Ông trùm "buôn bom" A.Q.Khan: Khởi nguồn một mạng lưới đen
Nhắc đến đây, lập tức người ta nói tới A.Q. Khan, cha đẻ của bom nguyên tử Pakistan và được coi là ông trùm buôn bán “chợ đen” về công nghệ hạt nhân. Như cựu Giám đốc CIA Geoger Tenet đánh giá thì nhân vật này "nguy hiểm ít nhất ngang Osama bin Laden", nhưng ở Pakistan quê hương A.Q.Khan thì ông ta được coi như một người anh hùng.
Vậy A.Q.Khan thực sự là ai? Mạng lưới của Khan đã được ra đời, phát triển như thế nào? Và làm thế nào mà CIA của Mỹ cùng MI-6 của Anh đã phong tỏa, phá vỡ được hệ thống của Khan. Để giải đáp và giúp bạn đọc có cái nhìn sâu hơn về vấn đề này, Chuyên đề ANTG xin trân trọng giới thiệu những tư liệu tổng hợp nhất về Khan cùng mạng lưới “buôn bom” mà ông ta được coi là “cha đẻ” và qua đó thấy được ảnh hưởng của nó nghiêm trọng thế nào tới an ninh hạt nhân toàn cầu.
"Hạt nhân vì hòa bình"?
Để đánh lạc hướng sự lo ngại của dư luận trong và ngoài nước về bụi phóng xạ xuất phát từ các vụ thử hạt nhân của Mỹ, ngày 8/12/1953, Tổng thống Dwight Eisenhower đã đưa ra một bản tuyên ngôn về năng lượng hạt nhân vì hòa bình. Bản tuyên ngôn này của Eisenhower được hơn 3.000 đại biểu vỗ tay và kỳ vọng vào một thế giới không có vũ khí hạt nhân trong tương lai, nhưng ít ai lúc đó biết rằng, sau bản tuyên ngôn này thế giới đã rẽ sang một hướng khác, thậm chí đã trở nên cực kỳ nguy hiểm với an ninh hạt nhân.
Ý tưởng "Năng lượng hạt nhân vì hòa bình" với mục đích là để tìm nguồn năng lượng mới ngoài các nguồn năng lượng truyền thống đang bị khai thác cạn kiệt, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc phải truyền bá kiến thức, công nghệ về quá trình làm giàu uranium - đủ để phục vụ mục đích năng lượng, kèm theo là đào tạo các cán bộ khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực hạt nhân.
Tuy nhiên "Hạt nhân vì hòa bình" đã bị biến tướng. Có những kẻ lập tức lên kế hoạch lách kẽ hở của chính sách này để xây dựng chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân cho quốc gia mình.
Đứng trước nguy cơ gia tăng hoạt động truyền bá vũ khí hạt nhân, năm 1968, Ngoại trưởng Ireland lần đầu tiên đề xuất một hiệp ước về không truyền bá hạt nhân (Nuclear Non Proliferation Treaty) sau đó Ireland và Phần Lan đã đệ trình bản dự thảo này lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Văn bản này được ký ngày 1/7/1968 và có hiệu lực ngày 5/3/1970, đến nay đã 189 nước tham gia nhưng mới có 43 quốc gia (trong đó có 3 cường quốc hạt nhân) chính thức phê chuẩn.
Tuy nhiên, động thái này có vẻ là đã quá muộn. Vụ thử vũ khí hạt nhân của Ấn Độ năm 1974 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ truyền bá hạt nhân, nhưng tiếc là thế giới đã không có được những hành động kiên quyết, thậm chí một số quốc gia vì lợi nhuận quá lớn đã dung túng, bán bí mật hạt nhân cho một số đồng minh của mình. Đến nay, ngoài 5 quốc gia trong câu lạc bộ hạt nhân (Nuclear club) thì Pakistan, Ấn Độ, Israel, CHDCND Triều Tiên cũng đã có vũ khí hạt nhân. Tiếp theo, hiện giờ Iran đang đứng rất gần danh sách này.
