Nhà tù bí mật của Sở cảnh sát Chicago Mỹ
Một phần dữ liệu về Homan Square mà The Guardian có được thông qua Luật Tự do Thông tin (FOIA) tiết lộ con số 2.522 người bị bắt giam tại Homan Square từ khi Rahm Emanuel chính thức nắm quyền Thị trưởng Chicago vào ngày 16/5/2011. Bất chấp những cuộc tranh cãi đang tăng, CPD vẫn tiếp tục sử dụng Homan Square làm nơi giam giữ tù nhân và không có dấu hiệu nào cho thấy chuyện này sẽ dừng lại.
Trung tâm tra tấn Homan Square
Homan Square thuộc Công ty Sears được chính quyền thành phố sở hữu và sử dụng làm nhà tù từ năm 1995. Những người bị giam giữ tại đây bị buộc nhiều tội, từ những lỗi thông thường như uống rượu khi lái xe cho đến trọng tội giết người. Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy Homan Square vi phạm nhân quyền không khác mấy những "điểm đen" của CIA ở hải ngoại.
Một nhà hoạt động nhân quyền 42 tuổi ở Homan Square tiết lộ, ông "không có thực phẩm, không có nước uống, không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài". Sau nhiều tháng tranh cãi về thông tin trên, CPD chỉ đồng ý cung cấp một số thông tin chi tiết khi bị tờ báo kiện.
Sở Cảnh sát Chicago. |
Flint Taylor, người đóng vai trò chính trong nỗ lực gây sức ép đến Thị trưởng Rahm Emanuel đòi bồi thường cho các nạn nhân, phát biểu: "Tôi rất choáng váng trước hành vi phân biệt chủng tộc trái với pháp luật của cảnh sát tại Homan Square được tờ The Guardian đưa tin. Rất may mắn là giới lãnh đạo chính trị Chicago và giới truyền thông không muốn chôn vùi câu chuyện này".
Flint Taylor là một trong những luật sư đại diện cho nhiều tù nhân bị CPD tra tấn dưới thời Cảnh sát trưởng Jon Burge nắm quyền từ năm 1972 đến 1991 và là người thành lập Công ty Luật Nhân dân đấu tranh cho các nạn nhân bị cảnh sát tra tấn, bắt giữ trái pháp luật và chịu sự ngược đãi từ chính quyền trong hơn 40 năm qua.
Nhà tù Homan Square. |
Các luật sư và cựu sĩ quan cảnh sát cho biết, số phận của nghi can sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm khi không được tiếp xúc với luật sư sau khi bị bắt giữ, nhất là đối tượng thuộc các cộng đồng da đen nghèo khổ! Craig Futterman, giáo sư Đại học Chicago, nhận xét: "Ở Chicago, cảnh sát không cung cấp luật sư cho nghi can đang bị tạm giữ - đó là khi họ trở thành đối tượng thẩm vấn". Điều đó cho thấy CPD đã vi phạm quy định "Cảnh báo Miranda" mà theo luật pháp quy định cảnh sát phải tuyên đọc về quyền được im lặng của nghi can ngay khi bắt giữ.
Thành phố Chicago thuộc bang Illinois, Mỹ vốn nổi tiếng về nạn bạo lực và tra tấn phạm nhân, với sự che chở của Thị trưởng Rahm Emanuel. Rất nhiều vụ tra tấn diễn ra dưới thời Jon Burge. Các nạn nhân thường bị bức cung và bị buộc nhận tội giết người mà họ không hề phạm phải. Trong khi đó, Thị trưởng Chicago Richard Daley (nhiệm kỳ 1989 - 2011) là Ủy viên công tố bang ở quận Cook thuộc tiểu bang Illinois trong suốt thời gian Burge lãnh đạo CPD, đã không có bất cứ hành động nào để bảo vệ phạm nhân.
Phản ứng trước làn sóng giận dữ ngày càng tăng của người dân Chicago và khắp nước Mỹ, Rahm Emanuel và Hội đồng thành phố buộc phải cho phép thành lập quỹ bồi thường với số tiền chỉ 5,5 triệu USD dành cho các nạn nhân nhằm xoa dịu dư luận. Emanuel cho rằng quỹ bồi thường được lập ra nhằm "khép lại chương đen tối trong lịch sử Chicago". Trong khi đó, vẫn còn nhiều nạn nhân bị giam cầm và phải đối mặt với những cuộc chiến pháp lý hao tốn tiền bạc lẫn công sức chống lại nhà tù Homan Square.
Từ trái sang: Cựu cảnh sát trưởng CPD Jon Burger, Luật sư Flint Taylor, Thị trưởng Chicago Rahm Emanuel. |
"Điểm đen" tra tấn bất hợp pháp của CPD nằm ở vùng ngoại ô cực kỳ nghèo khó North Lawndale. Các chỉ số xã hội tại đây phơi bày thực trạng về cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội ở Chicago cũng như các thành phố khác của nước Mỹ. Sau những cuộc biểu tình bạo động nổ ra vào năm 1968 sau cái chết của nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1964 Martin Luther King Jr., các ngành công nghiệp lớn bắt đầu di dời khỏi North Lawndale. Nhà máy International Harvester đóng cửa năm 1969, nhà máy Sears đóng cửa một phần vào năm 1974 và sau đó đóng cửa hoàn toàn vào năm 1987, Western Electric cũng ra đi vào những năm 80 và nhiều nhà máy khác lần lượt di dời khỏi North Lawndale.
