Sứ mạng bí mật tàu không gian X-37B

Thứ Sáu, 20/01/2012, 15:30

Tàu không gian không người lái X-37B được Không lực Mỹ phóng vào quỹ đạo tầm thấp trong tháng 4-2011. Bí ẩn bao quanh tàu không gian con thoi quân sự gọn nhẹ của Không lực Mỹ khi Lầu Năm Góc kiên quyết từ chối bàn luận về sứ mạng của nó nhưng theo tạp chí Spaceflight, người ta nghi ngờ tàu không gian thực hiện hành trình quanh trái đất nhằm theo dõi Thiên Cung-1, được coi là phòng thí nghiệm trong không gian mới của Trung Quốc.

Tàu không gian X-37B, cũng được gọi là tàu con thoi không gian bay quanh quỹ đạo (Orbital Test Vehicle - OTV), trông giống như một tàu con thoi Space Shuttle thu nhỏ 4 lần và có thể quay trở lại tầng khí quyển để hạ cánh xuống bất cứ đường băng nào. Con tàu X-37B do Boeing sản xuất theo đơn đặt hàng của Không lực Mỹ (USAF) dài 8,9 m, sải cánh 4,5 m, cao 2,9 m, nặng 4.990kg và có khoang chứa hàng kích thước 2,1 x 1,2 m nhưng trong đó chứa đựng những gì thì USAF không bình luận.

Nhưng người ta cho rằng, khoang chứa hàng của X-37B có thể chứa đựng những bộ cảm biến hay những thiết bị do thám đặc biệt khác. Tàu không gian được phóng thẳng đứng từ tên lửa đẩy Lockheed-Martin Atlas V lên quỹ đạo thấp, ở độ cao trên 300km, với độ nghiêng 42,79 độ đối với xích đạo. X-37B - với động cơ phản lực Rocketdyne AR-2/3 lắp ở phần đuôi tàu - thực hiện một vòng bay quanh trái đất gần 90 phút, có thể thay đổi quỹ đạo và bay liên tục 270 ngày đêm.

X-37B được coi là sự kết hợp hoàn hảo của máy bay quân sự và tàu vũ trụ cho phép nó thực hiện mọi sứ mạng. Do bay quanh trái đất theo những quỹ đạo khác nhau cho nên X-37B rất khó bị phát hiện đồng thời hầu như không thể bị bắn hạ.

Chuyến bay của X-37B được theo dõi sát sao từ mặt đất bởi các chuyên gia thiên văn học ở Mỹ và châu Âu. Họ quan sát thấy X-37B bay theo quỹ đạo tương tự với quỹ đạo của trạm không gian Thiên Cung của Trung Quốc.

Thiên Cung, nặng khoảng 8,5 tấn, được phóng bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F trong tháng 9/2011, với độ nghiêng 42,78 độ và ở độ cao tương tự như OTV của Mỹ.

Nhà biên tập David Baker của Spaceflight, tạp chí của Hội Liên hành tinh Anh (BIS), khẳng định sự song song giữa Thiên Cung và X-37B là điều rất rõ ràng. Không ai biết được chính xác tàu không gian của Mỹ thực hiện loại sứ mạng gì, song USAF tuyên bố OTV được sử dụng chỉ nhằm mục đích thử nghiệm những công nghệ mới.

Theo các chuyên gia của Boeing, X-37B là loại tàu con thoi hoạt động ở quỹ đạo thấp có 2 cánh nghiêng hình tam giác và phần đuôi có cánh phụ hình chữ V, đạt vận tốc cực đại là 28.200km/h, sử dụng năng lượng mặt trời và nguồn pin Lithium ion.

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của X-37B vào ngày 7/4/2006, cất cánh tại căn cứ không quân Edwards bang California và nó còn thực hiện thêm 2 chuyến bay thử nghiệm khác nữa trong tháng 8 và sau tháng 9 cùng năm. Cuối cùng vào ngày 22/4/2010, tàu không gian con thoi X-37B bắt đầu chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại sân bay vũ trụ ở Mũi Canaveral bang Florida và hạ cánh vào 8 tháng sau đó.

