Shin Bet, người bảo vệ vô hình của Israel

Chủ Nhật, 25/07/2021, 10:01
Đối mặt với những nguy cơ thường trực đe dọa sự tồn vong của mình, nhà nước Israel đã xây dựng một hệ thống an ninh rất hiệu quả để chống lại các cuộc tấn công khủng bố và bắt giữ con tin. Nếu như Mossad được cả thế giới biết đến như một huyền thoại của ngành tình báo thì ít ai biết rằng trên thực tế lực lượng chính để đảm nhận nhiệm vụ chiến lược này lại là Shin Bet (Sherout Ha-Bitachon Klali- Cơ quan An ninh nội địa).


Nhiệm vụ của Shin Bet bao trùm trong nhiều lĩnh vực: Chống khủng bố bên trong và bên ngoài lãnh thổ, bảo vệ các cơ quan cấp cao, bảo vệ các cơ quan ngoại giao và đại diện của Israel, an ninh tại các sân bay và trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia. Kể từ sau cuộc chiến tranh 6 ngày (1967), Shin Bet còn phụ trách thêm an ninh tại các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng.

Slogan của Shin Bet được ghi trên phù hiệu của cơ quan này là: “Người bảo vệ không lộ diện” .

Hệ thống tổ chức của Shin Bet

Shin Bet được thành lập ngày 30-6-1958, ban đầu mang tên “đơn vị 184” thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nhưng nằm dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng chứ không phải là Bộ Tổng tham mưu. Để hoàn thành các sứ mệnh của mình, hiện nay cơ quan này có từ 2.000- 3.000 người và cơ cấu thành ba bộ phận chính:

Cục “Các vấn đề Arập” chịu trách nhiệm về cuộc chiến chống khủng bố và giám sát các phong trào của người Palestin. Shin Bet đã hoạt động đặc biệt hiệu quả trong cuộc chiến chống lại những nhánh vũ trang của Hamas

Cục “Các vấn đề phi Arập” quan tâm chủ yếu đến các hoạt động phản gián và những nỗ lực thâm nhập vào các cơ quan tình báo hay ngoại giao của nước ngoài tại Israel. 

Trước khi Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ, cục này chia thành hai bộ phận phụ trách riêng rẽ các nước cộng sản và phi cộng sản. Đây cũng là nơi tiến hành thẩm định hồ sơ của những người nhập cư từ Đông  Âu và Liên Xô.

Cục “ Các vấn đề An ninh” đảm bảo việc bảo vệ an ninh cho các thành viên chính phủ, các tòa nhà quan trọng, các cơ quan ngoại giao, ngành công nghiệp quân sự, sân bay, máy bay của Hãng hàng không Quốc gia.

Ngoài ba bộ phận chính trên, Shin Bet còn có những đơn vị phụ trợ như:

Đội biệt động Henza, đơn vị luôn sát cánh với lực lượng Aman (Agaf Hamodiin - tình báo quân đội) trong chiến dịch chống bạo động và đối đầu với các nhóm vũ trang của Hamas.

Hai đơn vị phụ trách các hoạt động bí mật, được thành lập khi bắt đầu bùng phát phong trào Intifada đầu tiên(1988), đó là Duvdevan cho dải Gaza và Shimson cho lãnh thổ Bờ Tây. Mỗi đơn vị này tuyển mộ vài chục điệp viên nói tiếng Arập hoàn hảo với mục đích để truy tìm thủ lĩnh các phong trào khủng bố để bắt giữ hay thủ tiêu khi cần thiết.

Năm 2013, Shin Bet đã thành lập một bộ phận mới để giám sát khu vực Sinai, đơn vị này có nhiệm vụ thu thập thông tin về những nơi tập trung của quân khủng bố và như vậy Shin Bet một lần nữa đã vươn bàn tay hoạt động của mình ra bên ngoài lãnh thổ Israel.

Bị tình báo Israel đánh lừa, Không quân Ai Cập đã án binh bất động và bị không quân Israel bất ngờ tấn công, khoảng 450 máy bay Ai Cập bị loại khỏi vòng chiến đấu trong vài giờ.

