Người đầu tiên bóc trần tội ác man rợ ở trại tập trung Auschwitz
Chào đời ngày 11/9/1924 tại thị trấn Topolcany phía nam Slovakia gần biên giới Hungary, trong một gia đình người Do Thái với tên khai sinh là Walter Rosenberg. Năm 15 tuổi Walter bị đuổi học giữa chừng, vì chính quyền Slovakia thân Đức Quốc xã áp dụng chiêu bài kỳ thị người Do Thái, buộc họ đi đâu cũng phải mang phù hiệu ngôi sao David 6 cánh màu vàng cho dễ phân biệt. Dưới sự trợ giúp của bà mẹ Helena, Walter tiếp tục tự học nốt chương trình trung học ở nhà, đồng thời trau dồi thêm vốn ngoại ngữ gồm tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Đức.
Năm 17 tuổi, để tránh sự ruồng bố, W. Rosenberg quyết định tìm đường gia nhập lực lượng kháng chiến Tiệp Khắc chống phát xít, nhưng lại đi lạc sang đất Hungary rồi bị cảnh sát bắt giữ về tội nhập cảnh trái phép và trục xuất trở lại Slovakia. Lúc đầu W. Rosenberg bị giam tại nhà tù Novaky, đến giữa tháng 6/1942 thì bị chuyển đến trại tập trung dành cho người Do Thái ở Majdanek (Ba Lan). Nhưng chỉ 2 tuần sau, tù nhân W. Rosenberg nhận được giấy di chuyển đặc biệt, trên đó ghi dòng chữ bằng tiếng Đức "Arbeit macht Frei" (Việc làm miễn phí), cũng là câu khẩu hiệu mỉa mai ngự trị trên cổng chính của trại tập trung Auschwitz.
Do có hình thể khỏe mạnh, W. Rosenberg được bố trí làm việc tại khu hỏa táng, bao gồm hàng chục lò đốt bằng than chuyên thiêu xác các nạn nhân Do Thái thiệt mạng trong phòng hơi ngạt. Rồi một tù nhân người Áo tay chân của lính SS canh trại phát hiện ra W. Rosenberg biết tiếng Đức, đã đề nghị chuyển ông sang bộ phận nhà kho có phiên hiệu là "Canada", cũng là địa điểm tích trữ thực phẩm dành cho các giám ngục và tư trang của những tù nhân đã chết. Nhờ vào vị trí làm việc mới, nên W. Rosenberg vẫn có đủ dinh dưỡng, do đó vẫn giữ được sức khỏe giữa chế độ lao tù hà khắc.
Cổng chính của trại tập trung Auschwitz. |
Đầu tháng 4/1944, W. Rosenberg cùng một bạn tù đồng hương là Alfred Wetzler (1918-1988) quyết định đào thoát. Sau 3 ngày ẩn náu đánh lừa sự truy tìm của lính canh, đến gần nửa đêm ngày 10/4 họ đã âm thầm rời trại Auschwitz, rồi đi men theo sông Sola hơn 130km về phía nam, tới biên giới Slovakia. Cái tên mới Rudolf Vrba của W. Rosenberg là do Hội đồng Do Thái hoạt động bí mật ở Slovakia đặt biệt danh, còn A. Wetzler mang bí danh là Jozef Lanik nhằm tránh sự truy lùng của những phần tử thân phát xít, trước khi cho công bố những lời khai rùng rợn của các nhân chứng về thực trạng bên trong trại tập trung Auschwitz.
Những tiết lộ của R. Vrba đã gây chấn động thế giới, được truyền thông quốc tế đồng loạt đăng tải lên trang nhất, góp phần khẳng định chủ trương tận diệt sắc dân Do Thái, cũng như việc sử dụng các phòng hơi ngạt trong trại tập trung của bè lũ Quốc xã không chỉ là tin đồn thất thiệt, mà chính là bằng chứng thuyết phục không thể phủ nhận. Theo đó trong khoảng 10 tháng làm việc ngoài trời, từ tháng 8/1942 đến tháng 6/1943, R. Vrba đã tận mắt nhìn thấy khoảng 200 chuyến tàu lửa, mỗi đoàn tàu kéo theo hàng chục toa chở người Do Thái từ khắp châu Âu tập kết về trại Auschwitz, trước khi họ bị lùa vào trong các phòng hơi ngạt nhằm thủ tiêu có hệ thống.
Cụ thể, vẫn theo lời nhân chứng R. Vrba, bất cứ tù nhân Do Thái nào mới đến cũng được nghe thông báo phát trên loa phóng thanh, rằng họ phải đi qua khu tắm rửa "tẩy trùng" rồi mới nhập trại.
