Nhìn vào nạn tham nhũng thuế quan ở Iraq

Thứ Ba, 20/04/2021, 15:55
Giống như con bạch tuộc với những xúc tu bao phủ hàng nghìn kilomet biên giới, các bến tàu, bến cảng,… tình trạng bòn rút thuế quan và hàng nhập lậu đã diễn ra nhiều năm qua ở các cửa khẩu của Iraq nhưng đến nay chưa có giải pháp ngăn chặn.

Cuộc điều tra của phóng viên AFP mới đây đã hé lộ bức tranh tham nhũng thuế quan ở quốc gia Trung Đông này.

Nhức nhối vấn nạn tham nhũng

Để tiếp cận được những thông tin quý giá, phóng viên AFP đã tiếp xúc nhiều nhân chứng là chủ doanh nghiệp, quan chức chính phủ và cả nhân viên tình báo. Những người này yêu cầu được giấu tên nhằm tránh bị mafia trả thù.

Với dân số chỉ có 37,2 triệu người, Iraq là một trong những nước được đánh giá giàu có nhất trên thế giới, với trữ lượng dầu mỏ lên tới 140,3 triệu thùng (đứng thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC và thứ 5 trên thế giới); sản lượng khai thác dầu mỏ đạt 4,45 triệu thùng/ngày, trong đó xuất khẩu hơn 3,6 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, Iraq còn có nhiều tài nguyên thiên nhiên khác, như khí đốt, phốt-phát, lưu huỳnh...

Bên trong cửa khẩu Mandali của Iraq. Ảnh: AFP.

Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội của Iraq luôn trong tình trạng khủng hoảng, cuộc sống của người dân hết sức khó khăn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên ở Iraq lên tới hơn 40%, hơn 60% dân số sống ở mức nghèo khổ.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Iraq đứng thứ 21 trong bảng xếp hạng những quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới, trong đó bệnh quan liêu đang là vấn nạn của nước này kể từ sau cuộc chiến do Mỹ đứng đầu lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003. Đây chính là cơ hội để nạn tham nhũng mọc lên như nấm ở khu vực biên giới Iraq.

Như đã nói ở trên, Iraq là quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, ngành công nghiệp và nông nghiệp không phát triển, do đó nước này chủ yếu nhập khẩu hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân. Chính điều này đã đưa thuế quan trở thành ngành có quyền lợi đặc biệt và trở thành miếng mồi béo bở tranh giành giữa các đảng phái chính trị và các lực lượng vũ trang.

“Các quan chức, đảng phái chính trị, băng đảng và doanh nhân thông đồng với nhau để cướp tài sản nhà nước”, Bộ trưởng Tài chính Iraq Ali Allawi đau xót thốt lên như vậy.

Con số thống kê chính thức cho biết, năm 2019 Iraq đã nhập khẩu 25,3 tỷ USD các sản phẩm phi hydrocacbon chủ yếu từ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Phần lớn số hàng hóa này được vận chuyển qua 5 tuyến đường sắt trải dài 1.600km biên giới với Iran, số còn lại được vận chuyển qua cửa khẩu cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 370 km và qua cảng Umm Qasr ở phía nam Iraq. Ở những nơi đó, theo báo cáo của WB, luôn ngự trị sự chậm trễ, thuế cao và lạm dụng.

“Ngay cả khi bạn làm đúng quy tắc, việc thông quan vẫn kéo dài một tháng và phí bến bãi tăng chóng mặt”. Vì vậy, để tránh những thủ tục hành chính rườm rà, nhiều doanh nghiệp Iraq phải làm việc trực tiếp với các băng đảng hoặc đảng chính trị. Họ cho rằng, thà hối lộ 100.000 USD còn hơn để hàng hóa đóng băng trong nhà lưu kho.

Cảng Umm Qasr, nơi có nhiều container hàng hóa vận chuyển về Iraq. Ảnh: AFP.

Moukhalles biến thuốc lá thành khăn tay

Nếu nhóm chiến binh Hachd al-Chaabi “cai quản” các bến tàu, nhà ga, bến cảng, thì lực lượng vũ trang Badr sống lưu vong ở Iran “quản lý” hoạt động ở Mandali, khu vực biên giới giữa Iraq và Iran.

