Qatar: Tranh cãi về việc tài trợ cho các nhóm khủng bố
Trong khi Qatar - quốc gia Vùng Vịnh giàu dầu mỏ và là nơi Mỹ đặt căn cứ không quân khổng lồ ở Trung Đông - đồng thuận trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và gia nhập liên minh của Mỹ và phương Tây chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), thì có nhiều báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ một số nhân vật quan trọng của Qatar đã bí mật tài trợ cho tổ chức này ở Iraq và Syria.
Bốn tổ chức chính quyền quan hệ mật thiết với các nhóm phiến quân?
Đối với người Anh, "John Thánh chiến" - người nói giọng London xuất hiện trong 3 video hành hình con tin - trở thành gương mặt đại diện IS và là mối đe dọa thật sự đối với nước Anh. Bộ Tài chính Mỹ đưa ra một số bằng chứng cho thấy đồng tiền của Qatar đã giúp cho "John Thánh chiến" hay những công dân Anh khác đến được Syria.
Nhưng tân Quốc vương Qatar - Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, một mực khẳng định với Hãng tin CNN rằng: "Chúng tôi không tài trợ cho bọn cực đoan. Nếu nói đến những tổ chức nào đó, đặc biệt ở Syria và Iraq, thì tất cả chúng ta đều coi đó là những tổ chức khủng bố".
Bằng chứng tiết lộ một phần tử khủng bố tên là Tariq al-Harzi tự mô tả mình là "thủ lĩnh vùng biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ được IS giao nhiệm vụ tiếp nhận những chiến binh nước ngoài mới gia nhập và huấn luyện họ sử dụng vũ khí hạng nhẹ trước khi gửi họ đến Syria". Đặc biệt là, Tariq al-Harzi "hỗ trợ những chiến binh nước ngoài đến từ Anh".
Theo tài liệu của Bộ Tài chính Mỹ, thời gian qua Tariq al-Harzi "giúp IS nhận 2 triệu USD từ một người trung gian của tổ chức phiến quân ở Qatar, với điều kiện số tiền chỉ được dùng để tài trợ cho các chiến dịch quân sự. Người trung gian ở Qatar cũng sử dụng al-Harzi cho những nỗ lực gây quỹ". Qatar đáp trả rằng đó là vấn đề của các cá nhân chứ không phải chính quyền. Nhưng nếu muốn thì bất cứ nhà nước nào - đặc biệt là một quốc gia chuyên chế như Qatar ở Vùng Vịnh - đều có thể ngăn chặn hành vi như thế.
Bộ Tài chính Mỹ nhận định: Ở Qatar không hề tồn tại hoạt động giám sát những đóng góp tài chính địa phương cho các tổ chức. Qatar có những điều luật chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố, song việc thực thi còn "chưa đầy đủ" và "có nhiều lỗ hổng đáng kể". Một nhà ngoại giao phương Tây nhận định: "Có khoảng từ 8 đến 12 nhân vật chủ chốt ở Qatar cung cấp hàng triệu USD cho bọn cực đoan. Thậm chí họ còn không giấu giếm điều đó".
Phần lớn số tiền được chuyển đến cho Jabhat al-Nusra - nhánh Al-Qaeda ở Syria. Số tiền tài trợ tăng mạnh nhất vào năm 2013, khi al-Nusra và IS chính thức hợp nhất và cùng trao đổi vũ khí cũng như chiến binh cho nhau. Nhưng, vào đầu năm 2104 cả hai nhóm phiến quân tách ra sau những tranh cãi quyết liệt. Một số vũ khí và tiền mặt của Qatar gửi đến cho al-Nusra từ giữa tháng 4/2013 đến tháng 2/2014 hiện rơi vào tay của IS.
Qatar, đất nước nhỏ bé nhưng giàu dầu mỏ.
Tháng 12/2013, Mỹ chính thức đưa Abd al-Rahman bin Umayr al-Nuaymi vào danh sách các phần tử khủng bố được tình báo Mỹ giám sát chặt chẽ. Theo giới chức Washington, Muaymi đã "ra lệnh chuyển gần 600.000 USD cho Al-Qaeda qua trung gian đại diện của một tổ chức ở Syria". Nuaymi mới đây được cho là cố vấn cho chính quyền Qatar và một thành viên tài trợ của một quỹ liên quan đến hoàng gia nước này gọi là Quỹ từ thiện Sheikh Eid bin Mohammed al-Thani.
