Phát hiện mới về vụ ám sát cựu Thủ tướng Liban Rafiq Hariri

Thứ Năm, 09/12/2010, 10:40
Trong khi báo chí phương Tây đang nói nhiều đến phán quyết buộc tội lãnh đạo phong trào Hồi giáo Hezbollah của Tòa án đặc biệt về Liban (TSL) liên quan đến vụ ám sát cựu Thủ tướng Liban Rafiq Hariri, thì tạp chí Odnako của Nga lại đang đặt ra nhiều nghi vấn cho toàn bộ cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Theo tờ báo, ông Rafiq Hariri rất có thể bị ám sát bởi một thứ vũ khí chưa từng thấy và do Đức cung cấp.

Odnako cho rằng cựu biện lý người Đức đồng thời là người chịu trách nhiệm cao nhất trong cuộc điều tra của LHQ về cái chết của cựu Thủ tướng Hariri, Detlev Mehlis, có thể đã cố tình làm sai một số chi tiết nhằm che đậy trách nhiệm của Đức trong vụ việc này. Những tiết lộ trên của tạp chí Nga đang gây lúng túng cho TSL và thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị tại Liban.

Nhiều cuộc chiến tại Trung Đông hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào Tòa án đặc biệt về Liban. Chiến tranh và hòa bình phụ thuộc hoàn toàn vào phán quyết của tòa án này. Với một số người, TSL đang tạo ra những lý do để đẩy phong trào Hezbollah xuống vực thẳm, nhưng một số khác lại cho rằng, tòa án này đã bôi nhọ công lý và sự thật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập một trật tự thực dân mới tại Trung Đông.

TSL được thành lập ngày 30/5/2007 theo nghị quyết số 1757 của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm xét xử những kẻ cầm đầu trong vụ ám sát cựu Thủ tướng Liban Rafiq Hariri. Vào thời điểm sau khi xảy ra vụ việc trên, mọi ánh mắt của "quốc tế" đều dồn về phía Tổng thống Syria và Liban là Bachar el-Assad và Emile Lahoud, họ được coi là những cái gai trong mắt những thành phần diều hâu phương Tây.

Tuy nhiên, hướng điều tra này đã bị bỏ dở vì thiếu bằng chứng và phát hiện nhân chứng giả. Vì chả còn ai để buộc tội, TSL suýt nữa thì bị giải thể. Tuy nhiên, một màn kịch mới đã đưa tòa án này trở lại tâm điểm của những xung đột chính trị trong khu vực Trung Đông.

Ngày 23/5/2009, nhà báo Erich Follath tiết lộ trên tờ Spiegel Online của Đức rằng, biện lý của TSL chuẩn bị buộc tội những kẻ tình nghi mới, đó là lãnh đạo quân sự của phong trào Hồi giáo Hezbollah.

Từ 18 tháng nay, Tổng thư ký của Hezbollah là Hassan Nasrallah đã không ngừng khẳng định phong trào của mình không hề dính dáng gì tới vụ ám sát ông Hariri và khẳng định rằng việc TSL làm như vậy là nhằm tận diệt phong trào kháng chiến ở Liban, từ đó dọn đường cho quân đội Israel kiểm soát toàn bộ khu vực Trung Đông.

Về phần mình, chính quyền Mỹ lúc này cũng đột nhiên lên tiếng coi mình là nhà bảo trợ công lý và khẳng định, không ai có thể đứng trên luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, việc buộc tội lãnh đạo Hezbollah liên quan đến cái chết của cựu Thủ tướng Hariri rất có thể sẽ thổi bùng cuộc nội chiến của người Hồi giáo, đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông vào vòng xoáy bạo lực mới.

Chính vì lo ngại này, trong chuyến thăm Nga hôm 15 và 16/11 vừa qua, Thủ tướng Liban Saad Hariri, con trai của cố Thủ tướng Hariri, đã nhắc lại rằng, việc chính trị hóa TSL có nguy cơ đẩy Liban vào bất ổn mới. Tổng thống Medvedev khi ấy hứa với vị khách rằng, Nga sẽ làm mọi cách để trì hoãn phán quyết của TSL.