Công ăn việc làm không còn, nhà cửa bị bỏ hoang và dân số tụt nhanh từ 124.937 người năm 1960 còn 41.768 năm 2000 và hiện nay là 35.912 người. Thu nhập tính theo đầu người vào khoảng 12.548 USD so với 27.148 USD cho toàn thành phố Chicago. Hơn 36,6% dân số chính thức sống dưới mức nghèo khổ. Hơn 30% thanh niên không có bằng trung học. Tỷ lệ thất nghiệp là 18,5%, so với 11% toàn Chicago. Dưới điều kiện xã hội như thế, Công ty Sears trở thành Homan Square, được sử dụng vào mục đích tra tấn tù nhân để trấn áp, đe dọa công nhân và thanh niên.
Những nạn nhân lên tiếng
Sau khi tờ Guardian đăng tải phóng sự điều tra về "điểm đen" Homan Square của CPD, cảnh sát đối mặt với những cuộc phản kháng và kêu gọi mở cuộc điều tra chính thức từ phía các nhà lãnh đạo Chicago. Các nạn nhân đều cho biết, họ bị giam giữ bất hợp pháp mà không có luật sư bảo vệ trong suốt nhiều giờ hoặc nhiều ngày, thậm chí họ còn bị đánh đập và tấn công tình dục.
Để bảo vệ lực lượng chấp pháp, Thị trưởng Rahm Emanuel lên tiếng "chúng tôi luôn theo dõi mọi nguyên tắc" tại Homan Square và nói rằng thông tin của báo chi là "không đúng sự thật". Ngày 1/3/2015, CPD tuyên bố không có gì sai trái xảy ra ở Homan Square và nơi đây chỉ là chỗ đóng quân của các đơn vị bí mật với "vài phòng hỏi cung theo đúng quy định của luật pháp".
Tân sĩ quan cảnh sát CPD tuyên thệ tại lễ tốt nghiệp ngày 21/4/2015. |
Nhưng thực tế không phải vậy. Chỉ nửa tháng sau, Charles Jones bị đưa đến một trong "vài phòng hỏi cung" lần thứ hai. Đó là ngày 17/3, khi Jones bị các sĩ quan cảnh sát - trong đó có một số người bịt mặt - đánh đập. Lệnh khám xét mô tả người cần bị bắt giữ cao 1,72 mét có nước da sáng, điểm nhiều tàn nhang (trong khi Jones cao đến 1,93 mét với nước da đen). Cảnh sát lục soát nhà Jones và phát hiện một khẩu súng, lập tức anh bị đưa đến Homan Square. Tại đây, Jones bị tra hỏi "về những điều mà tôi không hề biết là cái gì" - đó là những khẩu súng, những căn nhà chứa ma túy, bọn bán lẻ ma túy. Jones không được cung cấp luật sư bảo vệ và bị giam tại Homan Square 8 giờ đồng hồ. Hiện nay, Charles Jones đang kiện CPD và cho đến nay vụ án vẫn chưa được giải quyết!
Hồ sơ về Homan Square còn có câu chuyện của M., người bị giam giữ tại trung tâm tra tấn của CPD suốt 14 tiếng đồng hồ hồi tháng 11/2007. M. là một trong số 223 người được CPD tiết lộ khoảng thời gian giam giữ tại Homan Square. Do không tiếp xúc được với M. nên tờ The Guardian không công bố tên của người này. Cảnh sát bắt giữ M. khi thanh niên này chuẩn bị sinh nhật lần thứ 18 của mình.
Căn cứ theo số dữ liệu về Homan Square được tờ The Guardian giải mật, M. bị bắt do sở hữu 0,7g heroin. M. chịu mức phạt lao động công ích và bị quản thúc một thời gian. M. không phải là kẻ bán lẻ ma túy nhưng cũng bị giam giữ tại Homan Square. Những tù nhân, như Jones, cho phóng viên The Guardian biết, họ còn bị cảnh sát gây sức ép phải làm kẻ chỉ điểm cho CPD. Một trong số đó là Rick Dresmann, 50 tuổi. Dresmann sau đó đã trốn khỏi Chicago đến California do lo sợ bị bắt trở lại.
Mặc dù dữ liệu cảnh sát chưa được công bố hết, song những gì mà tờ The Guardian có trong tay đã cho thấy Homan Square được chính quyền của Thị trưởng Rahm Emanuel sử dụng triệt để. Tới đây, Garry McCarthy, Cảnh sát trưởng CPD, sẽ báo cáo về bạo lực và chính sách tại Washington. Nhưng, CPD không cho phép phỏng vấn trực tiếp McCarthy. Tờ The Guardian đang sử dụng luật FOIA để tìm hiểu về mối quan hệ giữa CPD và Văn phòng Thị trưởng Emanuel.