Sự thật về tổ chức khủng bố “Con đường sáng”: Con thú lớn thoát bẫy (kỳ cuối)
- Sự thật về tổ chức khủng bố “Con đường sáng”: “Con thú lớn” làm thợ săn bất ngờ (kỳ 2)
- Sự thật về tổ chức khủng bố “Con đường sáng”: Chuỗi dài tội ác (kỳ 1)
Mưu sự tại nhân…
13 giờ 30 phút ngày 2-9-2015, kỹ sư Pedro cùng Jose - người biệt kích Chó sói đóng vai thủ quỹ leo lên chiếc Toyota Hilux do tài xế - biệt kích Cinco cầm lái, theo sau là chiếc xe tải chở 200 phuy axít có 6 biệt kích nằm ép sát trong thùng. Từ lúc này trở đi, họ phải tự thân ứng phó với những gì sẽ xảy ra. Mọi sự yểm trợ chỉ đến sau 15 giờ 3 phút bởi lẽ dựa trên bản đồ không ảnh cũng như lời kể của kỹ sư Pedro, điểm giao nộp tiền thuế nằm cách Pirachi, nơi đặt bộ chỉ huy cuộc đột kích 30km, cách huyện lị Llochegua cũng chừng đó nhưng chỉ cách Vizcatan, một căn cứ lớn của SL 3km mà thôi!
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ivan Vega ra tận bãi đáp trực thăng đón nhóm biệt kích trở về sau cuộc tấn công tiêu diệt Antonio. |
14 giờ 55 phút, khi chiếc Toyota Hilux vừa qua khỏi khúc quanh ngang lưng chừng đồi thì cả 3 người trên xe đều cùng nhìn thấy một gã đàn ông trạc 50 tuổi, tướng hơi gầy, thấp bé, mặc áo thun xanh, quần đen, vai khoác khẩu AK báng gập đứng cạnh mép đường, thái độ rất tự tin và thoải mái. Ngay sau lưng ông ta là 3 tên khác, áo thun đen bỏ trong quần dài rằn ri, ngực đeo bao đạn, tay cầm AK. Vẫn nhìn thẳng về phía trước, Pedro nói nhỏ với tài xế và cũng là tự hỏi chính mình: “Antonio đó. Nhưng sao hôm nay ông ta lại chỉ đi với 3 người?”.
Chiếc Toyota Hilux giảm tốc độ rồi dừng lại. Phía sau, chiếc xe tải chở axít cũng dừng lại cách đó khoảng 3m. Khi Pedro và Jose chuẩn bị bước xuống thì bất ngờ Antonio đưa tay ra hiệu cho cả hai cứ ngồi yên trên xe. Giây lát, một tên trong bọn đến gần, thúc nòng súng vào tấm kính ở cửa xe, ý nói hạ nó xuống rồi nhìn vào, hỏi Pedro: “Tài xế và thủy quỹ cũ đâu?”. Cố gắng giữ bình tĩnh, viên kỹ sư trả lời: “Tài xế ốm, còn thủ quỹ thì vợ mới sinh con đầu lòng trưa hôm qua nên anh ta xin phép về nhà”.
Lúc này, Cinco ruột nóng như lửa đốt. Tính toán chớp nhoáng, Cinco định rằng nếu tên cận vệ của Antonio yêu cầu mở cửa xe để kiểm tra thì lập tức anh ta sẽ bấm cái chốt hãm cho tấm composite rơi xuống rồi chộp lấy khẩu XM18, đạp tung cửa xe, tấn công ngay. Nghe tiếng súng, người lái xe tải và 6 biệt kích nằm trong thùng xe sẽ lao xuống hỗ trợ và việc tiêu diệt Antonio là điều hoàn toàn có thể cho dù tình huống không đúng như dự kiến.
Hơn nữa, chỉ trong 3 phút, những chiếc trực thăng sẽ xuất hiện nhưng sớm hơn 2 phút, tất cả mọi người có mặt đều sẽ nghe tiếng nổ của động cơ dù nó đã bay sát ngọn cây. Nếu không hành động thì khi phát hiện tiếng trực thăng, Antonio sẽ biến mất vào rừng, chưa kể Pedro và Joe còn có thể ăn đạn của 3 kẻ khủng bố.