Những chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử của Shin Bet

Trước khi thành lập Mossad (Cơ quan Tình báo đối ngoại trực thuộc thủ tướng), Shin Bet là cơ quan chính đảm nhiệm các hoạt động tình báo ở nước ngoài.

Từ cuối những năm 1950, Shin Bet quay trở lại với những nghiệp vụ cơ bản của mình: an ninh nội bộ và phản gián song song với cuộc chiến chống lại các nhóm cực đoan, chống đối ngầm trong nước. 

Năm 1951, một lần nữa tên tuổi của Shin Bet lại vụt sáng cùng với vụ bắt giữ Israel Beer, viên đại tá rất thân cận với Thủ tướng Ben-Gurion và nhiều lãnh đạo an ninh Israel, bị Shin Bet vạch mặt là một gián điệp. Kurt Sita, gốc Đức, giáo sư tại Viện Công nghệ Technion của Israel cũng đã sa lưới của Shin Bet sau khi cơ quan này phát hiện ra rằng anh ta là điệp viên của Tiệp Khắc.

Một thành công lớn khác của Shin Bet là chiến dịch Yated, chỉ mới được “bạch hóa” vào năm 2011. Đầu những năm 1950, Ai Cập đã cài cắm điệp viên Rif’at al-Gamal vào Israel với mục đích do thám các hoạt động quân sự.  Dưới cái tên giả Jacques Bitton, anh này đã lập ra một công ty du lịch làm vỏ bọc để có thể ra nước ngoài thường xuyên gặp gỡ chỉ huy của mình. 

Sau khi một đồng nghiệp cùng công ty của Bitton thấy nghi ngờ và trình báo, Shin Bet đã gây áp lực và sau đó thuyết phục thành công Bitton làm điệp viên “hai mang” cho mình. Về phía Ai Cập, họ vẫn tiếp tục tin rằng Rif’at al-Gamal là một trong những điệp viên giỏi nhất của mình. 

Vào đêm trước của cuộc chiến năm 1967, Gamal/Bitton đã thành công trong việc thuyết phục người Ai Cập tin rằng cuộc tấn công của Israel trước tiên là tấn công trên bộ. Kết quả là trong vòng 3 giờ toàn bộ lực lượng không quân Ai Cập, đang án binh bất động tại các sân bay, bị xóa sổ hoàn toàn sau những cuộc oanh tạc. 

Không quân Israel kiểm soát hoàn toàn bầu trời và gây tổn thất nặng nề cho các lực lượng trên bộ của Ai Cập. Đây có thể xem là một trong những vụ “đầu độc thông tin” thành công nhất trong lịch sử tình báo thế giới.

Shin Bet cũng từng thành công trong việc cung cấp tin giả cho cơ quan tình báo Liên Xô thông qua Victor Grayevsky, nhà báo Ba Lan, người đã thu thập được bài phát biểu bí mật của Khrushchev vào năm 1956. 

Sau khi Grayevsky trở về định cư ở Israel, các điệp viên Liên Xô, vì không hề biết về vai trò của Grayevsky trong vụ Khrushchev, đã nhanh chóng tiếp cận và tuyển mộ anh này. Grayevsky ngay lập tức đã thông báo đầy đủ tình hình cho Shin Bet. Suốt 14 năm, Victor Grayevsky đều đặn cung cấp cho KGB những thông tin đã được các chuyên gia phản gián của Shin Bet “nhào nặn” sẵn.

Trong suốt 14 năm, điệp viên Israel Victor Grayevsky của Shin Bet đều đặn cung cấp cho KGB những thông tin giả.

Một bước ngoặt đã đến với Shin Bet vào năm 1967 sau khi “Cuộc Chiến tranh 6 ngày” kết thúc. Shin Bet phải mở rộng hoạt động sang Bờ Tây, Cao nguyên Golan và dải Gaza, phụ trách việc trấn áp khủng bố trong các vùng lãnh thổ mới chiếm đóng, một nhiệm vụ chưa hề được chuẩn bị trước. Để đối phó với tình hình, Shin Bet đã gấp rút tuyển mộ các điệp viên nói thành thạo tiếng Arập. 

