Phát hiện mới về khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Thứ Năm, 24/05/2007, 16:00
Bí mật của khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng đang dần hé lộ bởi kỹ thuật khảo cổ tiên tiến cùng với sự trợ giúp của các loại máy móc tối tân nhất.

Theo sách sử, việc xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng bắt đầu năm 246 trước Công nguyên, sử dụng đến 700.000 nhân công và thợ thủ công trong 38 năm. Để giữ bí mật thông tin về lối vào mộ và của cải trong đó, lực lượng tham gia xây dựng khu lăng mộ đã bị giết.

Nhưng những bí mật của khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng đang dần hé lộ bởi kỹ thuật khảo cổ tiên tiến cùng với sự trợ giúp của các loại máy móc tối tân nhất. Một trong số đó là những thành công của dự án khảo cổ lớn nhất Trung Quốc với mật danh Kế hoạch 863.

Trong những tuyên bố mới đây nhất của Đội trưởng Đội Nghiên cứu các di vật khảo cổ tại lăng mộ Tần Thủy Hoàng, ông Đoạn Thanh Ba thì, đã có 4 bí mật về lăng mộ Tần Thủy Hoàng lần đầu tiên được khám phá. Bốn bí mật đó là: Thứ nhất: Tồn tại một địa cung, vị trí của nó là dưới gò Phong Thổ nằm trong khu vườn của Lăng. Thứ hai: Tồn tại một vòng tường cực dày bao bọc địa cung, được gọi là “Cung tường”. Thứ ba: có rất nhiều thủy ngân bao bọc xung quanh địa cung. Thứ 4: Trong khu mộ chỉ có hai con đường là đông và tây.

Địa cung

Địa cung là nơi đặt quan tài và các vật tùy táng, đây cũng là trung tâm của toàn khu lăng mộ.

Sau bốn năm khai quật tại thực địa (từ tháng 11/2002 đến 11/2006), bằng kỹ thuật giao cảm quang phổ cao và kỹ thuật thăm dò vật lý địa cầu, đội khảo cổ của Đoạn Thanh Ba đã phát hiện ra vị trí của địa cung chính là nằm dưới gò Phong Thổ. Ông Đoạn Thanh Ba giới thiệu: Địa cung có quy mô khá lớn, chiều đông - tây dài 170m; chiều nam - bắc dài 145m, tính từ mặt đất còn sâu xuống khoảng 35m. Khu mộ chính nằm tại trung tâm của địa cung, mộ cao 15m, nhìn bề ngoài có hình dáng như một quả cầu.

Công trình sư Chu Tiểu Hổ, người quản lý công việc ứng dụng kỹ thuật giao cảm đã kể lại như sau: Khi chúng tôi bắt đầu tham gia công việc là khoảng đầu năm, nhiệt độ tại khu vực lăng Tần Thủy Hoàng chỉ dao động trong khoảng 0oC - 12oC, lúc này các cây thạch lựu mọc trên gò Phong Thổ theo đúng lệ sẽ ra trái, thế nhưng những cây thạch lựu ở phía ngoài bờ tường phía nam lại không thể kết trái, theo các chuyên gia phân tích đây đúng là hiện tượng kết cấu thổ nhưỡng bị thay đổi, hàm lượng nước vì vậy cũng bị biến đổi.

Theo suy luận của các chuyên gia, địa cung rất có thể nằm ngay dưới góc bờ tường này, chính vì vậy mới khiến nơi đây có biến đổi khác so với các khu vực còn lại. Từ suy luận trên, nhóm khảo cổ đã tập trung nghiên cứu rất kỹ địa chất khu vực, kết quả đã rõ, đây chính là nơi đặt địa cung.

Tường vây địa cung chưa bị sụp đổ

Sau khi đạt được độ sâu cần nghiên cứu, các nhà khảo cổ phát hiện một bức tường rất dày được đầm vô cùng chắc chắn bao quanh toàn bộ khu mộ, tường này được gọi là “Cung tường”. Các chuyên gia đã đo được kích thước của Cung tường: Chiều đông - tây dài 168m, chiều nam - bắc dài 141m, tường phía nam rộng 16m, phía bắc rộng 22m.

