Pakistan: Đem số phận đặt cược vào… quả thận

Thứ Ba, 04/07/2017, 10:20
WHO ước tính các ca ghép tạng chợ đen chiếm 5-10% ca ghép tạng trên toàn thế giới hàng năm và đem về khoản 1,2 tỷ USD cho những băng nhóm tội phạm. Vì thế, ở những nước vùng Nam Á như Bangladesh hay Pakistan, tội phạm tha hồ tung hoành.

Theo số liệu của Bộ Y tế Hoa Kỳ, cứ mỗi 10 phút trôi qua lại có thêm 1 bệnh nhân cần ghép tạng. Chợ đen nội tạng hoạt động khá rầm rộ, vì theo ước tính của WHO, mỗi năm có tới 10.000 ca ghép tạng chợ đen, tức mỗi giờ có hơn 1 ca.

WHO ước tính các ca ghép tạng chợ đen chiếm 5-10% ca ghép tạng trên toàn thế giới hàng năm và đem về khoản 1,2 tỷ USD cho bọn tội phạm. Vì thế, ở những nước vùng Nam Á như Bangladesh hay Pakistan, bọn tội phạm tha hồ tung hoành.

Đồng tiền đi liền…  quả thận

Tiến sĩ Mirza Naqi Zafar, Tổng thư ký Hiệp hội Cấy ghép tạng Pakistan cho biết, mặc dù chính quyền Pakistan đã ban hành luật cấm cấy ghép tạng thương mại từ năm 2010, nhưng số lượng ca cấy ghép bất hợp pháp lại tăng mạnh trong những năm gần đây, lên đến cả trăm ca cấy ghép chui mỗi tháng.

Ông còn tiết lộ: phần lớn những ca cấy ghép này có liên quan đến đường dây "du lịch chữa bệnh" đến Pakistan, thực chất là cấy ghép tạng lậu nhằm đáp ứng nhu cầu của những khách hàng nước ngoài giàu có, đặc biệt là các quốc gia Vùng Vịnh. Xuất phát từ tình trạng thiếu hụt nội tạng cấy ghép trên toàn cầu, những đường dây buôn bán nội tạng trái phép đã hình thành để lấp đầy khoảng chênh lệch giữa cung và cầu.

Trung tâm Thận, nơi các nạn nhân cho là họ bị bọn tội phạm đưa đến để xét nghiệm và cũng là nơi tiến hành các ca phẫu thuật cấy ghép thận.

Tiến sĩ Naqi Zafar cho biết, trên thị trường chợ đen, một ca cấy ghép thận có giá từ 50.000-60.000 USD, trong khi người hiến tạng chỉ nhận được một số tiền rất nhỏ so với con số này.

Từ lâu, Pakistan được coi là trung tâm quốc tế của thị trường thận bất hợp pháp, song giới chức chính quyền và y tế than phiền rằng, họ không có cách nào ngăn chặn hiệu quả do biện pháp trừng phạt còn quá nhẹ hoặc thiếu tính răn đe. Hiến tạng có thể coi là hợp pháp nếu đó là hành vi tự nguyện - tức là không có sự cưỡng ép hay trao đổi tiền bạc. Trong khi đó, người Hồi giáo không được phép hiến tạng khiến cho tình trạng khan hiếm tạng ghép càng thêm trầm trọng.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động buôn lậu nội tạng diễn ra trong bóng tối nhưng ở Pakistan lại hoạt động gần như giữa thanh thiên bạch nhật. Tại một bệnh viện hạng sang ở Islamabad, nhân viên y tế công khai mời mọc bệnh nhân ghép một quả thận với giá 23.000 USD, đồng thời còn mạnh miệng bảo đảm rằng, ca cấy ghép có giấy phép từ chính quyền "bảo chứng".

