Những trò chơi tình báo thời chiến tranh lạnh

Thứ Năm, 06/08/2015, 10:45
Trong cuốn sách mới xuất bản "The Billion Dollar Spy" (Điệp viên tỉ đô), tác giả đoạt giải thưởng Pulitzer David Hoffman cho phép người đọc nhìn vào thế giới gián điệp ngầm cực kỳ sôi động, mô tả mối quan hệ phức tạp giữa sĩ quan tình báo và nguồn của họ cũng như các phương pháp được CIA sử dụng để trao đổi thông tin mật ngay trước mặt đối phương...

Công ty mật mã Crypto AG của Thụy Sĩ và "Dự án Boris"

Theo tiết lộ mới từ Hãng tin BBC, quá trình điều tra phân tích 52.000 trang tài liệu được Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) giải mật hồi tháng 4 vừa qua đã cho thấy, NSA và Cơ quan Tình báo tín hiệu  Anh (GCHQ) đã tạo dựng mối liên minh mật thiết với Công ty mật mã Crypto AG để giúp họ gián điệp cả thế giới trong thời Chiến tranh lạnh...

Sau khi Thế chiến II kết thúc, nhu cầu về các cỗ máy tương tự như máy mật mã Enigma nổi tiếng của Đức Quốc xã bắt đầu tăng mạnh và Công ty Crypto AG đã nhanh chóng đáp ứng điều đó cho khách hàng trên khắp thế giới. Tiền thân của Crypto AG là AB Cryptoteknik được thành lập bởi Arvid Gerhard Damm ở thành phố Stockholm, Thụy Điển, vào năm 1920.

Boris Hagelin và William Friedman.

Tên tuổi của AB Cryptoteknik được biết đến khi họ chế tạo cỗ máy mật mã cơ học C-36. Sau khi Damm qua đời và trước khi Thế chiến II bùng nổ, Cryptoteknik rơi vào quyền kiểm soát của một người Thụy Điển gốc Nga tên là Boris Hagelin. Trong suốt cuộc chiến tranh thế giới, Cryptoteknik chủ yếu hoạt động ở Mỹ và cung cấp 140.000 chiếc máy C-38 cho quân đội nước này.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Thụy Điển thông qua luật xếp hạng các máy mật mã như là vũ khí nên không được xuất khẩu. Do đó vào năm 1952, Boris Hagelin di chuyển công ty mới của ông là Crypto AG đến thành phố Zug của Thụy Sĩ.

Crypto AG thường quảng cáo rằng họ có quan hệ hợp tác với khách hàng tại 130 quốc gia trên thế giới. Tiêu đề của công ty nhấn mạnh: "Crypto AG là đối tác an ninh hàng đầu cho các chính quyền dân sự và quân sự trên toàn thế giới. An ninh là công việc của chúng tôi và sẽ luôn luôn như thế".

Nhưng có một điều mà các khách hàng của Crypto AG không hề biết là Boris Hagelin có tình bạn gắn bó với cha đẻ ngành giải mã Mỹ William F. Friedman và từ đó dẫn đến mối quan hệ giao dịch ngầm giữa công ty này và NSA. Một báo cáo tuyệt mật dày 22 trang được giải mật tiết lộ về chuyến đi đến Zug của William Friedman vào năm 1955.

Sau đó, Hagelin thỏa thuận với Friedman sẽ cung cấp thông tin cho NSA và GCHQ về các đặc điểm kỹ thuật cũng như bộ mã khóa của những chiếc máy mật mã khác nhau do Crypto AG sản xuất và bán ra khắp thế giới. Nhờ đó mà 2 cơ quan tình báo Anh và Mỹ có thể bí mật giải mã và đánh cắp thông tin từ các máy của Crypto AG.

Vào năm 1992, Cơ quan Phản gián quân đội Iran (IMCI) đã bắt giữ Hans Buehler, đại diện của Crypto AG ở Tehran vì tội làm gián điệp cho Mỹ. Buehler khai nhận Crypto AG đã bí mật bán cho tình báo Mỹ bộ mã khóa chiếc máy mà công ty bán cho chính quyền Iran năm 1969. Nhờ bộ mã khóa này mà NSA đánh cắp được nhiều thông tin mã hóa được tình báo Iran gửi đến mạng lưới điệp viên nước này ở hải ngoại. Sau vụ bê bối này, Crypto AG buộc phải bồi thường 10 triệu USD cho chính quyền Iran.

