Phong trào Nhà nước Hồi giáo công khai thách thức các cường quốc

Thứ Tư, 17/09/2014, 10:00

Với việc cho phát tán đoạn video chặt đầu nhà báo Mỹ thứ hai Steven Sotloff, công khai thách thức và đe dọa tổng thống của hai cường quốc Mỹ và Nga, Nhà nước Hồi giáo (IS) đã chuyển từ quy chế một nhóm thánh chiến với những hoạt động khủng bố giờ trở thành khó tiêu diệt một con quái vật chỉ trong vài tháng. Vì sao người ta không nhận ra khả năng đó? Các chính thể trong khu vực và những cường quốc đã sai lầm ở điểm nào để IS có thể đạt được sức mạnh như hiện nay?

Các cựu sĩ quan chế độ Saddam giờ là nòng cốt của IS

Ra đời tại Iraq trước khi chuyển sang Syria nhờ chiến tranh, từ đầu tháng 6 vừa qua, IS đã chiếm quyền kiểm soát 5 tỉnh thuộc Iraq và đến cuối tháng 6 phong trào này đã tuyên bố thành lập chính quyền califat tại các vùng chiếm đóng. Cuộc tiến công của IS từ đầu tháng 8 vào khu vực tự trị Kurdistan đã dẫn đến việc quân đội Mỹ phải oanh kích các cứ điểm của IS nhưng vẫn không chặn đứng được đà tiến công của lực lượng này.

Một trong những chìa khóa thành công của IS nằm tại Iraq. Chính quyền Mỹ đã mắc phải một loạt sai lầm từ khi tấn công Iraq vào năm 2003. Sai lầm đầu tiên là chính sách "phi Baath hóa" do chính quyền Mỹ đề ra vào năm 2003. Lúc ấy khoảng 1 triệu thành viên của an ninh, quân đội và đảng Baath, xương sống của chế độ Saddam Hussein mà đa số là người Sunni, đã bị đẩy ra rìa xã hội bởi chính quyền Mỹ. Điều này làm rối loạn đất nước và tạo ra một môi trường cho các phần tử cực đoan gia nhập phiến quân.

"Trong phong trào thánh chiến, sự gạt bỏ những người Sunni đó đã biến người Shiite, chủ nhân mới của đất nước, thành kẻ thù số 1" - chuyên gia về các vấn đề Hồi giáo Romain Caillet giải thích. "Cuối cùng người Mỹ cũng ra đi còn người Shiite vẫn ở lại" - người ta bảo nhau như thế. Phe Hồi giáo cực đoan lên án số phận dành cho "những người anh em Sunni" cho dù dưới thời Saddam Hussein đảng Baath đã chống đối mãnh liệt phiến quân thánh chiến. "Một phần các cựu sĩ quan chế độ Saddam giờ đây là nòng cốt của IS" - Romain Caillet cho biết. Điều này có thể giải thích cho tính chuyên nghiệp của IS. Các chiến dịch của họ được tiến hành giống như của một đạo quân hơn là một nhóm khủng bố.

Sai lầm thứ nhì là sự chắp vá hiến pháp năm 2005 dưới sự bảo trợ của Washington. Được thiết lập dựa trên những cơ sở tôn giáo và sắc tộc, hiến pháp mới làm tăng thêm khuynh hướng ly gián từ thời Saddam và chia Iraq thành 3 thực thể: người Kurd ở miền Bắc, người Sunni ở miền Trung và Tây, người Shiite ở miền Nam. Nhưng trong khi đề cao sự tự trị của người Kurd, chính quyền Mỹ lại bỏ người Sunni ra ngoài lề, tạo nên môi trường thuận lợi cho Al-Qaeda.

Sai lầm thứ 3 là sự bỏ rơi Sahwa. Để tạo thuận lợi cho việc rút quân, Washington cố điều chỉnh tầm ngắm vào năm 2006 bằng cách thành lập dân quân Sunni gọi là "Sahwa" do Mỹ tài trợ để chống lại Al-Qaeda. Các bộ tộc Sunni định lợi dụng sự tự trị để đổi lấy việc đối phó với Al-Qaeda, nhưng Mỹ bận việc rút quân khỏi bãi lầy Iraq nên bỏ mặc Sahwa cho chính quyền của cựu Thủ tướng Nuri Al-Maliki.

Lực lượng Sahwa với 100.000 người tuy đã giảm thiểu được tác hại của Al-Qaeda nhưng các thủ lĩnh thường bị Thủ tướng Maliki rẻ rúng. Lời hứa cho dân quân gia nhập quân đội chính quy chỉ được thực hiện đối với một số ít trong khi những thủ lĩnh Sahwa lại là mục tiêu khủng bố của phiến quân thánh chiến dưới danh xưng Nhà nước Hồi giáo Iraq.