Theo số liệu của một số cơ quan có uy tín thì mặc dù sau thời kỳ Chiến tranh lạnh, số đầu đạn hạt nhân đã giảm từ 70.000 xuống còn 23.000, nhưng đó vẫn là một kho hạt nhân đủ để hủy diệt toàn bộ trái đất. Trong số đó, Nga đang nắm giữ 12.000 đơn vị hạt nhân, Mỹ có 9.400, Pháp là 240, Anh là 185, Trung Quốc có 140, Pakistan có 80-100, Israel có 80, Ấn Độ có 60, còn CHDCND Triều tiên là con số không xác định nhưng nhiều nguồn tin cho là khoảng 10 quả bom hạt nhân.
Từ thập niên 60 của thế kỷ trước đến nay, đặc biệt là sau sự kiện vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba, khi thế giới đối mặt trực tiếp với nguy cơ chiến tranh hạt nhân thì vấn đề an ninh hạt nhân và nạn truyền bá hạt nhân vẫn là chủ đề nóng nhất và lớn nhất của thế giới.
Cha đẻ vũ khí hạt nhân của Pakistan
Sự kiện Ấn Độ tiến hành vụ thử hạt nhân năm 1974 đối với nước láng giềng Pakistan thực sự là một cú sốc lớn. Thủ tướng Ali Bhutto thề không chịu kém miếng, hùng hồn tuyên bố: "Bom nguyên tử sẽ chống bom nguyên tử. Để làm điều này nếu cần, chúng ta sẽ ăn cỏ và lá cây".
Năm 1972, ông Ali Bhuto đã quyết định chính thức phát động chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, là một nước nghèo, lạc hậu với cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ yếu kém, chương trình hạt nhân của Pakistan chẳng tiến triển gì mấy cho tới năm 1975, khi một người tên là Abdul Qadeer Khan (A.Q.Khan) xuất hiện.
Sinh năm 1936 tại thành phố nhỏ Bhopal ở khu tô giới Anh của Ấn Độ, tuổi thơ của A.Q.Khan đầy ký ức của cuộc chiến đẫm máu và hỗn loạn giữa Ấn Độ và Pakistan. Tương lai mịt mờ, 16 tuổi Khan quyết định rời Ấn Độ để về Pakistan sống cùng anh trai. Sau khi vào học đại học tại đó, A.Q.Khan sớm thấy không hài lòng với chương trình học tập nghèo nàn ở đây nên 25 tuổi, Khan đã quyết định chuyển sang châu Âu học tiếp đại học và trên đại học.
Đầu tiên, Khan theo học tại Tây Berlin, sau đó là Hà Lan và cuối cùng Khan chọn Bỉ là nơi thực hiện luận án tiến sĩ của mình. Suốt quá trình học tập, Khan không chỉ thu thập kiến thức cho mình mà còn xây dựng được một mạng lưới rộng khắp thế giới về giáo dục và giữ mối quan hệ với các bạn bè, những người sẵn lòng giúp đỡ mình. Sau này, một số người còn tiếp tục giúp Khan và là đồng minh của Khan khi ông ta bước vào mạng lưới "buôn bán hạt nhân chợ đen".
Có vẻ như lịch sử của Khan khá đơn giản và con đường đến với mạng lưới sau này của ông ta cũng đơn giản như một sự lựa chọn thời điểm đúng trong một hoàn cảnh đúng. Khan kết thúc chương trình tiến sĩ năm 1971 và điều đó mở ra cánh cửa để con người này có thể vào được những nơi lý tưởng cho việc rèn luyện kỹ năng của ông ta.
Thực ra Khan được đào tạo về chuyên ngành luyện kim chứ không phải ngành vật lý hạt nhân như nhiều người lầm tưởng. Nơi đầu tiên bắt đầu làm việc của Khan là FDO (Phisical Dynamics Research Laboratory), một nơi nghiên cứu các công trình mới nhất về hạt nhân. Đây là cơ sở nghiên cứu bí mật của Hà Lan chuyên làm việc cho Hãng Urenco, một tập đoàn được Chính phủ Anh, Tây Đức và Hà Lan thành lập nhằm thiết kế và chế tạo các máy ly tâm riêng cho các nước này trong bối cảnh Mỹ cấm vận xuất khẩu thiết bị kỹ thuật hạt nhân đối với các nước, kể cả đồng minh ở Tây Âu.
