Những đạo quân bí mật của NATO: Vén màn Gladio tại Italia

Thứ Ba, 24/11/2009, 22:20
Đó là tiêu đề cuốn sách của nhà sử học Daniele GANSER được nhà xuất bản Demi Lune (Pháp) vừa ấn hành. Cuốn sách kể lại việc làm thế nào, sau Thế chiến II, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và MI-6 của Anh đã thiết lập được những đạo quân bí mật chống lại hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên khắp các nước Tây Âu và bằng cách nào những đạo quân bí mật này của NATO lại có thể câu kết với các tổ chức khủng bố cực đoan, gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Sự tồn tại của Gladio, đạo quân bí mật đầu tiên của NATO tại Italia, đã được Thủ tướng Italia, Giulio Andreotti, tiết lộ vào năm 1990. Đây được coi là "bí mật chính trị - quân sự được giấu kín nhất kể từ sau khi Thế chiến II kết thúc".

Sau đó, nhiều đạo quân bí mật khác của NATO lần lượt bị kéo màn tại Pháp, Bỉ, Luxembourg, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Áo, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Trên bình diện quốc tế, hành động của những đạo quân này được Lầu Năm Góc và NATO điều phối. Cuộc họp cuối cùng của chỉ huy những đạo quân này diễn ra tại Bruxelles, tháng 10/1990.

Giữa lúc thế giới đang sống trong sự đe dọa của chủ nghĩa "siêu khủng bố" như hiện nay, cuốn sách trên khiến người ta nghi ngờ rằng những vụ đánh bom khủng bố tại các nhà ga Bologne (Italia), Piazza Fontana ở Milan (Italia), những vụ tấn công của những kẻ giết người điên loạn tại Brabant (Bỉ), hay vụ bắt cóc và ám sát Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, Aldo Moro, năm 1978... đều có bàn tay lông lá của những đạo quân bí mật của NATO nhằm tăng cường chiến lược gây áp lực...

Mặc dù đây là công việc của một sử gia nhưng cuộc điều tra về Gladio lại không được rút ra từ lịch sử mà từ chính cuộc sống hàng ngày hiện nay của người dân trên thế giới. Những đạo quân này hiện nay vẫn còn đang hoạt động và vẫn luôn chịu sự chỉ đạo của Anh và Mỹ, giống như những điều tra của nghị viện Mỹ về những vụ bắt cóc được CIA thực hiện từ năm 2001 đã chỉ ra. Thật là khó có thể hiểu được chính sách của NATO mà cụ thể là của Mỹ tại châu Âu nếu như không biết chính xác về những đạo quân bí mật này.

Hiện trường vụ đánh bom tại nhà ga Bologne.

Ngày 31/5/1972, một chiếc xe bom phát nổ tại một khu rừng gần làng Peteano, Italia, giết chết một viên cảnh sát và làm trọng thương một người khác. Những người này đã tới đây sau khi nhận được một cuộc gọi điện thoại nặc danh. Trong khi kiểm tra một chiếc xe Fiat 500 bị bỏ rơi, một cảnh sát đã mở nắp capô xe, nhờ đó kích hoạt vụ nổ.

Hai ngày sau, một cú điện thoại nặc danh thừa nhận cuộc tấn công trên là của Lữ đoàn Đỏ, nhóm nhỏ khủng bố đang cố gắng thay đổi cán cân quyền lực tại Italia bằng cách tiến hành các vụ bắt cóc và ám sát những nhân vật cao cấp trong nhà nước. Nhưng Cảnh sát Italia sau đó đã ngay lập tức nghi ngờ phe cánh tả và thủ tiêu khoảng 200 người Cộng sản. Hơn 10 năm sau đó, người dân Italia vẫn tin rằng, hành động khủng bố tại làng Peteano chắc chắn là tác phẩm của Lữ đoàn Đỏ.

Sau đó, vào năm 1984, Felice Casson, một thẩm phán trẻ người Italia, đã quyết định mở lại hồ sơ vụ khủng bố trên sau khi phát hiện hàng loạt điều bất thường và giả mạo xung quanh vụ Peteano. Casson phát hiện ra rằng, cảnh sát không tiến hành bất cứ một cuộc điều tra hiện trường nào. Ông cũng nhận thấy báo cáo kết luận vào thời điểm đó khẳng định, chất nổ được sử dụng là của Lữ đoàn Đỏ đã thực sự bị làm giả. Marco Morin, một chuyên gia chất nổ của Cảnh sát Italia, đã cố tình cung cấp kết luận sai.

