Nguyên mẫu của Bond girl – Điệp viên hoa hậu Krystyna Skarbek (bài cuối)

Thứ Ba, 08/08/2017, 15:16
Từ Warsaw (Ba Lan), Budapest (Hungary) đến Cairo (Ai Cập), cặp đôi điệp viên đã lập nên thật nhiều chiến công cho tình báo của quân Đồng minh, vì thế Skarbek đã được tặng thưởng những huân huy chương cao quý của cả Anh và Pháp.

Thế nhưng, sau chiến tranh, bà lại bị bỏ rơi, bị từ chối công việc trong cơ quan nhà nước Anh vì không phải là công dân Anh, và phải kiếm sống lay lắt qua ngày bằng đủ thứ công việc vụn vặt. Để rồi cuối cùng, bà bị một kẻ si tình sát hại.

Bài cuối: Người hùng chiến tranh và cái kết không có hậu

Krystyna Skarbek đúng là một nguyên mẫu "Bond girl" có đầy đủ phẩm chất của một điệp viên chuyên nghiệp. Bà luôn mang theo mình một con dao găm dài 30cm giấu bên đùi và sử dụng lựu đạn cực kỳ điêu luyện, có thể thắng được hàng loạt tay súng cự phách nếu chạm mặt.

Triết lý rất ngắn gọn của bà là "với một khẩu súng lục, bạn có thể hạ gục được tối đa một người. Với một quả lựu đạn, bạn có thể gây sát thương cho năm, thậm chí mười người". Nhưng đó cũng không phải là vũ khí lợi hại nhất của bà, mà chính là miệng lưỡi, là mưu trí và cả thân xác của bà.

Tài trí đó đã giúp Skarbek và Kowerski thoát khỏi lính Gestapo. Sau vụ "ho lao" ở trại lính Gestapo, Skarbek và Kowerski chuyển sang nhận nhiệm vụ mới. Trước đó, Skarbek đã kịp xây dựng một hệ thống các liên lạc viên người Ba Lan để giúp bà chuyển thông tin tình báo từ Ba Lan đến trạm tình báo quân Đồng minh ở Budapest.

Theo yêu cầu của MI-6, Skarbek và Kowerski nhận nhiệm vụ tổ chức khảo sát tất cả các tuyến giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy dọc biên giới Hungary với Romania. Bà đã lập công lớn, được ca ngợi với chiến công phá hoại các tuyến liên lạc chính trên dòng sông Danube, đồng thời cung cấp những thông tin tình báo quyết định về những chuyến tàu vận chuyển dầu hỏa từ mỏ dầu Ploiesti, Romania đến Đức.

Chân dung Krystyna Skarbek - Christine Granville, năm 1944.

Bị Gestapo truy lùng gắt gao, Skarbek và Kowerski phải rời khỏi Hungary đến Cairo qua ngả Balkans và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhờ sự giúp đỡ của một người bà con xa của Skarbek là Đô đốc Miklos Horthy, Skarbek và Kowerski ra đi an toàn với những cái tên hoàn toàn mới: Kowerski trở thành Andrew Kennedy và Skarbek trở thành Christine Granville.

Tuy nhiên, khi đến Cairo, mọi chuyện lại không như dự tính ban đầu khiến cả hai đều bị sốc. Tại các văn phòng tình báo tiền phương ở Cairo, cặp đôi biết được mình đang bị nghi ngờ vì Skarbek có các mối liên lạc với một tổ chức tình báo Ba Lan tên là Musketeers (Lính hỏa mai). Tổ chức này ra đời vào tháng 10-1939, do nhà chế tạo máy Stefan Witkowski sáng lập. Andrew Kennedy và Christine Granville còn bị nghi ngờ vì xin visa nhập cảnh vào Ai Cập thông qua văn phòng lãnh sự Pháp tại Istanbul, vốn do chính quyền Vichy kiểm soát, và chỉ những điệp viên Đức mới có thể xin được visa.

