Khoảnh khắc quân đội Đức Quốc xã ký thỏa ước đầu hàng
Ngày 9/5/1945, một ngày nắng nhạt. Những đạo quân giải phóng vừa làm chủ Berlin trong mấy ngày qua đang di chuyển sắp xếp lại vị trí cùng lực lượng vũ khí, khí tài… Chúng tôi đang ăn tối ở bản doanh của Nguyên soái Georgy Zhukov, Tư lệnh Phương diện quân Belarus Số 1 đặt tại "Reichstag" - tòa nhà trụ sở Quốc hội Đức, một biểu tượng của Berlin. Nguyên soái G. Zhukov cũng chính là người đã tổ chức những thế trận phòng thủ và phản công Stalingrad nổi tiếng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc.
…Bỗng dưng có lệnh triệu tập tất cả các phóng viên tới Bộ Tham mưu của mặt trận. Tại đây, chúng tôi được thông báo là quân Đức còn lại ở phần phía tây Berlin - nơi đóng Tổng hành dinh của quân Đồng minh, đã chịu buông súng… Việc ký văn kiện đầu hàng không điều kiện của quân đội Đức Quốc xã, sẽ được tiến hành vào sáng ngày mai tại hội trường lớn thuộc Trường trung cấp Kinh tế, nằm trong khu phố Karlshorts ngay trung tâm Berlin.
Nguyên soái G. Zhukov đọc văn bản buộc quân đội Đức Quốc xã đầu hàng không điều kiện. |
Ngày 10/5/1945, ngày lịch sử đã điểm. Trong văn phòng rộng chừng 200m2, gần cửa ra vào có 3 chiếc bàn: 2 dài và 1 ngắn. Trên bức tường hẹp phía trong treo 4 lá cờ: Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp. Chiếc bàn ngắn là dành cho phái đoàn Đức. Bàn giữa để cho các tướng lĩnh và sĩ quan phe chiến thắng ngồi. Bàn sau cùng dành cho giới ký giả chúng tôi.
…Nguyên soái Zhukov đứng dậy và tuyên bố khai mạc thủ tục chấp nhận sự đầu hàng của quân Đức. Sau đó là nghi lễ giới thiệu những đại diện do các chính phủ phe Đồng minh ủy quyền, được đọc lần lượt bằng 3 thứ tiếng Nga, Anh và Pháp, kéo dài trong khoảng 10 phút. Rồi Nguyên soái Zhukov lại đứng dậy và nói với nhóm sĩ quan bảo vệ đứng gần cửa: "Hãy đưa các đại diện của Bộ chỉ huy Đức vào".
Cửa bật mở, Thống chế Wilhelm Keitel, Bộ trưởng Quốc phòng, Phó đô đốc Hans-Georg von Friedeburg Tư lệnh Hải quân và Thượng tướng Hans-Jurgen Stumpff, Tổng Tham mưu trưởng Không quân cùng đám sĩ quan cận vệ xuất hiện. Keitel tiến về chiếc bàn trống, đồng thời huơ vội cây gậy Thống chế ra trước - ra sau. Không hiểu hắn làm vậy có ý gì. Các tên còn lại cũng lục tục ngồi xuống, nhóm cận vệ ngồi ở hàng ghế sau. Nguyên soái Zhukov thay mặt quân đội Đồng minh đứng lên và nói câu gì đó mà tôi không nghe rõ. Lập tức người ta dịch lại cho bọn Đức và tôi thấy Keitel miễn cưỡng gật đầu. Sau đó là công việc thỏa thuận những điều kiện chi tiết của văn bản đầu hàng.
Thống chế Đức W. Keitel ký chấp thuận thỏa ước đầu hàng. |
Tôi quan sát Thống chế Keitel - "người hùng" khét tiếng bởi những chiến dịch "chớp nhoáng" của đội quân Quốc xã "bách chiến bách thắng". Hắn đặt đôi tay đeo găng lên bàn và nhìn tư lự vào khoảng không trước mặt. Riêng Phó đô đốc H. Friedeburg có vẻ điềm tĩnh hơn, còn tướng Stumpff thì hầu như bất động. Trong khi chờ người ta dịch từng điểm một qua tiếng Đức, Keitel thỉnh thoảng liếc nhìn Nguyên soái Zhukov với vẻ tò mò về một địch thủ nổi danh đang ngồi cách hắn vài mét.
…Trên chiếc bàn trung tâm, văn kiện chính thức đã được các đại diện quân Đồng minh gồm Nguyên soái Liên Xô Georgy Zhukov, Thống chế Không quân Anh William Arthur Tedder, Đại tướng Không quân Mỹ Carl Andrew Spaatz và sau cùng là Đại tướng Jean de Lattre de Tassigny, Tổng tư lệnh quân đội Pháp ký vào. Khi những người chiến thắng đang lần lượt ký, vẻ mặt Thống chế Keitel trông thật đáng sợ. Ông ta chờ đợi khoảnh khắc phải chấp bút của kẻ bại trận. Keitel ngồi bất động, còn viên sĩ quan tùy tùng cao lớn ngồi phía sau thì khóc rống lên.
Nguyên soái Zhukov lại đứng dậy và nói: "Đề nghị phái đoàn Đức ký văn kiện đầu hàng vô điều kiện". Tuy người thông ngôn chưa dịch xong, nhưng Keitel đã hiểu được ý chính, Keitel khoát tay như thể ra lệnh đem văn bản tới chỗ hắn ngồi. Nhưng Nguyên soái Zhukov quả quyết: "Cứ để họ lên ký tại đây!".
Đầu tiên là Thống chế Keitel. Hắn tiến đến cạnh ngang của chiếc bàn chính, nơi có các đại diện tối cao của phe Đồng minh, ngồi xuống chiếc ghế trống và ký vào các văn bản. Kế đến là H. Stumpff và H. Friedeburg. Tôi quan sát Keitel, viên Thống chế đang ôm mặt với vẻ đầy bi kịch… Sau khi cả 3 đại diện phía Đức đã yên vị, Nguyên soái Zhukov nói dõng dạc: "Phái đoàn Đức có thể ra khỏi hội trường". Nhóm người Đức liền đứng dậy sau khi nghe xong lời dịch, Keitel lặp lại "trò chơi" với cây gậy Thống chế ngắn cũn y như khi hắn mới vào phòng. Hắn ra trước, bọn còn lại lục đục theo sau. Cửa được đóng lại.
Không khí căng thẳng vừa qua trong hội trường đột nhiên biến mất. Những hơi thở cố nén được thỏa sức tuôn trào. Bầu không khí tưng bừng của chiến thắng ùa trở lại. Văn bản đầu hàng của quân đội Đức Quốc xã đã được ký kết. Chiến tranh kết thúc!