Morin, thành viên của tổ chức cực hữu tại Italia có tên "Ordine Nuovo", đã góp phần vào cái mà y coi là một cuộc đấu tranh hợp pháp chống lại ảnh hưởng của những người Cộng sản tại Italia. Thẩm phán Casson đã đi đến kết luận rằng, trái với những phát hiện của Morin, các chất nổ được sử dụng tại Peteano là loại C4, có sức công phá mạnh nhất thời kỳ đó và gần như chỉ có trong kho của các lực lượng NATO.

"Tôi chỉ muốn đem một chút ánh sáng để soi vào những năm tháng của sự dối trá và bí mật. Tôi muốn người Italia biết được sự thật này" - Thẩm phán Casson cho biết.

Ngày 24/2/1972, một nhóm cảnh sát Italia tình cờ phát hiện ở tỉnh Trieste, đông bắc Italia có một kho vũ khí, đạn dược và số lượng chất nổ C4, loại tương tự như đã được sử dụng tại Peteano. Cảnh sát cho rằng, họ đã phát hiện ra kho vũ khí của một mạng lưới tội phạm.

Nhưng những năm sau đó, cuộc điều tra của Thẩm phán Casson đã cho phép khẳng định đây thực sự là một trong số hàng trăm nơi cất giấu vũ khí khác của đạo quân bí mật có tên gọi Gladio đặt dưới sự chỉ huy của NATO. Và cũng theo ông thì các cơ quan tình báo quân đội và Chính phủ Italia khi đó đã cố tình che giấu bí mật xung quanh việc phát hiện ra kho vũ khí ở Trieste.

Trong khi tiếp tục điều tra về vụ Peteano và Trieste, Thẩm phán Casson ngạc nhiên khi khám phá ra sự dính líu của các nhóm nhỏ cánh hữu cực đoan và các cơ quan tình báo quân đội Italia trong vụ tấn công năm 1972. Điều tra của thẩm phán đã tiết lộ một sự hợp tác chặt chẽ giữa tổ chức cánh hữu Ordine Nuovo và SID (Servizio Informazioni Difesa), tức Cơ quan Tình báo quân đội Italia. Hai tổ chức này đã tiến hành các cuộc tấn công tại Peteano sau đó cáo buộc cho lực lượng Lữ đoàn Đỏ.

Casson thậm chí còn xác định được cả người đặt bom: Vincenzo Vinciguerra, một thành viên của Ordine Nuovo. Là mắt xích cuối cùng trong một chuỗi dài các thành phần tham gia, Vinciguerra cuối cùng đã bị bắt vài năm sau vụ khủng bố diễn ra. Y thú nhận rằng hoàn cảnh lịch sử xảy ra vụ khủng bố trên rất hỗn loạn.

Cuối thập niên 60, sự nổi lên của các cuộc cách mạng đòi độc lập, hòa bình và những phong trào biểu tình chống chiến tranh của sinh viên lan rộng, sự đối đầu về hệ tư tưởng giữa cánh tả và cánh hữu trở nên căng thẳng tại Tây Âu và Mỹ.

Trong Quốc hội Italia bấy giờ, đảng Cộng sản (Partito Communisto Italiano, PCI) có vị thế lớn và đảng Xã hội (Partito Socialisto Italiano, PSI) cũng ủng hộ các phong trào xã hội cánh tả. Họ đấu tranh phản đối chính sách của Mỹ và chiến tranh Việt Nam, và nhất là sự phân chia quyền lực tại Italia vì bất chấp có được đa số tại Quốc hội nhưng PCI lại không có bộ trưởng nào và dường như bị gạt ra ngoài chính phủ.