Chính quyền Mỹ cũng đưa vào danh sách phần tử khủng bố một đối tượng tên là Abd al-Wahhab al-Humayqani - giáo sĩ Hồi giáo và chuyên gia pháp lý của Bộ Đầu tư và các vấn đề Hồi giáo Qatar. Từ năm 2006, một đối tượng tên là Hamid Abdullah al-Ali cũng được Mỹ coi là phần tử khủng bố chuyên cung cấp tài chính cho các nhánh của Al-Qaeda.
Trên trang web của mình, Ali dạy mọi người kỹ thuật chế tạo bom và các loại vũ khí sinh - hóa khác. Ngày 2/3/2012, theo lời mời từ Bộ Đầu tư và các vấn đề Hồi giáo Qatar, Ali đã có bài thuyết giáo tại Đại giáo đường Qatar do nhà nước quản lý ở thủ đô Doha của nước này.
Tân Quốc vương Qatar - Sheikh Tamim bin Hamas al-Thani. |
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, có tất cả 4 tổ chức chính quyền Qatar quan hệ mật thiết với các nhóm phiến quân vũ trang ở Syria và Iraq - Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cơ quan tình báo Qatar và Văn phòng Quốc vương Tamim bin Hamad al-Thani.
“Truyền thống” tài trợ khủng bố?
Từ năm 2012, một người tên là Hajjaj al-Ajmi sống ở Kuwait thường xuyên bay đến Qatar để quyên góp tiền mặt. Trong các video trên Internet, Ajmi nói với các thính giả Qatar rằng, viện trợ nhân đạo ở Syria là "quan trọng song ưu tiên vẫn là ủng hộ chiến binh thánh chiến và trang bị vũ khí cho họ… Cung cấp tiền cho họ để họ có thể sử dụng cho thánh chiến".
Ajmi cũng nhận được lời mời từ Bộ Đầu tư và các vấn đề Hồi giáo Qatar và nhiều lời kêu gọi khác của Ajmi cũng được phát đi từ chương trình thuyết giáo tại các giáo đường do chính quyền Qatar quản lý. Đại diện thu tiền đóng góp cho Ajmi ở Qatar là Shaqer al-Shahwani - người làm việc cho Bộ Đầu tư và các vấn đề về Hồi giáo và cũng là nhà thuyết giáo thường xuyên ở Đại giáo đường Qatar và Đài truyền hình Qatar.
Trong một vụ việc liên quan đến một nhà tài trợ khủng bố khác thuộc nhóm al-Nusra tên là Shafi al-Ajmi, chính quyền Qatar cũng không quan tâm đến những gì mà người này đưa lên Twitter. Ví dụ, vào ngày 24/6/2013, Shafi al-Ajmi thông báo nhận được 52.000 USD từ Qatar cung cấp cho nhóm al-Nusra để "chuẩn bị thánh chiến" ở Syria. Lúc đó, Shafi al-Ajmi kêu gọi những người góp tiền gửi qua tổ chức từ thiện bán chính thức của chính quyền Qatar mang tên RAF, do một thành viên Hoàng gia Qatar điều hành.
Các thành viên nhóm chiến binh Jabhat al-Nusra. |
Một nhân vật tài trợ khủng bố nổi cộm tiếp theo được Mỹ quan tâm là Mohammed al-Arifi - giáo sĩ hiện bị cấm lưu trú ở Anh do bị cho là đã giúp 2 thanh niên xứ Wales gia nhập IS. Al-Arifi công khai ủng hộ nhóm khủng bố al-Nusra và phát đi tuyên bố bắt buộc thánh chiến ở Syria sau lần đến Qatar lần đầu tiên, song vẫn không bị chính quyền nước này trục xuất. Al-Arifi một lần nữa có mặt ở Qatar vào mùa hè vừa qua (sau khi bị nước Anh trục xuất) để tham dự lễ Ramadan của người Hồi giáo với sự tham gia của nhiều phần tử cực đoan. Lễ hội Ramadan này được đồng tổ chức bởi RAF và Aspire Zone Foundation - tổ chức được chính quyền Qatar bảo trợ.