Để chỉ ra những sai lầm trong công tác điều tra của TSL, tạp chí Odnako đã tự mình tiến hành một cuộc điều tra riêng với sự góp sức của nhiều chuyên gia hàng đầu về hình sự. Những yếu tố mà Odnako phát hiện đã làm lộ rõ một hướng điều tra mới mà cho đến nay chưa bao giờ được TSL công khai.

Hố bom được tạo ra sau vụ nổ nhằm vào đoàn xe chở ông Hariri.

Trở lại với hiện trường vụ án, đoàn xe của cựu Thủ tướng Rafiq Hariri bị tấn công tại Beirut ngày 14/2/2005. Vụ khủng bố làm 23 người chết và hàng trăm người khác bị thương. Một báo cáo sơ bộ của Hội đồng Bảo an LHQ khi đó nhấn mạnh đến những yếu kém trong công tác điều tra của cảnh sát Liban. Và để bù đắp điều này, LHQ đã cử nhiều điều tra viên giỏi và cung cấp các trang thiết bị phục vụ điều tra cho Liban.

Ngay thời kỳ đầu của các cuộc điều tra này, TSL đã cho rằng, vụ khủng bố là do một kẻ đánh bom liều chết lái chiếc xe bom gây ra. Người ta chờ những gì mà Ủy ban Điều tra của LHQ đem lại sẽ khác so với kết quả điều tra của cảnh sát Liban (do thiếu trang thiết bị và nghiệp vụ). Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy chả có gì khác biệt.

Khám nghiệm hiện trường vụ án, bằng cách dựa trên việc phân tích những hình ảnh, đã được tiến hành một cách chi tiết. Các nạn nhân thậm chí không được khai quật hay khám nghiệm tử thi. Sau khi loại bỏ khả năng một quả bom được chôn dưới đất, các nhà điều tra đã khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng đó là do chiếc xe bom gây ra mà không cần phải kiểm chứng.

Tuy nhiên, các nhà điều tra của tạp chí Odnako cho rằng kịch bản xe bom là không thể: ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy tại hiện trường là một hố bom sâu mà không một thiết bị nổ nào trên mặt đất có thể gây ra.

Mới đây hôm 19/10/2010, TSL đã bí mật tiến hành tái hiện hiện trường. Việc này không diễn ra tại Liban, cũng không phải ở Hà Lan, trụ sở của TSL, mà là ở Pháp, một trong những quốc gia chính tài trợ cho tòa án này. Tất cả mọi thứ từ nhà cửa, đường sá, xe cộ... được chở từ Beirut qua đã thiết lập chính xác hiện trường vụ án. Vụ tái hiện này nhằm chứng tỏ rằng, một chiếc xe chở đầy bom có thể tạo ra một hố sâu như tại hiện trường vụ án. Tuy nhiên, kết quả của cuộc thử nghiệm tốn kém này đã không bao giờ được công bố.

Theo nhận định của giới điều tra hình sự được tạp chí Odnako mời tham gia điều tra thì điều dễ đập vào mắt người xem những thước phim và hình ảnh vụ án nhất là cảnh đám cháy. Khắp nơi người ta nhìn thấy xác xe hơi, và mọi thứ đều cháy rụi. Tiếp đến là xác các nạn nhân bị thiêu rụi một mặt nhưng mặt bên kia thì còn nguyên. Điều này, theo các chuyên gia là rất đáng ngạc nhiên và nó không hề giống như những gì gây ra bởi các loại thuốc nổ thông thường. Giả thuyết về sự pha trộn giữa các loại chất nổ như RDX, PETN và TNT chứa trong chiếc xe bom của tên khủng bố không giải thích được những hiện tượng trên.

Và nếu quan sát kỹ bức hình chụp xác của cựu Thủ tướng Rafiq Hariri, thì người ta còn phát hiện ra những chi tiết kỳ lạ hơn thế nhiều: chiếc đồng hồ bằng vàng đeo trên tay nạn nhân đã bị tan chảy nhưng cổ chiếc áo sơmi của ông Hariri thì không hề bị lửa thiêu cháy và vẫn còn nguyên trên cổ nạn nhân. Như vậy điều gì đã diễn ra?

Xác cựu Thủ tướng Hariri.