Sadi Ahmed là một trong số 24 người được cảnh sát Pakistan giải cứu khỏi một đường dây buôn bán nội tạng hồi tháng 10-2016. Nhóm tội phạm đã dụ dỗ Sadi Ahmed và các nạn nhân khác tới Rawalpindi thuộc Punjab, Pakistan, để làm việc với mức lương hậu hĩnh. Chúng còn công phu dàn cảnh đưa những người cần việc làm này đến một cơ quan hành chính địa phương lấy giấy phép lao động. 

Thực tế là bọn tội phạm tạo cho những "con mồi" vừa rơi vào bẫy của chúng một lý lịch mới với hồ sơ giấy tờ hoàn toàn giả mạo để người thân không thể tìm kiếm họ. Trong số này có khá nhiều nạn nhân mù chữ nên cầm mảnh giấy phép vô giá trị trên tay, họ còn không đọc được nổi nơi mình sẽ đến làm việc.

Số nạn nhân này thường bị giam giữ trong nhiều tháng. Ahmed nhớ rằng, bản thân anh bị bọn tội phạm nhốt trong khoảng 3 tháng. Trong khi chờ đến lượt bị đưa lên bàn mổ để lấy thận, họ bị giam trong một tòa nhà thương mại ở khu vực ngoại thành sầm uất của thành phố Rawalpindi. Sau này, khi trả lời phỏng vấn của chương trình "File on 4" của kênh truyền hình BBC, Ahmed cho biết, ngay sau khi được đưa đến tòa nhà thương mại, bọn môi giới đã tịch thu điện thoại của anh. 

Đến lúc ấy, Ahmed mới nhận ra rằng, hy vọng về một công việc với mức lương hậu hĩnh đã tan theo mây khói. "Lúc đó có khoảng từ 20-25 người ngồi sẵn ở đấy. Chúng ra lệnh cho tôi không được hé môi hỏi điều gì. Khoảng 10 phút sau, một người xuất hiện và yêu cầu chúng tôi chuẩn bị đi làm xét nghiệm. Tôi hỏi, 'Các ông đưa tôi làm xét nghiệm gì vậy? Chúng tôi sẽ làm công việc gì?'. 

Bọn tội phạm nói thẳng chúng muốn xét nghiệm thận của các nạn nhân, và sẽ trả 300.000 rupees Pakistan cho mỗi quả thận. Tiếp theo, bọn chúng còn hăm dọa rằng nếu như có ai trong số chúng tôi tìm cách gặp cảnh sát, cảnh sát sẽ không tin và đánh đập chúng tôi và rồi chúng tôi có thể bị giết chết".

Maqsood Ahmed với vết sẹo sau lần bán thận.

Nếu cảnh sát Pakistan đột kích vào tòa nhà chậm quá nửa tiếng, có thể họ sẽ tìm thấy Ahmed trên... bàn mổ tại Trung tâm cấy ghép thận gần đó. Dù được giải cứu kịp thời và được tự do, nhưng trong thời gian Ahmed bị bắt cóc, thì vợ và 4 đứa con của anh đã phải sống lay lắt qua ngày bằng cách đi vay nợ. 

Ahmed nghẹn giọng trần tình: "Tôi từng có nhà có đất, nhưng nay đã bị gán nợ cả rồi. Cả nhà chúng tôi không xu dính túi, ngôi nhà náu thân cũng không có hy vọng gì chuộc lại được rồi". Viên cảnh sát Yasir Mehmood cho biết, hầu hết các nạn nhân đều rất yếu và hoảng loạn khi anh và các đồng đội tìm thấy họ trong căn phòng bị khóa trái.

Zafar Shahab, một người đàn ông độ 50 tuổi cho biết, ông bị mổ lấy mất một quả thận khoảng giữa năm 2016 mà chẳng hề được hỏi ý kiến. Lúc đó, bệnh viện chỉ nói ông cần phải phẫu thuật vì có vấn đề về sức khỏe, còn bản thân ông thì "chẳng có chút ý niệm" gì về chuyện bị cắt mất một quả thận. Sau khi xuất viện về nhà, sức khỏe của ông ngày càng giảm sút. Zafar Shahab nói: "Tôi không thể lao động, tôi thất nghiệp. Tôi thậm chí còn không nhấc nổi một bao bột mì nặng cỡ 5kg thì có thể làm được việc gì đây?".

