Nghi án tình báo Pháp sát hại Muammar Gaddafi

Thứ Năm, 11/10/2012, 15:45

Gần một năm sau cái chết gây bàng hoàng dư luận thế giới của Đại tá Muammar Gaddafi, các nguồn tin ở Libya tuyên bố: Một điệp viên Pháp đã giết chết cựu lãnh đạo Libya theo lệnh của chính quyền Pháp. Trong cuộc bạo loạn ở Lybia, trước đến giờ dư luận vẫn tin rằng, Gaddafi bị chiến binh vũ trang của Quân đội giải phóng Libya bắt được vào ngày 20/10/2011, sau khi đoàn xe chở ông ta bị trúng bom của máy bay NATO.

Những băng hình video cho thấy Gaddafi còn sống khi bị lôi ra khỏi chiếc xe, nhưng vài giờ sau, cựu lãnh đạo Libya đã chết. Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya (NTC) chỉ trích chiến binh vũ trang đã gây ra cái chết của Gaddafi, song lời giải thích này không làm thỏa mãn Liên Hiệp Quốc (LHQ). Cơ quan này đã chính thức lên tiếng kêu gọi mở một cuộc điều tra.

Bị diệt khẩu tức khắc vì nắm giữ nhiều bí mật với Pháp

Những đoạn phim được quay bằng điện thoại di động trước và sau cái chết của Gaddafi cho thấy ông ta bị thương và chảy máu nhiều song rõ ràng là vẫn còn sống sau khi bị bắt giữ ngay tại quê nhà ở Sirte vào ngày 20/10/2011.

Không ai quên được hình ảnh kinh hãi của nhà độc tài với gương mặt đầm đìa máu đang van xin những kẻ nổi dậy đứng chung quanh tha mạng cho ông. Người phát ngôn về nhân quyền của LHQ, Rupert Colville, cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters Television: "Dường như có nhiều sự mơ hồ về những gì đã xảy ra. Nếu xem hai hình ảnh video khác nhau, người ta sẽ thấy bối rối vì thấy một người còn sống khi bị bắt và sau đó cũng chính người này chết rất thảm thương. Do đó, cần có một cuộc điều tra nghiêm túc về chuyện gì đã xảy ra và điều gì gây ra cái chết của Gaddafi".

Cao ủy Nhân quyền LHQ, Navi Pillay, cho rằng rất có thể Đại tá Muammar Gaddafi bị hành hình khi rơi vào tay chiến binh vũ trang của lực lượng Quân đội giải phóng Libya - đó là yếu tố quan trọng cần được lưu ý trong cuộc điều tra.

Ông Rupert Colville cho biết, nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là người bị buộc những tội ác nghiêm trọng phải được xét xử nếu có điều kiện. Vào tháng 6/2011, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đã phát lệnh bắt giữ Gaddafi, con trai của ông ta là Saif al-Islam và Giám đốc tình báo Libya vì những tội ác chống loài người. Nhưng, việc một người bị buộc tội lại bị hành hình ngay tức khắc mà không qua xét xử là vi phạm luật quốc tế.  Colville mong muốn Ủy ban - hiện nằm dưới sự lãnh đạo của Philippe Kirsch, Chủ tịch ICC - điều tra về cái chết bất thường của Muammar Gaddafi.

Đây không phải là một tuyên bố chính thức về cái chết của Muammar Gaddafi gây bối rối ở Libya hay ở nước ngoài. Nhưng, lần này chính ông Mahmoud Jibril - thành viên NTC và cựu Thủ tướng chính quyền lâm thời Libya và hiện là lãnh đạo đảng Lực lượng Liên minh quốc gia (NFA), một trong những đảng phái chính trị quan trọng của Libya - tuyên bố: "Một sĩ quan tình báo Pháp trà trộn vào hàng ngũ của chiến binh để giết chết Muammar Gaddafi" trong một cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình Ai Cập Dream TV ở Cairo, nơi ông tham dự một cuộc tranh luận về sự kiện "Mùa xuân Arập". Theo lời của Jibril, điệp viên Pháp đã bắn 2 phát đạn vào đầu Gaddafi ở cự ly gần.

