Số phận Lực lượng Không gian Mỹ

Thứ Bảy, 08/12/2018, 09:45
Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch thiết lập Lực lượng Không gian mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất từ tháng 6-2018. Liệu ý tưởng này có thành hiện thực vào năm 2020 đúng như mong muốn của ông Trump hay không và nếu có thì sẽ tồn tại ở hình thức như thế nào? Sau cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước để ý tưởng này trở thành hiện thực.

Ý tưởng táo bạo?

Có lẽ, không ai hào hứng với ý tưởng này hơn Tổng thống Donald Trump. “Tuần nào ông ấy cũng chỉ hỏi tôi về Lực lượng Không gian”, Phó Tổng thống Mike Pence nói đùa tại một cuộc họp của Ủy ban Không gian Quốc gia hồi đầu tháng 10 vừa qua. Ủy ban này có nhiệm vụ định dạng các kế hoạch để biến dự án Lực lượng Không gian thành hiện thực.

Tổng thống Donald Trump nói rõ ý định không nhằm xây dựng một lực lượng dựa trên những nỗ lực của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm thúc đẩy công cuộc khám phá vũ trụ của loài người mà là quân sự hóa không gian để chuẩn bị cho một cuộc chiến tương lai, bảo vệ hệ thống vệ tinh quốc gia trước thế lực thù địch bên ngoài. “Không gian hiện được thừa nhận là một lĩnh vực chiến sự và Mỹ cần sẵn sàng đối phó với những mối đe dọa đang nổi lên trong trận chiến mới mẻ này”, tuyên bố của Nhà Trắng hồi cuối tháng 10 có đoạn.

Tổng thống Donald Trump lệnh thành lập lực lượng không gian - Theo rferl.org

Chia sẻ với Washington Post hồi cuối tháng 10, Phó Tổng thống Pence miêu tả Lực lượng Không gian là nhằm bảo vệ công nghệ vệ tinh Mỹ trước các cuộc tấn công bên ngoài và đảm bảo vệ tinh liên lạc mà không cần sự can thiệp của các lực lượng trên mặt đất của Mỹ.

Trong khi đó, Chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, Tướng Charles Brown chia sẻ với Spacenews.com rằng không gian hiện là vấn đề được quan tâm nhiều hơn so với trước đây. Nhiều cuộc thảo luận tập trung vào những năng lực mà các lực lượng Mỹ cần trong không gian cũng như những mối đe dọa gây ra bởi các cường quốc quân sự đang trỗi dậy như Trung Quốc và Nga. Tướng này lưu ý rằng không gian là một năng lực thiết yếu hỗ trợ mọi nền tảng chiến đấu, đồng thời bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc hoặc các nước đối địch khác sẽ làm nghẽn hệ thống liên lạc vệ tinh quân sự. Một vụ tấn công mạng hoặc điện tử gây gián đoạn các tín hiệu vệ tinh “sẽ làm chậm quá trình ra quyết định”, ông nói.

Tuy nhiên, những ý kiến hoài nghi chỉ ra rằng Mỹ vốn đã có Bộ chỉ huy Không gian thuộc Không quân Mỹ đặt tại Colorado. “Vai trò của NASA là gì? Điều gì Bộ Quốc phòng làm được và chưa làm được ngày nay mà phải cần đến Lực lượng Không gian để giải quyết? Tham vấn an ninh quốc gia Dan Hill nghi vấn, đồng thời cho rằng Trump cần đưa ra lý lẽ thuyết phục cho thấy sự cần thiết tồn tại của lực lượng này.

Giới chức cấp cao Lầu Năm Góc “thất kinh” trước ý tưởng của ông Trump. “Chẳng ai trong số họ hứng thú với Lực lượng Không gian”, cựu Bộ trưởng Không quân Deborah Lee James nói với Hãng tin CNBC. Giới chức quốc phòng tỏ ra lo lắng không biết phải xử lý chỉ thị của tổng thống như thế nào khi họ không muốn thực hiện.

Trái lại, có những ý kiến cho rằng đây không phải là ý tưởng không khả thi. Jim Cooper, Hạ nghị sĩ Dân chủ đã kêu gọi tầm quan trọng của việc bảo vệ tài sản Mỹ ở không gian. “Với một vụ tấn công nhằm vào các vệ tinh của chúng ta, chúng ta có thể trở nên câm điếc và đui mù chỉ trong vài giây”, Cooper nói.

Hình dung về lực lượng này, Tạp chí National Defense dẫn lời giới chuyên gia cho rằng mặc dù sẽ ít khả năng xảy ra các cuộc đụng độ ở dạng chiến đấu tay đôi trong bộ trạng phục kiểu du hành gia, nhưng các chiến binh không gian sẽ cần nắm được cách thức đối phó với các hành động thù địch từ lực lượng đối địch như các cuộc tấn công mạng điện tử gây nghẽn tín hiệu hoặc thậm chí các cuộc tấn công tên lửa làm nghẽn đường truyền tín hiệu vệ tinh quan trọng.