Thủ tướng Maliki lao vào một chính sách sắc tộc có lợi cho người Shiite. Đó là một sự trả thù của cộng đồng này vốn là đa số trong nước (65%) nhưng lại bị đào thải từ nhiều thế kỷ qua. Maliki loại bỏ những đối thủ Sunni và đàn áp phong trào chống đối của người Sunni đòi ông từ chức.

"Khi biến các tinh hoa thành những công dân hạng 2, Maliki đã tạo ra một sự hận thù, điều này giải thích phần nào cho sự ngưỡng mộ của người Sunni Iraq đối với IS. Nếu không có phi cơ và pháo hạng nặng, IS khó có thể chiếm được các thành phố lớn nếu không có sự hỗ trợ của dân chúng" - Romain Caillet giải thích.

Sự lừng khừng của phương Tây

Do không đủ khả năng giải quyết khủng hoảng tại Syria từ 3 năm qua, phương Tây cũng có một phần trách nhiệm khi “khối ung thư IS” phát triển. Trước tiên là sự trì trệ trong việc hỗ trợ cho phe đối lập từ năm 2012 trong khi Nga, Iran và Hezbollah ở Liban không hề ngưng tiếp sức cho chính quyền Al-Assad.

Các tiết lộ mới đây về việc Pháp cung cấp vũ khí cho phe chống đối cũng không thay đổi được cục diện tại Syria. "Từ giữa năm 2012, phe chống đối rất cần một sự hỗ trợ để lật đổ chính quyền lúc ấy đang chao đảo. Đúng ra các nước Vùng Vịnh cũng có viện trợ vũ khí nhưng theo cách thất thường và người ta không hiểu vì sao nỗ lực đó bị ngưng lại. Sự bỏ rơi này khiến rất nhiều người thất vọng và chuyển từ phe này sang nhóm khác chia rẽ nhau, thiếu vũ khí và tiền bạc" - nhà nghiên cứu Francois Burgat cho biết.

Sau vụ tàn sát dân thường bằng vũ khí hóa học năm 2013 mà cả chính quyền của Tổng thống Syria Basha al-Assad lẫn quân nổi dậy không ngừng đổ cho nhau, hiểu rằng thời gian đang có lợi cho họ - không chỉ IS mà cả Mặt trận Al-Nusra cũng tuyển mộ thêm được rất nhiều binh sĩ. Khi IS bắt đầu chiếm những vị trí chiến lược, chính quyền Al-Assad lại buông ngay các khu vực đó. IS cũng tránh đối mặt với quân chính quy mà chỉ lo củng cố vị thế tại các khu vực họ vừa chiếm quyền kiểm soát. Chỉ đến tháng 7 vừa qua, khi đã trang bị đầy đủ nhờ các kho vũ khí lấy được từ quân đội Iraq trong cuộc tấn công hồi tháng 6 vừa qua, IS mới bắt đầu tấn công quân đội Syria và tấn công thần tốc.

"Có lẽ Tổng thống Al-Assad chẳng ngờ nghệch đến độ không biết rằng sẽ có ngày IS địch lại ông ta. Nhưng ông hy vọng rằng nếu điều đó xảy ra, nó sẽ giúp cho ông dễ hợp tác với phương Tây hơn. Hy vọng này không phải là không có cơ sở nếu thấy rằng ngày càng có nhiều nhà ngoại giao và cơ quan an ninh phương Tây gợi ý nối lại quan hệ với ông" - nhà nghiên cứu Thomas Pierret giải thích.

Sai lầm chiến lược của phe nổi dậy ở Syria

Phe nổi dậy gồm nhiều nhóm hỗn tạp đã không thiết lập được các cơ cấu nhà nước tại những vùng giải phóng, trái với việc mà IS đã làm tại Raqqa (Syria). Phe nổi dậy để mặc cho IS chiếm thành phố này vì nghĩ rằng cuối cùng người dân cũng chán nản "thủ lĩnh mới". Nhưng trong khi tình trạng hỗn loạn tràn lan tại các khu vực mà phe nổi dậy chia nhau, thường xuyên bị pháo kích và thiếu lương thực, IS lại thiết lập được một sự ổn định trong lãnh thổ mà họ kiểm soát.

"IS không được người dân yêu mến nhưng trong cứ địa của họ, chợ búa được cung cấp hàng hóa, bánh mì, dầu mazout, tình trạng tống tiền biến mất nhờ những biện pháp cứng rắn. Và hơn nữa còn có một tác động quen dần với luật tôn giáo hà khắc của họ" - Romain Caillet cho biết. IS còn phá hoại những nỗ lực của phe nổi dậy bằng cách hủy bỏ những cơ cấu mà phe nổi dậy dựng lên, đặc biệt là việc phế truất Chủ tịch Hội đồng địa phương ở Raqqa là Abdallah Khalil vào tháng 5/2013 và ám sát nhiều chức sắc khác.

