Sự ra đi của một gián điệp siêu hạng trong lịch sử Thuỵ Điển

Thứ Ba, 09/05/2006, 08:00

Nhân vật chính trong vụ án gián điệp nổi tiếng nhất trong lịch sử Thụy Điển cách đây hơn 40 năm là Stugue Winnastoma vừa qua đời ở tuổi 100. Đến nay người ta vẫn chưa lý giải được vì sao một người sống trong xã hội thượng lưu giàu có của Thụy Điển bỗng trở thành điệp viên tình nguyện của tình báo Liên Xô và có lẽ điều bí mật này cũng đi theo Stugue về thế giới bên kia.

Stugue sinh vào tháng 8/1906 trong một gia đình sĩ quan quân đội tại Stockholm. Thời ấu thơ, tuy có mơ ước lớn lên trở thành bác sĩ nha khoa, nhưng do có bàn tay với các ngón tay ngắn và thô, vì vậy Stugue đã không thể thực hiện được ý muốn đó. Sau này, bản thân Stugue cũng thừa nhận không có tố chất của bác sĩ nha khoa. Khi trưởng thành, vẫn tuân theo truyền thống gia tộc và giống như ông nội, bố và chú của mình, Stugue đã trở thành một sĩ quan quân đội. Có điều, khi đang trong “độ chín” trên con đường binh nghiệp, thì Stugue lại trở thành một điệp viên của tình báo Liên Xô. Thật kỳ lạ sau khi trở thành điệp viên, bàn tay của Stugue đã “linh hoạt” hơn nhiều vì thường phải trải qua những cái bắt tay “nhã nhặn, lịch sự” trong hoạt động ngoại giao và tình báo, đồng thời qua đôi bàn tay này Stugue đã chuyển giao cho Liên Xô nhiều cuộn phim chụp các tài liệu cơ mật.

Stugue trở thành điệp viên cho Liên Xô khi ông qua Moskva công tác lần thứ 2 vào năm 1949, trước đó Stugue từng làm Tùy viên không quân Đại sứ quán Thụy Điển tại Liên Xô năm 1940-1941.

Với các cương vị khác nhau trong quân đội Thụy Điển, trong 15 năm hoạt động, Stugue đã cung cấp cho tình báo Liên Xô nhiều tin tức tình báo có giá trị quan trọng, giúp Liên Xô kịp thời phát hiện âm mưu, ý đồ đen tối của Mỹ, Anh muốn lợi dụng Thụy Điển tiến hành các hoạt động tình báo và quân sự chống lại Liên Xô. Điển hình nhất là từ năm 1948 đến 1952, với vị trí Tùy viên không quân Đại sứ quán Thụy Điển tại Liên Xô và từ năm 1952 đến 1957 với cương vị Tùy viên không quân Đại sứ quán Thụy Điển tại Mỹ, Stugue đã cung cấp cho tình báo Liên Xô thông tin về hệ thống tên lửa phòng không của Thụy Điển, về việc Mỹ và Thụy Điển ký hiệp định hợp tác bí mật nhằm theo dõi, phát hiện tín hiệu điện tử của Liên Xô, về việc Cơ quan Tình báo tín hiệu Thụy Điển cung cấp cho các nước phương Tây bức điện của Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô (bức điện này có thể là nguyên nhân làm hàng loạt điệp viên Liên Xô hoạt động tại các nước phương Tây bị sa lưới của FBI và các cơ quan an ninh của phương Tây). Năm 1960, Stugue còn cung cấp cho Liên Xô thông tin về việc tàu ngầm mang theo tên lửa có đầu đạn hạt nhân của NATO và Mỹ đang có mặt trong vùng lãnh hải Thụy Điển, phía Chính phủ Thụy Điển làm ngơ, một khi xảy ra khủng hoảng các tàu ngầm này sẽ trực tiếp tấn công vào Moskva.         

