Quần đảo Marshall kiện các cường quốc hạt nhân ra Tòa án Quốc tế

Thứ Hai, 26/05/2014, 20:15

Ngày 24/4 vừa qua, nước Cộng hòa Marshall đã nộp đơn kiện 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ra Tòa án Công lý Quốc tế (IJC) ở La Haye vì vi phạm cam kết trách nhiệm giải trừ vũ khí theo hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân (NPT).

Trong hồ sơ kiện tụng, Quần đảo Marshall đã tố cáo các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có thái độ "ngạo mạn, chối bỏ công lý".

Theo báo The Guardian, bị đơn trong vụ kiện này gồm 9 quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc) với kho vũ khí đã được khẳng định và là những nước chủ chốt ký kết Hiệp ước NPT, cộng với 3 quốc gia công bố sở hữu vũ khí hạt nhân giai đoạn sau này nhưng nằm ngoài NPT là Ấn Độ, Pakistan, CHDCND Triều Tiên và quốc gia có kho vũ khí hạt nhân khá lớn nhưng không công bố là Israel.

Hiệp ước NPT được ký kết vào năm 1968 giữa các cường quốc hạt nhân lúc bấy giờ là Liên Xô (sau này là Nga), Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc với các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân (trong đó có Iran). Theo hiệp ước, các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân cam kết không theo đuổi việc chế tạo vũ khí hạt nhân, còn các quốc gia đang có vũ khí thì sẽ phải thực hiện tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân, như quy định tại Điều 6 của Hiệp ước NPT.

Hiệp ước có hiệu lực thi hành từ năm 1970. Ngày 11/5/1995, NPT được mở rộng không giới hạn. Và đến nay đã có 190 quốc gia tham gia ký kết hiệp ước này.

Cáo buộc cơ bản trong đơn kiện của Cộng hòa Marshall liên quan đến việc 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân vi phạm quy định trong Hiệp ước NPT. Mặc dù hiệp ước đã có hiệu lực thi hành từ năm 1970, nhưng Chiến tranh lạnh đã khiến cho hiệp ước bị "chết" một thời gian khá dài do các cường quốc hạt nhân tiếp tục chạy đua vũ trang, sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân để đối phó, răn đe nhau. Vào thời cao điểm của Chiến tranh lạnh, kho vũ khí giết người hàng loạt này lên đến trên 20.000 đầu đạn.

Chỉ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, với việc nước Nga và phương Tây nối lại các cuộc đàm phán, đối thoại và hợp tác trên nhiều lĩnh vực, việc giải giáp vũ khí hạt nhân theo Điều 6 của NPT mới được các cường quốc hạt nhân nghiêm túc thực hiện.

Mặc dù vậy, trên thế giới đến nay vẫn còn đến hơn 17.000 đầu đạn hạt nhân, trong đó khoảng 16.000 nằm trong kho của Mỹ và Nga. Theo các chuyên gia, số đầu đạn hạt nhân này đủ để tiêu diệt toàn bộ sự sống trên trái đất.

Tổng thống Quần đảo Marshall Christopher Loeak đòi Mỹ tiếp tục bồi thường cho cư dân Bikini.

Nhân vụ kiện của Marshall, dư luận thế giới hiện cũng đang rất quan tâm lo ngại vì các cường quốc hạt nhân trên thế giới không chỉ chậm thực thi các quy định về giải giáp vũ khí hạt nhân của Hiệp ước NPT, mà họ còn đang tiến hành việc hiện đại hóa kho vũ khí của mình nhằm duy trì năng lực hủy diệt đối phương khi xảy ra một cuộc chiến tranh tầm cỡ thế giới. Thực tế trên thế giới hiện tại vẫn tồn tại các dạng đối đầu chính trị, quân sự giữa phương Tây và các quốc gia đối trọng, như Nga, Trung Quốc, Iran, CHDCND Triều Tiên…

Một sự thật không thể phủ nhận là việc yêu cầu các quốc gia từ bỏ kho vũ khí hạt nhân là điều gần như không tưởng. Cho dù không còn tiếp tục sản xuất, nhưng các nước vẫn xem việc duy trì một kho vũ khí hạt nhân là cần thiết nhằm bảo đảm tính răn đe về mặt quân sự.

Trong khi các cường quốc vẫn đang do dự chưa muốn từ bỏ vũ khí giết người hàng loạt, thì người dân đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương lại phải tiếp tục gánh chịu những thiệt hại dai dẳng vì tham vọng chạy đua vũ trang hạt nhân của Mỹ.