Kẻ giấu mặt là ai

Hai ngày trước tuyên bố của Jibril, tờ báo nổi tiếng của Italia Corriere della Sera dẫn lời các nhà ngoại giao phương Tây khẳng định một điệp viên Pháp đã hành động theo chỉ thị trực tiếp của chính quyền Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy. Lý do khá rõ ràng: từ khi có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy NATO sắp ủng hộ phe cách mạng ở Libya, đặc biệt dưới sự thúc bách của chính quyền Sarkozy, Đại tá Muammar Gaddafi liền đe dọa sẽ tiết lộ những chi tiết về mối quan hệ kín đáo giữa ông ta và Tổng thống Pháp mà bắt đầu là câu chuyện hàng triệu USD được tuôn ra để tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Sarkozy vào năm 2007!

Giả thuyết về một vụ ám sát do Pháp chủ mưu đã được củng cố vào ngày 29/9 vừa qua. Theo tờ Corriere della Sera, chắc chắn là một điệp viên Pháp đứng đàng sau cái chết của Gaddafi. "Sarkozy có mọi lý do để cố bịt miệng Gaddafi, và càng sớm càng tốt" - những nguồn tin ngoại giao châu Âu đã cho tờ báo biết. Tờ "Daily Telegraph" của Anh đã phỏng vấn Rami El Obeidi, cựu quan chức phụ trách quan hệ với các cơ quan tình báo nước ngoài của NTC, và ông ta thẳng thừng nhấn mạnh: "Các cơ quan tình báo và an ninh Pháp đóng vai trò trực tiếp trong cái chết của Gaddafi".

Càng đáng ngạc nhiên hơn khi ông này khẳng định rằng Pháp đã định vị được Gaddafi nhờ điện thoại vệ tinh của nhà độc tài. Và số điện thoại đó được... chính Tổng thống Syria Bashar al-Assad cung cấp.

Sau khi có được số điện thoại của Gaddafi, tình báo Pháp dễ dàng lần ra vị trí của ông khi ông thực hiện cuộc gọi đến những thuộc hạ trung thành của mình là Yusuf Shakir và Ahmed Jibril, lãnh đạo chiến binh Palestine, đang ở Syria.

Tuy nhiên theo Eric Denece, chuyên gia phân tích quốc phòng và cựu sĩ quan tình báo Pháp, mọi tuyên bố nói trên - nhất là việc Tổng thống Syria tiết lộ số điện thoại của Gaddafi cho Paris để đổi lấy sự khoan dung - đều "không hợp lý". Eric Denece chỉ ra rằng, vào tháng 11/2011, lập trường của chính quyền Pháp đối với Syria đã trở nên cứng rắn hơn với việc Pháp là quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận tính hợp pháp của Hội đồng Quốc gia Syria (SNC) của phe cách mạng.

Tổng thống Nikolas Sarkozy tiếp đón Muammar Gaddafi tại Điện Elysée, tháng 12/2007 và đón tiếp Mahmoud Jibril vào tháng 5/2011.

Ngoài ra, một cựu sĩ quan tình báo hiện đang lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu tình báo Pháp (CF2R), cũng nhận định nước Pháp không cần đến sự giúp đỡ của Damascus để theo dõi Gaddafi cũng như chắc chắn Bashar al-Assad không hề tiết lộ số điện thoại di động của Gaddafi. Cựu sĩ quan tình báo này cũng nhấn mạnh rằng, việc Gaddafi tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp không đủ sức hạ bệ Sarkozy cũng như điều đó không là lý do đủ mạnh để ông Sarkozy ra lệnh ám sát Gaddafi nhằm diệt khẩu.

Tờ báo Anh lại dẫn lời tình báo của phe cách mạng Lybia và là người đại diện cho NTC chịu trách nhiệm giao tiếp với các cơ quan tình báo phương Tây sau khi cuộc nổi dậy thành công: "Để đổi lại, Tổng thống Syria được Pháp hứa hẹn sẽ giảm áp lực lên chế độ Bashar. Và điều này đã được thực hiện" - Rami El Obeidi nhắc lại. Giả thuyết này có vẻ khó tin, thậm chí hão huyền vì vào thời ấy Nicolas Sarkozy là một trong những nguyên thủ phương Tây cứng rắn nhất đối với Damas. Theo nhà cựu ngoại giao Patrick Haimzadeh thì Rami El Obeidi từng bị NTC loại trừ nên chỉ muốn gây chú ý trong giới chính trị.

