Sự cố "Tổ chức Gehlen" hay bài học xương máu của CIA

Thứ Tư, 30/09/2020, 08:00
Tại quốc hội Mỹ, nơi từng thông qua đạo luật công bố tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã (NWCDA) từ năm 1998, đó là một kho tài liệu đồ sộ do CIA phân loại, thừa nhận một trong những bí mật tồi tệ nhất thời kỳ Chiến tranh Lạnh được giữ kín: nhu cầu sử dụng một mạng lưới điệp viên Đức Quốc xã (ĐQX) quy mô lớn để thực hiện một chiến dịch tuyệt mật chống lại Liên Xô. Kho tài liệu này khét tiếng đến thế nào?


"Lòng khoan dung" của CIA

“Trung thực và duy tâm… thích ăn, uống đồ ngon… tư tưởng khách quan…”, đó là một đoạn đánh giá của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) có từ năm 1952 nhằm mô tả về nhà tư tưởng ĐQX Emil Augsburg, một quan chức làm việc cho Viện Wannsee khét tiếng, một cơ quan tư tưởng của lực lượng SS có tham gia vào việc lập kế hoạch Giải pháp cuối cùng (kế hoạch tàn bạo nhằm mưu hại toàn bộ người Do Thái, hoặc không cho bất kỳ người Do Thái nào được đặt chân đến lục địa Âu Châu).

Đơn vị SS của Emil Augsburg chuyên thực hiện “các trọng trách đặc biệt”, một cách nói uyển chuyển nhưng kỳ thực là “thủ tiêu” người Do Thái và “những người không ưa mắt” trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai (ĐCTGII).

Emil Augsburg làm việc cho Viện Wannsee khét tiếng, một “cơ quan đao phủ” dưới quyền của lực lượng SS. Ảnh nguồn: The Constantine Report.

Mặc dù bị truy nã ở Ba Lan vì tội ác chiến tranh, nhưng bằng cách nào đó Emil Augsburg đã làm thân với CIA, cơ quan này đã tuyển dụng y từ cuối thập niên 1940 trong vai trò chuyên gia về các vấn đề Liên Xô. Các hồ sơ do CIA công bố gần đây đã cho thấy Emil Augsburg nằm trong số các tội phạm chiến tranh ĐQX được các cơ quan tình báo Hoa Kỳ tuyển dụng chỉ một thời gian ngắn sau khi Đức đầu hàng quân Đồng Minh.

Theo đó, các báo cáo của CIA cho thấy giới chức Mỹ biết tỏng rằng họ đang trợ cấp cho các cựu quan chức của nền Đệ tam đế chế, những người này lại phạm các tội ác khủng khiếp chống lại loài người, nhưng oái oăm là những hành vi tội ác này đã bị bỏ qua khi Mỹ phát động một cuộc Thập tự chinh bài Cộng sản nên họ sẵn sàng “đi đêm” với kẻ ác.

Còn đối với các cựu quan chức ĐQX, những kẻ mà lẽ ra bị buộc tội ác chiến tranh, thì việc ký “hợp đồng” với tình báo Mỹ cũng trực tiếp trao cho họ một chiếc “kim bài miễn tử” thoát khỏi vòng lao lý.

Ông Eli Rosenbaum, cựu giám đốc Văn phòng điều tra đặc biệt thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, cũng đồng thời là "thợ săn" tội phạm chiến tranh ĐQX, trần tình: “Những kẻ chiến thắng trong cuộc chiến tranh Lạnh hóa ra lại là bọn tội phạm chiến tranh ĐQX. Nhiều tên trong số này đã thoát khỏi công lý một cách ngoạn mục do bởi phương Đông và phương Tây đang mải mê tập trung vào thách thức lẫn nhau”.

Ông Eli Rosenbaum từng làm trong Ủy ban nhóm công tác liên ngành (IWG) trong chính quyền Tổng thống Bill Clinton. Ủy ban này bao gồm các học giả, giới chức công và các cựu sĩ quan tình báo Mỹ, những người đã chuẩn bị các hồ sơ phân loại của CIA.

