Nghề "vận động hành lang ở Mỹ" không bao giờ sợ... phá sản

Thứ Sáu, 13/06/2014, 14:50

Có thể nói, Mỹ là nơi hoạt động vận động hành lang (lobby) diễn ra sôi nổi nhất thế giới. Nghệ thuật lobby ở đất nước này được hiểu là sự vận động các nghị sĩ trong lưỡng viện - Thượng viện và Hạ viện, để họ đưa ra hay ủng hộ các đạo luật, các nghị quyết hay các quyết định mang tính chính sách có lợi cho các "nhóm lợi ích" khác nhau. Từ đây, nảy sinh một hiện tượng: các quý tử "con ông cháu cha" dính dáng các cuộc vận động hậu trường nhằm "tư vấn" cho giới doanh nghiệp. Họ nhận tiền từ giới doanh nhân để cha mẹ mình, vốn là thành viên Quốc hội hoặc nắm vị trí quan trọng ở bộ máy chính quyền, thông qua một đạo luật có lợi cho phía đối tác.

Quý tử xuất chiêu

Cách đây vài năm, khi muốn Quốc hội tạo điều kiện cạnh tranh trong thị trường Internet tốc độ cao, các công ty điện thoại đã gõ cửa nhiều nơi, trong đó có John Breaux Jr. và Chester T. "Chet" Lott Jr. Hai nhân vật này không phải xa lạ: John Breaux Jr. là con của nguyên Thượng nghị sĩ John B. Breaux và Chester T. "Chet" Lott Jr. là con của nguyên thủ lĩnh phe đa số Thượng viện Trent Lott. Hai nghị sĩ này đều thuộc Ủy ban Thương mại và có tiếng nói trong Tiểu ban Truyền thông. Được biết trong đợt vận động trên, Breaux Jr. bỏ túi hơn 280.000 USD và "Lott-con" thu vào 160.000 USD.

Trong tất cả gia đình thành viên Quốc hội Mỹ tham gia làng lobby, gia đình Thượng nghị sĩ Harry Reid (đảng Dân chủ, đại diện bang Nevada) được xem là gia đình điển hình. Cách đây hơn một chục năm, Harry Reid tung ra đạo luật bảo tồn đất công và tài nguyên hạt Clark năm 2002. Tên của đạo luật cho thấy, Harry Reid dường như quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường, nhưng thực tế đạo luật đem lại nhiều mối lợi cho giới bất động sản, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội địa phương.

Đằng sau đạo luật Harry Reid là chiến dịch lobby từ công ty luật thuộc điều hành của Steven Barringer (con rể Harry Reid). Chính quyền địa phương tại 3 trong số những thành phố lớn nhất bang Nevada - Las Vegas, North Las Vegas và Henderson - đều "mua" tư vấn từ các con của Harry Reid.

Trong 4 năm, "Tập đoàn Reid" đã thu hơn 2 triệu USD phí vận động hành lang. Họ gồm 4 con trai của Harry Reid - Rory, Leif, Josh và Key - tất cả đều làm cho Công ty luật Lionel Sawyer & Collins (lớn nhất bang Nevada). Cô con gái Lana của Harry Reid (vợ Steven Barringer nói ở trên) cũng là luật sư, chuyên gia lobby và có cổ phần trong Công ty lobby McClure, Gerard & Neuenschwander (đóng trụ sở tại Washington D.C).

Trong 24 năm làm việc tại Thượng viện, Harry Reid giúp rất nhiều cho bang Nevada, bất chấp ảnh hưởng xã hội như thế nào. Cờ bạc - ngành công nghiệp số 1 của Nevada - được hỗ trợ đáng kể từ chính Harry Reid và gia đình ông. Hiệp hội cờ bạc Mỹ là một trong những khách hàng quen thuộc của Steven Barringer.