Chính tại đây, Khan đã thu thập được rất nhiều những kiến thức và kỹ năng cho mình. Vừa làm khoa học, Khan còn kiêm cả phiên dịch tiếng Anh, tiếng Hà Lan và tiếng Đức, cộng với vốn kiến thức về luyện kim của mình Khan đã thực sự thâm nhập và dần dần có được những vị trí làm việc ở cấp cao, nắm giữ rất nhiều bí mật trong lĩnh vực hạt nhân.
Tại cơ sở thí nghiệm này, Khan có điều kiện tiếp cận công nghệ làm giàu uranium khá dễ dàng. Chỉ trong vòng 3 năm, A.Q. Khan đã nắm được những kế hoạch sản xuất các máy ly tâm tiên tiến nhất của châu Âu và danh sách những nhà sản xuất thiết bị liên quan, các chuyên gia có thể thuê mướn và nguồn cung ứng nguyên liệu cần thiết để làm giàu uranium. Khan nhận ra, rất dễ để có thể có được các thông tin nhạy cảm, những tài liệu "mật - hạn chế", thậm chí cả những tài liệu "bí mật - tuyệt mật".
Thực chất, Khan đến châu Âu học tập không phải là theo nhiệm vụ của một điệp viên mà với lòng hứng khởi của một trí thức trẻ tuổi tràn đầy tinh thần dân tộc. Khan chỉ bắt đầu cuộc đời hoạt động gián điệp vào mùa thu năm 1971. Lý giải về bước ngoặt Khan tự lựa chọn cho mình, người ta nhận định hai sự kiện quan trọng đã làm thay đổi và quyết định con đường của A.Q.Khan.
Thứ nhất, đó là sự thất trận của quân đội Pakistan trước quân Ấn Độ ở phía đông Pakistan, khiến vùng đất này bị tách ra thành một quốc gia khác, đó là Banladesh.
Thứ hai, đó là sự kiện Ấn Độ thử thành công bom hạt nhân năm 1974. Từ châu Âu xa xôi, A.Q.Khan đã thề nhất định sẽ giúp đất nước Pakistan của ông có được vũ khí hạt nhân, trước hết là để đối đầu với Ấn Độ. Ông đã mạnh dạn viết một bức thư thông qua Sứ quán Pakistan ở Bỉ gửi cho Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto vào ngày 17/9/1974.
Bức thư của Khan gặp đúng thời cơ khi Zulfikar Ali Bhutto lên làm thủ tướng và Pakistan quyết định khởi động chương trình hạt nhân của mình. Thủ tướng lập tức cho triệu tập cuộc họp các nhà khoa học hàng đầu về vật lý hạt nhân, kể cả các nhà khoa học trẻ đào tạo tại phương Tây ủng hộ chủ trương của ông.
Khi Thủ tướng Bhutto hỏi cần bao lâu để sản xuất bom hạt nhân, các nhà khoa học trả lời, cần 5 năm. (Chúng ta nhớ lại vào năm 1945, sau khi biết tin Mỹ thả 2 quả bom xuống Nhật Bản, Stalin đã triệu tập cuộc họp các nhà khoa học và để trả lời câu hỏi về thời gian cần thiết để sản xuất bom hạt nhân thì các nhà khoa học Nga cũng trả lời cần 5 năm!). Ngay sau cuộc họp, Thủ tướng Bhutto triển khai việc thành lập các ủy ban quốc gia về hạt nhân, ông quyết định đi một vòng đến 20 quốc gia thân cận để tìm sự giúp đỡ về công nghệ và tài chính.
Khi ấy ở châu Âu, Khan âm thầm tìm hiểu tài liệu và công nghệ hạt nhân ở tại trung tâm FDO. Ông tìm cách thâm nhập các khu vực cấm, các trung tâm lò phản ứng và thư viện lưu trữ tài liệu mật. Vào năm 1975, một đồng nghiệp của Khan đã nghi ngờ các hoạt động của Khan và báo cáo cho Ban giám đốc.