Cuộc tấn công của IS vào phe nổi dậy ở Syria từ đầu năm nay đã gây tổn hại rất nhiều cho họ. "Trước đó, 2 bên chỉ có vài vụ đụng độ nhỏ. Phe nổi dậy đã mất hàng ngàn người và bị suy yếu trong cuộc đối đầu với quân chính phủ. Lẽ ra họ phải củng cố vị thế trước quân chính phủ và chờ đợi tiếp viện từ bên ngoài trước khi tấn công IS". Nhưng nhà nghiên cứu Thomas Pierret cho rằng, IS có một chiến lược khóa biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, ngăn chặn sự viện trợ cho phe nổi dậy nên họ không còn cách nào khác.

Các quốc gia vùng Vịnh cũng gián tiếp "hà hơi" cho IS

Những năm vừa qua, các "mùa xuân Arập" chưa hoàn tất hay bị đàn áp đã để lại nhiều sự ức chế chính trị giúp gia tăng hàng ngũ thánh chiến làm đông đảo thêm cho lực lượng IS. Cũng đừng quên các "nguồn cung cấp" khác đã lôi kéo những người Hồi giáo từ 80 quốc gia. Sự hiện hữu của họ cho thấy thất bại hay hạn chế của một số chính sách tại nhiều quốc gia không chỉ là phương Đông.

Những nhà độc tài Arập đã đàn áp một cách mạnh bạo phe đối lập ôn hòa, điều này đã khuyến khích khuynh hướng cực đoan của một số người. "Không phải ngẫu nhiên khi Nhà nước Hồi giáo ra đời tại Iraq và Syria, nơi mà Saddam Hussein và Tổng thống Al-Assad ngự trị trong nhiều thập niên, đàn áp và thanh trừng hàng trăm ngàn người chống đối, hủy hoại đời sống chính trị và đào sâu thêm hố phân cách sắc tộc" - nhà chính trị học Ziad Majed nhận định trên mạng Now Lebanon.

Đối nghịch với chế độ của Tổng thống Al-Assad, từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã nhắm mắt làm ngơ trước làn sóng vượt biên của các phiến quân thánh chiến vì cho rằng họ sẽ làm suy yếu chính quyền Al-Assad. Đó là một chính sách chứa nhiều mâu thuẫn. "Ankara bị cáo buộc đã hậu thuẫn cho IS và Mặt trận Al-Nusra khi các phong trào này chống lại  dân quân người Kurd ở Syria có liên hệ với đảng PKK, đảng đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ. Như nhiều chính thể khác trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ đã không lường được hậu quả về lâu dài của chính sách đó" - giáo sư khoa học chính trị Jean Marcou giải thích.

Tuy không hậu thuẫn trực tiếp IS nhưng các nền quân chủ Vùng Vịnh đã khuyến khích sự phát triển của các mạng lưới thánh chiến trong thập niên 80 mà tính hà khắc tiếp tục phổ biến rộng rãi trong khắp thế giới Hồi giáo. Những mạng lưới đó tiếp tục hoạt động và phát triển suốt 2 thập niên qua dưới nhiều danh xưng khác nhau, hô hào tính cực đoan và chính sách ngu dân.

Sự bành trướng thần tốc của IS có thể sẽ làm thay đổi ván cờ của những liên minh khu vực. Arập Xêút đã đồng ý ủng hộ tân Thủ tướng Iraq và đối thoại với Iran. Những đối thủ của ngày hôm qua đang gấp rút kết hợp lại để chống lại IS. Nhưng không nên lặp lại các sai lầm trong quá khứ. Trước tiên là không nên trừng phạt các chế độ độc tài vốn là nguồn căn cực đoan hóa những kẻ bị xa lánh trong khu vực. Và cũng không nên đánh giá thấp tâm trạng của người Sunni. Sự hỗ trợ quân sự cho người Kurd được quyết định sau những vụ đàn áp giết chóc người Thiên Chúa giáo và cộng đồng thiểu số Yezidi trong một khu vực mà phương Tây đã đầu tư khoảng 10 tỉ USD trong khi lại chẳng hề động ngón tay sau những vụ thảm sát tại Syria có thể khiến cộng đồng người Sunni ngờ vực.

Nhận thức đó có thể củng cố cho tiềm năng lý tưởng mà IS vốn có. Phong trào này tạo cảm tưởng cho các thành viên là đang thành lập một nhà nước, có thể đáp ứng được nguyện vọng trả thù của người Sunni ở Iraq và trên toàn thế giới do không còn lệ thuộc vào phương Tây và các chế độ đã cai trị họ

Minh Luân (tổng hợp)
.
.