Năm 1993, chính quyền Thụy Sĩ mở cuộc điều tra chính thức về mối quan hệ NSA - Crypto AG và tiếp đến là các quốc gia khác cũng quyết định điều tra gồm: Pháp, Bỉ và Italia. Kết quả điều tra cho thấy ngay từ đầu những năm 50, không chỉ có NSA và GCHQ mà cả khối NATO (Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương) cũng có thỏa thuận ngầm mua các bộ mã khóa của Crypto AG để đánh cắp thông tin.

Mối quan hệ NSA - Crypto AG cũng buộc công ty không được bán các máy thuộc loại siêu đẳng như là CX-52 (phiên bản tinh vi hơn C-52) cho một số quốc gia. Nhà sử học Stephen Budiansky cho biết, Crypto AG nghe theo NSA để bán những chiếc máy mật mã yếu cho các quốc gia khác nhằm giúp tình báo Mỹ cũng như GCHQ dễ dàng thu thập thông tin mã hóa.

Mùa hè năm 1958, nhóm sĩ quan quân đội đồng tình với Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser tổ chức cuộc lật đổ chính quyền ở Iraq. Theo nhà sử học Anh David Easter của Đại học King'College London, nhờ nắm bắt được thông tin mã hóa của Ai Cập được truyền từ máy Crypto AG mà nước Anh nhanh chóng triển khai quân đội đến quốc gia láng giềng Jordan của Iraq nhằm ngăn chặn cuộc đảo chính tiếp theo.

Trụ sở Crypto AG ở Thụy Sĩ.

Thật ra, ngay từ thập niên 80 nhà sử học James Bamford đã tình cờ phát hiện "Dự án Boris" trong đống hồ sơ của Friedman khi ông tìm kiếm tư liệu để viết "The Puzzle Palace" (xuất bản năm 1982) - cuốn sách đầu tiên điều tra về NSA. Tuy nhiên, khám phá của James Bamford đã không nhận được sự quan tâm đúng mức và cũng không tác động gì đến hoạt động kinh doanh bí mật của Crypto AG mãi cho đến khi chính quyền Iran bắt giữ Hans Buehler năm 1992.

Năm 1995, nhà báo Scott Shane (lúc đó làm việc cho tờ Baltimore Sun) tiếp tục phát hiện những tài liệu tiết lộ các cuộc tiếp xúc giữa NSA và Crypto AG trong thập niên 70. Nguồn lợi từ những giao dịch với NSA là những "đặc ân" mà NSA ban cho Crypto AG (ngoài những khoản trợ cấp tài chính béo bở cho công ty thông qua các công ty bình phong khác của NSA) như việc giúp con rể của Hagelin được phục vụ trong Không lực Mỹ và cháu vợ của Hagelin được làm việc tại trụ sở NSA.

"Điệp viên tỉ đô"

Một trong những chiến dịch tình báo bí mật nhất và thành công nhất của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ngay trung tâm thủ đô Moscow của Liên Xô trong giai đoạn cao trào của Chiến tranh lạnh. Từ năm 1979 - 1985, từ một "nguồn" cắm sâu bên trong Viện Thí nghiệm quân sự quan trọng bậc nhất của Liên Xô - kỹ sư thiết kế trưởng Adolf Tolkachev, CIA nhận được thông tin tình báo cực kỳ có giá trị về thế hệ radar phòng thủ mới nhất của Liên Xô. Giai đoạn này diễn ra những sự kiện quan trọng trên thế giới như việc qua đời của 3 tổng bí thư Liên Xô, vụ bắn rơi chiếc máy bay KAL007 của Hãng Hàng không dân dụng Hàn Quốc Korean Airlines, và cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan.

Cỗ máy tinh xảo CX-52 do Boris Hagelin phát triển.

Trong cuốn sách mới xuất bản "The Billion Dollar Spy" (Điệp viên tỉ đô), tác giả đoạt giải thưởng Pulitzer David Hoffman cho phép người đọc nhìn vào thế giới gián điệp ngầm cực kỳ sôi động, mô tả mối quan hệ phức tạp giữa sĩ quan tình báo và nguồn của họ cũng như các phương pháp được CIA sử dụng để trao đổi thông tin mật ngay trước mặt đối phương.

Với những thông tin và biểu đồ liên quan tới hệ thống radar Liên Xô thế hệ mới cung cấp cho Mỹ, kỹ sư Tolkachev đã thay đổi hẳn cách đánh giá của Mỹ về khả năng radar của Liên Xô. Trước khi Tolkachev hợp tác với CIA, tình báo Mỹ không biết rằng Liên Xô có hệ thống radar có thể phát hiện các mục tiêu bay bên dưới máy bay. Nhờ thông tin quan trọng sống còn này mà Mỹ biết được những khoảng trống trong hệ thống radar của Liên Xô, từ đó có thể tận dụng những tiến bộ mới nhất của nước này để phát triển máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Liên Xô không mảy may biết rằng Mỹ đã nắm được công nghệ của họ.

