Ngài Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ và thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên

Thứ Ba, 05/06/2018, 09:18
Trong lá thư thông báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh gửi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đề ngày 24-5-2018, Tổng thống Mỹ nêu ra “sự thù nghịch” của Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây.

Ông Donald Trump đe dọa: “Ông nói về năng lực nguyên tử của ông, nhưng năng lực của chúng tôi mãnh liệt đến nỗi tôi phải cầu nguyện Thượng Đế để không bao giờ phải sử dụng đến”. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng để ngỏ cánh cửa, với một công thức hiếm thấy trong việc trao đổi thư từ giữa hai nguyên thủ: “Nếu ông đổi ý (…), xin đừng ngần ngại gọi điện hay viết thư cho tôi”.

Ông Bolton và mô hình Libya

Theo các nhà quan sát, quyết định hủy bỏ của ông Trump không nằm ngoài dự đoán. Báo Libération của Pháp cho rằng đây là “tác phẩm” mới nhất của “đại diều hâu” John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia, sau vụ Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Được bổ nhiệm từ đầu tháng 4-2018, ông Bolton không ngừng đả kích Bình Nhưỡng, và luôn tỏ ra nghi hoặc về các nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên. Ông coi viễn cảnh thượng đỉnh Trump-Kim chỉ là “một cách để rút ngắn thời gian đã mất trong thương lượng”, và nhiều lần tuyên bố ủng hộ việc tiên hạ thủ vi cường với Triều Tiên.

Ông John Bolton.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn cuối tháng 4-2018, ông John Bolton đã gây sốc khi nêu ra “mô hình Libya” trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố này được Bình Nhưỡng coi là một sự khiêu khích, vì vẫn không quên số phận thê thảm của lãnh đạo Kadhafi, cũng như tư duy của vị cố vấn này về việc “thay đổi chế độ” ở Iran, Iraq, Triều Tiên. Sau khi ông Trump lên tiếng trấn an, vấn đề như tạm lắng...

Cho đến nay, khái niệm về “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên” vẫn còn rất mù mờ. Với Bình Nhưỡng, “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” có nghĩa là “đóng lại chiếc ô hạt nhân” của Mỹ ở Hàn Quốc, và mở rộng ra hơn nữa là xóa bỏ hệ thống liên minh quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á. Đây là một kế hoạch dài hạn và có liên quan đến tất cả các cường quốc, mà Triều Tiên là một bên liên quan.

Về phía Mỹ, chính quyền Donald Trump lại hiểu – hoặc muốn hiểu là lãnh đạo Kim Jong-un sẵn sàng gỡ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân. Khi trả lời phỏng vấn truyền hình vào cuối tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ nói chung chung, sơ lược quan điểm đàm phán của Mỹ. Theo đó, mục đích của thượng đỉnh là tìm cách ngăn chặn Bình Nhưỡng đe dọa lãnh thổ Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, và trong một chừng mực nào đó, có thể cho phép Triều Tiên giữ lại một số đầu đạn hạt nhân với điều kiện nước này ngưng chương trình tên lửa đạn đạo.

Thế nhưng dường như quan điểm này không được ông Bolton chia sẻ. Cũng trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, ông Bolton hùng hồn tuyên bố Bình Nhưỡng phải chuyển tất cả vũ khí nguyên tử sang một nước thứ ba và đưa các nguyên liệu phân hạch sang Mỹ! Tờ báo The Guardian của Anh lưu ý là thái độ “diều hâu” này của ông John Bolton đối với Triều Tiên cũng không phải điều mới mẻ. Bình Nhưỡng không bao giờ quên rằng chính ông là người đã thuyết phục Tổng thống Mỹ George W. Bush từ bỏ Thỏa thuận khung về hạt nhân 1994.

Bản thân ông John Bolton cũng từng lấy làm tự hào vì đã thành công trong việc gạt bỏ các nỗ lực của Bộ Ngoại giao Mỹ lúc đó tìm cách duy trì bằng mọi giá đàm phán với Bình Nhưỡng. Ông nhạo báng các nhà ngoại giao thời ấy là những kẻ “quỵ lụy”. Chính vì thế, Bình Nhưỡng kiên quyết gạt nhân vật này ra khỏi mọi cuộc đàm phán song phương.

Dư luận quan tâm tới kết quả cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tới đây.

Khi ông Bolton được bổ nhiệm từ đầu tháng 4-2018. Ông John Bellinger, nguyên thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và làm việc tại Bộ Ngoại giao nhận xét: “Bolton luôn luôn là người khiêu khích. Nhưng người ta có thể nghĩ rằng một số hành động mà ông ta chủ trương khi chưa ở trong chính phủ, có thể sẽ khác so với hiện nay, khi ông ta phải chịu trách nhiệm về các hậu quả”.