Còn nhiều tranh cãi

Một trong những tranh cãi gay gắt trong các cuộc thảo luận về ngân sách năm tài chính 2020 là chi phí thành lập Lực lượng Không gian.

Một bản ghi nhớ của Không quân Mỹ bị rò rỉ đã dự toán chi phí trong 5 năm đầu là 13 tỷ USD. Những người ủng hộ thành lập Lực lượng Không gian cáo buộc Không quân Mỹ, vốn từng phản đối dự án này, đã thổi phồng con số chi phí để Quốc hội gạt bỏ dự án.

Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), chi phí trong vòng 5 năm đầu sẽ lên tới hơn 1,5 đến 2,7 tỷ USD, bên ngoài mức chi tiêu hiện tại của Bộ Quốc phòng. Chi phí phụ thuộc vào việc liệu lực lượng này được thành lập độc lập riêng rẽ “hạng nhẹ” hay “hạng nặng” hay tích hợp với Không quân Mỹ. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan gần đây ước tính chi phí sẽ rơi vào khoảng 5-10 tỷ USD. Phó Tổng thống Pence hồi tháng 8 cho biết Trump yêu cầu Quốc hội phân bổ 8 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để thành lập Lực lượng Không gian.

Mỹ muốn thành lập lực lượng không gian vào năm 2020 - Theo autoevolution.com

Adam Smith, Nghị sĩ Dân chủ hàng đầu của Ủy ban Quân lực Hạ viện - người sẽ đảm nhiệm Chủ tịch Ủy ban này, cho rằng Mỹ phải mở rộng năng lực quân sự ở không gian để đối phó với Nga và Trung Quốc song lo ngại việc thành lập một cơ quan mới hoàn toàn cho nhiệm vụ này là tốn kém và không cần thiết tại thời điểm mà những quan ngại ngân sách đang được chú ý hàng đầu.

Todd Harrison, Giám đốc phân tích ngân sách quốc phòng tại CSIS, người ủng hộ ý tưởng của ông Trump, cho rằng vấn đề chi phí không phải là nhân tố quan trọng trong quyết định thành lập lực lượng này. “Vấn đề quan trọng hơn là liệu người dân có cho rằng lực lượng này là cần thiết hay không”. Tham vấn an ninh quốc gia Dan Hill đồng tình rằng để dư luận ủng hộ là vấn đề quan trọng hơn cả tranh cãi ngân sách.

Todd Harrison lập luận rằng chi phí không nên là mối quan ngại chính trong cuộc tranh luận này bởi có 3 lý do thuyết phục mà Mỹ cần một lực lượng như vậy. Thứ nhất, thẩm quyền và trách nhiệm đối với không gian an ninh quốc gia bị phân lập. Cụ thể, hiện có hơn 60 tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng và cộng đồng tình báo có trách nhiệm về thực hiện sứ mệnh không gian. 

Tuy nhiên, thẩm quyền cấp tài chính cho các hạng mục liên quan hoạt động không gian lại thuộc về Quân đội và Hải quân. Việc thiếu sự lãnh đạo tập trung làm chậm quá trình ra quyết định trong nhiều vấn đề. Việc hội nhập những tổ chức này thành một bộ chỉ huy chung sẽ giúp sửa chữa cấu trúc quản lý phân tách này. Thứ hai, lực lượng nhân sự không gian dàn trải và phân bổ lẻ tẻ trong các đơn vị và cơ quan tình báo, với khoảng thời gian công tác mang tính tạm thời, làm hạn chế khả năng phát triển chuyên môn sâu. Khi một lực lượng không gian được hình thành sẽ tạo nên một đội ngũ nhân sự chuyên biệt để chuyên tâm phát triển chính sách, học thuyết và chiến lược không gian.

Thứ ba, Harrison cho rằng lực lượng không gian độc lập có thể giúp giải quyết những xung đột lợi ích cố hữu mỗi khi các lực lượng quân sự thực hiện nhiệm vụ liên quan an ninh không gian. Bởi hiện các lực lượng như hải quân và không quân thực hiện trọng trách chính của mình và không gian chỉ được coi là chức năng nhiệm vụ thứ cấp. Khi phải lựa chọn thì họ sẽ chọn nhiệm vụ chính yếu. Vì vậy, một lực lượng không gian độc lập sẽ giúp Mỹ duy trì thường xuyên nỗ lực bảo vệ không gian an ninh quốc gia.

Tương lai bất định

Số phận của nhánh quân sự mới của ông Trump có thể phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ, theo Defense News. Quả vậy, kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ hôm 6-11 đã làm chệch hướng những nỗ lực của ông Trump. Quan trọng nhất, việc thành lập lực lượng này cần cái gật đầu của Quốc hội, song Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát có thể không mấy hào hứng trong việc để ông Trump thực hiện ý tưởng của mình. Đảng Dân chủ cũng hoài nghi về sự cần thiết lập một bộ máy quân sự hoàn toàn mới để tăng cường sức mạnh của Mỹ ở không gian. Đề xuất của ông Trump nhanh chóng trở thành một vấn đề mang tính đảng phái.

