Nhân viên KGB bị đánh lừa bằng... búp bê tình dục
Đánh lừa nhân viên KGB bằng… những con búp bê tình dục
Trước khi tuyển mộ, CIA tìm hiểu thật kỹ lý lịch Adolf Tokachev, phân tích động cơ phản bội cũng như trạng thái tâm thần của ông ta để bảo đảm ông ta sẽ trở thành một trong những tài sản quan trọng nhất trong lịch sử tình báo Mỹ. Tolkachev tuồn cho CIA hầu hết tài liệu mật trong văn phòng của mình vào giờ ăn trưa.
Adolf Tolkachev trong một kỳ nghỉ ở biển Baltic đầu những năm 1970. |
Tài liệu được giấu dưới áo khoác và được chụp bằng máy ảnh Pentax 35 mm kẹp vào một cái ghế trong căn hộ của Tolkachev. Đổi lại, CIA phải trả anh ta số tiền bằng lương của Tổng thống Mỹ (200.000 USD vào thời điểm đó) dù ở Moscow không có nhiều thứ để mua. Phần lớn số tiền được CIA giữ lại đề phòng anh ta phản bội. Tolkachev cũng muốn CIA cung cấp cho anh ta các album nhạc phương Tây của các ban nhạc như The Beatles, Led Zepplin, Uriah Heep… để dành cho con trai.
Tuy nhiên, Tolkachev và CIA không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng gặp mặt để trao đổi tài liệu. Cuối thu, đầu đông năm 1982, CIA mất liên lạc với Tolkachev. 5 cuộc gặp theo dự kiến đều không diễn ra. Tình báo Liên Xô KGB giám sát dày đặc trên phố. Ngay cả các quan chức có vỏ bọc kín của CIA ở Moscow vốn vô hình với KGB cũng không thể làm gì.
Làm thế nào họ có thể qua mặt đối thủ KGB? Walter McIntosh, chuyên gia lãnh đạo bộ phận cải trang của CIA từ năm 1977 đến 1979, tiết lộ với tạp chí Newsweek rằng, họ sử dụng các búp bê tình dục kích cỡ như người thật mua tại một cửa hàng ở Washington DC. Ý tưởng khá độc đáo này nảy sinh khi một nhóm điệp viên CIA hoạt động ngầm bên trong thủ đô Moscow của Liên Xô báo cáo họ cần một biện pháp đánh lừa điệp viên phản gián KGB một cách hiệu quả để có thể tiếp cận các "nguồn" thông tin mật của họ một cách an toàn.
McIntosh cho biết, cửa hàng bán búp bê tình dục nằm rất gần Đại học George Washington nhưng ông không thể nhớ chính xác tên cửa hàng. McIntosh đích thân mua búp bê và mỗi lần mua chừng 4 - 5 con trong thời gian cách nhau khoảng vài tuần. Những con búp bê tình dục sau khi mua về được thay tóc, dán râu và mặc đồ đàn ông, quan trọng nhất là Walter McIntosh sử dụng công nghệ túi khí để chúng có thể phồng lên trong tích tắc, tương tự như món đồ chơi hình nộm gắn lò xo "cậu bé Jack trong chiếc hộp" của trẻ em.
Khi lái xe chở đồng nghiệp đến nơi gặp mặt "nguồn" thông tin, tài xế của CIA giấu con búp bê đã xả khí bên trong xe. Họ cố gắng giữ khoảng cách với nhân viên KGB đang bám theo phía sau cho đến khi đêm xuống. Khi đến một ngã rẽ, điệp viên CIA ngồi ở ghế sau, ăn mặc như một người Nga bình thường, nhanh như chớp tung cửa xe nhảy ra ngoài. Cùng lúc đó, tài xế nhấn nút cho búp bê phồng lên ở ghế sau, "thế thân" cho người vừa thoát ra ngoài. Như vậy, điệp viên KGB bám đuôi cứ đinh ninh "con mồi" vẫn trong tầm mắt của họ.
David Rolph - một đặc vụ CIA từng liên lạc với Tolkachev. |
Vào chiều ngày 7/12, đến thời điểm của cuộc hẹn kế tiếp với Tolkachev, tương lai của mạng lưới tình báo Mỹ tại Moscow được đặt cả vào tay Bill Plunkert. Sau khi làm phi công trong Hải quân, Plunkert đã gia nhập CIA và được huấn luyện thành điệp viên hoạt động ngầm. Nhiệm vụ của anh ta là trốn tránh KGB và liên lạc được với Tolkachev.
Để có thể gặp Tolkachev, Plunkert và CIA đã phải lên một kế hoạch tỉ mỉ, tinh vi. Sau bữa tối hôm đó, Plunkert và vợ cùng với vợ chồng Giám đốc CIA ở Moscow đã ra khỏi Đại sứ quán Mỹ và vào bãi đỗ xe. Nhất cử nhất động của họ đều được mật vụ mặc thường phục báo cáo với KGB. Giám đốc CIA lái xe, Plunkert ngồi cạnh, còn hai bà vợ ngồi hàng ghế sau và cầm một chiếc bánh sinh nhật to.
Tất cả vẻ bình thường đó nhằm che giấu điều bất thường bên trong. Đằng sau lớp quần áo mặc dạo phố của mình, Plunkert mặc một lớp quần áo thứ hai để biến mình thành một ông già Nga điển hình. Chiếc bánh sinh nhật cũng là giả để che một thiết bị kích vít chuyên dụng. Họ biết KGB đang theo sát họ. Khi tới một khúc cua khuất tầm nhìn của KGB, Plunkert nhanh chóng nhảy ra khỏi xe. Cùng lúc đó, chiếc "bánh" được đặt lên vị trí của Plunkert và con búp bê được thổi phồng lên thế chỗ cho anh ta. Nhìn từ xa, KGB cho rằng Plunkert vẫn ở trong xe.