Đầu tháng 3 vừa qua, Marshall đã tổ chức tuần lễ kỷ niệm 60 năm người dân sống trên chuỗi đảo Bikini phải bỏ xứ "vì lợi ích của loài người" - cách người Mỹ đã nói với người dân bản xứ ở Bikini về lý do yêu cầu họ rời bỏ xứ. Tại lễ kỷ niệm đầy nỗi niềm cay đắng này, những người từng sống ở Bikini đã kể lại câu chuyện đắng lòng năm xưa. Cuộc sống của họ đã bắt đầu bị thay đổi kể từ sau Thế chiến II.

Hình ảnh vụ nổ quả bom H ngày 1/3/1954 quan sát từ cách xa 100 km.

Tháng 12/1945, Tổng thống Mỹ Harry S. Truman đã ký một chỉ thị hành pháp gửi các tư lệnh Bộ binh và Hải quân Mỹ nêu rõ sự cần thiết của việc thử vũ khí hạt nhân "để xác định tác động của bom hạt nhân trên tàu chiến Mỹ". Bikini, chuỗi 23 hòn đảo nhỏ cực đẹp ở Nam Thái Bình Dương, đã được chọn do vị trí "hẻo lánh", nằm khuất xa đường hàng hải quốc tế. Chương trình thử bom hạt nhân ra đời, mang mật danh Chiến dịch Crossroads. Mọi việc chuẩn bị đã sẵn sàng, chỉ còn trục trặc nhỏ là 167 cư dân trên chuỗi đảo Bikini.

Tháng 2/1946, Chỉ huy trưởng quân đội Marshall - Ben H. Wyant đã bay đến Bikini để thuyết phục người dân Bikini chấp nhận rời khỏi đảo. Họ được đưa đến tạm cư ở hòn đảo Rongerik, cách Bikini khoảng 125 dặm (200 km) về phía đông để chờ ngày trở về.

Tháng 3/1946, Chiến dịch Crossroads bắt đầu. Người Mỹ đã điều 242 tàu, 156 máy bay, 25.000 thiết bị đo phóng xạ và 5.400 con vật thí nghiệm gồm chuột, dê, lợn cũng được mang đến. Tổng cộng 42.000 người Mỹ, bao gồm quân nhân và quan chức dân sự, đã tham gia chương trình thử bom.

Trong suốt 12 năm Chiến dịch Crossroads, từ tháng 3/1946 đến năm 1958, người Mỹ đã tiến hành 67 vụ thử bom các loại, trong đó có 23 vụ nổ bom hạt nhân, và đặc biệt là vụ thử quả bom H đầu tiên vào ngày 1/3/1954 với sức công phá gấp 1.000 lần quả bom hạt nhân ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.

Về phần người dân Bikini, từ khi rời bỏ quê hương, xa rời cái nôi văn hóa, cuộc sống của họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Rất nhiều người trong số họ đã từng mong muốn quay trở lại quê hương, và họ đã một lần quay về vài năm sau khi các vụ thử hạt nhân kết thúc nhưng rốt cuộc lại phải khăn gói ra đi vì mức độ nhiễm phóng xạ quá cao. Có rất nhiều người cư ngụ ở các hòn đảo gần khu vực thử bom hoặc những ngư dân trên thuyền đánh cá vô tình đi gần nơi bom nổ đã chết vì bệnh ung thư và các chứng bệnh khác thường.

Vùng nước và đất trên các hòn đảo của chuỗi đảo Bikini cho đến tận ngày nay vẫn chưa hoàn toàn sạch hẳn chất phóng xạ tồn dư. Và sự mất mát không chỉ là về con người, nhà cửa mà toàn bộ nền văn hóa của người Bikini cũng bị bom hạt nhân Mỹ quét sạch.

Hàng chục năm sau khi các vụ thử bom hạt nhân kết thúc, Tòa án Khiếu kiện hạt nhân Quần đảo Marshall đã được thành lập để xem xét các yêu cầu bồi thường cho người dân đảo Bikini. Một quỹ bồi thường cho các nạn nhân bị thương và tổn hại về đất đai đã được lập với 2 tỉ USD. Thế nhưng đến nay đã ngưng bồi thường vì nguồn quỹ đã cạn.

Đầu tháng 3/2014, nhân kỷ niệm 60 năm các vụ thử bom hạt nhân trên đảo Bikini, Tổng thống Marshall Christopher Loeak đã kêu gọi nước Mỹ giải quyết dứt điểm "những vấn đề tồn đọng" từ chương trình thử bom hạt nhân. Và Mỹ vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng

An Tôn (tổng hợp)
.
.