Trước lúc vào "phòng tắm" mọi người đều phải cởi bỏ hết quần áo cũng như đồ dùng cá nhân, với mỗi phòng chứa khoảng 2.000 người. Sau khi họ đã bước vào bên trong, các cánh cửa sắt nặng nề lập tức được đóng lại, đồng thời nhiệt độ bên trong phòng kín bắt đầu được lính SS chỉnh cho tăng dần lên đến độ thích hợp.
Tàu hỏa chở người Do Thái đến sân ga trại Auschwitz. |
Rồi bọn giám ngục đeo mặt nạ phòng độc trèo lên nóc phòng, đổ các hộp thiếc chứa hỗn hợp chất xyanua dạng bột xuống bên dưới theo đường ống chuyên dụng, được chúng gọi giễu cợt là "lỗ thông hơi". Bột xyanua gặp nhiệt độ cao tức thì biến thành khí độc, khiến tất cả mọi người đều chết ngạt trong khoảnh khắc. "Việc thủ tiêu chỉ diễn ra trong vòng 3 phút đồng hồ, cứ lặp đi lặp lại suốt ngày, từ ngày này sang ngày khác ngoại trừ những hôm không có đoàn tàu nào chở người mới đến...", ông R. Vrba cho biết.
Nhân chứng R. Vrba qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau. |
Ngoài ra, người đầu tiên bóc trần tội ác man rợ của bọn đồ tể phát xít cũng mô tả chi tiết sơ đồ các phân trại giam giữ, chứng tỏ chủ trương giết người hàng loạt có hệ thống của Đức Quốc xã. Khi hay tin về sự tiết lộ của cựu tù nhân R. Vrba, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã thốt lên: "Đây là một trong những tội ác lớn nhất và khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại". Đồng thời tiết lộ của R. Vrba cũng là lời cảnh tỉnh cho mọi người Do Thái khi ấy, giúp họ kịp thời tránh được âm mưu "tiệt diệt" sắc dân Do Thái của đế chế đệ tam - Đức Quốc xã.
Về phần nhân chứng R. Vrba, sau khi trốn khỏi trại tập trung Auschwitz, đến tháng 9/1944, ông gia nhập lực lượng kháng chiến Tiệp Khắc, rồi được tặng Huy chương Dũng cảm khi tham gia cùng Hồng quân Liên xô trong chiến dịch giải phóng thủ đô Prague. Sau Thế chiến II, R. Vrba tiếp tục theo đuổi con đường học vấn, nhận được bằng tiến sĩ hóa sinh của Trường đại học Kỹ thuật Prague vào năm 1951.
Năm 1958, ông chuyển sang định cư tại Israel. Năm 1960, tiến sĩ R. Vrba chuyển qua London làm việc tại Hội đồng Nghiên cứu Y khoa của Vương quốc Anh. Giữa năm 1967, giáo sư R. Vrba được mời sang giảng dạy tại Khoa Thần kinh học thuộc Trường đại học British Columbia ở Canada, ông chính thức định cư tại Canada từ đó cho đến khi qua đời vào cuối tháng 3/2006, thọ 81 tuổi.
Địa điểm từng tồn tại các phòng hơi ngạt ở Auschwitz. |
Ngoài việc là người đầu tiên tố cáo tội ác ghê rợn của chủ nghĩa phát xít ra, R. Vrba còn nổi tiếng trong giới khoa học qua hơn 50 công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí y khoa quốc tế về thành phần hóa học của não bộ, phương pháp phát hiện và điều trị các căn bệnh như tiểu đường và ung thư...
Tại Tòa án Nurumberg xét xử tội phạm Quốc xã trong Thế chiến II, viên trung tá SS Rudolf Hoss chỉ huy trại tập trung Auschwitz, đã trơ trẽn khẳng định có tới 3 triệu người bị thủ tiêu tại đây, dường như để khoe "chiến tích" hợm hĩnh của mình. Tên này đã bị một tòa án ở Warsaw (Ba Lan) kết án treo cổ vào năm 1947. Đầu năm 1990, các sử gia thuộc Viện Bảo tàng Quốc gia Auschwitz-Birkenau của Ba Lan đã quyết định xem xét lại số liệu trên. Kết quả cho thấy trong thực tế có khoảng từ 1,1-1,6 triệu tù nhân thiệt mạng, trong đó gần 90% là người gốc Do Thái mang quốc tịch của hầu hết các quốc gia châu Âu.