Trước khi nhảy ra khỏi xe, Plunkert đã trút bỏ bộ quần áo bên ngoài, đeo khẩu trang và kính để trông giống hệt như một ông già Nga. Khi chiếc xe của KGB nhìn thấy xe của CIA thì Plunkert đã bước được lên vỉa hè. Qua ánh đèn xe, các đặc vụ KGB chỉ thấy một ông già đang đi trên vỉa hè và họ không mảy may nghi ngờ, tiếp tục đuổi theo chiếc xe. Đó là một trong 21 lần CIA tìm cách liên lạc với Tolkachev trong vòng 6 năm…
Phản thùng
Mỗi một giai đoạn CIA lại có một người tiếp xúc với Tolkachev. Năm 1980, David Rolph là nhân viên CIA trực tiếp liên lạc với Tolkachev. Cuối giờ chiều ngày 14/10, Rolph ra khỏi trạm CIA ở Moscow cùng vợ và về nhà. Trạm CIA ở Moscow là một căn phòng bảo mật kích thước bằng một toa chở hàng bên trong Đại sứ quán Mỹ. Các nhân viên CIA làm việc quanh những chiếc bàn nhỏ. Quanh đó là bản đồ, trên tường lác đác các ghim màu đỏ đánh dấu điểm nóng nguy hiểm có nhiều điệp viên KGB.
Tranh vẽ "điệp viên tỉ đô" treo tại trụ sở của CIA. |
Một giờ sau, Rolph trở lại đại sứ quán cùng vợ, ăn mặc như thể đi dự tiệc tối. Một cảnh vệ Liên Xô đứng gác để ý thấy họ vào tòa nhà. Rolph và vợ đi theo hành lang hẹp tới một căn hộ, đẩy cánh cửa khép hờ. Căn hộ đó là của phó kỹ thuật của trạm CIA tại Moscow, người chuyên giúp các điệp viên gắn và che giấu thiết bị.
Người này cùng tầm vóc và dáng người hao hao giống Rolph. Trong im lặng, hai người bắt đầu hoán đổi nhân dạng cho nhau. Rolph đội mớ tóc giả dài và bù xù lên đầu, đeo bộ râu rậm. Người kia giúp Rolph cải trang và gắn các thiết bị gồm máy quét sóng vô tuyến, ăng ten và tai nghe để theo dõi tín hiệu của KGB trên phố.
Từ cửa ra vào, Rolph nghe thấy một tiếng nói, đó là tiếng nói của kỹ thuật trưởng CIA, người này vừa đến và cố tình nói to để thiết bị nghe trộm của KGB có thể nghe thấy. Họ nói với nhau rằng sẽ đi kiểm tra một cửa hàng máy móc mới. Nói vậy, nhưng viên phó kỹ thuật không rời căn hộ. Người đi cùng kỹ thuật trưởng là Rolph. Còn viên phó kỹ thuật ở trong căn hộ của mình với vợ Rolph suốt 6 tiếng và không nói một câu vì sợ bị nghe lén.
Kế hoạch tỉ mỉ này để Rolph có thể ra khỏi Đại sứ quán đến gặp Tolkachev mà không bị KGB chú ý. KGB thường không chú ý tới nhân viên kỹ thuật trong Đại sứ quán Mỹ khi họ lái chiếc Volkswagen ra ngoài mua đồ ăn, hoa quả, hoặc phụ tùng ôtô.
Khi Rolph và kỹ thuật trưởng thoát ra ngoài phố trên chiếc xe. Chưa yên tâm hẳn, họ còn dừng xe tại một cửa hàng hoa để xem có ôtô giám sát nào của KGB bám đuôi không. Khi chắc chắn không có ai theo dõi, họ lái xe thêm một tiếng rưỡi nữa.
Trong xe, Rolph cởi bỏ đồ cải trang cho vào túi, cầm chiếc túi mua hàng chuẩn bị sẵn cho Tolkachev và mặc áo khoác len vào. Rolph sau đó ra khỏi xe và lẻn đi. Trong quá trình tới địa điểm mục tiêu, Rolph vẫn liên tục dừng lại ở nhiều địa điểm để kiểm tra xem có ai bám đuôi không. Cuối cùng, Rolph cũng có cuộc gặp suôn sẻ với Tolkachev. Tolkachev đưa cho Rolph 25 cuộn phim chứa bản sao các tài liệu tối mật. Rolph trở về chiếc Volkswagen, đeo râu và tóc giả vào và lái xe về Đại sứ quán Mỹ. Cảnh vệ không thèm liếc chiếc xe lấy hai lần. Một lúc sau, cảnh vệ thấy Rolph và vợ rời Đại sứ quán về nhà. Phi vụ trót lọt.
Ngoài Plunkert và Rolph, Tolkachev tiếp tục gặp nhiều đặc vụ Mỹ nữa cho đến đầu năm 1985. Lúc đó, một đặc vụ CIA tên là Edward Lee Howard đã tố giác Tolkachev và các đặc vụ mật khác cho chính quyền Liên Xô. Lý do đặc vụ CIA này tố giác là anh ta bị sa thải vì tội trộm cắp và lạm dụng ma túy. Hậu quả, Tolkachev bị bắt vào tháng 6/1985. Lúc bắt Tolkachev, người ta đã nhanh chóng lột quần áo kẻ phản bội để hắn không thể nuốt viên thuốc độc giấu trong người. Tolkachev bị xử tử vào tháng 9/1986, kết thúc quãng đời làm "điệp viên tỉ đô" cho CIA.