Phi vụ táo bạo trên đỉnh Alps của OSS

Thứ Sáu, 18/11/2016, 10:35
Tháng 2-1945, một nhóm điệp viên của Văn phòng Các sự vụ chiến lược (OSS) - tiền thân của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ráo riết chuẩn bị cho một điệp vụ mạo hiểm: cài cắm một đội điệp viên vào phía sau chiến tuyến của phát xít Đức nhằm thu thập những thông tin quan trọng của địch.

Đối với đội biệt kích OSS, chiến dịch này mang ý nghĩa như một phi vụ tự sát. Khu vực mục tiêu của phi vụ nhằm thả đội biệt kích gồm 3 người là vùng núi cao của Áo, nằm trong dãy núi Alps, bao bọc xung quanh là những ngọn núi cao chót vót, và bên sườn núi là hàng loạt pháo phòng không giương nòng chờ nhả đạn. Cho dù việc nhảy dù xuống sườn núi thành công thì khi thực thi nhiệm vụ, các điệp viên tham gia chiến dịch cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, bởi họ là những người Do Thái sinh ra ở châu Âu.

Bộ ba Frederick Mayer (ngồi giữa), Franz Weber (trái) và Hans Wynberg.

Phi vụ mang mật danh Chiến dịch Greenup, thoạt đầu được giao cho lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, nhưng lực lượng này đã từ chối vì tính chất nguy hiểm, rủi ro cao của nó.

Thế rồi phi vụ được giao cho một người tên là John Billings, lúc đó là một trung úy trong Quân đoàn Không kỵ trong Lục quân Hoa Kỳ. Billings được biên chế vào Phi đội ném bom 885, một đơn vị đặc biệt được giao nhiệm vụ mạo hiểm, bay tầm thấp để hỗ trợ cho các điệp viên quân đồng minh. Billings khi đó là một biệt kích tác chiến kỳ cựu, đã từng tham gia thực hiện 15 nhiệm vụ bay chiến lược.

Nhận nhiệm vụ này, Billings và các đồng đội là những người làm nên lịch sử, tiến hành một trong những phi vụ tình báo táo bạo nhất của Chiến tranh Thế giới lần II. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này trong điều kiện bay ban đêm, Billings phải lái chiếc B-24 Liberator lượn lách giữa những ngọn núi cao nhọn hoắt của dãy Alps để đến địa điểm nhảy dù là một hồ nước đóng băng.

Hồ nước này nằm trong thung lũng Đèo Brenner, ở độ cao hơn 3.000m, là ranh giới giữa Áo và Italia. Khu vực này được đánh giá là vị trí chiến lược quan trọng, cho nên lực lượng phát xít đã đặt hệ thống vũ khí phòng không ngay trên đỉnh đèo để có thể bắn hạ các máy bay của quân đội Đồng minh. Billings đã từng thực hiện một số chuyến bay tại khu vực này, thường bay thấp gần mặt đất để tránh rađa đối phương phát hiện.

Khi phi đội tiếp cận khu vực mục tiêu, máy bay được bọc đệm khí để hạ cánh, giảm cao độ hơn 2.000m chỉ trong 20 giây. Sau này, khi hồi tưởng lại phi vụ đó, Billings cho rằng đó là cuộc hạ cánh táo bạo.

Khoảng thời gian 20 giây đó cũng đủ để Billings điều chỉnh cần lái và giữ cho máy bay treo lơ lửng trên không. Billings điều khiển máy bay để chuẩn bị cho việc nhảy dù một cách an toàn nhất của đội biệt kích. Dẫn đầu đội là một người Mỹ gốc Đức tên là Frederick Mayer (vừa mới qua đời ngày 4-11-2016, thọ 94 tuổi), trong đội còn có một người Hà Lan gốc Do Thái tên Hans Wynberg, có gia đình bị đưa vào lò sát sinh Auschwitz, và một sĩ quan người Áo tên Franz Weber.

Cả đội 3 người lặng lẽ tiến về thành phố Insbruck nằm gần dãy núi. Khi đã đến được địa điểm mục tiêu, Mayer giả làm một sĩ quan quân đội Đức và truyền về thông tin về các hoạt động của quân đội phát xít suốt từ thời điểm đó cho đến khi kết thúc chiến tranh.

Nhiều năm sau chiến tranh, những người từng một thời tham gia OSS trong Chiến tranh Thế giới lần II đã thành lập Hội OSS nhằm hỗ trợ cuộc sống, tổ chức tôn vinh những người từng tình nguyện tham gia các phi vụ hỗ trợ quân đội Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới lần II, như Billings và các đồng đội của ông.

Tháng 10-2016, Hội OSS đã tổ chức tôn vinh những cựu điệp viên tình nguyện trong Chiến tranh thế giới lần II, trong đó có Billings và các đồng đội cũ như Gaetano Rossi và Caesar Daraio. Ngoài những người tình nguyện trong các phi vụ ngoài hỏa tuyến còn có David Cohen - cựu Giám đốc chiến dịch tại Tổng hành dinh CIA, sau này chuyển sang làm trưởng bộ phận tình báo của Sở Cảnh sát New York, và tướng về hưu Norton A. Schwartz, cựu Tham mưu trưởng Không quân.

Riêng Billings, sau khi rời quân ngũ với hàm đại úy, tiếp tục sống bằng nghề bay máy bay thương mại. Năm nay 93 tuổi, ông vẫn còn lái một chiếc máy bay hiệu Cessna Cutlass vận chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế và gọi đó là những "chuyến bay thiên thần".

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.