Sai lầm của CIA trong chiến tranh vùng Vịnh
Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) thông qua vệ tinh gián điệp, máy bay trinh sát, những người sống lưu vong và cả các kiến trúc sư đã từng tham gia vào các công trình xây dựng ở Iraq để thu thập tin tình báo.
Các quan chức trong CIA dành rất nhiều thời gian cho công việc này, họ còn có riêng một quyển sổ để ghi chép mục tiêu oanh tạc cho các phi công Mỹ. Quyển sổ này rất hữu dụng, Không quân Mỹ sẽ căn cứ vào mục tiêu cụ thể đã chỉ trên đó để tiến hành oanh tạc suốt gần một tháng trời.
Đây là cuộc oanh tạc chưa từng có trong lịch sử, chỉ trong một đêm, cơ sở chiến tranh của Iraq gần như bị tê liệt. Thời gian còn lại là để quân đội Mỹ truy quét những phần tử còn sống sót và tiến hành chiến thuật tâm lý đối với Iraq.
Trong thời gian này, CIA đã đưa ra những đánh giá về các trận không kích. Hàng ngày, vệ tinh gián điệp của họ đều phải báo cáo kết quả, đồng thời tìm ra những mục tiêu di động để tiến hành tấn công.
Phân tích tình hình Iraq từ ảnh do vệ tinh chụp được có thể thấy tất cả những mục tiêu cố định của Iraq đã bị tổn hại rất nặng nề, công nghiệp điện bị phá hủy đến 70%, khả năng sản xuất dầu chỉ còn 10%.
Xe quân dụng cũng bị tổn thất nặng nề, ít nhất 50% số xe tăng không còn khả năng hoạt động, những nơi bị nghi ngờ là nhà máy sản xuất hạt nhân, nhà máy sản xuất vũ khí sinh học, sở chỉ huy đều bị bom đạn cày xới. Các nhân viên tình báo không giấu nổi vui mừng trước kết quả này.
Nhưng cùng đó là những sai lầm không thể cứu vãn. Trong khi CIA quả quyết rằng tên lửa có cánh của Iraq căn bản đã bị tiêu diệt hết thì ngay lập tức Iraq đáp trả bằng cách phóng một loạt tên lửa loại này sang Israel. Sự kiện đó đã khiến CIA một phen mất mặt.
Thế là, tất cả các thiết bị tình báo của Mỹ đều được huy động truy tìm tên lửa có cánh của Iraq. Sau vài ngày điều tra, CIA mới phát hiện ra rằng họ đã bị Iraq qua mặt trong quá trình trinh sát.
Iraq đã giấu tên lửa thật đi và để những tên lửa giả lên bệ phóng, trong khi đó vệ tinh gián điệp của Mỹ không thể phân biệt đâu là tên lửa thật, đâu là tên lửa giả. Vì vậy mà khi thống kê, CIA đã khai tăng số lượng tên lửa mà Mỹ đã phá hủy được. Thực chất, số lượng tên lửa của Iraq không hề giảm đi.
Loại tên lửa có cánh của Iraq với ưu điểm là không nhất thiết phải phóng ở bệ phóng cố định mà có thể phóng từ bệ phóng di động, mặc dù bệ phóng di động của Iraq lúc đó khá thô sơ nhưng cũng đủ để tên lửa của họ đến được Israel.
CIA cảnh báo quân đội Mỹ rằng, nếu muốn thay đổi tình hình thì chỉ còn cách bố trí kẻ khắc tinh của tên lửa có cánh là tên lửa của họ đến sa mạc Arập Xêút để ngăn chặn tên lửa của Iraq.
Và CIA lại một lần nữa phạm sai lầm lớn khi máy bay của Mỹ bất ngờ tập kích vào khu vực ngoại ô Baghdad ném bom trúng vào sở chỉ huy ở Amalie. Hai máy bay oanh tạc loại F-117A đã dễ dàng qua mặt được trạm rada chưa hoạt động của Iraq ném 2 quả bom tấn được điều khiển bằng tia lazer vào mục tiêu mà CIA nhận định là sở chỉ huy ngầm của Iraq.
Hai quả bom này đã làm nổ tung bức tường bêtông dày, ăn sâu xuống căn hầm bí mật phía dưới. Trận tập kích lần này đương nhiên được coi là một trong những trận tập kích thắng lợi trong cuộc chiến.
Nhưng đến ngày thứ hai, các phương tiện thông tin đại chúng của Iraq lại lên án máy bay của Mỹ đã oanh tạc hầm tránh nạn của những người dân thường, khiến hàng trăm người dân vô tội trong đó phần lớn là trẻ em đã bị thiệt mạng.
Giới truyền thông đã đăng những bức ảnh chụp tại hiện trường, giúp cộng đồng thế giới tận mắt chứng kiến thảm kịch ở đây.Chính phủ Mỹ đương nhiên không thừa nhận là bom Mỹ đã giết hại những người dân vô tội, họ lên án Chính phủ Iraq đã dùng người dân làm tấm bình phong sống nên mới dẫn đến thảm kịch này.
Tuy tất cả cơ quan của Mỹ đều lên tiếng bảo vệ hành động oanh tạc lần này, nhưng chính trong nội bộ CIA lại tranh luận gay gắt về trận oanh tạc. Họ muốn biết ai là người đã thu thập thông tin tình báo này và địa điểm trên được ghi vào sổ, khiến nó trở thành mục tiêu cần oanh tạc?
Câu trả lời dường như không có gì khó, chỉ trong mấy ngày CIA đã điều tra ra nguồn gốc của thông tin tình báo này. CIA vốn đặt rất nhiều trạm tình báo ở các nước láng giềng của Iraq, có nhiệm vụ chọn ra tin tình báo cần thiết từ những tài liệu gốc gửi từ Iraq. Một người thu thập tin tình báo của Iran nghe nói Iraq đang cho xây dựng lại những công sự quy mô lớn ở Amalie.
Xác nhận thông tin này là một nhân viên đặc vụ của CIA tại châu Âu. Một kỹ sư người Đức đã từng tham gia xây dựng công trình nói rằng, công sự này có thể là nơi bộ chỉ huy quân sự Iraq chuyển đến. Vậy là, công sự Amalie trở thành một trong những mục tiêu quan trọng cần oanh tạc của Không quân Mỹ.
Sự kiện Amalie trở thành ngòi nổ cho mối bất hòa giữa CIA và Bộ Quốc phòng, hai bên đều công kích lẫn nhau, bên này chỉ trích bên kia đã phạm sai lầm, làm mất mặt nước Mỹ, khiến chiến thắng của Mỹ bị lên án.
Sự việc được đưa lên Quốc hội, CIA một lần nữa lại trở thành “con dê thế mạng”. Mặc dù Giám đốc CIA Webster là bạn thân thiết của Tổng thống Bush (cha), ai cũng nghĩ vị trí của ông ta khó ai thay thế nhưng lần này ông ta không thể chối bỏ trách nhiệm. Đúng 3 tháng sau đó, Webster buộc phải từ chức