Sau khi công bố 18.000 trang tài liệu mật của CIA (nhiều phần còn lại vẫn đang được xử lý), ủy ban IWG đã tuyên bố trong một thông cáo báo chí: “Nhiều tội phạm ĐQX nhận án phạt rất nhẹ, hay cho qua, hoặc nhận bồi thường bởi vì các cơ quan tình báo phương Tây xem họ là một “tài sản hữu dụng” của thời Chiến tranh Lạnh”.

Cựu dân biểu quốc hội, bà Elizabeth Holtzman, một thành viên của hội đồng thẩm tra hồ sơ CIA cho rằng các tài liệu của CIA đặt ra những câu hỏi quan trọng về chính sách đối ngoại Mỹ và nguồn gốc của chiến tranh Lạnh. Quyết định chiêu mộ các điệp viên ĐQX đã tác động tiêu cực đến mối bang giao Mỹ - Liên Xô, và tạo tiền đề cho "sự khoan dung" của Washington đối với những kẻ lạm dụng nhân quyền cùng các hành động phạm tội khác dưới chiêu bài “bài Cộng sản”. Với cái ôm nghiệt ngã đó, một cái chết đã được lên khuôn đúc cho những can thiệp chống dân chủ của CIA trên khắp thế giới.

"Vai chính" Reinhard Gehlen

Nhân vật quan trọng bên phía ĐQX mà CIA hết sức quan tâm là tướng Reinhard Gehlen, con người này từng là điệp viên cao cấp chống lại Liên Xô dưới thời Adolf Hitler.

Tướng Reinhard Gehlen, điệp viên cao cấp dưới thời Adolf Hitler. Ảnh nguồn: Wikipedia.

Trong suốt ĐCTGII, tướng Gehlen đã giám sát mọi hoạt động tình báo – quân sự của Đức ở mặt trận Đông Âu nói chung và Liên Xô nói riêng. Khi chiến cuộc gần thoái trào, tướng Gehlen phỏng đoán rằng liên minh Mỹ - Xô sắp tan vỡ. Nhận thức rằng Mỹ không có “áo tàng hình, dao găm” sắc bén ở Đông Âu, tướng  Gehlen đã đầu hàng người Mỹ và tự phong mình là nhân vật có thể đóng góp quan trọng cho cuộc đấu tranh sắp tới với Cộng sản.

Ngoài mặt chia sẻ kho lưu trữ gián điệp khổng lồ của mình về Liên Xô, Reinhard Gehlen còn chắc nịch rằng mình đủ khả năng để hồi sinh một mạng lưới ngầm “các tài sản chống Cộng” – những người này sẽ xâm nhập vào những vị trí quan trọng để phá banh khắp Liên Xô và Đông Âu. Bất chấp Hiệp ước Yalta quy định rằng Mỹ phải trao cho Liên Xô tất cả các sĩ quan Đức bị bắt giữ (những người có liên quan đến “các hoạt động khu vực phương Đông”), nhưng Gehlen đã nhanh chóng được chuyển đến căn cứ Fort Hunt ở tiểu bang Virginia.

Hình ảnh mà Gehlen tạo dựng trong suốt 10 tháng đàm phán tại Fort Hunt là sử dụng một cách nói của hoạt động gián điệp “một huyền thoại” và nó là tuyên bố sai lầm của y rằng mình không thật sự là ĐQX, mà chỉ một lòng chống lại chủ nghĩa Cộng sản. Tài khoa ngôn của Gehlen đã khiến một số con cá lớn cắn câu bao gồm cả giám đốc CIA tương lai là Allen Dulles, người này trở thành người ủng hộ lớn nhất Gehlen trong chính sách Mỹ.

Mùa hè năm 1946, Reinhard Gehlen quay trở lại Tây Đức với mục tiêu cao nhất là tái phục hồi một tổ chức gián điệp và tiếp tục do thám CHDC Đức thay mặt cho tình báo Mỹ. Theo các tài liệu lịch sử tiêu chuẩn của Mỹ thì thời điểm này là hết sức quan trọng vì nó diễn ra ngay trước Chiến tranh Lạnh chứ không phải bắt đầu vào năm sau đó.

