Phòng thí nghiệm của Sở Cảnh sát Hoàng gia Anh

Thứ Tư, 21/11/2007, 09:50
Năm 1829, khi thành lập Scotland Yard, Sir Robert Peel đã bắt tay vào xây dựng một phòng thí nghiệm được đặt ngay tại trụ sở của cơ quan cảnh sát nổi tiếng này tại khu Whitehall, trung tâm thủ đô London.

Thời đó, mọi hoạt động của bộ phận này được giữ bí mật gần như tuyệt đối, đến nỗi không ít nhân viên Scotland Yard không hề biết rằng đằng sau những cánh cửa luôn đóng kín kia đang diễn ra những thí nghiệm cực kỳ quan trọng phục vụ công tác điều tra của chính họ.

Đến năm 1985, Phòng thí nghiệm của Scotland Yard (SYL) mới được dời ra khu Westminster cách thủ đô London 20km. Phòng thí nhgiệm mới tọa lạc trong một khu rừng yên tĩnh bên bờ sông Thames, với cơ sở vật chất là những tòa nhà rộng rãi. Nhưng quan trọng nhất là nơi đây an ninh được bảo đảm gần như tuyệt đối, tránh xa tai mắt của các cơ quan tình báo nước ngoài và cả những cuộc tấn công khủng bố.

SYL được coi là trung tâm khoa học hình sự lớn nhất nước Anh  và hiện nay được đánh giá là một trong những trung tâm khoa học hình sự hoàn hảo nhất thế giới. Nơi đây có tất cả 15 phòng ban với hơn 400 nhân viên thay nhau làm việc suốt ngày đêm - tất cả đều là công dân Anh.

Thử nghiệm vũ khí thu giữ được từ một vụ án.

Lĩnh vực hoạt động của họ vô cùng rộng. Một số chuyên viên chuyên phân tích ADN, máu, tóc, xương... của thủ phạm hoặc nạn nhân trong các vụ án hình sự. Số khác thì chuyên nghiên cứu, phân tích các loại vũ khí, chất nổ. Lại có những người chỉ chuyên làm công việc kiểm tra các loại giấy tờ, tài liệu.

Trong số những chuyên viên của SYL còn có cả những chuyên viên phụ trách máy phát hiện nói dối. Nhưng đáng nể hơn cả là những chuyên viên về vết giày và dấu vết bánh xe hơi - chính họ đã góp phần quan trọng trong rất nhiều vụ phá án thành công, khi mà các biện pháp nghiệp vụ khác đều tỏ ra vô hiệu.

John McGraft, một chuyên viên cấp cao của SYL cho biết: “Công việc của chúng tôi rất gần gũi với những gì đang diễn ra tại nước Anh: tìm ADN của những tên cướp ngân hàng hay những kẻ đã thực hiện hành động hiếp dâm, tìm kiếm dấu vết của những người bị mất tích, nghiên cứu những vật chứng thu được sau những hành động khủng bố diễn ra mới đây trên lãnh thổ Anh...”.

Thanh tra McGraft, xuất thân từ một điều tra viên của Scotland Yard, không giấu niềm tự hào khi cho biết chỉ từ năm 1998 đến nay, SYL đã thực hiện thành công hơn 2.500 vụ điều tra phá án cực kỳ phức tạp, cùng hàng chục nghìn vụ án bình thường khác.

Trong khoảng thời gian này, SYL đã phải xử lý, phân tích gần 1 triệu mẫu AND của các đối tượng can phạm hoặc nghi can chỉ riêng trong các vụ án hình sự. Cần biết rằng SYL không phải là phòng thí nghiệm khoa học hình sự duy nhất ở Anh.

Trên khắp nước Anh có hàng chục phòng thí nghiệm khoa học hình sự trực thuộc một số bộ chức năng, các thành phố lớn, nhưng hàng ngày, tất cả các cơ sở này đều phải cầu cứu đến sự trợ giúp về kỹ thuật và nhân sự của SYL, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng dữ liệu.

Chỉ với các dữ liệu mà SYL cung cấp từ ngân hàng ADN của mình, các cơ quan điều tra trên khắp nước Anh đã phá thành công hàng ngàn vụ án mỗi năm, trong đó có việc phát hiện thủ phạm và cả việc minh oan cho không ít nghi can.

Vào cuối năm 2005 khi lính Mỹ bắt được cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein, quân đội Mỹ đã gửi đến cho cả Phòng thí nghiệm của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và SYL mẫu máu và tóc của ông để phân tích.

Việc cả hai phòng thí nghiệm đều đưa ra kết quả trùng khớp đã giúp cho Chính phủ Mỹ xác định được rằng người bị bắt chính là Saddam Hussein chứ không phải là người đóng thế. Thanh tra McGraft cho biết thêm, nếu vào giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, tại SYL, công việc phân tích, xác định mẫu ADN đòi hỏi 6 tuần làm việc thì hiện nay, công việc này được hoàn tất chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Tiến bộ này đã giúp đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án đồng thời ngăn chặn được việc những kẻ phạm tội bỏ trốn.

Nhiều phòng làm việc của SYL tạo cảm giác cho những ai mới đến đây lần đầu như đang ở trong một viện bảo tàng vũ khí, vì trên tường treo đầy các loại vũ khí cá nhân của mọi thời đại từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những khẩu súng to đùng từ thuở sơ khai cho đến những loại súng giảm thanh giấu trong cán ô gọn nhẹ từng xuất hiện trong loạt phim về điệp viên James Bond 007.

Sử dụng thiết bị quét tia hồng ngoại để phát hiện những chứng cứ trên một tang vật thu giữ từ một vụ án.

Có tất cả 1.200 khẩu súng các loại được trưng bày. Ngoài súng ống và các loại vũ khí, tại SYL còn trưng bày các phương tiện mà mạng lưới khủng bố quốc tế Al - Qaeda cùng nhiều tổ chức Hồi giáo quá khích khác sử dụng nhiều năm qua, trong đó có cả một phần của chiếc điện thoại di động, là phương tiện dùng để khai hỏa các túi xách chứa chất nổ, thu giữ được tại hiện trường các vụ đánh bom khủng bố vào hệ thống xe điện ngầm và xe buýt ở thủ đô London vào tháng 7/2005.

Hiện nay, SYL đã xây dựng được một quy trình kiểm tra chất nổ giấu trong quần áo, giày dép và các vật dụng cá nhân khác của hành khách trên các chuyến bay và sẽ được gửi đến các sân bay trên thế giới nếu có yêu cầu.

Trước đây, dù công việc của SYL được giữ bí mật gần như tuyệt đối, nhưng quang cảnh bên ngoài và một số nội thất của cơ quan này cũng được các nhà làm phim khai thác làm bối cảnh cho không ít bộ phim (dĩ nhiên, để đạt được điều này cần phải có giấy phép đặc biệt của Chính phủ Anh), trong đó có nhiều bộ phim về đề tài điệp viên James Bond 007

Hoàng Phú (theo The Scostman)
.
.