Cứ hiến tạng là thoát nghèo

Trong cuộc đột kích hồi tháng 4 vừa qua vào một căn nhà ở thành phố Lahore (thủ phủ tỉnh Punjab miền bắc Pakistan) được dùng làm nơi phẫu thuật ghép thận bí mật, cảnh sát đã bắt giữ 6 người - trong đó bao gồm 2 bác sĩ và 2 người Oman. Chính quyền Pakistan tuyên bố vụ bắt giữ là bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống lại mạng lưới buôn bán trái phép nội tạng người ở quốc gia Nam Á này.

Theo cảnh sát Pakistan, đây là băng nhóm bán thận cho các khách hàng nước ngoài, đặc biệt cho số bệnh nhân giàu có đến từ các nước Vùng Vịnh. Jamil Ahmad Khan Mayo, phó giám đốc Cơ quan Điều tra liên bang Pakistan (FIA), báo cáo: "Một nhóm 7 sĩ quan đột kích một căn nhà ở Lahore và bắt quả tang 2 bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật ghép thận bất hợp pháp cùng với 2 người mang quốc tịch Oman".

Hai người Oman đã trả 7 triệu rupee Paksitan (khoảng 70.000 USD) cho mỗi quả thận cấy ghép. Theo luật pháp Pakistan, nội tạng cấy ghép chỉ được hiến tặng từ người thân cho nên mọi hoạt động mua bán đều là bất hợp pháp.

Suleman Ahmed, bác sĩ giám sát của Cơ quan Quản lý ghép tạng Pakistan (HOTA), cho biết "khi mà người hiến tạng tuyên bố hành vi của mình là tự nguyện thì chúng tôi không thể làm gì được". Trong trường hợp ở Lahore, những người bị bắt giữ đang chờ ngày xét xử và có khả năng mỗi người sẽ ngồi tù đến 10 năm.

Ahmad Khan Mayo phát biểu trong một cuộc họp báo: "Qua cuộc đột kích, chúng tôi muốn gửi thông điệp mạnh mẽ ra nước ngoài rằng Pakistan sẽ không còn là thiên đường an toàn cho hoạt động cấy ghép thận bất hợp pháp nữa". Mumtaz Ahmed, lãnh đạo khoa nghiên cứu thận Bệnh viện công Benazir Bhutto ở thành phố Rawalpindi thuộc tỉnh Punjab, lập luận: "Người giàu và giới quan chức đất nước chính là những đối tượng hưởng lợi từ thị trường thận bất hợp pháp".

Mumtaz Ahmed (cũng là thành viên một ủy ban điều tra về buôn bán thận) tuyên bố thẳng thừng rằng đó là lý do tại sao những nhà lập pháp tỏ vẻ không muốn tăng nặng án trừng phạt bọn tội phạm. Mỗi năm ở Pakistan có khoảng 25.000 người bị suy thận song chỉ có 10% trong số đó có điều kiện tài chính để lọc máu và 2,3% có cơ hội được ghép thận - theo số liệu từ Viện Tiết niệu học và Cấy ghép Sindh (SIUT) đặt trụ sở tại thành phố cảng Karachi miền nam Pakistan.

Mumtaz Ahmed kể một câu chuyện: "Nhiều người đến bệnh viện công cùng với người thân đồng ý hiến tạng. Nhưng bất ngờ sau đó họ chuyển sang bệnh viện tư nhân sau khi biết tin ở đó có bán thận". Nhu cầu cao tạo ra thị trường cho phép dân nghèo vùng quê có cơ hội bán thận với mong muốn thoát nghèo hay để trả nợ!

Bushra Bibi.

Bushra Bibi, phụ nữ 30 tuổi sống ở Bhalwal tỉnh Punjab, chính là một người trong số đó. Cách đây 12 năm, Bibi bán một quả thận với giá 1.000 USD và cho đến nay thỉnh thoảng vẫn bị những cơn đau hành hạ. Lý do của Bibi là người cha cần tiền để chữa bệnh cũng như để trả nợ. Do cuộc sống quá khó khăn, chồng của Bibi tiếp tục bán thận.