Việc tình báo Mỹ “ve vãn” Gehlen cho thấy tình báo Mỹ đã nhận ra Washington đang ở trong cuộc chiến tranh lạnh sớm hơn người ta tưởng. Ngay cả Gehlen cũng tin sái cổ rằng khái niệm của phương Tây đối với các chính sách hiếu chiến của Liên Xô là căn nguyên làm thổi bùng ngọn lửa chiến tranh lạnh.

Đặt “sào huyệt” ở một nơi gần Munich, Gehlen đã lên danh sách hàng ngàn cựu thành viên Gestapo, Wehrmacht và SS. Ngay cả những quan chức xấu xa nhất (những người từng nằm trong hàng ngũ chính quyền trung ương của nạn tàn sát người Do Thái) cũng dự phần trong “Tổ chức Gehlen”, có thể kể đến là tên Alois Brunner, trợ lý của Trung tá SS-Adolf Eichmann. Thiếu tá SS-Emil Augsburg và thủ lĩnh Gestapo-Klaus Barbie, kẻ có biệt danh rợn tóc gáy “Đao phủ Lyon”.

Ngay từ đầu thập niên 1950, tờ nhật báo Frankfurter Rundschau đã có bài viết: “Có vẻ như trong trụ sở của Gehlen, khi một tên SS nhập hội thì những kẻ khác thuộc giới tinh hoa của Himmler cũng lục tục lui tới trong các buổi tiệc rôm rả”. Bộ máy gián điệp sặc mùi ĐQX của Gehlen đã biến thành tai mắt của CIA ở Trung Âu. “Tổ chức Gehlen” cũng đóng vai trò chính ngay trong NATO, cung cấp 2/3 tin tình báo thô cho các quốc gia trong Khối Warsaw.

Dưới sự bảo trợ của CIA, Gehlen đã trở thành thủ lĩnh của cơ quan mật vụ CHLB Đức cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1968. Nhân vật này đã tạo ra nhiều ảnh hưởng đáng kể về chính sách Mỹ đến khối Liên Xô. Khi các chỉ huy gián điệp Mỹ muốn tạo ra một quốc gia vỏ bọc, họ đã nhờ đến “Tổ chức Gehlen”, một tổ chức hoạt động phụ trợ đứng sau một loạt các hoạt động tấn công du kích đẫm máu đứng sau Bức Màn Sắt và các kế hoạch khôi phục khác của CIA.

Thuật tung hỏa mù của CIA

Từ lâu người ta đã biết rằng các nhà khoa học chóp bu của ĐQX đã bị vài quốc gia săn đón trong đó có Mỹ với lời tuyên bố rằng họ là những chuyên gia cao cấp, một “chiến lợi phẩm” của thời ĐCTGII.

Tướng Lucius Clay, Chỉ huy quân đội Mỹ tại Đức, người từng cả tin nghe theo trò tung tin vịt của Reinhard Gehlen. Ảnh nguồn: Wikipedia.

Trong suốt thời kỳ đó, CIA trở thành "mẹ hiền" cho các đứa con điệp viên ĐQX. Mặc dù chính phủ Mỹ chưa từng chính thức thừa nhận về vai trò của họ đối với việc xây dựng tổ chức của Reinhard Gehlen cho mãi đến nửa thế kỷ sau đó khi sự thật bị phát giác.

Tuy nhiên, xử lý các điệp viên ĐQX không giống chút nào với việc xử lý các kỹ thuật viên tên lửa. Dư luận không thôi ngừng hỏi liệu khoa học gia tên lửa Werner von Braun và bộ sậu có hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho NASA và các cơ quan Mỹ hay không?

Nếu các tên lửa không bắn đúng cách thì tương ứng các nhà khoa học sẽ bị đánh giá. Nhưng làm thế nào để có thể đánh giá một điệp viên ĐQX có quá khứ bất minh có thể hoàn thành một việc đáng tin cậy?

Ủy ban IWG kết luận: các cựu binh của nền Đệ tam đế chế thường tỏ ra rất thành thạo trong việc bán dữ liệu để lấy tiền và chốn an toàn. Nhiều tay ĐQX chơi trò 2 mặt: vừa cho đối phương ăn tin đồn về xung đột Đông – Tây, vừa rình rập xem các hoài nghi trỗi dậy từ phía đống tro tàn của Hitler.