Lực lượng Không gian của Trump có thể sẽ không bao giờ được đả động đến. Trước kỳ bầu cử giữa kỳ, Ủy ban Quân lực Hạ viện đã chỉ đạo Lầu Năm Góc tìm cách tổ chức thành lập lực lượng không gian. Nhưng ủy ban này giờ nằm dưới sự dẫn dắt của đảng Dân chủ và nghị sĩ dự kiến trở thành Chủ tịch Ủy ban này lại không hề cổ vũ việc thành lập Lực lượng Không gian. 

“Tôi phản đối đề xuất của Tổng thống Trump về Lực lượng Không gian”, Adam Smith, nghị sĩ đại diện bang Washington nói rõ trong một tuyên bố. “Tôi lo ngại rằng đề xuất của ông ấy sẽ gây thêm gánh nặng chi tiêu cho quân sự trong bối cảnh chúng ta còn eo hẹp về nguồn lực cho quốc phòng và các ưu tiên quan trọng khác cho đất nước”, ông Smith giải thích, đồng thời cho rằng đây không phải là cách tốt nhất để nâng cao an ninh quốc gia cho Mỹ.

Ngay cả trước khi diễn ra bầu cử giữa kỳ, đề xuất thành lập Lực lượng Không gian chỉ nhận được thái độ lạnh nhạt và hờ hững từ giới nghị sĩ, trong đó có cả Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mac Thornberry, hiện là Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện.

Tương tự, thượng viện hiện cũng đang ở tình trạng “chờ và đợi”. Thượng nghị sĩ Joni Ernst, thành viên của Ủy ban Quân lực Thượng viện, nói rằng bà “cởi mở đối với một cuộc thảo luận” về Lực lượng Không gian, song không rõ liệu lực lượng này sẽ là “một lực lượng độc lập chuyên biệt hay có thể được tối ưu hóa tốt hơn để trở thành một phần của Không lực Mỹ”. 

Mùa hè 2017, nghị sĩ Quốc hội đã nghe nói đến một ý tưởng tương tự trước khi ông Trump đưa ra đề xuất của mình khi hai Hạ nghị sĩ đề xuất thành lập một “quân đoàn không gian”. Họ cho rằng quân đoàn này sẽ hợp với Không quân Mỹ để giám sát các hoạt động quân sự trên không gian. Tuy nhiên, Không quân Mỹ không mặn mà gì với ý tưởng này, cho rằng một sư đoàn riêng biệt như vậy sẽ chỉ tạo thêm một bộ máy cồng kềnh cho một cơ quan vốn đã mang tai tiếng về thói quan liêu.

Nhà Trắng tuyên bố sẽ vẫn duy trì ý tưởng này ngay cả khi vấp phải sự phản đối của Hạ viện. “Chính quyền sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện để tạo hành lang pháp lý và ngân sách cho việc thành lập một nhánh mới của lực lượng quân đội Mỹ”, Alyssa Farah, thư ký báo chí của Phó Tổng thống Pence nói, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục tìm cách để biến Lực lượng Không gian Mỹ thành hiện thực.

Một quan chức quốc phòng giấu tên chia sẻ với Defense One rằng có 4 lựa chọn hiện nay. Thứ nhất là một quân đoàn không gian thuộc Không quân Mỹ và chỉ bao gồm khí tài của Không quân; Thứ hai là một quân đoàn không gian thuộc Không quân nhưng lấy cả khí tài và binh sĩ không gian từ Hải quân và Quân đội; Thứ ba là một lực lượng độc lập lấy nhân sự từ Không quân, Quân đội và Hải quân và thứ tư là một lực lượng độc lập lấy từ 3 lực lượng nói trên cộng với các bộ phận của cộng đồng tình báo.

Suy cho cùng, việc có thành lập được một nhánh quân sự riêng biệt cho không gian hay không sẽ phụ thuộc vào Quốc hội. Ngay cả khi Quốc hội không “gật đầu” thì Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ tập trung hơn vào lĩnh vực không gian theo một cách khác. Cơ quan này có kế hoạch nghiên cứu thành lập Bộ chỉ huy không gian Mỹ để điều phối tốt hơn các hoạt động quân sự trong không gian và Cơ quan Phát triển Không gian để tăng cường khả năng thiết lập Lực lượng Không gian.

Hiện Lầu Năm Góc đang triển khai soạn thảo một dự thảo luật trong đó nêu chi phí ước tính, để trình lên Quốc hội vào tháng 2-2019. “Điều chúng tôi đang thực sự nhắm tới là đệ trình bản dự thảo luật để đến ngày 1-10-2019 chúng tôi có thể tuyên bố là ngày sinh của Lực lượng Không gian”, Thứ trưởng Quốc phòng Shanahan nói. 

Ông Shanahan, quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc đang lập kế hoạch triển khai Lực lượng Không gian, khẳng định dự án sẽ trở thành hiện thực ngay cả khi vấp phải sự phản đối của phe Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện cũng như khi Nhà Trắng đã yêu cầu Lầu Năm Góc cắt giảm chi phí thành lập.

Hà Ngọc (tổng hợp)
.
.