Cuốn sách "The Billion Dollar Spy" của David Hoffman.

Chẳng may nếu có một cuộc chiến tranh nổ ra giữa Mỹ và Liên Xô, thông tin mà Tolkachev cung cấp có thể mang lại lợi thế quyết định cho Mỹ trên không và có thể giúp các tên lửa hành trình dẫn đường vượt mặt các hệ thống phát hiện của Liên Xô. Thông tin này đã giúp cán cân quân sự Xô - Mỹ nghiêng về Mỹ. Đó chính là lý do tại sao kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, máy bay do Liên Xô chế tạo chưa bao giờ bắn hạ được một máy bay chiến đấu nào của Mỹ.

Vậy CIA đã chiêu mộ và sử dụng Tolkachev như thế nào? Tất cả được tiết lộ trong cuốn "The Billion Dollar Spy" vừa xuất bản, trong đó tác giả David E. Hoffman ví Tolkachev là "điệp viên tỉ đô" của CIA. Tolkachev được đánh giá là điệp viên giá trị nhất, thành công nhất mà Mỹ điều khiển nằm tại Liên Xô suốt 20 năm. Tài liệu và các bản vẽ mà anh ta gửi cho Mỹ đã mở khóa các bí mật về nghiên cứu radar và vũ khí của Liên Xô trong nhiều năm trời. Tolkachev đã tuồn bảng mạch và thiết kế của Liên Xô ra ngoài, giúp Mỹ có vị thế thống trị bầu trời trong cuộc chiến trên không.

Trước đây, CIA chưa bao giờ có một điệp viên nào có giá trị như vậy. Đối với bất kỳ người Liên Xô cũng như quan chức nào, việc làm gián điệp cho CIA là điều quá nguy hiểm. Nguy cơ bị KGB phát hiện là rất lớn và khi bị phát hiện, điệp viên đó cầm chắc một kết cục chẳng mấy hay ho. Chỉ có một số điệp viên ít ỏi tình nguyện hoặc được CIA tuyển dụng bên ngoài Liên Xô có thể trở về Liên Xô an toàn và tiếp tục chuyển tin mật. Chính vì thế mà CIA không dồn sức vào dụ dỗ điệp viên ở Nga.

“Điệp viên tỉ đô” Tolkachev.

Vậy điều gì khiến Tolkachev muốn làm việc cho CIA và khiến CIA mạo hiểm để gặp anh ta? Theo cuốn "Điệp viên tỉ đô", Tolkachev làm điệp viên cho CIA do khao khát muốn trả thù lịch sử. Mẹ vợ Tolkachev bị hành quyết, còn bố vợ bị đưa vào trại lao động trong những năm 30 dưới thời Joseph Stalin. Bản thân anh ta luôn coi mình là người bất đồng chính kiến sâu sắc với chính quyền lúc bấy giờ. Tolkachev muốn trả thù hệ thống Xôviết và thực hiện điều đó bằng cách tuồn bí mật quân sự cho Mỹ. Tolkachev quyết tâm gây thiệt hại tối đa cho Liên Xô dù việc này có mạo hiểm đến đâu nếu bị phát hiện. Tolkachev thậm chí còn không muốn chết dưới tay KGB. Gã đã xin CIA thuốc tự tử để dùng trong trường hợp bị bắt.

Tolkachev đã tìm cách tiếp cận với các nhà ngoại giao Mỹ khi họ đổ xăng tại một trạm xăng. Bốn lần tiếp cận đầu tiên đều bị phía Mỹ phớt lờ và từ chối. Các nhà ngoại giao Mỹ vốn rất cẩn trọng vì biết đâu Tolkachev lại là cái bẫy của KGB. Mãi đến lần thứ 5 Tolkachev mới thành công sau khi gửi một bức thư cho người đứng đầu CIA tại Nga.

Nhưng CIA cũng phải mất một năm mới xác nhận được rằng Tolkachev không lừa gạt họ và đồng ý tuyển mộ sau khi biết anh ta làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật vô tuyến (NIIR) tối mật, được tiếp xúc với nhiều thông tin vô cùng giá trị. Không quân Mỹ ước tính có thời điểm trong quá trình hoạt động của Tokachev, anh ta đã tiết kiệm cho Mỹ 2 tỉ USD tiền phát triển và nghiên cứu vũ khí. Có thể nói không ngoa rằng, Tolkachev là một trong những điệp viên quý giá nhất của CIA trong thời Chiến tranh lạnh.

(Còn tiếp)

Diên San - Dương Thùy (tổng hợp)
.
.