Christopher Hill, một nhà ngoại giao lão luyện trong các cuộc thương lượng với Triều Tiên, nói với tạp chí The Atlantic rằng: “Bolton đã được bổ nhiệm ở vị trí rất cao vì trước đây, ông ta chưa bao giờ có được chức trách ở tầm cỡ này. Trước đây, ông ta luôn dao động tự do, bông đùa nhưng không hề quả quyết. Giờ đây tất cả đã thay đổi”.

Không phải là tình cờ mà Steve Bannon, đã khuyến nghị tuyển dụng ông Bolton ngay khi lập chính phủ. Tổng thống Donald Trump không muốn vì lo ngại ông ta sẽ không được Thượng viện chấp nhận. Thế nhưng chức cố vấn an ninh quốc gia lại không cần có sự chấp thuận của Thượng viện. Donald Trump dường như bị thuyết phục qua nhiều lần ông Bolton xuất hiện trên kênh truyền hình Fox News bảo thủ và không bao giờ kiệm lời ca ngợi tổng thống.

Những câu chuyện cũ

John Bolton, con trai một lính cứu hỏa ở Baltimore, lại có nguồn gốc xuất thân khiêm tốn. Tốt nghiệp đại học Yale, được đào tạo thành luật sư, ông chủ yếu làm việc trong chính quyền liên bang và phục vụ tất cả các đời tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, từ thời Tổng thống Reagan – hoặc trong các nhóm tư vấn bảo thủ, nơi được coi như là phòng chờ, trong thời gian đảng Dân chủ cầm quyền.

Ông John Bolton bắt tay cựu tổng thống George Bush tại phòng bầu dục năm 2006.

Trong tư cách là thứ trưởng ngoại giao dưới thời Tổng thống George W.Bush, ông đã rút Mỹ ra khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế và đã thành công trong việc đưa ra chương trình Sáng kiến An ninh Chống phổ biến Hạt nhân (PSI). Với tư cách là quyền đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), chỉ trong vòng 17 tháng vì chưa có sự phê chuẩn của Thượng viện, ông đã thể hiện rõ quan điểm coi thường của mình về LHQ.

Quá tự tin về sự nổi tiếng của mình, John Bolton, trong một giai đoạn ngắn, dự tính lao vào cuộc tranh cử tổng thống năm 2016. Để làm việc này, ông đứng tên, lập ra hai ủy ban hành động chính trị (PAC), và từ năm 2013, đã huy động được 15 triệu USD. Thế nhưng, sau đó, ông đành bỏ lửng hai ủy ban này cũng như Quỹ An ninh và Tự do của nước Mỹ.

Nhà hảo tâm chủ chốt của John Bolton là tỷ phú Robert Mercer, cũng là nhà tài trợ của Bannon, cổ đông của công ty tư vấn và truyền thông Breibart News và công ty Cambridge Analytica. John Bolton là một trong những khách hàng đầu tiên tại Mỹ của Cambridge Analytica, và công ty này bị cáo buộc thao túng dữ liệu của 87 triệu tài khoản người dùng Facebook.

Hai lần kết hôn, có một cô con gái cũng theo học ở Yale như cha, John Bolton giữ kín đời tư trong bóng tối. Theo các tài liệu của vụ ly dị năm 1983, người vợ đầu tiên của ông đã tranh thủ một trong những lần ông vắng mặt, để bỏ gia đình và mang theo đồ đạc.

Các nhà bình luận chính trị đã ngạc nhiên khi thấy vị tổng thống Trump với tư duy đơn phương hành động đôi khi bị coi là chủ trương biệt lập, lại tuyển dụng một nhân vật chủ trương can thiệp thuộc phe tân bảo thủ. Là người thân cận với cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, John Bolton đã thúc đẩy cuộc xâm chiếm Iraq và cho đến nay, ông không bao giờ giấu giếm điều này, trong khi đó, Trump lại coi đó là “một quyết định tai hại”.

Đài truyền hình Fox News phong danh hiệu cho ông là “người có lập trường kiên quyết triệt để trong vấn đề Triều Tiên”.

