Người khiếm thị đặc biệt điều tra vụ án

Thứ Bảy, 24/11/2007, 13:55
Lực lượng Cảnh sát Liên bang Bỉ có một bộ phận đặc biệt, chuyên trách việc nghe lén và phân tích những cuốn băng thu được. Thành viên của tổ đặc biệt này là những người khiếm thị được tuyển chọn nhờ khả năng nghe cực tốt của họ.

Là một người khiếm thị, anh Sacha Van Loo không thể trực tiếp cầm súng đi bắt tội phạm như các bạn đồng nghiệp. Nhưng không phải vì thế mà người chỉ huy của anh - Cảnh sát trưởng Paul Van Thielen - đánh giá thấp năng lực của Van Loo. Trái lại, ông thường so sánh anh với những “siêu thám tử” có khả năng "quan sát" và suy luận đặc biệt, giúp phá được những vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Sacha Van Loo có một đôi tai tuyệt vời, có khả năng phân biệt âm thanh hết sức tinh tế. Chỉ cần nghe tiếng nổ của động cơ là anh có thể đoán ra chiếc xe đó thuộc loại Peugeot, Honda hay Mercedes.

Khi các đồng nghiệp tiến hành nghe lén điện thoại của bọn tội phạm, căn cứ vào tiếng động phát ra từ máy khi đối tượng quay số, Van Loo có thể suy luận ngay ra được số máy. Dựa vào những tiếng động thu được từ chỗ đối tượng đang đứng, anh cũng có thể nói khá chính xác là hắn đang ở sân bay hay tại nhà hàng.

Mới đây, Cảnh sát Bỉ mất rất nhiều thời gian để phân tích cuốn băng nghe trộm một tên buôn lậu ma túy và kết luận rằng hắn là người Morocco. Thế mà Van Loo - người có cả “một kho tàng lưu trữ các giọng nói trong đầu” - lại cho rằng hắn ta là người Albani. Sự thật được tìm ra sau đó chứng minh là Van Loo đã đúng.

Bị khiếm thị từ năm lên 6 tuổi, khả năng phân biệt các loại âm thanh của anh là kết quả của một quá trình rèn luyện để tồn tại trong thế giới bóng tối luôn vây quanh. “Tôi phải luyện cho đôi tai khả năng nhận biết mình đang ở đâu. Đây là vấn đề sống còn khi bạn phải băng qua đường hay lên tàu hỏa. Một số người bình thường hay bị tạp âm làm nhiễu, nhưng là một người khiếm thị, tôi thường chia âm thanh thành những kênh khác nhau” anh tiết lộ.

Đội cảnh sát đặc biệt của Van Loo có 6 người được thành lập từ tháng 6/2007. Thực tế là trong cuộc điều tra chống khủng bố, những đoạn âm thanh nghe lén mà cảnh sát thu thập được có rất nhiều tạp âm, đòi hỏi phải có đôi tai thính để phân biệt những giọng nói trong đó.

Mà đấy là sở trường của người khiếm thị, vốn dùng tai thay mắt trong cuộc sống hàng ngày. Mấy năm trước, Chính phủ Bỉ đã thông qua một đạo luật cho phép cảnh sát tiến hành nghe lén và sử dụng những cuốn băng đó trong các vụ điều tra thuộc 37 lĩnh vực tội phạm bao gồm: khủng bố, giết người, tội phạm có tổ chức và bắt cóc trẻ em. Và cơ hội dành cho Van Loo và các bạn đã đến.

Bên cạnh khả năng nghe cực tốt, Sacha Van Loo còn là một dịch giả có trình độ cao. Anh nói được 7 thứ tiếng, trong đó có tiếng Nga và tiếng Arập. Vốn liếng ngoại ngữ phong phú đó giúp anh phân biệt được những điều khác biệt nhỏ về cách phát âm giữa người Morocco và Ai Cập chẳng hạn...

Ông Alain Grignard - một quan chức chống khủng bố cấp cao của Lực lượng An ninh Bỉ - coi Van Loo và đội đặc biệt là “vũ khí mới nhất” của Cảnh sát châu Âu trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và bọn tội phạm có tổ chức.

Mới đây, kết quả phân tích những cuốn băng ghi âm đã góp phần quan trọng trong việc tóm gọn một nhóm khủng bố lớn, chịu trách nhiệm tuyển người cho lực lượng phiến loạn Iraq hoạt động trên đất Bỉ.

Không phải mọi việc đều thuận lợi ngay từ đầu với Van Loo và đội của anh. Trở ngại lớn nhất với họ chính là thành kiến đối với người khuyết tật của chính các đồng nghiệp. Họ sợ rằng những người khiếm thị sẽ trở thành gánh nặng của cơ quan và cảm thấy rất lúng túng vì không biết phải cư xử thế nào để tránh cho đồng nghiệp “đặc biệt” này khỏi cảm thấy chạnh lòng.

Ông Van Thielen - Cảnh sát trưởng - nhớ lại, lúc đầu khi nghe tin có một số người khiếm thị sắp đến làm việc ở cơ quan, đã có nhiều lời ra tiếng vào rằng: “Chúng ta là lực lượng cảnh sát chứ không phải là tổ chức từ thiện”.

Giờ đây, thái độ đó đã thay đổi hoàn toàn vì những cảnh sát khiếm thị đã chứng tỏ được năng lực và tinh thần làm việc tận tụy của mình. Họ đã trở thành một phần không thể thiếu được của Cơ quan Cảnh sát Liên bang.

Và còn nhiều điều thay đổi tại Sở Cảnh sát kể từ khi đội đặc biệt của Van Loo đến làm việc.

Cầu thang máy được lắp thêm những nút điều khiển bằng giọng nói, mỗi thành viên trong đội được cấp một chiếc máy tính trị giá 10 nghìn euro được trang bị bàn phím chữ nổi Braille và hệ thống chuyển hình ảnh thành âm thanh...

Công việc hàng ngày của Van Loo và đồng đội  của anh là nghe, phân tích những đoạn băng nghe lén được các nhân viên điều tra gửi đến. Thôi thì đủ cả: bọn tội phạm bàn tính âm mưu giết người, bọn buôn lậu ma túy lập kế hoạch vận chuyển “hàng trắng”... Khi có việc phải ra ngoài, Van Loo luôn mang theo thiết bị định vị toàn cầu được trang bị riêng cho cảnh sát, có giọng nói chỉ dẫn đường cho anh.

Sacha Van Loo, năm nay 36 tuổi, có 2 con. Vào những lúc rỗi rãi, anh thường cưỡi ngựa, trượt tuyết hay chơi đàn luýt Arập để thư giãn.

Trở thành một người có ích cho xã hội như hiện nay, Van Loo rất biết ơn bố mẹ đã dạy cho anh biết sống tự lập từ nhỏ. “Cha mẹ tôi chấp nhận khuyết tật của tôi. Điều đó giúp tôi chấp nhận nó” - anh nói.

Cha của anh thường đưa con đến rạp phim, dạy con lái xe ôtô... Khả năng thích ứng với môi trường sống của Van Loo có được là nhờ anh đã từng đến học ở những trường dành cho học sinh bình thường lẫn trường dành cho người khiếm thị, nơi anh học được cách dùng gậy để đi lại và học đọc tiếng Nga bằng chữ nổi Braille...

Quyết tâm phấn đấu không để bệnh tật đè nặng lên cuộc sống của mình và trở thành một người có ích, Sacha Van Loo đã làm được những điều tưởng chừng như những người khiếm thị không bao giờ làm được

Vũ Thương Huyền (theo Internation Herald Tribune)
.
.