Bị phát hiện làm gián điệp bởi một người hầu gái

Mặc dù là người luôn thận trọng, kín đáo trong hoạt động tình báo, nhưng trên thực tế Cơ quan Phản gián Thụy Điển - SAPO đã sớm nghi ngờ về Stugue. Trong nhiều năm liền, SAPO luôn cho người theo dõi, giám sát chặt chẽ mọi hành vi của Stugue, nhưng không tìm được đủ chứng cứ để bắt giữ. Mãi đến năm 1963, việc theo dõi đã có tiến triển. Lúc này, SAPO đã cài người của mình vào trong nhà của Stugue trong vai một người hầu gái. Sau một thời gian theo dõi, người hầu gái này đã phát hiện ra trong nhà Stugue có nhiều thước phim chụp các tài liệu cơ mật, cô ta lập tức báo cho SAPO. Ngay sau đó, Stugue đã bị bắt trên một cây cầu ở trung tâm thủ đô Stockholm, với chức vụ chuyên viên quân sự của Bộ Ngoại giao Thụy Điển.

Một năm sau, Stugue bị buộc các tội danh đã tiết lộ các tin tức tình báo bí mật của Thụy Sĩ, Mỹ và NATO cho Liên Xô, gây nguy hại đến an ninh quốc gia và bị phán quyết án tù chung thân. Nhưng trong thời gian thụ hình Stugue đã có sự cải tạo rất tốt, thậm chí còn phát huy sở trường làm một giáo viên dạy ngoại ngữ ngay trong nhà tù. Vì vậy, năm 1974, Cảnh sát Thụy Điển tuyên bố các tin tức tình báo mà Stugue tiết lộ năm xưa đã hết giá trị và tháng 9 năm đó, Stugue đã được ra tù khi ở tuổi 68. Ra tù, ông trở về sống cùng gia đình tại một ngôi nhà ở phía bắc Stockholm.

Sang thế giới bên kia vẫn chưa rõ động cơ làm điệp viên

Có thể nói vụ án gián điệp Stugue là vụ án gián điệp nổi tiếng và tai tiếng lớn nhất trong thời Chiến tranh lạnh của Thụy Điển. Sau khi thông tin về vụ án này được công khai, dân chúng Thụy Điển đã  ngạc nhiên vô cùng, thậm chí đồng sự của Stugue cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra và không thể tin Stugue lại có thể bán mình như vậy. Nhiều năm qua, người ta vẫn chưa lý giải rõ vì sao Stugue lại trở thành điệp viên cho Liên Xô khi đang sống trong xã hội thượng lưu, được hưởng nhiều ưu đãi của nhà nước và quân đội. Có nhiều người cho rằng anh ta hợp tác với tình báo Liên Xô không phải vì tiền, bởi có nhiều chứng cứ cho thấy Stugue đã không nhận nhiều khoản thù lao lớn của Liên Xô. Cũng có người cho rằng có thể là do Stugue chịu sự ảnh hưởng sâu sắc ý thức hệ của Liên Xô. Còn trong cuốn hồi ức của mình, Stugue nói rằng sở dĩ hành động như vậy là vì "muốn thúc đẩy hòa bình thế giới".

Trước khi chết không hối hận về những việc đã làm

3 năm trước, tức vào năm 2003, trong một lần trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn, Stugue không hề hối hận gì về những hành động đã làm cho tình báo Liên Xô và nói rằng nếu còn cơ hội lựa chọn thứ hai, ông vẫn lựa chọn con đường làm điệp viên cho Liên Xô. Do lúc về già, vợ, các con gái và 6 đứa cháu ngoại của Stugue đều đã qua đời trước ông, vì vậy ở tuổi xế chiều Stugue chỉ sống một mình trong một ngôi nhà ngoại ô phía bắc Stockholm và cũng qua đời ngay tại căn nhà này.

Khác hẳn với các gián điệp khác khi về già thường có kết cục không hậu hoặc bị chết khi bị phát hiện, còn Stugue vẫn có cuộc sống an nhàn và yên ổn và đây có lẽ là điều may mắn đối với siêu điệp viên người Thụy Điển này

Thanh Trung (theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.