Trong một bài viết trên báo Wall Street Journal, John Bolton cho rằng “Mỹ hoàn toàn chính đáng đáp lại sự thách thức về hạt nhân của Triều Tiên bằng cách tấn công trước tiên”. Sau khi tuyên bố rằng “nói chuyện với Kim Jong Un còn tồi tệ hơn là mất thời gian”, ông lại vui mừng hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh mà Tổng thống Donald Trump đã chấp nhận, bởi vì điều này “sẽ ngăn cản Kim Jong Un tìm cách kéo dài thời gian”. Năm 2003, chính quyền Bush đã rút John Bolton ra khỏi nhóm đàm phán sau khi ông thóa mạ ông Kim Jong - il.

Các nhà lãnh đạo Iran cũng coi John Bolton là người tìm cách phá hỏng hiệp định hạt nhân. Hồi tháng 1-2018, ông nhắc lại lời tố cáo thỏa thuận hạt nhân, coi đó là một “bước đi sai lầm chiến lược quan trọng” và chủ trương là Mỹ “kết liễu Cách mạng Hồi giáo trước ngày kỷ niệm 40 năm” cuộc cách mạng này vào tháng 2-2018.

Năm 2015, ông đã tư vấn như sau: “Để ngăn chặn Iran làm bom nguyên tử, thì chúng ta hãy ném bom Iran”. Theo khuyến nghị của John Bolton, Tổng thống Donald Trump đã làm theo “bản năng” của mình và rút Mỹ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran.

Trong nhãn quan của Bolton, thế giới chia làm hai phe, chư hầu và đối thủ. Năm 1994, ông nói: “LHQ không tồn tại. Chỉ có cộng đồng quốc tế tồn tại và có thể ngẫu nhiên do một cường quốc thực sự duy nhất trên thế giới lãnh đạo, nếu như điều này phục vụ lợi ích của chúng ta”.

Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, ngờ vực các quy tắc và định chế quốc tế, ưa thích các thỏa thuận song phương và các liên minh tự nguyện, tất cả những yếu tố này hoàn toàn phù hợp với tổng thống Mỹ.

Cũng giống như ông Trump, “tư tưởng thực dụng” của John Bolton gây chia rẽ. Tờ New Yorker tặng ông danh hiệu “nhà ngoại giao Mỹ cay độc nhất thế kỷ 21”. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy thảng thốt: “Trời ạ. Người đầu tiên vào phòng Bầu Dục và cũng là người cuối cùng ra khỏi nơi đó, lại tin tưởng một cách cuồng nhiệt vào các cuộc chiến tranh trừng phạt phòng ngừa”.

Mặc dù đánh giá John Bolton là “thông minh, có học, có nguyên tắc và kinh nghiệm”, bình luận gia bảo thủ George Will cho rằng chức vụ mới của John Bolton làm cho ông ta trở thành người Mỹ thứ hai thuộc loại “nguy hiểm nhất”, sau Tổng thống Donald Trump.

Khi lá thư thông báo hủy thượng đỉnh gửi Bình Nhưỡng còn chưa ráo mực, từ Nhà Trắng, ông Donald Trump lại ra thông báo Mỹ đã “có những cuộc thảo luận hiệu quả” về việc nối lại hội nghị. Ông Trump ngụ ý rằng có thể cứu vãn cuộc họp này sau khi hoan nghênh thiện chí hòa giải từ Triều Tiên khi Bình Nhưỡng nói rằng vẫn mở ngỏ cho các cuộc đàm phán.

“Lời lẽ họ đưa ra rất tử tế. Chúng ta sẽ chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra, thậm chí có thể giữ đúng ngày 12-6”, ông Trump nói tại Nhà Trắng ngày 25-5. “Chúng tôi đang thảo luận với họ. Họ rất muốn họp. Chúng tôi muốn họp”, Tổng thống Trump nhấn mạnh.

Thực tế là sau thông báo hủy họp thượng đỉnh ngày 24-5 của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan thông báo Bình Nhưỡng mở ngỏ giải quyết các vấn đề với Mỹ bất cứ lúc nào và cho dù có thế nào đi chăng nữa. “Chúng tôi trân trọng các nỗ lực của Tổng thống Trump, chưa từng có trước nay bởi bất kỳ vị Tổng thống nào, muốn tạo nên một thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử”, thông tấn xã Triều Tiên (KCNA) dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này ngày 25-5.

“Chúng tôi một lần nữa muốn nói với Hoa Kỳ rằng chúng tôi mở ngỏ giải quyết các vấn đề bất kỳ lúc nào, bất cứ cách nào”, ông Kim Kye Gwan tuyên bố.

Hiện tại Nhà Trắng nói rằng đã sẵn sàng cho cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra vào ngày 12-6. Tuy nhiên, còn rất nhiều nguy cơ gây đổ vỡ cho hội nghị này, trong đó đáng kể nhất là những thành phần bảo thủ trong chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện nay.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.