Số phận viên tướng tình báo Liên Xô làm việc cho CIA

Thứ Bảy, 27/03/2021, 12:30
Trong lịch sử ngành tình báo Xôviết thì Polyakov là một trong những trường hợp quá quắt nhất, kẻ phản bội lại chính là người không ai nghĩ tới: một chiến sĩ từng chiến đấu tại mặt trận, có công lao, lên đến thiếu tướng mà lại làm việc cho Mỹ…

Tháng 5-1988, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan sang thăm chính thức Liên Xô. Người đứng đầu nước Mỹ quá cảm động về sự tiếp đón thịnh tình đã tuyên bố với các phóng viên: “Tôi không gọi Liên Xô là vương quốc của cái ác nữa”… 

Có lẽ tưởng được Gorbachyov đánh giá cao cử chỉ đó của mình nên trong thời gian trò chuyện riêng, Reagan gợi ý rằng nước Mỹ “sẵn sàng đánh đổi ngài Polyakov lấy bất kỳ nhà tình báo nào của Liên Xô đang bị bắt giữ ở Mỹ”. Rõ ràng người Mỹ sẵn sàng vào cuộc đổi chác để thả không chỉ một mà vài điệp viên Xôviết cùng lúc để chỉ lấy một “ngài Polyakov”. Gorbachyov hoặc là không hiểu thực việc, hoặc là không hiểu Reagan muốn nói gì… 

Được một lát, sau khi trao đổi với những nhân vật có chức trách, ông bảo Reagan: “Phía Mỹ có thể không đề cập đến chuyện Polyakov được không?”. Trong lịch sử ngành tình báo Xôviết thì Polyakov là một trong những trường hợp quá quắt nhất, kẻ phản bội lại chính là người không ai nghĩ tới: một chiến sĩ từng chiến đấu tại mặt trận, có công lao, lên đến thiếu tướng mà lại làm việc cho Mỹ… 

Dmitri Polyakov.

Dmitri Polyakov là ai?

Dmitri Polyakov sinh năm 1921 tại Ukraina trong một gia đình kế toán viên, học xong bậc phổ thông thi đỗ vào trường Pháo binh Kiev, bước vào chiến tranh với chức vụ trung đội trưởng. Polyakov chiến đấu chống bọn phát xít ở các mặt trận Karelsky, mặt trận phía Tây và mặt trận Ukraina-3, từng được thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng II và Huân chương Sao Đỏ. Kết thúc chiến tranh với quân hàm thiếu tá, Trưởng phòng Trợ lý Ban Chỉ huy Tình báo của Tập đoàn quân số 26, Polyakov được đánh giá là sĩ quan đầy triển vọng nên được cử đi học tiếp tại Khoa Tình báo Học viện Frunze, sau đó về công tác tại Tổng cục Tình báo (GRU). Tháng 5-1951, Dmitri Polyakov bắt đầu công việc tại New York với tư cách sĩ quan Cao ủy thuộc Đại diện Quốc phòng Liên Xô tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Năm 1959, khi mang quân hàm đại tá, Polyakov qua lại New York với vai trò Thư ký Đại diện Quốc phòng Liên Xô của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đến cuối năm 1961, Polyakov chủ động tiếp xúc với đặc vụ Mỹ, trước làm cho FBI, từ năm 1962 làm cho CIA.

Theo một số nguồn tin thì lý do phản bội có thể là vì đứa con trai mới sinh bị bệnh khi Polyakov đang công tác nước ngoài mà lãnh đạo GRU ở nhà không chịu xuất tiền hỗ trợ cho cuộc phẫu thuật trị giá 400 USD (số tiền khá lớn hồi đó). Đứa bé bị chết, nên ngay hôm sau  Polyakov bắt liên lạc và đề nghị hợp tác với phía Mỹ. Nhưng chính Polyakov lại không bao giờ nhắc đến chuyện đó trong các lời khai của mình. Hơn thế nữa, chuyến công tác đầu tiên của Polyakov thành công đến nỗi không thấy xuất hiện nghi ngờ gì về chuyện cử ra nước ngoài lần nữa.