Trong quá trình thi công để kiểm tra độ kiên cố chắc chắn của tường, những người phụ trách công việc kiểm tra đứng ra xa, dùng cung với những mũi tên chắc chắn, bắn thẳng vào tường, nếu như mũi tên đó cắm được vào tường, đoạn tường đó chắc chắn bị dỡ ra và làm lại đến khi nào không có bất kỳ mũi tên nào có thể xuyên được mới đạt yêu cầu.

Ông Đoạn Thanh Ba cho biết về kỹ thuật làm tường: Tường được ghép bởi nhiều lớp đất đầm chặt vào nhau, mỗi lớp đất dày trung bình 5-6cm, đây là kỹ thuật vô cùng tinh xảo tạo nên sự kiên cố của tường. Khi dùng thiết bị thám trắc bên trong bức tường, các nhà nghiên cứu còn phát hiện một đường thạch chất bên trong “cung tường”. Căn cứ vào kết quả thám trắc, trong toàn bộ khu mộ không hề có một giọt nước nào có thể lọt vào. “Cung tường” là phát hiện mới nhất trong lịch sử, mộ táng theo hình thức có tường vây kiểu này còn có thể gọi là "Lăng kiểu Tần".

Phía bên dưới xung quanh lăng Tần còn tồn tại một rãnh thoát nước quy mô khá lớn. Rãnh thoát nước dài chừng 1.000m này kỳ thực là một bức tường chắn, dưới đáy là nền móng dày 17m được đầm từ đất cao lanh và thạch cao có tác dụng ngăn nước rất tốt, phía trên rộng 84m được đầm bằng đất Hoàng thổ. Khu vườn trong lăng Tần Thủy Hoàng có địa thế cao ở phía đông nam thấp ở phía tây bắc, chính vì vậy rãnh thoát này còn có tác dụng ngăn không để nước thẩm thấu vào địa cung.

Thuỷ ngân trong nội cung chống mục nát và chống trộm cướp

“Sử ký Tần Thủy Hoàng” có viết: trong Địa cung “lấy thủy ngân làm thành trăm con sông”. Nhà nghiên cứu Lưu Sỹ Nghị, một thành viên thuộc Viện Nghiên cứu địa chất Trung Quốc cho biết, thực tế lần khảo cứu này đã chứng minh, chính xác là trong địa cung có tồn tại một lượng thủy ngân khá lớn, máy móc đã đo đạc được chính xác là ở vị trí đông nam và tây nam cường độ thủy ngân rất đậm đặc, còn ở vị trí tây bắc và đông bắc nồng độ nhẹ hơn.

Các chuyên gia đã phân tích rằng, việc tạo ra các con sông thủy ngân, ngoài việc tạo cảnh quan cho tự nhiên, nồng độ thủy ngân còn giúp cho việc giữ thi thể cùng các đồ tùy táng không bị mục nát. Hơn nữa thủy ngân là chất cực độc, vì vậy nếu người bình thường hít phải một lượng nhất định sẽ bị tử vong, chính vì vậy ngoài các tác dụng trên nó còn là một "đội quân" bảo vệ vô hình vô cùng hữu hiệu trước những kẻ tham lam.

Khu mộ chỉ có hai con đường ở đông và tây

Theo lệ thường từ đời Thương, Chu cho tới Hán, các con đường trong khu mộ thường được chia làm 4, theo đúng 4 hướng đông, tây, nam, bắc. Điều này tượng trưng cho địa vị và thân phận cao quý, còn dân thường chỉ có 1 hoặc 2 con đường. Xét về lý như vậy thì chắc chắn khu mộ của Tần Thủy Hoàng phải có 4 con đường, thế nhưng thực tế chỉ phát hiện có hai con đường: trừ hướng đông và hướng tây có cửa thông ra ngoài, còn lại tất cả các hướng khác đều bị bít lại.

Chắc chắn đây còn là chủ đề để các nhà khảo cổ và sử học còn phải tranh luận để đi đến kết luận cuối cùng

Nguyễn Hoà (Theo Trung Hoa bí sử)
.
.