Ngoài ra, vấn đề còn do Kowerski đã từng gây mất niềm tin với chỉ huy cũ của ông là tướng Kopanski vì hành động mà không báo cáo cấp trên. Sau đó, Kowerski đã tìm cách làm sáng tỏ những hiểu nhầm của tướng Kopanski và được khôi phục tư cách tình báo. Tương tự, khi Skarbek đến thăm doanh trại quân sự của Ba Lan trong bộ quân phục Không quân dự bị nữ của Anh, bà cũng được các chỉ huy tiếp đón với sự tôn trọng cao nhất.

Lãnh đạo tình báo Anh dự tính cử Skarbek và Kowerski quay trở lại Hungary hoặc Ba Lan, nhưng tình hình bây giờ đã khác trước, mức độ nguy hiểm rất cao đối với cả hai người. Rốt cuộc, tháng 7-1944, tức một tháng sau cuộc đổ bộ D-Day ở Normandy, Skarbek lúc này mang bí danh mới "Pauline Arnand", nhảy dù xuống vùng Đông Nam nước Pháp để thực hiện một nhiệm vụ mới: tham gia giải phóng nước Pháp.

Bà tham gia vào mạng lưới hoạt động tình báo bí mật mang tên "Jockey" mà chỉ huy là một người Bỉ tên Francis Cammaerts. Skarbek hỗ trợ Cammaerts trong việc tạo cầu nối liên kết giữa các du kích quân Italia với lực lượng kháng chiến Maquis của Pháp để phối hợp hoạt động chống Đức trong vùng núi Alps. Đồng thời bà sử dụng "tài và sắc" phụ nữ của mình để chiêu dụ những thành phần không phải người Đức, đặc biệt là người Ba Lan bị bắt quân dịch trong lực lượng Đức chiếm đóng ở Pháp đào ngũ theo phe Đồng minh. Với chiêu bài này, tháng 8-1944, Skarbek đã chiêu dụ thành công cả một đơn vị quân chiếm đóng trên đỉnh đèo Col de Larche nằm giáp ranh giữa Pháp và Italia.

Và cũng với tài trí của mình, Skarbek đã dễ dàng qua mặt bọn lính gác của Đức ở các chốt biên giới khi chúng phát hiện bà với tấm bản đồ nước Pháp bằng vải lụa trên tay. Không thể cất giấu tấm bản đồ vào đâu, Skarbek đã nhanh trí dùng nó làm chiếc khăn buộc tóc. Sau đó, lính Gestapo lại xua chó săn để lùng tìm bà cùng một nhóm kháng chiến quân đang ẩn nấp trong bụi cây. Chú chó nhanh chóng đánh hơi tìm được Skarbek và nhóm người ẩn nấp, và bà lại trổ tài dụ dỗ làm cho chú chó săn hung dữ mê mẩn nằm xuống bên cạnh bà, quên cả chủ nhân đang réo gọi nó.

Dù nhiệm vụ kháng chiến hết sức bận rộn, nhưng nỗi khát khao tình cảm yêu đương vẫn luôn cháy bỏng trong Skarbek, bà vẫn luôn tìm kiếm cơ hội để gần gũi đàn ông. Kowerski lúc này đã đến làm việc cho trạm SOE (Cục tác chiến đặc biệt, trong đó bao gồm cả cơ quan tình báo MI-6) của Anh ở Bari, Italia, không còn ở bên cạnh Skarbek nữa, nhưng giữa hai người vẫn luôn hướng về nhau.

Kowerski hiểu rằng ông không thể giữ chân Skarbek được, vì bà không thể sống thiếu các mối quan hệ tình cảm với nhiều đàn ông. Giai đoạn này, làm việc chung lâu ngày đã tạo điều kiện để Skarbek nảy sinh tình cảm với Cammaerts. Mặc dù đã có vợ và con nhỏ ở quê nhà (Anh), lại trẻ hơn Skarbek đến 8 tuổi, nhưng Cammaerts vẫn yêu Skarbek say đắm vì sức hút quá mãnh liệt của bà. Họ đã đến với nhau khi cả hai đứng trước cái chết trong gang tấc trong một trận bom càn quét của quân Đức.

