Pine Gap, căn cứ tình báo không gian phối hợp tuyệt mật Mỹ - Australia

Thứ Ba, 27/08/2013, 18:35

Pine Gap là một trong những căn cứ kiểm soát vệ tinh gián điệp từ mặt đất lớn nhất và trọng yếu nhất nằm bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ. thời gian sau này nó tiếp quản các nhiệm vụ của một căn cứ khác gọi là Nurrungar ở Australia. Hiện nay, Pine Gap có nhiệm vụ giám sát những hệ thống cảm biến hồng ngoại hiện đại gọi là SBIRS - một phần trong chương trình "phòng thủ tên lửa" mới của Mỹ - nhằm thay thế hệ thống cũ DSP phát hiện bất cứ vụ phóng tên lửa đạn đạo nào. Hệ thống tình báo tín hiệu (SIGINT) của Pine Gap hoạt động liên tục suốt ngày đêm cung cấp cho Lầu Năm Góc mọi thông tin về các mục tiêu trên toàn cầu.

"Khu vực 51" ở xứ chuột túi

Pine Gap được coi là một bản sao của căn cứ không quân tuyệt mật của Mỹ có mật danh là "Khu vực 51" nằm trong sa mạc ở miền Bắc bang Nevada nước Mỹ. "Khu vực 51" (Area 51) là nơi tiến hành nhiều dự án máy bay gián điệp và chiến dịch bí mật của quân đội Mỹ kéo dài trong suốt nhiều thập niên. Với tên gọi chính thức là Căn cứ Quốc phòng phối hợp (JDFPG) - bắt đầu hoạt động vào năm 1970 ở miền Trung Australia.

Mỗi ngày, các đội ngũ chuyên gia già dặn kinh nghiệm của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Cơ quan Tình báo Địa - Không gian (GIA) và các bộ phận tình báo của lực lượng Không - Hải - Lục quân Mỹ cũng như các cơ quan tình báo Australia như ASIO và SIS cùng xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ được truyền về Pine Gap từ mạng vệ tinh gián điệp của Mỹ bay qua khu vực Trung Đông, Trung Á, Ấn Độ Dương, Trung Quốc, Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Người ta cho rằng, Pine Gap cung cấp thông tin về mục tiêu giúp Israel đánh bom Liban vào năm 2006.

Trong cuốn sách "Bên trong Pine Gap", tác giả David Rosenberg - nhân viên NSA từng phục vụ ở Pine Gap từ năm 1990 đến 2008 - tiết lộ căn cứ không gian này đóng vai trò không thể thiếu trong các cuộc chiến tranh ở Iraq, Afghanistan cũng như chiến dịch truy lùng trùm khủng bố Osama bin Laden. Pine Gap là căn cứ quan trọng nhất trong số ít nhất 10 căn cứ tình báo tuyệt mật của Mỹ hiện diện trên lãnh thổ Australia.

Pine Gap đặc biệt nằm ngầm hoàn toàn dưới lòng đất - trong đó có một nhà máy điện hạt nhân bí mật - với các lối vào căn cứ nằm bên trên. Nhà máy điện hạt nhân cung cấp năng lượng cho toàn bộ căn cứ Pine Gap và thậm chí cho cả các lò phản ứng hạt nhân trên các tàu ngầm của Hải quân Mỹ đóng ở ngoài khơi thông qua một con đường hầm dài 1.800km nối liền căn cứ Pine Gap với Căn cứ hải quân North West Cape ở vùng biển phía nam Australia.

Các hệ thống của Pine Gap cũng được kết nối trực tiếp đến Căn cứ Quốc phòng phối hợp Nurrungar (JDFN) ở thành phố Geraldton, miền Tây Australia, các trạm tình báo của Mỹ và Australia như CIA, NSA, ASIO, SIS và Cơ quan Công nghệ và Khoa học Quốc phòng Australia (ADSTO) - tổ chức xử lý các vấn đề về vật thể bay không xác định (UFO) và thu hồi những mảnh vỡ do bị rơi xuống trái đất của chúng. Bao bọc Pine Gap là bức tường an ninh cao 4m thường xuyên được binh lính Mỹ và Australia tuần tra nghiêm ngặt.

Năm 1974, một tờ báo Australia tiết lộ Mỹ tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu liên tục về xung điện từ (EMP) ở Pine Gap từ năm 1966. Những người tham gia dự án EMP đều phải trải qua tiến trình tẩy não và thậm chí bị cấy thiết bị vào trong sọ. Cũng trong năm 1996, có tin đồn nhiều người dân địa phương nhìn thấy một chiếc máy bay hình tam giác hạ cánh xuống khu vực phía tây của Pine Gap, có nhiều UFO đến và bay đi thường xuyên ở các lối vào được ngụy trang của căn cứ!