Theo giải thích của các chuyên gia, vụ nổ đã tạo ra một sức nóng cực lớn và trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn, cho nên phần cơ thể chịu tác động từ hơi nóng kia bị thiêu cháy tức thì trong khi phần cơ thể bên kia không bị cháy. Những đồ vật có mật độ vật chất cao (như chiếc đồng hồ bằng vàng) đã hấp thu được sức nóng kia và tan chảy. Ngược lại, những vật có mật độ vật chất thấp như vải may áo đã không có đủ thời gian để hấp thụ nhiệt và như vậy là chúng không hề hấn gì.

Trên những thước phim quay cảnh vụ nổ, người ta còn nhìn thấy một số bộ phận của thi thể nạn nhân bị cắt bởi vụ nổ. Nhưng thật kỳ lạ là vết cắt gọn tới mức giống như có người cầm dao chém. Người ta cũng không nhìn thấy xương bị gãy hay thịt từ cơ thể nạn nhân văng ra khắp nơi như những vụ đánh bom tự sát thường thấy. Chính là vì vụ nổ đã hút hết khí oxy và làm khô cơ thể nạn nhân khiến chúng trở nên dễ vỡ vụn. Nhiều nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết họ đã bị rối loạn hô hấp nhiều giờ sau khi vụ khủng bố xảy ra.

Theo giới chuyên gia quân sự được tạp chí Odnako phỏng vấn thì đó là loại vũ khí mới được nghiên cứu từ nhiều năm nay và thường được thấy trong các tạp chí khoa học chuyên ngành. Bằng kiến thức về vũ khí hạt nhân và công nghệ nano, người ta có thể chế tạo ra một loại chất nổ được kiểm soát chính xác về sức công phá của nó. Người ta lập trình cho loại chất nổ này sao cho chúng có thể phá hủy một bán kính định sẵn, chính xác tới từng centimet.

Vẫn theo các chuyên gia quân sự, loại vũ khí mới này cũng có thể gây ra những thiệt hại khác như chúng tạo ra một áp lực vô cùng lớn tại khu vực phát nổ. Do đó những vật thể tại hiện trường dù có nặng đến mấy cũng bị hất tung lên không trung. Có một chi tiết không thể chối cãi được, đó là loại vũ khí này đã sử dụng một lượng nano chất uranium làm giàu với mức phóng xạ có thể đo được.

Hezbollah công bố những hình ảnh cho thấy máy bay không người lái của Israel xác định lộ trình đoàn xe của Thủ tướng Rafiq Hariri.

Khi chiếc xe bọc thép chở cựu Thủ tướng Rafiq Hariri bị hất tung lên không trung, may mắn thay một trong số những người ngồi trong xe đã sống sót. Cựu Bộ trưởng Bassel Fleyhan đã được đưa đến một bệnh viện quân y nổi tiếng của Pháp để điều trị. Các bác sĩ tại đây vô cùng ngạc nhiên khi nhận thấy rằng, nạn nhân may mắn này đã có tiếp xúc với chất phóng xạ! Tuy nhiên, không có báo cáo nào của tòa án LHQ đề cập tới phát hiện này.

Vẫn theo tạp chí Odnako, về mặt kỹ thuật mà nói thì loại vũ khí dùng trong vụ ám sát Thủ tướng Hariri có hình dạng của một quả tên lửa nhỏ, dài khoảng 10cm và được phóng ra từ một máy bay không người lái. Thực tế thì có nhiều nhân chứng cho thấy đã nghe thấy tiếng một chiếc máy bay bay trên khu vực xảy ra vụ khủng bố. Chính vì vậy các nhà điều tra của LHQ ban đầu đã yêu cầu Mỹ và Israel cung cấp những thông tin về chiếc máy bay không người lái trên do hai quốc gia này luôn có các vệ tinh theo dõi trên không trung. Tuy nhiên cả Washington và Tel-Aviv đều từ chối yêu cầu này của TSL.

Trong một cuộc họp báo ngày 10/8/2010, Tổng thư ký tổ chức Hezbollah, Hassan Nasrallah, đã cho trình chiếu những thước phim do tổ chức này quay được cho thấy đã có rất nhiều chuyến bay do thám không người lái của Israel trước, trong và sau khi diễn ra vụ ám sát ông Hariri. Theo ông Hassan Nasrallah thì Israel đã tiến hành xác định lộ trình của ông Rafiq Hariri để chuẩn bị cho vụ ám sát

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.