Một người đàn ông khác nói chuyện tại lễ hội Ramadan và cũng bị Anh cấm lưu trú là Wagdy Ghoneim, người ca ngợi trùm khủng bố Osama bin Laden là "anh hùng" và chủ trương bài Do Thái đến cùng. Còn phải kể đến 2 đối tượng khác là Zaghloul El-Naggar, tác giả một cuốn sách bài Do Thái; và Nabil Al Awadi, người gây quỹ tài trợ hàng triệu USD cho 12.000 chiến binh ở Syria để mua tên lửa chống máy bay và tên lửa tầm nhiệt. Tất cả những nhân vật mà chính quyền Mỹ gọi là "những nhà tài trợ khủng bố" này đều được "một thành viên Hoàng gia Qatar" tiếp đãi nồng hậu!
Bên trong Đại Giáo đường Qatar. |
Thật ra trong lịch sử, chính quyền Qatar từ lâu đã bị chỉ trích tiếp đón và tài trợ cho các nhóm phiến quân cực đoan Hồi giáo ở Syria và các nơi khác. Thậm chí, một nhà ngoại giao Israel còn gọi Qatar là "Túi tiền khổng lồ của khủng bố", bất chấp việc Qatar là thành viên chủ chốt trong liên minh chống IS của Mỹ.
Trong suốt thời gian diễn ra sự kiện Mùa xuân Arập, nhiều nước buộc tội Qatar đứng sau hậu thuẫn cho tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập và Kênh truyền hình tiếng Arập Al Jazeera cũng do chính quyền Qatar quản lý để kích động gây bất ổn trong khu vực Trung Đông. Các thành viên Huynh đệ Hồi giáo cũng có được nơi trú ẩn an toàn ở Qatar.
Từ năm 2012, Qatar đã cho phép bộ phận lãnh đạo chính trị của Hamas đặt căn cứ ở thủ đô Doha. Theo Prosor, Qatar muốn dùng sức mạnh đồng tiền của mình để cân bằng ảnh hưởng trong khu vực Trung Đông và gây bất ổn cho các đối thủ của mình.
Qatar là nhà tài trợ hàng đầu cho các nhóm Hồi giáo cực đoan và điều đó khiến cho các nước láng giềng như Arập Xêút, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) tức giận đến mức họ phải chọn giải pháp rút các đại sứ của mình khỏi Doha từ tháng 3/2014.
Thậm chí, Qatar còn cho phép Taliban mở trụ sở ở Doha. Trong suốt cuộc biến động chính trị năm 2011 ở Libya, chính quyền Qatar bảo trợ một nhóm chiến binh Hồi giáo ở thành phố Benghazi gọi là Rafallah al-Sehati - nhóm có bộ phận lãnh đạo tương đối thân thiện với phương Tây nhưng trong hàng ngũ vẫn có nhiều phần tử cực đoan. Về sau, các phần tử cực đoan tách ra thành lập Ansar al-Shariah - nhóm chiến binh dính líu đến cái chết của Đại sứ Mỹ J. Christopher Stevens ở Benghazi.
Từ đầu năm 2013, khi phương Tây tăng cường gây sức ép đến các quốc gia Vùng Vịnh buộc họ mạnh tay vơi những phần tử gây quỹ liên quan đến Al-Qaeda, một số chính quyền lên tiếng than phiền Qatar đã quay sang chống lại họ. Các thông tin trên mạng xã hội cũng như trên truyền hình cho thấy ít nhất nửa tá nhà tài trợ khủng bố nằm trong danh sách của Mỹ vẫn thường xuyên lui tới Doha.
Năm 2010, một bộ phận trong chính quyền Qatar quyên góp tiền bạc giúp Abdel Wahab al-Humayqani - nhà tài trợ cho Al-Qaeda ở Bán đảo Arập - xây dựng một giáo đường trị giá 1,2 triệu USD ở Yemen. Năm 2011, Harith al-Dari - giáo sĩ Iraq và lãnh đạo bộ tộc nằm trong danh sách các nhà tài trợ khủng bố của Mỹ năm 2008 - xuất hiện trên Đài truyền hình Al Jazeera cầu nguyện cho lễ khánh thành giáo đường Hồi giáo do chính quyền Qatar sở hữu ở Doha