Pine Gap nhìn từ trên không với những quả cầu trắng.

Năm 1991, Pine Gap có nhiệm vụ theo dõi hệ thống tên lửa Scud của Iraq cũng như mọi sự di chuyển của binh lính nước này. Pine Gap có một nhóm đặc biệt mang tên Ủy ban Hoạch định kế hoạch do thám phối hợp (JRS) họp mặt vào mỗi buổi sáng để quyết định sẽ nghe lén những gì trong 24 giờ tiếp theo. Pine Gap có các siêu máy tính khổng lồ kết nối đến Mỹ, cũng như đến các căn cứ khác ở Nam Phi, Guam, Canberra và Nam Cực. Chính xác căn cứ Pine Gap tiến hành những hoạt động bí mật gì ngoài nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo tín hiệu thì ngay đến các thành viên Quốc hội Australia cũng hết sức mù mờ!

Biểu tượng của mối quan hệ khăng khít giữa cộng đồng tình báo Mỹ và Australia

Đã có thời gian dài chính quyền Australia tuyên bố không có căn cứ quân sự nào của Mỹ ở nước này nhưng trên thực tế, có nhiều căn cứ quân sự và tình báo Mỹ tồn tại từ lâu ở Australia từ sau Chiến tranh thế giới lần 2, trong đó một số căn cứ bị chỉ trích dữ dội nhất trên thế giới. Pine Gap được coi là biểu tượng của mối quan hệ liên minh tình báo điện tử khăng khít kéo dài gần 5 thập niên giữa Mỹ và Australia, và nó cũng nằm ở nơi bí mật nhất của Australia.

Pine Gap là căn cứ hết sức ấn tượng, an ninh cực kỳ nghiêm ngặt, kiểm soát và thu nhận dữ liệu từ các vệ tinh địa tĩnh nghe lén mọi tín hiệu radio, radar và vi ba trên quy mô rất rộng. Pine Gap sở hữu khoảng 33 ăng-ten vệ tinh, trong đó 18 ăng-ten được che đậy bằng những vòm màu trắng - nên cũng được gọi là "những quả cầu trắng" - để phân biệt.

Các nhà thầu quốc phòng Mỹ đầu tiên đầu tư vào Pine Gap là Northrop Grumman và Raytheon cũng như nhà cung cấp các hệ thống vi tính nổi tiếng Hewlett-Packard (HP). Và, Northrop Grumman chịu trách nhiệm vận hành các vệ tinh được kiểm soát từ Pine Gap. Khoảng 1.000 người - trong đó chiếm đại đa số là người Mỹ - làm việc trong căn cứ Pine Gap, song nhờ những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ hiện nay cho nên nhân lực giảm bớt còn 870 người.

Tấm biển đòi đưa Pine Gap ra xét xử trước công luận.

Các "công dân" của Pine Gap nằm trong bóng tối mãi cho đến năm 1975, khi Thủ tướng Australia thứ 21 Gough Whitlam tiết lộ: Ông chủ của căn cứ tình báo không gian này - Richard Stallings - là sĩ quan cao cấp của CIA. Theo David Rosenberg, căn cứ Pine Gap sau này tập trung vào những điểm nóng khác nhau trên thế giới, đóng vai trò chủ đạo trong việc lập kế hoạch và tiến hành cuộc tấn công Iraq trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.

Cuốn sách của Rosenberg - trải qua 16 lần kiểm duyệt của 4 cơ quan tình báo Mỹ trước khi được phép xuất bản - mô tả vai trò chính của Pine Gap trong hai cuộc xâm lược và chiếm đóng phi pháp của quân đội Mỹ ở Afghanistan và Iraq năm 2001 và 2003.

Pine Gap cung cấp thông tin về các mục tiêu đánh bom và ám sát cho những biệt đội tử thần của Mỹ trên mặt đất; đồng thời cũng xác định mục tiêu cho các chiến dịch máy bay vũ trang không người lái (drone) của CIA tiến hành ở Afghanistan, Pakistan và Yemen. Nằm ở Australia, Pine Gap chắc chắn là công cụ do thám "điểm nóng" mới của Mỹ - đó là những cuộc giao tiếp trong chính quyền và quân đội Trung Quốc, vị trí của những lực lượng vũ trang hạt nhân và phi hạt nhân cũng như những trung tâm chỉ huy của nước này.

Cuối năm 2009, khi chiến lược quân sự Mỹ bắt đầu tập trung sang Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Australia tiết lộ "trại ăng-ten" của Pine Gap sẽ được "nâng cấp" hoàn toàn vào năm 2014. Mục đích và số tiền để nâng cấp chưa bao giờ được tiết lộ.