Cái bài của tướng Gehlen là thường xuyên thổi phồng các mối đe dọa của Liên Xô nhằm cố tình làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa các siêu cường. Có một thời điểm, Gehlen từng thuyết phục thành công Tướng Lucius Clay (Chỉ huy quân đội Mỹ đóng ở Đức) rằng một cuộc huy động chiến tranh lớn của Liên Xô đã bắt đầu ở Đông Âu. Tin gà mờ này khiến Tướng Clay cho là thực và cấp tập gửi ngay một bức điện tín hàng tuyệt mật tới Washington vào khoảng tháng 3 năm 1948, cảnh báo rằng “chiến tranh có thể xảy ra với sự đột kích kịch tính”.

Chiến lược sai lạc thông tin của Gehlen dựa trên một tiền đề đơn giản: Cho thêm cái lạnh vào chiến tranh lạnh thì càng có thêm nhiều không gian chính trị cho những người thừa kế của Hitler thao diễn! “Tổ chức Gehlen” chỉ có thể phát triển trong các điều kiện chiến tranh lạnh và với tư cách là một tổ chức nên nó đã cam kết duy trì xung đột Xô-Mỹ.

“CIA thích Gehlen vì ông ta phát huy hiệu quả thứ mà chúng tôi muốn nghe. Chúng tôi thường xuyên mời ông ấy và muốn ông ấy tung tin vịt về Lầu Năm Góc, Nhà Trắng và cả cánh báo chí. Song sau đó chỉ là trò bịp cường điệu của người Nga, thực sự đã làm thiệt hại nhiều cho đất nước này”, dẫn lời cựu viên chức CIA đã nghỉ hưu khi trò chuyện với tác giả Christopher Simpson, một nhân viên của IGW và là tác giả cuốn sách Trò phóng đại: Sự tuyển mộ ĐQX của Mỹ và tác động của nó đến Chiến tranh Lạnh.

Cảnh báo làn sóng Tân phát xít biến tướng

Các thành viên của Tổ chức Gehlen là công cụ đã giúp cho hàng ngàn tên phát xít đào tẩu qua “thang dây” để nương náu an toàn ở hải ngoại mà thường nhận được sự “bật đèn xanh” của các viên chức tình báo Mỹ. Những người hải ngoại của nền Đệ Tam và các thành phần phát xít sau đó đã nổi lên trong vai trò “cố vấn an ninh” tại vài quốc gia Trung Đông và Mỹ Latinh, nơi vẫn đang tồn tại cái gọi là “đội tử thần cực hữu” như là một di sản dai dẳng của phát xít.

Lấy ví dụ như tên Klaus Barbie, hắn ta từng hỗ trợ thành công cho các chế độ quân sự ở Bolivia, nơi đó hắn ta dạy binh lính các kỹ thuật tra tấn, cũng như giúp “bảo kê” cho hoạt động buôn lậu cocaine vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980.

Cuối cùng giới chức CIA cũng bật ngửa khi biết được sự thật bên trong “Tổ chức Gehlen”. Đó là bằng cách biên chế Gehlen, CIA nhận ra rằng đã vô tình để lộ đuôi trước sự thao túng của một cơ quan tình báo nước ngoài vốn có nhiều điệp viên Liên Xô.

Trớ trêu thay, một số thành viên do Gehlen sử dụng lại đang nắm các vai trò trọng yếu tại các tổ chức tân phát xít ở Châu Âu. Hậu quả là trong liên minh ma quỷ giữa CIA và “Tổ chức Gehlen” mầm nhú phong trào phát xít ở Châu Âu và chúng theo đuổi hệ ý thức bắt nguồn từ nền Đệ tam của Adolf Hitler thông qua các điệp viên của Gehlen, những người cộng tác với tình báo Mỹ.

Ông Richard Breitman, giáo sư Đại học Mỹ kiêm chủ tịch của IWG, chua xót nói: “Đó là một sai lầm khủng khiếp xét về cả đạo đức, chính trị và cả về mặt thực dụng của tình báo”. Sự cố Gehlen là một bài học cảnh giác tại một thời điểm say ngủ trên chiến thắng của thời hậu Chiến tranh Lạnh cùng chủ nghĩa đơn phương kiêu ngạo đang len lỏi trong số các quan chức Mỹ.

Phan Bình (tổng hợp)
.
.