Thế rồi sau đó, Cammaerts lại gặp nạn. Trước khi quân Đồng minh triển khai Chiến dịch Dragoon đổ bộ xuống miền Nam nước Pháp, Cammaerts cùng với điệp viên Xan Fielding của tình báo Anh và sĩ quan tình báo Pháp tên Christian Sorensen bị lính Gestapo bắt tại một chốt kiểm soát.

Kẻ si tình mù quáng Dennis George Muldowney.

Qua các nguồn tin, Skarbek biết được họ sắp bị mang ra xử tử, vì thế bà tìm cách tiếp cận Đại úy Albert Schenck, viên sĩ quan người vùng Alsat làm liên lạc viên giữa người dân địa phương với lính Gestapo. Skarbek tự giới thiệu mình là cháu gái của tướng Bernard Montgomery bên Anh và dọa Schenck rằng nếu Cammaerts và các tù nhân đi cùng "có bề gì" thì hậu quả sẽ "rất khủng khiếp". Skarbek củng cố sự thuyết phục bằng lời đề nghị trả 2 triệu franc Pháp để Cammaerts và những tù nhân được trả tự do. Schenck giới thiệu Skarbek với một sĩ quan Gestapo người Bỉ tên là Max Waem.

Trong suốt 3 giờ đồng hồ, Skarbek lý luận và mặc cả với Waem, vận dụng tất cả sức mạnh ma thuật vốn có của bà, kể cả đe dọa ông ta rằng "quân Đồng minh sẽ đến bất cứ lúc nào", và rằng bà có thể liên lạc "vô tuyến" với lực lượng quân Anh. Bà lặp lại lời đe dọa đã nói với Đại úy Schenck nhưng với giọng điệu nghe còn đáng sợ hơn, bồi thêm những đòn trả thù rùng rợn của quân Đồng minh kết hợp quân kháng chiến tại chỗ. Chiến thuật đe dọa liên tục ấy xem ra có kết quả ngoài mong đợi. Waem sợ run bắn cả người, đến nỗi tay không cầm được ly cà phê để uống. Và thế là cuối cùng Waem đã đồng ý trả tự do cho Cammaerts và hai người đồng chí.

Cuộc giải cứu Cammaerts và những đóng góp to lớn khác trong chiến dịch giải phóng nước Pháp đã làm cho uy tín của Skarbek tăng cao và vị thế quân sự cũng lên theo. Khi các đội đặc nhiệm SOE trở về Anh theo lệnh tướng Charles de Gaulle, một số phụ nữ Anh tiếp tục tìm kiếm cơ hội chiến đấu ở mặt trận Thái Bình Dương, vì khi đó Đế quốc Nhật vẫn chưa chịu đầu hàng.

Nhưng Skarbek, là người Ba Lan, lý tưởng để được chọn ở lại để tiếp tục làm liên lạc viên tại quê hương Ba Lan trong những nhiệm vụ cuối cùng của SOE. Nhiệm vụ quan trọng của Skarbek bây giờ là theo dõi mọi động tĩnh bên trong nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan khi Hồng quân Liên Xô tràn qua trên đường tiến về giải phóng Berlin - thủ phủ của Đức Quốc xã. Kowerski và Skarbek lúc này đã trở lại làm việc cùng nhau, cả hai đều đã "hòa giải" với các lực lượng kháng chiến Ba Lan và chuẩn bị nhảy dù vào bên trong Ba Lan vào đầu năm 1945 trong một chiến dịch mang tên Chiến dịch Freston. Chiến dịch đã bị hủy do nhóm tiền trạm đã bị Hồng quân bắt nhưng sau đó họ đã được thả.

Chiến tranh kết thúc, Skarbek được tặng thưởng Huân chương George của nước Anh và Huân chương Chiến công của Pháp (Croix de Guerre) cho những đóng góp vô cùng to lớn của bà. Hơn thế, bà được chính phủ cả hai nước Anh và Pháp tôn vinh là "nữ anh hùng" trong chiến tranh, là người đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch tình báo của SOE trên các mặt trận châu Âu và giải phóng nước Pháp.