Trong các bến tàu, bến cảng, nhà ga, đồn biên phòng này, các đảng phái và phe phái trà trộn người vào làm nhân viên hải quan, thanh tra hay cảnh sát. Những mafia giấu mặt này sẽ cho thông quan hàng hóa ngay khi chủ doanh nghiệp nộp tiền hối lộ hoặc ngược lại, hàng sẽ bị phong tỏa nhiều ngày.

Một nguồn tin tình báo cho AFP biết, để nhập khẩu thuốc lá, chủ doanh nghiệp phải thông qua Văn phòng Phong trào Hezbollah ở quận Jadriya, thủ đô Baghdad và bày tỏ muốn hợp tác. Người chịu trách nhiệm xử lý đề nghị trên là một nhân viên hải quan, được gọi là “moukhalles”. Không có moukhalles, sẽ không thể kết nối với một đảng hoặc nhóm vũ trang nào.

Sau khi nhận tiền hối lộ, moukhalles sẽ làm giả tài liệu để thay đổi tính chất, số lượng hoặc giá cả của sản phẩm nhằm giúp doanh nghiệp được giảm thuế. Thông thường, thuốc lá bị đánh thuế rất cao.

Để tránh phải nộp thuế, các thùng thuốc lá đã được moukhalles dán nhãn thành “khăn tay” hoặc “đồ nhựa”. Nhờ đó, chủ doanh nghiệp chỉ phải trả 50.000 USD thay vì 65.000 USD tiền thuế.

Các mukhalles cũng có thể thay đổi giá trị của lô hàng trên giấy phép nhập khẩu. Một quan chức tại cảng Umm Qasr tiết lộ với AFP rằng, ông từng chứng kiến một lô hàng thanh kim loại bị định giá thấp để giảm thuế, từ mức hơn 1 triệu USD xuống còn 200.000 USD.

Một chủ doanh nghiệp khác thừa nhận đã phải trả 30.000 USD cho nhân viên hải quan ở cảng Umm Qasr để nhập thiết bị điện đã qua sử dụng, bởi nhập khẩu hàng cũ là bất hợp pháp ở Iraq. Người này cũng thừa nhận thường xuyên trả tiền cho một cảnh sát ở cảng để nhận cảnh báo các cuộc thanh tra “bất ngờ”. Viên chức cảnh sát này thậm chí còn gợi ý ông đưa tiền cho các thanh tra.

Đôi khi hàng hóa thậm chí không tồn tại. Các tài liệu giả mạo được xuất trình cho Ngân hàng Trung ương Iraq, nơi cho phép thanh toán bằng USD cho các “công ty ma” bên ngoài Iraq. Nói một cách khác, đó là một hình thức rửa tiền.

“Chúng ta giao quá nhiều quyền lực cho hải quan, điều này không bình thường”, một chủ doanh nghiệp bức xúc. Tuy nhiên, ngay cả những nhân viên thanh liêm cũng phải chịu áp lực rất lớn. “Tôi không tham nhũng nhưng tôi được lệnh phải để hàng hóa đi qua mà không cần kiểm tra”, một nhân viên hải quan nói.

Việc kiếm tiền siêu lợi nhuận ở các cửa khẩu thúc đẩy tình trạng “mua quan bán chức” nhộn nhịp theo. Chi phí để có được vị trí cấp thấp trong cơ quan thuế dao động ở mức 50.000-100.000 USD, đôi khi còn cao hơn. Các đảng phái chính trị, chiến binh tìm cách cài người vào trong các cơ quan thuế, biến họ thành những mukhalles ma mãnh.

Cửa khẩu Mandali của Iraq giáp với Iran. Ảnh: AFP.

Cạnh tranh và phụ thuộc

Để bòn rút kho bạc nhà nước, các nhóm mukhalles gắn bó với nhau chặt chẽ “bởi nếu một trong số họ ngã ngựa, tất cả đều ngã ngựa theo”. Chính sự hợp tác chặt chẽ này càng khiến ngân sách nhà nước bị thâm hụt nặng.

Theo AFP, trung bình một cơ quan cửa khẩu mỗi ngày thu được 120.000 USD tiền thuế và số tiền này chia cho nhiều nhóm mukhalles. “Nhà nước phải trả giá cho sự hợp tác này khi chỉ nhận được từ 10 đến 12% doanh thu từ thuế, khoảng 7 tỷ USD/năm”, Bộ trưởng Tài chính Allawi nói.