Dưới sự lãnh đạo của Avraham Ahituv (1974-1981) Shin Bet đã nhanh chóng thích nghi với vai trò mới, tuy nhiên vai trò của nó cũng thay đổi một cách căn bản: từ một cơ quan chuyên về hoạt động phản gián biến thành một cơ quan an ninh của những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Trở nên kiêu ngạo và kém chuyên nghiệp trong hoạt động phản gián, đó là những gì người ta dễ nhận thấy ở Shin Bet bắt đầu từ thời điểm này trở đi.

Những thách thức mới đối với Shin Bet

Luôn đóng vai trò trụ cột bảo đảm an ninh cho Israel, hiện nay  Shin Bet đang phải đối diện với 4 thách thức lớn nhất: hợp tác hiệu quả với chính quyền Palestine, tăng cường giám sát các phe nhóm cực đoan, bảo vệ cơ sở hạ tầng, tăng cường các hoạt động phản gián.

Kể từ năm 2005, Chính phủ Israel đã giao cho Shin Bet nhiệm vụ tìm kiếm các khả năng đối thoại với chính quyền Palestin, triển khai các cuộc đàm phán thay vì chỉ tập trung vào trấn áp các hoạt động khủng bố. 

Đó là một cuộc cách mạng thật sự mà Shin Bet đã hào hứng tiến hành bởi nhiều đời giám đốc của cơ quan này đều đã lên tiếng phê phán việc chính phủ thiếu một định hướng chiến lược liên quan đến vấn đề Palestin. Để hoàn thành sứ mệnh mới này, Shin Bet phải kêu gọi sự giúp đỡ của giới đại học để tận dụng được chuyên môn của họ và có được những giải pháp thích hợp.

Fauda là một bộ phim truyền hình nhiều tập của Israel xây dựng từ những câu chuyện có thật về hoạt động của Shin Bet .

Những năm gần đây Shin Bet cũng hướng đến một lĩnh vực trọng tâm mới: giám sát những khuynh hướng cực đoan khác nhau trong nước, từ trào lưu “Do Thái cực đoan” đến các cộng đồng Arập ở Israel. Các nhóm Do Thái cực hữu thường xuyên tổ chức tấn công người Palestin, ví dụ vào năm 2012, các thiếu niên chịu ảnh hưởng tư tưởng cực hữu đã ném bom xăng vào một xe taxi của người Palestin ở khu định cư Bat Ayin (Bờ Tây) giết chết 6 người Palestin. 

Ở phía khác, những người Israel gốc Arập lại luôn là nguồn tuyển mộ của các nhóm khủng bố như Hezbollah nhằm phục vụ cho các mục đích như thu thập thông tin, đánh bom tự sát hay hỗ trợ hậu cần tại chỗ. 

Năm 2012, Shin Bet đã bắt giữ Milad Mohammad Khatib, một công dân Israel gốc Arập, anh này đã được một quan chức Hezbollaz có trụ sở tại Đan Mạch tuyển mộ để thu thập thông tin về các cơ sở nhạy cảm, về nhân thân của các chính trị gia và các nhân vật của công chúng ở Israel cũng như các thông tin chuyên sâu về các lực lượng an ninh.

Là đơn vị an ninh luôn ở trên tuyến đầu ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố và bảo vệ an toàn cho các cơ sở nhạy cảm, Shin Bet đã xây dựng một căn cứ đặc biệt để đào tạo các nhân viên cho nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không cũng như cho các đại sứ quán và lãnh sự của Israel ở khắp nơi trên thế giới. 

Trong căn cứ này có một bản sao của những máy bay thương mại và mô hình các tòa nhà đại sứ quán để diễn tập xử lý các tình huống bị không tặc hay biệt kích xâm nhập, các buổi diễn tập đều có đi kèm bắn đạn thật.

Nhiệm vụ cuối cùng mà Shin Bet phải tăng cường, đó là các hoạt động phản gián. Nhiệm vụ này có phần bị lơ là trong vài thập kỷ qua. Trên thực tế cuộc chiến bí mật giữa Israel và Iran đang nóng lên từng ngày. Tel Aviv tìm mọi cách làm chậm chương trình phát triển hạt nhân của Iran còn Tehran thì đáng trả bằng việc ra sức hỗ trợ các phong trào vũ trang chống lại nhà nước Hebrew.

Dương Thắng
.
.