Nhờ những hoạt động phối hợp của bà với các cơ quan an ninh Anh thời chiến tranh, tháng 5-1947, Skarbek được phong làm Sĩ quan Hoàng gia Anh (OBE) và được thăng hàm từ đại úy lên thiếu tá, rồi tiếp tục được phong Thành viên Hoàng gia Anh (MBE).

Từ người hùng tình báo thời chiến trở về sau chiến tranh, Skarbek đối mặt ngay với cảnh túng thiếu, không có tài sản phòng thân, và khốn khổ hơn, đó là không còn quê hương để về.

Điều lạ lùng nhất của người "nữ điệp viên đa tình" Skarbek, từng xả thân vì sự nghiệp kháng chiến chống phát xít Đức của quê hương Ba Lan, nhưng sau chiến tranh bà lại không dám quay trở về quê hương để sống, để tận hưởng cuộc sống hòa bình và những đền đáp của quê hương dành cho bà. 

Có lẽ do bà làm việc cho tình báo Anh, quan điểm và cách nhìn nhận thời cuộc sau chiến tranh của bà theo lăng kính phương Tây nên cảm thấy không phù hợp để trở về quê hương Skarbek nộp đơn xin nhập quốc tịch Anh, với hy vọng những cống hiến thời chiến tranh và chiếc huân chương George cùng địa vị OBE và MBE sẽ giúp ích, nhưng trớ trêu thay, bà bị từ chối. Không có quốc tịch, Skarbek bị từ chối thẳng thừng khi nộp đơn xin vào làm việc ở Phái bộ Ngoại giao Anh tại Liên Hiệp Quốc đóng ở Geneva.

Trong cảnh túng quẫn, tuyệt vọng ấy, nỗi khát khao tình cảm của Skarbek vẫn cháy bỏng, và bà đã trải qua thêm một vài mối tình, trong đó có nhà tình báo - nhà văn Ian Fleming, tác giả loạt tiểu thuyết James Bond 007. Hai người đã hẹn hò nhau suốt một năm và cuối cùng chia tay, Fleming cưới một người phụ nữ khác thay vì Skarbek. Thất tình, tuyệt vọng vì túng thiếu, tưởng chừng Skarbek đã không gượng dậy được.

Năm 1951, bà xin làm việc cho một hãng tàu du lịch, làm tiếp viên phục vụ bàn trên những chuyến tàu viễn dương. Trong cuộc sống mới vừa được khai mở này, Skarbek gặp một người thanh niên bồi phòng tên Dennis George Muldowney, trẻ hơn bà đến 8 tuổi. Dù Skarbek đã 43 tuổi, nhưng vẻ đẹp mặn mà và sức hút từ cái duyên ma thuật của bà đã khiến Muldowney si mê bà đến mức mù quáng.

Vào một ngày tháng 6-1952, sau chuyến viễn du dài từ Nam Phi trở về, Skarbek chuẩn bị rời phòng khách sạn ở London để đi đến nơi hẹn gặp Kowerski sau nhiều năm xa vắng. Cơn ghen mù quáng đã khiến Muldowney vung nhát dao oan nghiệt đâm trúng tim Skarbek.

Sau khi Skarbek qua đời, năm 1953, Ian Felming đã dùng hình ảnh người tình cũ họa nên nhân vật "Bond girl" Vesper Lynd trong tiểu thuyết đầu tiên về huyền thoại điệp viên James Bond 007.

Và cũng sau khi những câu chuyện hậu trường xung quanh các nhân vật trong loạt phim James Bond 007 được kể, người ta mới được biết rằng Fleming chính là mối tình kéo dài một năm của Skarbek ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Sau này, Fleming mô tả Skarbek với những người bạn thân của ông: "Skarbek tỏa sáng với tất cả những phẩm chất và sự lộng lẫy của một nhân vật tiểu thuyết hư cấu". Và cái tên Vesper của "Bond girl" đầu tiên ấy cũng chính là biệt danh mà bố Krystyna thường gọi cô khi còn bé.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.