Tất nhiên không nghị sĩ nào thừa nhận quyền lợi cử tri Mỹ bị thao túng bởi các quý tử nhưng thực tế có khi khác. Tại bang Louisiana, nơi có nhà máy lọc dầu Orion Refining Corp đóng góp đáng kể cho nền kinh tế địa phương, cư dân hiểu rằng nếu doanh nghiệp dầu biến mất thì kinh tế địa phương sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, họ cũng nhận thấy công nghiệp dầu gây tác động môi trường đáng kể.

Khi các quả cam trong vùng xám xịt và chuyển sang nám đen, tổ chức xã hội Concerned Citizens cử đại diện lên Washington D.C gặp John B. Breaux. Lúc đó, Thượng nghị sĩ Breaux "bận việc" và phái đoàn Concerned Citizens phải làm việc với nhóm tùy viên của Breaux.

Cuối cùng, kiến nghị từ Concerned Citizens về biện pháp bồi thường ảnh hưởng môi trường đối với Orion Refining Corp đã không được xét duyệt. Một cách "ngẫu nhiên", con của nghị sĩ John B. Breaux lại có tên trong bảng lương lobby của Orion Refining Corp. Tờ Los Angeles Times cho biết, John Breaux Jr. đã nhận gần 1 triệu USD phí tư vấn trong hơn 2 năm tham gia làng lobby.

Một đoạn Phố K - nơi đặt trụ sở của các công ty lobby hàng đầu nước Mỹ.

Trong lĩnh vực dược phẩm, một trong những quý tử nổi tiếng làng lobby là Scott Hatch - con của Orrin G. Hatch (đương kim Thượng nghị sĩ bang Utah), người đóng vai trò quan trọng trong việc soạn một dự luật 1994 cho phép một số sản phẩm là thuốc bổ được tung ra thị trường không cần kiểm nghiệm khoa học về độ an toàn cũng như tính hiệu quả. Hơn một thập niên qua, ngành dược đã chi gần 2 triệu USD cho công ty lobby của Scott Hatch.

Cần phải nhắc tới quý tử Ben Stevens - nhờ vị trí rất mạnh của cha là nghị sĩ Ted Stevens - nguyên Chủ tịch Ủy ban Ngân quỹ Chính phủ thuộc Thượng viện, quản lý cả tiểu ban quốc phòng; từng ngồi ghế thượng nghị sĩ suốt từ năm 1968 đến 2009 - nên kiếm chác càng bộn hơn. Cơ hội tốt đã đến với Ben Stevens vào tháng 4-2003 khi Tổng thống George W. Bush xin Quốc hội 79 tỉ USD cho quỹ khẩn cấp thời chiến.

Ủy ban Ngân quỹ Chính phủ là một trong những ủy ban quyền lực nhất Quốc hội Mỹ, có sức ảnh hưởng nhiều ngành, từ công nghiệp đến nông nghiệp và chi phối ngân sách liên bang, bởi Ben Stevens làm lobby cho ngành ngư nghiệp, Thượng nghị sĩ Ted Stevens đã đưa vào ngân sách liên bang (năm tài khóa 2003) vài điều khoản mang nội dung hỗ trợ 45 triệu USD cho ngư nghiệp Alaska và tiếp đó còn yêu cầu quân đội Mỹ chỉ được dùng cá Mỹ (hơn là cá nhập từ bất kỳ quốc gia nào).

Trong vụ "cá Mỹ", Ben Stevens nhận được 378.754 USD phí tư vấn. Một trong những khách hàng sộp nữa của Ben Stevens là Công ty xây dựng VECO chuyên phục vụ công nghiệp dầu (từng trúng hợp đồng 70 triệu USD trong dự án xây tuyến ống dẫn cho Pakistan).

Từ đồi Capitol đến phố K

Ngay tại thủ đô Washington D.C, tọa lạc một con phố mang tên Phố K (K-Street), nơi đặt văn phòng của hàng loạt công ty lobby tầm cỡ quốc tế. Nói đến K-Street, người ta nghĩ đến ngành công nghiệp lobby của Mỹ. Chính vì lợi nhuận khá béo bở của ngành công nghiệp này, ngày càng nhiều nhân vật uy tín, mà đa phần là các cựu quan chức trong chính quyền, chuyển sang nghề lobby.