Chính trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, cuộc chiến tranh giành quyền lực đã khiến các phe phái sử dụng đủ thủ đoạn. Tại Italia, phe cực hữu bao gồm lực lượng bí mật của Gladio, các cơ quan tình báo quân sự và các tổ chức phát xít như Ordine Nuovo. Chủ trương của phe này là gieo rắc nỗi sợ hãi tới tất cả các tầng lớp xã hội bằng những vụ tấn công khủng bố điên loạn nhằm vào các đám đông với mục đích gây tử vong cao nhất rồi sau đó đổ vấy cho cánh tả. Thảm kịch tại Peteano nằm trong số những hành động như thế. Người dân nhìn chung ít có cơ hội phát hiện sự thật vì mọi chuyện đã được xóa sạch dấu vết.--PageBreak--

Theo Thượng nghị sĩ Giovanni Pellegrino, Chủ tịch Ủy ban điều tra Quốc hội Italia về Gladio thì trong giai đoạn từ ngày 1/1/1969 đến 31/12/1987, có đến 14.591 hành động bạo lực xuất phát từ động cơ chính trị, làm chết 491 người và làm bị thương đến tàn phế 1.181 người. Trong số đó, vụ đánh bom tại nhà ga Bologne làm 85 người chết và làm bị thương 200 người khác, được coi là đẫm máu nhất tại châu Âu cho tới thời điểm đó.

Tháng 3/2001, tướng Giandelio Maletti, cựu Giám đốc Cơ quan Phản gián Italia tiết lộ rằng, ngoài Gladio, các cơ quan tình báo quân đội Italia và một nhóm nhỏ quân khủng bố thuộc cánh hữu cực đoan còn được lệnh thủ tiêu những đảng viên Cộng sản tại Italia từ Nhà Trắng và CIA.

Trong phiên tòa xét xử những phần tử khủng bố cực hữu bị cáo buộc liên quan tới những vụ tấn công tại Piazza Fontana, ông Maletti cho biết: "Theo lệnh của Chính phủ Mỹ, CIA muốn thành lập một phong trào dân tộc chủ nghĩa tại Italia đủ khả năng đẩy lùi cái mà họ coi là trào lưu thiên tả đang lớn mạnh. Và để thực hiện điều đó, họ đã sử dụng trào lưu khủng bố của các phần tử cánh hữu cực đoan. Người ta có cảm giác rằng người Mỹ đã sẵn sàng mọi thứ để ngăn chặn Italia bị đẩy về phía chủ nghĩa cộng sản".

Cũng trong thời gian này, Thẩm phán Casson, dựa trên lời khai của Vincenzo Vinciguerra, tên khủng bố tiến hành vụ đánh bom tại Peteano, và những tài liệu do chính ông phát hiện, đã bắt đầu nhìn thấy bản chất thực sự của chiến lược quân sự chính trị phức tạp được áp dụng tại Italia trong Chiến tranh lạnh. Casson dần hiểu rằng, đây không chỉ là chủ nghĩa khủng bố đơn thuần mà có bàn tay của Chính phủ Italia lúc bấy giờ.

Làm theo chiến lược "tăng cường áp lực" của Mỹ, lực lượng cánh hữu và những thành phần thân NATO tại Italia đã tiến hành nhiều cuộc đánh bom khủng bố nhằm duy trì không khí căng thẳng trong dân chúng vì lo ngại lực lượng cộng sản sẽ chiếm hết quyền lãnh đạo đất nước. Với mưu đồ gây bất ổn để tạo sự ổn định mới, đạo quân bí mật Gladio đã gây ra nhiều vụ tấn công khủng bố và sau đó đổ vấy cho cánh tả.

Trong phiên xét xử năm 1984, Vinciguerra tuyên bố, không ai có thể nhận thấy sự tồn tại của một bộ máy bí mật như Gladio, vì theo y bộ máy này đã vươn những chân rết của nó vào tận các cơ quan công quyền của Italia lúc đó. Tồn tại song song với lực lượng quân sự bấy giờ, tại Italia còn có một tổ chức bao gồm những thành phần dân sự và quân sự mang tư tưởng chống lại hệ thống các nước Xôviết. Vinciguerra miêu tả Gladio như một siêu tổ chức bí mật sở hữu các mạng lưới thông tin liên lạc, vũ khí riêng biệt.