Hậu quả là hai vợ chồng phải chịu đựng những cơn đau kéo dài và thường xuyên lặp đi lặp lại nhưng họ không còn cách nào khác là phải tiếp tục làm lụng vì kế sinh nhai và vì 5 đứa con nhỏ. Bibi và gia đình sống trong khu màu mỡ của tỉnh Punjab, nơi sản xuất loại cam ngon nhất Pakistan. Đây cũng là khu vực có hàng trăm gia đình bán thận đến mức các nhà hoạt động nhân quyền phải thành lập một tổ chức đấu tranh cho lợi ích của họ. Maqsood Ahmed, công nhân trong một xưởng gỗ ở Bhalwal, cũng bán đi một quả thận với mong muốn có tiền trang trải cuộc sống và trả nợ.

Bệnh nhân cấy ghép tạng lậu cũng trở thành nạn nhân

Tiến sĩ Naqi Zafar cũng là thành viên của một mạng lưới thu thập thông tin y khoa không chính thức trên toàn thế giới nhằm mục tiêu ngăn chặn những vụ mua bán nội tạng trái phép. Họ nhận được nhiều thư điện tử từ Anh, Kuwait, Saudi Arabia, Australia và Canada báo cáo tình trạng những người gốc Pakistan từng trải qua cấy ghép tạng ở Trung tâm Thận đã gặp nhiều biến chứng khi trở về nhà.

Ông Zafar cho rằng, để ngăn chặn tình trạng cấy ghép tạng trái phép, cần có thêm nhiều sự góp sức; ông kêu gọi sự chung tay của những hệ thống điều tra và thu thập thông tin chuyên nghiệp, và các nước có liên quan cần có hành động thích đáng. Ông nói: "Chúng ta cần đàm phán với những nước có bệnh nhân có nhu cầu cấy ghép để có biện pháp ngăn chặn tình trạng buôn bán tạng".

Anh là một trong những nước châu Âu đã ký kết Hiệp ước quốc tế đầu tiên về chống buôn bán nội tạng người, Bộ Y tế Anh cũng đã ban hành những quy định để ngăn chặn buôn bán nội tạng ở trong nước. Thế nhưng theo các bác sĩ ở Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS), đang có rất nhiều bệnh nhân muốn ra nước ngoài để được cấy ghép thận.

Dữ liệu từ Trung tâm Huyết học và Cấy ghép NHS cho thấy Pakistan là điểm đến số 1 của những bệnh nhân muốn ra nước ngoài ghép thận. Từ năm 2000 đến nay, ở Anh có khoảng 400 người đăng ký được theo dõi chăm sóc sau phẫu thuật cấy ghép tạng ở nước ngoài. Đó là con số chưa được thống kê đầy đủ, và con số này cũng không bao gồm những bệnh nhân không quay trở lại nước hay không vượt qua ca phẫu thuật.

Vassilios Papalois, giảng viên bộ môn phẫu thuật cấy ghép tạng tại Imperial College London, từng cấp cứu cho nhiều bệnh nhân gặp biến chứng sau khi cấy ghép tạng ở nước ngoài. Ông vẫn chưa quên trường hợp của một bệnh nhân trẻ mới ngoài hai mươi tuổi, có vợ và 1 con nhỏ, đã vay mượn tiền để trả chi phí cấy ghép ở Pakistan.

Đáng tiếc là thận được cấy ghép không phù hợp nên lại phải mổ lấy ra, còn bệnh nhân thì bị nhiễm trùng nặng. Bệnh nhân kém may mắn này còn bị điếc do bị cho dùng một liều lớn kháng sinh không đúng. Đến lúc anh này hết tiền thì bị đưa lên máy bay trở về Anh. Mặc dù được các bác sĩ Anh nỗ lực cứu chữa, nhưng người này đã qua đời vài ngày sau đó.

Di An-Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.