Nhưng phải một thời gian sau, nhà chức trách mới áp dụng các biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, những nỗ lực ngăn chặn đã là quá muộn. Tháng 12/1975, lợi dụng chuyến về phép Khan đã mang theo toàn bộ tài liệu bí mật hạt nhân trở về Pakistan. Rất nhiều chuyên gia lúc đó không tin là một đất nước nghèo như Pakistan có thể sản xuất được bom hạt nhân, đó là một sai lầm tai hại phải trả giá.
Với sự ủng hộ của chính quyền và nguồn tài chính mà đến tận bây giờ vẫn chưa rõ xuất xứ, trong vòng 20 năm Khan đã hoàn tất quá trình làm giàu uranium đủ để sản xuất ra bom hạt nhân với công nghệ tên lửa đạn đạo mà Khan trao đổi với CHDCND Triều tiên để đổi lấy công nghệ máy ly tâm.
Phòng thí nghiệm kỹ thuật hạt nhân (KRL) do A.Q.Khan thành lập. |
Tháng 7/1976, Khan đã thành lập Phòng Thí nghiệm kỹ thuật hạt nhân Pakistan (KRL). Mọi công việc đều được Khan báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng mà không phải thông qua Tổ chức Năng lượng hạt nhân Pakistan. Khan là nhân vật quan trọng nhất, có thể làm bất cứ việc gì, gặp bất cứ ai vào bất cứ lúc nào và không ai được phép kiểm soát ông ta.
Tháng 8/1976, Khan quyết định chọn Kahuta để xây dựng cơ sở hạt nhân được mô tả là "được bảo mật hơn cả tòa nhà Thủ tướng" với bí danh "Công trường 706". Cho tới năm 1991, KRL đã có 15 khu kỹ thuật, với 6.000 lao động tay nghề cao và các nhà khoa học hàng đầu.
Với mục tiêu ban đầu là làm giàu uranium, Khan đã xúc tiến cả những dây chuyền sản xuất vũ khí để bán cho Bộ Quốc phòng, và nguy hiểm hơn là nó đã nhúng sâu vào nền công nghiệp quốc phòng của Pakistan và triển khai đường dây bí mật buôn bán vũ khí hạt nhân cho các quốc gia và cá nhân khác. Mục tiêu cấp bách của KRL là sớm hoàn tất quá trình làm giàu đủ để sản xuất bom. Năm 1982, Khan tuyên bố cơ bản đã làm giàu đủ để sản xuất bom, và 2 năm sau ông tuyên bố đã có thể tiến hành thử nghiệm nguội cho trái bom đầu tiên.
Lo ngại về quá trình này, tháng 9/1984, Tổng thống R.Reagan đã viết một lá thư cho tướng Zia cảnh báo không được tiếp tục làm giàu thêm 5% nữa nếu không sẽ phải hứng chịu hậu quả. Mặc dù vậy Pakistan ngày càng tiến sát đến ngưỡng cửa quốc gia sở hữu hạt nhân.
Tháng 8/1988, tướng Zia, người cổ vũ mạnh mẽ cho chương trình hạt nhân của Pakistan đã chết trong một tai nạn máy bay bí ẩn cùng đại sứ Hoa Kỳ trên chuyến bay C-130 trở về Islamabad. Cái chết bất ngờ của tướng Zia và sự đăng quang cũng bất ngờ của Benazir Bhutto (con gái cố Thủ tướng Zullfikar Bhutto) có làm chậm chương trình một thời gian, nhưng không ngăn cản được quyết tâm của Pakistan.
Quyền lực điều hành chương trình hạt nhân lúc này được rơi vào tay "bộ ba" là: Tổng thống Ghulam Ishaq Khan, Thủ tướng Benazir Bhutto và tướng Mirza Aslam Beg - Bộ trưởng Quốc phòng. Vào mùa xuân 1990, theo các tin tức tình báo và các ảnh từ vệ tinh thì chương trình hạt nhân của Pakistan đã tiến rất gần thời điểm thử quả bom đầu tiên. Trong lúc đó, như để dọn đường cho chiến dịch quyết định cuối cùng, tháng 8/1990, nữ Thủ tướng Benazir Bhutto - nhân vật bị cho là ngăn cản chương trình vũ khí hạt nhân đã bị hất ra khỏi chính trường.
(Còn tiếp)