Hơn 20 năm sau lời thú tội trên, cho đến nay sau khi mọi việc đã rõ ràng người ta mới biết được rằng, những lời khai của Vinciguerra là hoàn toàn đúng. Lần đầu tiên trong lịch sử Italia tồn tại một mối liên hệ giữa đạo quân bí mật Gladio, NATO và những vụ đánh bom khủng bố làm quốc gia này tang thương.

Nhưng Vinciguerra lại không phải là người đầu tiên tiết lộ mối quan hệ giữa Gladio, NATO và những vụ khủng bố tại Italia. Và y cũng không phải là người đầu tiên tiết lộ âm mưu làm phản của Gladio tại Italia.

Năm 1974, trong một cuộc điều tra về trào lưu khủng bố của cánh hữu cực đoan, Thẩm phán Giovanni Tamburino đã tạo ra một tiền lệ khi cáo buộc tướng Vito Miceli, Giám đốc Cơ quan Tình báo quân đội Italia về tội làm theo và thành lập với sự trợ giúp của các tòng phạm một mạng lưới bí mật gồm những thành phần dân sự và quân sự nhằm tạo ra một cuộc nổi loạn về quân sự dẫn đến thay đổi hiến pháp và thành phần trong chính phủ.

Trong phiên tòa xét xử ngày 17/11/1974, Miceli, cựu lãnh đạo Văn phòng An ninh của NATO tại Italia, thừa nhận sự tồn tại của đạo quân Gladio và cho đó là một chi nhánh đặc biệt của tình báo quân đội Italia. Miceli cũng khẳng định ông không lập ra tổ chức này mà chỉ làm theo lệnh của Mỹ và NATO.

Khi ngồi trong tù, Vinciguerra khai với Thẩm phán Casson rằng, trong cỗ máy làm suy yếu cánh tả Italia của y, các cơ quan tình báo quân đội và đạo quân Gladio đã không chỉ nhận được sự trợ giúp của Ordine Nuovo, mà còn cả từ các nhóm cánh hữu cực đoan khác khá nổi tiếng như Avanguardia Nazionale. Vinciguerra cho biết y và đồng bọn được tuyển mộ để cùng với đạo quân Gladio tiến hành những hành động đẫm máu nhất nhằm vào cánh tả tại Italia. Thẩm phán Casson sau đó đã lên tiếng báo động trước những lời khai trên nhằm loại trừ hoàn toàn Gladio vốn đang gặm nhấm dần Nhà nước Italia bấy giờ.

Tháng 1/1990, Casson yêu cầu được mở rộng điều tra tới các hồ sơ của Cơ quan Tình báo quân đội (SISMI), tên mới của SID từ năm 1978. Tháng 7/1990, Thủ tướng Giulio Andreotti đã cho phép vị thẩm phán này tiếp cận hồ sơ của SISMI.

Từ đây, Casson tìm thấy những tài liệu chứng thực sự tồn tại của một đạo quân bí mật dưới mật danh Gladio tại Italia, và đặt dưới sự chỉ đạo của tình báo quân sự nước này, hoạt động với mục tiêu chiến tranh bí mật. Casson cùng phát hiện sự liên quan của NATO và Mỹ với Gladio và các tổ chức khủng bố cực hữu tại Italia và ở khắp các quốc gia Tây Âu khác.

Ngay sau khi Quốc hội Italia được báo về những phát hiện trên, ngày 2/8/1990, Quốc hội ra lệnh cho Thủ tướng Giulio Andreotti giải trình. Ngày 3/8 năm đó, ông Andreotti xuất hiện trước Ủy ban Quốc hội Italia và thừa nhận rằng một tổ chức an ninh hành động theo lệnh của NATO đã tồn tại ở Italia.

Sau khi việc tồn tại của Gladio và các đạo quân bí mật khác của NATO được khẳng định, Mỹ cuối cùng đã quyết định phá vỡ luật im lặng. Khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cựu Thủ tướng Andreotti, lúc đó chỉ còn là một ông già, đã bị đem ra xét xử vì tội thao túng các tổ chức chính trị, hợp tác với mafia và bí mật ra lệnh ám sát lãnh đạo chính trị đối lập. Andreotti bị tuyên phạt 24 năm tù giam

(Còn nữa)

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.