Điều ngạc nhiên nhất là Polyakov trở thành kẻ phản bội không phải vì tiền, y khai rằng do bất đồng ý kiến với chính quyền Khruschyov đã tiến hành cuộc “tan băng” và chỉnh đốn “lý tưởng của đại nguyên soái Stalin”. Nhưng dẫu sao trước nhất vẫn là để trả thù GRU. Những nhân viên tình báo chạy sang hàng ngũ đối phương như vậy thường không được ưa và bao giờ cũng bị chơi khăm. Nhưng người Mỹ sau khi kiểm tra Polyakov lại tin rằng y hành động có ý thức và không nằm trong chuỗi mắt xích nào của tình báo Xôviết.

Bản thân Polyakov sau này cũng cam đoan trong các cuộc lấy lời khai rằng: “Sự phản bội của tôi có cơ sở: tôi có nguyện vọng công khai nói ra quan điểm và những nghi ngờ của mình. Bản tính tôi cũng luôn luôn phấn đấu làm việc ở ranh giới của sự mạo hiểm. Nguy hiểm càng lớn thì cuộc sống của tôi càng hấp dẫn… Tôi quen đi trên lưỡi dao sắc và không thể hình dung một cuộc sống khác”.

Dmitri Polyakov được phong thiếu tướng khi đang công tác tại Ấn Độ

Trong những ngày đầu tiên cộng tác với người Mỹ, Polyakov đã khai ra tất cả các điệp viên mà y biết. Nhà chức trách Mỹ nhận được thông tin quý giá nên cố gắng đảm bảo an toàn cho người bạn mới có biệt danh TOPHAT (Mũ Chóp Cao). Đấy là phần thưởng khiêm tốn cho Polyakov, vì khác với những tên phản bội khác, y có lối sống khá trong lành: không rượu bia, không thuốc lá, không ngoại tình, làm người đàn ông mẫu mực của gia đình, cứ hết giờ làm là về với vợ con, sau đó là với cháu.

Sau khi từ Mỹ trở về, Polyakov được bổ nhiệm làm Sĩ quan trưởng Cục 3 của GRU, giám sát các hoạt động của thiết bị do thám được GRU đặt ở New York và Washington. Ở chức trách nằm ngoài mọi nghi ngờ ấy, y tiếp tục cung cấp cho người Mỹ những thông tin hết sức quan trọng. Nửa cuối thập niên 1960, Polyakov được phái sang hướng châu Á, làm việc tại Miến Điện, từng phụ trách phòng Trung Quốc và là điệp viên của GRU tại Ấn Độ, giúp CIA có tài liệu về những điệp viên Xôviết hoạt động bí mật ở những nước đó và giúp Mỹ hé cửa vào Trung Quốc hồi đầu thập niên 1970. Để đảm bảo cho vị trí của Mũ Chóp Cao, người Mỹ nhả cho y những thông tin không phải là quan trọng nhất do điệp viên của họ kiếm được, quả nhiên làm cho tiếng nói của Polyakov ở GRU có trọng lượng hơn. Năm 1974, Polyakov được phong hàm thiếu tướng. 

CIA cung cấp cho y thiết bị tối tân, đối lại, y cố gắng tuồn sang bên Mỹ danh sách các điệp viên Xôviết, những dữ liệu của chương trình quân sự và nhiều thứ khác nữa… Thậm chí sau khi nghỉ việc vì lý do sức khỏe năm 1980, Polyakov tiếp tục làm cho GRU với tư cách người làm thuê, nên vị tướng hưu trí này vẫn được tiếp cận những thông tin quan trọng có ý nghĩa bí mật quốc gia. Thậm chí, cuối thập niên 1970, báo chí Mỹ đã nói bóng gió về hoạt động gián điệp của Polyakov nhưng GRU không tin. Khi xuất hiện mối nghi ngờ về phía y, những nhà chức trách cao cấp của tình báo Xôviết lập tức phủ định: “Sao có thể nghĩ Polyakov làm gián điệp được?”.

Robert Hanssen, điệp viên của Mỹ làm việc cho Liên Xô cung cấp tin xác thực về Dmitri Polyakov đã phản bội.

