc. Nửa thế kỷ trước, nhiều người Mỹ đã lên tiếng tố cáo tác hại của việc hút thuốc lá, nhưng vô ích. Các hãng thuốc tiêu hàng triệu, hàng tỷ USD đăng quảng cáo, có thể ảnh hưởng trên giới truyền thông.
Họ thuê đăng những bài bác bỏ rằng chất nicotine không gây nghiện. Họ mở những “viện nghiên cứu” để gieo mối nghi ngờ các bằng chứng người hút thuốc dễ bị ung thư. Tất nhiên, họ góp tiền cho các ứng cử viên không chống thuốc lá, và chống những người muốn tăng thuế và kiểm soát gắt gao việc hút thuốc. Thế lực của “Big Tobacco” coi như vô địch!
Năm 1964, Bộ Y Tế Mỹ chính thức công bố kết luận hút thuốc lá gây ung thư phổi. Luật lệ dần dần bắt phải in lời đe dọa đó trên các bao thuốc. Nhiều công dân Mỹ kiện các hãng thuốc lá ra tòa. Rồi đến Chính phủ Mỹ cũng đứng ra kiện. Thuế thuốc lá tăng dần dần, ngày càng cao. Năm 1994, lãnh đạo những công ty thuốc lá bị triệu đến trước Quốc hội, trong cuộc điều trần về tác hại của thuốc lá.
Ngày 26-11-2017, các hãng thuốc lá lớn ở Mỹ phải bỏ tiền đăng quảng cáo trên báo và đài tivi để tự… chửi mình! Tòa án đã phán quyết họ phải làm việc đó, sau khi thua kiện Chính phủ Mỹ, một vụ kiện khởi đầu từ thời Tổng thống Clinton, gần 20 năm trước đây! Các hãng thuốc phải xưng tên trong bài quảng cáo nói rằng: “Các công ty Altria, R.J. Reynolds Tobacco, Lorillard, và Philip Morris đã cố ý chế thuốc để làm cho người hút dễ bị nghiền hơn!”.
Một bài quảng cáo khác nói: “Số người chết vì thuốc lá mỗi năm cao hơn số người chết vì án mạng, bệnh AIDS, tự tử, ma túy, tai nạn xe cộ và nghiện rượu cộng lại!”. Công ty Altria, chủ nhân nhãn hiệu Marlboro và Philip Morris phải chi 31 triệu USD đăng những quảng cáo này, trên báo trên đài, trên cả các bao thuốc lá!
Học sinh trung học biểu tình nằm trước Nhà Trắng ngày 19-2-2018. |
“Big Tobacco” sau một thời kỳ làm mưa làm gió, giờ đã chịu thua. Vì dư luận dân chúng Mỹ đã thay đổi. Ngày xưa, người ta thấy hút thuốc lá là “bảnh”. Vì các hãng thuốc đã trả tiền cho các cuốn phim có hình các tài tử lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc. Những người chống thuốc lá đã đánh mặt trận tâm lý chiến, tấn công vào thành trì này. Họ đã thành công, làm cho người Mỹ bây giờ chỉ thấy sợ thuốc lá; những người hút thuốc lá bị nhìn bằng con mắt thiếu thiện cảm! Năm 1964 có 42% người Mỹ trưởng thành hút thuốc, nay chỉ còn 18%.
Đến bao giờ thì quan niệm của người dân Mỹ về súng cũng thay đổi như đối với thuốc lá? Bao giờ thì một người dân thường mang súng ra đường sẽ bị người khác nhìn như thể ông ta đang “hút thuốc lá?” Ý kiến của người dân Mỹ về súng sẽ biến chuyển, cũng như về rượu và thuốc lá. Nhưng bây giờ thì NRA phải đối phó với một đối thủ mà họ chưa từng phải đối phó trước đó: các thanh thiếu niên sống sót trong vụ thảm sát.
Ngay sau khi xảy ra vụ tàn sát tại Trường Trung học Marjory Stoneman Douglas, các học sinh sống sót tại trường này đã biến thành một sức mạnh đáng kể ủng hộ cho việc giới hạn sở hữu súng. Qua sự khéo léo khai thác các phương tiện truyền thông xã hội trên mạng, các học sinh này đã giữ cho vấn đề kiểm soát súng tiếp tục ở trên đỉnh nghị trình chính trị trong suốt hai tuần sau đó, đồng thời mau chóng làm thay đổi các điều kiện trong cuộc tranh cãi lâu dài về súng này.
Trong khi đó phản ứng của NRA và những người ủng hộ họ có vẻ bối rối. Tuy rằng tuyên bố đổ trách nhiệm cho vụ tàn sát này là một tiến trình điều tra lý lịch khiếm khuyết dẫn tới việc thủ phạm được phép mua súng, nhưng NRA vẫn cương quyết chống lại mọi thay đổi trong luật lệ mua và bán súng.
Trước sự chống đối đó của NRA các học sinh đã bắt đầu ngắm thẳng đến tổ chức này bằng cách động viên tổ chức một cuộc tẩy chay các công ty tài trợ cho tổ chức.
Bước đầu, các học sinh đã tổ chức một chiến dịch trên Twitter sử dụng hashtag BoycottNRA kêu gọi các công ty quảng cáo với NRA hãy cắt quan hệ với tổ chức này. Hậu quả là một số công ty đã công khai cắt quan hệ với NRA. Và họ cũng đã phản ứng một cách bình tĩnh trước sự lên án của người chống lại họ mà tố cáo đi từ việc chính trị hóa một vụ bắn người cho đến có thái độ bất kính đối với tu chính án thứ hai của Hiến pháp. Thay vì né tránh hoặc giữ im lặng, các học sinh đã dùng các phương tiện truyền thông xã hội để phản bác lại những người chỉ trích họ.
Giới showbiz của Mỹ cũng đã lên tiếng. Diễn viên George Clooney và vợ ông Amal đóng góp 0.5 triệu USD cho các cuộc biểu tình chống lại bạo lực vũ khí và nói là sẽ tham dự cuộc biểu tình vào ngày 24-3. Cả người dẫn chương trình Oprah Winfrey tuyên bố, sẽ đóng góp 500.000 USD cho phong trào. Winfrey viết trên Twitter, nỗ lực của các học sinh làm bà nhớ tới những người hoạt động vì quyền Công dân trong thập niên 1960, và bà còn nói "chúng tôi chán ngấy rồi, tiếng nói của chúng tôi sẽ được nghe thấy".
Dù gì NRA vẫn là một sức mạnh to lớn trong chính trị Mỹ. Nhưng các học sinh Marjory Stoneman Douglas đã mang lại cho người ta những hy vọng mới vì khác với những nạn nhân của các vụ tàn sát khác, các môi trường truyền thông xã hội trên mạng đã cho họ một diễn đàn to lớn để trình bày quan điểm của họ cho toàn dân trong nước.
Với những vụ thảm sát vô nghĩa lý như ở Marjory Stoneman Douglas vừa rồi, dư luận đòi kiểm soát súng sẽ tăng cường độ, những tổ chức chống lại hội NRA sẽ được nhiều người ủng hộ gây ảnh hưởng trên chính trường. Sẽ có ngày NRA sẽ phải theo số phận của những thế lực chính trị mạnh thời xưa Big Tobacco!