Khi được tạp chí "Le Point" phỏng vấn, Bộ Ngoại giao Pháp từ chối bình luận những luận cứ đó. Tuy nhiên, từ tháng 5/2011, Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội xác nhận rằng không quân pháp đã được lệnh oanh kích những hầm trú ẩn mà Gaddafi có thể ẩn núp. "Rõ ràng là Chính phủ Pháp đã nhận định phải loại trừ Gaddafi" - Patrick Haimzadeh cho biết. Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng vẫn còn có sự mập mờ trong từ ngữ "điệp viên" mà tờ "Corriere della Sera" đã dùng.

Nhà cựu ngoại giao nhận định: "Tuy Pháp đã có mặt rất sớm tại Misrata để huấn luyện cho các chiến binh Libya nhưng điều đó không có nghĩa là một điệp viên của Pháp đã hạ sát Gaddafi. Đó hoàn toàn có thể là một chiến binh Libya đã được Pháp đào tạo nhưng không nhất thiết đã nhận lệnh từ cấp trên ở Paris".

Còn một điểm tối khác trong cáo buộc của Mahmoud Jibril. Ông từng thuyết phục phương Tây can thiệp vào Libya và được Nicolas Sarkozy tiếp đón nhiều lần tại điện Elysée trong năm 2011, vì ông được cho là có nhiều khả năng trở thành Thủ tướng tương lai của Libya. Tuy nhiên dù đã chiếm nhiều phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội nhưng sau đó ông Jibril vẫn thất bại trước liên minh phe Hồi giáo và những ứng viên độc lập. Dù sao ông Jibril cũng được làm thủ lĩnh Liên minh các lực lượng quốc gia, đảng phái lớn nhất ở Libya, do vậy các lập luận của ông mang nặng màu sắc chính trị.

"Khi đưa ra những cáo buộc như thế, ông ta đã hạ giá phe Hồi giáo và quân cách mạng vốn từng khoe rằng chính họ đã giết Gaddafi. Thông điệp của ông ta là: Quý vị chỉ là những kẻ tầm thường hoặc đã bị cơ quan tình báo nước ngoài xâm nhập. Mà những lời cáo buộc về sự dính líu đến nước ngoài luôn rất nhạy cảm trong thế giới Ảrập" - nhà nghiên cứu Hasni Abidi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thế giới Ảrập và Địa Trung Hải, nhận xét.

Cho đến nay việc bắt Gaddafi luôn được gán cho Omran Ben Chaaban, cựu chiến binh nổi dậy, đã xuất hiện trong nhiều hình ảnh và vidéo tay giơ cao khẩu súng vàng của nhà độc tài. Nhưng người được xem là anh hùng tại Libya vừa bị dân quân bán quân sự bắt cóc vào tháng 7 vừa qua, sau đó được trả tự do trong tình trạng thảm thương và đã qua đời ngày 2/10 tại… Paris. Điều này khiến cho Patrick Haimzadeh rất ngạc nhiên vì Chính phủ Pháp hiếm khi tiếp nhận các nạn nhân chiến tranh từ Libya. Phần lớn đều được chăm sóc tại Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan. Phải chăng đây cũng là bằng chứng cho vai trò mập mờ của Pháp trong vụ việc?

"Không chỉ có Pháp có lợi với cái chết của Gaddafi. Nhà cựu độc tài cũng xung khắc với Mỹ tuy ông ta đã giúp rất nhiều trong cuộc truy lùng mạng lưới Al-Qaeda, hoặc với Anh trong việc giải quyết vụ khủng bố Lockerbie (một máy bay Boeing 747 của Hãng Pan Am đã nổ tại Lockerbie ở Scotland làm 270 người chết)" - Hasni Abidi cho biết. Tuy nhiên, có một luận cứ làm chao đảo giả thuyết cho rằng Gaddafi đã chết vì biết quá nhiều.

Theo Hasni Abidi, người con trai Saif el-Islam của Gaddafi và cựu Giám đốc tình báo Abdallah el-Senussi cũng nắm giữ 90% bí mật trong các hồ sơ của Gaddafi nhưng họ vẫn còn sống, đang bị giam giữ tại Libya để chờ ngày xét xử

Minh Luân - Duy Ân (tổng hợp)
.
.