Những tiết lộ mới đây từ cựu nhân viên NSA Edward Snowden cho biết, Pine Gap đóng vai trò chính trong những chiến dịch tấn công bằng drone gây tranh cãi của CIA ở Trung Á và Trung Đông. Theo đánh giá mới đây của Tổ chức Nhà báo điều tra Mỹ (BIJ), những chiến dịch drone của Mỹ đã giết chết hơn 3.500 người, bao gồm ít nhất 890 dân thường. Và, vào đầu năm 2013, chính quyền Obama thừa nhận có 4 công dân Mỹ bị giết chết trong những chiến dịch drone ở Pakistan và Yemen từ năm 2009.

Cuốn sách "Bên trong Pin Gap" của tác giả cựu nhân viên NSA - David Rosenberg.

Chính quyền cựu Thủ tướng Australia Julia Gillard cũng bị chỉ trích nặng nề do tích cực hợp tác với những hoạt động chiến tranh được cho là tội phạm - vi phạm Hiến pháp Mỹ cũng như luật pháp quốc tế - của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tiến hành ở Iraq và Afghanistan cũng như ở Pakistan và Yemen. Edward Snowden cũng tiết lộ: Pine Gap thực sự là một bộ phận trong mạng lưới tình báo điện tử toàn cầu của Washington do NSA quản lý, cụ thể là chương trình có tên mã XKeyscore.

Năm 2011, Julia Gillard cho phép Mỹ mở một căn cứ hải quân mới ở miền Bắc Australia và chuẩn bị sự hiện diện ở các căn cứ khác trên lãnh thổ nước này, trong đó bao gồm một căn cứ drone tại quần đảo san hô Cocos Islands ở khu vực phía đông Ấn Độ Dương.

Các nhà phân tích cho rằng, không loại trừ khả năng chính quyền Australia hiện nay tiếp tục có những thỏa thuận bí mật với Washington cho phép Mỹ triển khai thêm nhiều chiến dịch tình báo phi pháp ngay trên lãnh thổ Australia, đẩy nước này vào bất cứ cuộc xung đột nào giữa Mỹ với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là, trong trường hợp Mỹ tấn công Trung Quốc thì Australia cũng như mọi căn cứ tình báo phối hợp ở nước này sẽ ngay lập tức chiếm giữ vai trò chủ chốt trong cuộc chiến tranh.

Một nguồn tình báo quốc phòng Australia nhận định với hãng tin Faifax Media: "Mỹ sẽ chẳng bao giờ chiến đấu trong một cuộc chiến ở khu vực bán cầu Đông mà không có sự dính líu trực tiếp của Pine Gap".

Từ lâu, chính quyền Australia luôn nhấn mạnh vai trò của Pine Gap trong việc cung cấp thông tin chính xác để Mỹ giám sát các hiệp ước kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Cách đây 10 năm, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Hill dưới thời Thủ tướng Australia thứ 25 John Howard tuyên bố: "Những công việc được thực hiện tại Pine Gap tiết lộ các quốc gia tuân thủ những hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân như thế nào hay phát hiện khi nào họ vi phạm các hiệp ước".

Còn trong một diễn văn hiếm hoi về Pine Gap trước Quốc hội Australia vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith tuyên bố: Pine Gap là "yếu tố trung tâm trong mối quan hệ hợp tác tình báo và an ninh của Australia với Mỹ" đồng thời nhấn mạnh: "Thông tin tình báo thu thập được ở Pine Gap góp phần kiểm soát những hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân và giá trị của dữ liệu từ Pine Gap không thể bị xem nhẹ". Tuy nhiên, Stephen Smith cũng nói rằng, điều đó "không có nghĩa là Australia đồng thuận với mọi hoạt động của Pine Gap".

Pine Gap cũng là mục tiêu bị lên án dữ dội từ phía người dân, các nhóm nhân quyền đòi đóng cửa căn cứ. Năm 1986, một đám đông tụ tập bên ngoài khu căn cứ Pine Gap bày tỏ sự chống đối quyết liệt. Năm 2002, hàng ngàn người, trong đó có cả một số nghị sĩ Australia, tiếp tục biểu tình đòi đóng cửa căn cứ.

Tháng 12/2005, Tổ chức Những tín đồ Công giáo chống chiến tranh (CAW) mở chiến dịch phong tỏa các lối ra vào Pine Gap. Sự kiện rùm beng này sau đó dẫn đến việc hai lãnh đạo của CAW là Edward Crasswick và Terry Spackman cùng với 2 thành viên khác của tổ chức bị tòa án Mỹ xét xử và buộc tội vi phạm an ninh quốc gia. Vụ án gây sự chú ý của dư luận Mỹ cũng như Australia và có tên gọi là "Pine Gap Four"

Diên San (tổng hợp)
.
.