Theo một báo cáo mang tựa đề "Con đường từ Thượng viện đến Phố K" của Tổ chức Public Citizen (một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập để đại diện cho lợi ích của khách hàng tại Quốc hội Mỹ), từ năm 1998 tới nay, có tới gần 50% thành viên Quốc hội Mỹ sau khi rời khỏi chính trường đã đăng ký làm nghề vận động hành lang.

Từ đầu những năm 1990, khi mức lương cho các nhà vận động hành lang tăng cao, nhu cầu cần nhà vận động hành lang cũng tăng và có sự chuyển đổi mạnh mẽ tại Quốc hội, thái độ của các nghị sĩ đã thay đổi. Cựu nghị sĩ được thuê làm nhà vận động hành lang vì họ có nhiều mối quan hệ với các nhân vật trong Quốc hội và các cơ quan lập pháp cấp tiểu bang hay quan chức thuộc các ngành khác từng là đồng nghiệp của họ.

Trường hợp của Bob Livingston là một ví dụ điển hình. Sau khi rút khỏi Quốc hội năm 1999 do một vụ bê bối tình ái, ông Livingston đã chuyển sang nghề lobby. Chỉ trong vòng 6 năm, nhóm lobby do ông thành lập đã phát triển thành 1 trong 12 công ty lobby lớn nhất, với doanh thu gần 40 triệu USD tính tới cuối năm 2004.

Vận động hành lang là một nghề hái ra tiền. Giáo sư Đại học Columbia Jeffrey Sachs (hiện là cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, một trong những kinh tế gia hàng đầu thế giới) trong cuộc phỏng vấn chương trình 60 Minutes (Đài CBS) vào giữa tháng này thuộc chuyên đề tham nhũng đối với bộ máy chính trị Mỹ, đã chia sẻ: "Nếu là thành viên Quốc hội và ngồi trong Ủy ban Quốc phòng, bạn hoàn toàn thoải mái và tùy thích mua bán cổ phiếu công nghiệp quốc phòng; nếu có chân trong Ủy ban về tài chính ngân hàng (thuộc Quốc hội), bạn cũng có thể mua bán cổ phiếu ngân hàng tùy thích…".

Trong khi giao dịch nội gián được xem là trọng tội đối với phố Wall, hành vi này lại được thả lỏng trong Quốc hội. Với các nghị sĩ - những người nắm vững tin tức về sự thay đổi chính sách nào đó trong một lĩnh vực nhất định - thông tin họ bán ra có thể nói là vô giá. Ấy vậy mà cho đến nay, chưa có luật nào ngăn cấm giới nghị sĩ kiếm tiền bằng giao dịch nội gián.

Vụ khủng hoảng kinh tế Mỹ năm 2008 là một điển hình. Với những người này, sự kiện hệ thống tài chính Mỹ sụp đổ cuối năm 2008 đã trở thành cơ hội hốt bạc. Một trong những nhân vật như vậy là nghị sĩ Cộng hòa Spencer Bachus (lúc đó có chân trong Ủy ban Tài chính Hạ viện). Ông Bachus đã vội vàng đẩy đi hàng loạt cổ phiếu, dựa vào các báo cáo tài chính nhận được từ Chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang Ben Bernanke và Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson.

Ít nhất 10 thượng nghị sĩ tên tuổi đã "giao dịch chứng khoán" một cách bất thường ngay sau khi có cuộc họp với Ben Bernanke và Hank Paulson. Sự việc cho thấy thêm lỗ hổng nữa trong luật pháp Mỹ: Tại sao các ông bà nghị sĩ không bị cấm mua bán cổ phiếu? Không lẽ sự hiện diện của họ trong tập đoàn nào đó, thông qua cổ phiếu, lại không hề xảy ra xung đột lợi ích?

Hồng Hạnh - Lâm Anh (tổng hợp)
.
.