Dự án tàu không gian X-37B nằm trong chương trình bí mật gọi là Refly được giao cho Hãng Rockwell, khởi động trong thập niên 80 và đầu thập niên 90 thì gặp nhiều trở ngại nên tạm ngưng. Và mãi cho đến tháng 12/1998 dự án được NASA chuyển giao sang cho Hãng Boeing thực hiện với kinh phí ban đầu là 173 triệu USD.

Đầu tiên X-37B có tên gọi là Future-X. Nhưng đến ngày 13/12/2004 dự án tàu không gian quân sự được NASA chuyển giao lần thứ hai cho Cơ quan Nghiên cứu và phát triển của Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA). NASA thiết kế thử nghiệm hai mẫu tàu con thoi là tàu cất cánh và hạ cánh tự động (Approach and Landing Test Vehicle - ALTV) và tàu con thoi bay quanh quỹ đạo thấp OTV. Trong những năm này, mọi thông tin về tàu không gian, bao gồm tổng ngân sách cho chương trình, được giữ bí mật tuyệt đối.

Thiên Cung-1 của Trung Quốc trong quá trình xây dựng.

Washington luôn hoài nghi và lo ngại đối với những tham vọng không gian của Bắc Kinh - cho dù đó là những sứ mạng du hành vũ trụ bình thường. Một phần của vấn đề là, những chương trình không gian quân sự và dân sự của Trung Quốc có sự khác biệt rất nhỏ - không giống như những vùng khác trên thế giới như là châu Âu, nơi cơ quan không gian ESA tuyên bố chỉ thực hiện những chương trình không gian "dành riêng cho mục đích hòa bình". Những dự án không gian quân sự của châu Âu là thuộc lĩnh vực riêng của chính quyền các quốc gia.

Ở Mỹ cũng có sự phân biệt rạch ròi với NASA là đơn vị chịu trách nhiệm đối với tuyệt đại đa số những dự án dân sự. Và mặc dù Bắc Kinh đã có tuyên bố thẳng thắn với một mức độ nào đó về sứ mạng của trạm không gian Thiên Cung-1 song Washington vẫn không dám chắc về điều đó và thế giới có lý do để cảnh giác về những gì đang xảy ra trên Thiên Cung-1.

Thiên Cung-1 là trạm không gian nhỏ đầu tiên được Trung Quốc phát triển như là công nghệ testbed mở đường cho trạm không gian 66 tấn hy vọng xuất hiện vào năm 2020 của nước này.

Trong năm 2011, Brian Weeden - cố vấn kỹ thuật cho Quỹ An toàn thế giới (SWF) và nguyên là chuyên gia phân tích quỹ đạo trái đất của USAF - đã công bố đánh giá cá nhân về những khả năng hoạt động của X-37B và coi nó có vai trò là một nền tảng để thử nghiệm những công nghệ mới. Tuy nhiên, Brian Weeden vẫn cho rằng Trung Đông và Afghanistan là mục tiêu giám sát của X-37B nếu tàu không gian con thoi này mang theo bất kỳ thiết bị cảm biến mới nào. Nhưng Weeden không nghĩ rằng X-37B có sứ mạng theo dõi Thiên Cung-1 của Trung Quốc mà tất cả có lẽ chỉ là sự trùng hợp.

Còn theo Joan Johnson-Freese, Chủ tịch Ủy ban An ninh Đại học Hàng hải quân sự Mỹ, X-37B chắc chắn thực hiện sứ mạng quân sự bởi vì nó có thể bay đến bất cứ địa điểm nào để gián điệp một cách dễ dàng. Nếu đúng như vậy, người ta lo ngại X-37B sẽ mở ra kỷ nguyên chạy đua vũ trang trên vũ trụ cực kỳ nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân giữa các cường quốc trên thế giới

Diên San (tổng hợp)
.
.