Đến giữa thập niên 1980, những điệp viên hai mang như Aldrich Ames (ở CIA) và Robert Hanssen (ở FBI) chuyển đến GRU thông tin khiến không ai còn nghi ngờ gì nữa: vị thiếu tướng GRU đã nhiều năm làm việc cho người Mỹ, và lực lượng phản gián Liên Xô đã làm tới cùng. Polyakov bị các chiến sĩ “Alfa” bắt ngày 7-7-1986 khi đang dự lễ tốt nghiệp của những tình báo viên tương lai tại Học viện Ngoại giao – Quốc phòng. Để tránh những bất ngờ gặp phải, các chiến sĩ trong chớp mắt dùng thủ thuật lột trần ông ra ngay và cho mặc trang phục khác đã chuẩn bị sẵn, họ không ngoại trừ trường hợp Polyakov mang sẵn thuốc độc trong người để giải quyết ngay vấn đề tại chỗ… Và kẻ phản bội trong trang phục mới được giải về phòng cách ly “Lefortovo”.

Polyakov không chống cự, hợp tác ngay với cơ quan điều tra và không có lời nào xin xỏ. Trong hồ sơ vụ việc có biên bản ghi lời của y như sau: “Trên thực tế ngay từ lần đầu cộng tác với CIA tôi hiểu là mình đã sai lầm khó chữa, đã phạm tội nặng nhất, nên bị dằn vặt liên miên, không chỉ một lần tôi đã sẵn sàng ra đầu thú. Chỉ ý nghĩ về sau này sẽ như thế nào với vợ con, cháu chắt mới ngăn được tôi lại. Thế là tôi tiếp tục mối liên lạc tội lỗi hoặc là im lặng để trì hoãn giờ mình phải trả giá”.

Polyakov bị bắt sau nhiều năm cung cấp cả “núi” tài liệu cho CIA.

Bán đứng đồng nghiệp

Sau thời gian làm việc cho CIA, Polyakov đã bán đứng 19 nhà tình báo Xôviết, hơn 150 điệp viên từ số công dân nước ngoài, tiết lộ khoảng 1.500 sĩ quan tình báo thuộc GRU và KGB.

Trong số những người bị Polyakov bán đứng có Đại úy quân báo Maria Dobrova. Cô này hồi trẻ học trung cấp âm nhạc, dạy đàn hát ở trường phổ thông rồi gặp bi kịch: chồng là lính biên phòng mất tích, con trai nhỏ chết vì bệnh tật. Biết tiếng nước ngoài nên cô tình nguyện xin sang Tây Ban Nha làm quân tình nguyện giúp phái Cộng hòa chiến đấu với Franco, nhờ đó được tặng Huân chương Sao Đỏ. Toàn bộ giai đoạn Leningrad bị vây hãm, cô làm y tá trong bệnh viện quân y, sau đó làm phiên dịch cho Đại sứ quán Liên Xô tại Colombia và chuyển sang ngành tình báo khi vừa 40 tuổi. Vào giữa thập niên 1950, cô bắt đầu hoạt động bí mật tại Mỹ và trở thành nhân viên xuất sắc. Năm 1962, Dobrova do Polyakov phụ trách rồi bán đứng cho Mỹ trước khi về Liên Xô. Khi đặc nhiệm Mỹ bắt đầu lùng bắt thì cô đã kịp rời nơi cư trú và chạy sang ẩn nấp ở Canada, nhưng bị nhân viên của FBI bắt được trong một khách sạn. Chúng dụ dỗ cô hợp tác với người Mỹ, hứa xếp cho chỗ làm ở Mỹ và để cô một mình suy nghĩ cho sáng suốt, nhưng Maria Dobrova không chịu đầu hàng và người phụ nữ chịu nhiều bi kịch này đã tự kết liễu đời mình…

Polyakov trước tòa.

Ngày 27-11-1987, Polyakov bị Tòa án Quân sự Tối cao Liên Xô kết tội phản quốc và tuyên án tử hình. Bản án đã được thực hiện ngày 15-3-1988. Về việc này chỉ có thông báo chính thức vào tháng 1-1990 trên tờ Pravda.

Có thông tin cho rằng, trong kho lưu trữ của CIA, tài liệu do Polyakov cung cấp chiếm tới 25 hòm, thậm chí y gửi cả bức ảnh chụp sổ điện thoại của Bộ Tổng tham mưu Liên Xô và GRU cho Mỹ. Hậu quả của viên tướng phản bội còn kéo dài mãi về sau, đó là năm 1991, khi Polyakov đã bị tử hình 1 năm, khi nổ ra cuộc chiến tranh ở vùng Vịnh, quân Mỹ đã sử dụng tài liệu của Polyakov cung cấp để tiêu diệt tên lửa chống tăng của Liên Xô viện trợ Iraq. 

Đăng Bẩy (Theo aif.ru)
.
.