Trong một báo cáo năm 2019, bà Magda Al-Tamimi, Ủy viên Ủy ban Tài chính của Quốc hội Iraq, cũng từng cảnh báo, tham nhũng ở các cửa khẩu Iraq đang lấy đi nguồn thu của Chính phủ.

Theo bà Magda Al-Tamimi, 90% thuế hải quan của Iraq đã chảy vào túi của các cá nhân tham nhũng, thay vì về Kho bạc Nhà nước. “4 bên nhận được lợi ích từ cửa khẩu Iraq gồm: Ngân hàng Trung ương, các đảng phái, thương nhân, các nhà tài chính khủng bố”, bà Magda khẳng định.

Tuy nhiên, ngay cả khi các phe phái phân chia vùng quản lý rõ ràng vẫn xảy ra trường hợp cạnh tranh không lành mạnh giữa các phe nhóm. Đơn cử như trường hợp một nhân viên ở Mandali làm việc cho nhóm Badr đã bị yêu cầu gỡ bỏ tem trên các thùng hàng gửi từ Iran. Nếu chống lệnh hoặc để lộ thông tin, họ sẽ bị giết. Một quan chức cấp cao của Cơ quan Biên phòng Iraq cho biết, cá nhân ông thường xuyên nhận được các cuộc gọi từ những số không xác định đe dọa người thân của mình. “Tôi không thể nói bất cứ điều gì vì họ sẽ giết người thân của tôi. Đó là mafia thực sự”, người này nói.

Trong khi kho bạc nhà nước cạn tiền thì người dân lại là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ nạn tham nhũng.

“Người tiêu dùng Iraq phải trả nhiều tiền hơn khi mua hàng do chủ doanh nghiệp đẩy giá lên để bù lại số tiền hối lộ. Trường học, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng khác không được xây dựng vì thiếu kinh phí”, báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế nêu rõ.

Các mukhalles được cho là có thể thay đổi giá trị của lô hàng trên giấy phép nhập khẩu ngay từ khi nó chưa thông quan.

Khó chặt vòi tham nhũng

Vài tuần sau khi nhậm chức hồi tháng 5-2020, Thủ tướng Iraq Moustafa al-Kazimi đã tuyên chiến với nạn tham nhũng ở hải quan nhằm cứu vãn ngân sách nhà nước trong bối cảnh giá dầu ở mức thấp nhất.

Một trong những biện pháp chống tham nhũng được ông Moustafa al-Kazimi đưa ra là luân chuyển cán bộ hải quan tại các khu vực trọng điểm như Umm Qasr và Mandali. Kể từ đó, Cơ quan Biên phòng hằng ngày đều báo cáo tình hình thu giữ hàng lậu hoặc hàng trốn thuế.

Trong năm 2020, cơ quan này đã thu về 818 triệu USD cho ngân sách nhà nước. Nhưng giới chuyên gia cho rằng, con số này đem ra chỉ để lòe thiên hạ bởi thực tế, so với số tiền 768 triệu USD nộp ngân sách nhà nước năm 2019, mức tăng này là rất nhỏ.

Chiến dịch chống tham nhũng của ông Moustafa al-Kazimi cũng bị vô hiệu hóa khi những người mới đến thay nhanh chóng bị mua chuộc. Bằng thủ thuật khôn khéo, nhân viên hải quan mới bắt giữ một kẻ tham nhũng nhưng chính họ lại tìm cách đưa hắn ra ngoài. Tình trạng tham nhũng trở nên tệ hại hơn khi các thương nhân phải trả gấp đôi phí bôi trơn do phải trả thêm tiền cho bên trung gian.

Các nhà phân tích cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng của Thủ tướng Moustafa al-Kazimi đã bỏ qua điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề. Đó là các moukhalles.

Trên thực tế, các moukhalles đã di chuyển các hoạt động giao dịch vào trong bóng tối và thực hiện qua điện thoại. Việc Thủ tướng Moustafa al-Kazimi phát động chiến dịch chống tham nhũng chỉ khiến các moukhalles đề phòng hơn.

“Điều này cho thấy, khó có thể nhổ tận gốc vấn nạn tham nhũng khi xã hội vẫn còn tồn tại nhiều moukhalles”, nhà nghiên cứu của Chatham House, ông Renad Mansour, nhấn mạnh.

Yên Bình
.
.