May mắn thay, tên cận vệ chỉ hỏi chiếu lệ rồi đi đến chiếc xe tải. Giở tấm bạt che phủ thùng xe lên rồi lúc nhìn thấy những chiếc phuy chứa axít, gã quay lại, tiến thẳng về phía Antonio đồng thời vẫy tay ra dấu gọi Pedro bước xuống.
Sau này, những nguồn tin tình báo cho biết 20 tên khủng bố có mặt hôm đó, ngoài Antonio là Edgar, Javier, Fernando, Omar, Basillo, Gabino, Raul, Augustin, Qiusca, Wilson, Abico, Ismael, Pedro, Carlos, Ricardo, Rogello, Miguel…, trong đó Edgar, Raul và Abico là 3 tên ở cạnh Antonio, những tên còn lại nằm phục kích ở hai bên đường. Riêng khẩu đại liên 12,8mm, Alejandro là khẩu đội trưởng, chỉ huy 1 xạ thủ và 1 tiếp đạn...
Nhận chiếc túi da từ tay thủ quỹ Jose, Antonio mở ra đếm tiền. Thấy đã đủ, ông ta mỉm cười cảm ơn, khẽ huýt sáo rồi quay lưng bước đi sau khi đã dặn là chừng 15 phút nữa, sẽ có người đến lấy axít. Theo Jose, lúc ấy anh ta không thể phát tín hiệu cho Pedro nằm xuống bởi lẽ trước mặt Pedro là một tên cận vệ đứng sừng sững còn sau lưng Jose, 2 tên cận vệ vẫn chưa chịu đi theo Antonio. Nếu muốn Pedro cùng lăn xuống đất, Jose phải lao ra xô ngã tên trước mặt Pedro nhưng 2 gã đứng sau - trong đó một gã đeo chiếc balô sẽ trở thành tấm bia đỡ đạn cho Antonio, chưa kể nếu không xô ngã được tên trước mặt thì mọi chuẩn bị công phu suốt mấy ngày qua sẽ trở thành công cốc!
May sao, chỉ vài giây, cả 3 tên đều cùng quay lưng. Đến lúc này, chẳng cần ho hen gì nữa, Jose kéo Pedro nằm ngay xuống mặt đường. Trước đó, phía chiếc Toyota Hilux, Cinco đã nhìn thấy sự bất lợi về địa hình: Nơi Antonio nhận tiền nằm ngay khúc quanh và chỉ cần vài bước là tên trùm khủng bố sẽ được những thân cây to cỡ vòng tay người ôm che chở. Thế nên lúc vừa thấy Pedro và Jose đã ở ngoài tầm tác xạ, Cinco đạp mạnh cửa xe, lao ra ngoài, khẩu XM18 trên tay hướng về phía Antonio, khạc ra một luồng lửa dài.
Nghe tiếng súng, 6 biệt kích từ trong chiếc xe tải cũng nhảy xuống. Một người giương khẩu cối cá nhân 40mm về phía Antonio cùng 3 tên cận vệ đang chạy lúp xúp trong đám cây, bắn liền một quả. Một ánh chớp sáng trắng cùng tiếng nổ trầm đục và một cuộn khói bốc lên, kéo theo là tiếng kêu la của kẻ trúng đạn.
Thành sự tại thiên!
Chỉ khoảng 5 giây kể từ khi Cinco bắn loạt đạn đầu tiên, 16 tên SL nằm phục ở hai bên đường đồng loạt nổ súng, nhắm vào những biệt kích đang lao theo truy đuổi Antonio nhưng sợ bắn nhầm nhau nên hầu hết đường đạn đều đi xéo xuống phía dưới, chỗ chiếc xe tải. Ở điểm cao cách đó 800m, khẩu đại liên PKT cũng rống lên từng tràng chát chúa khiến nhóm biệt kích phải lùi về chiếc Toyota và chiếc xe tải, dùng nó làm vật che chắn để tổ chức chống trả.
Kiểm tra lại, trừ kỹ sư Pedro, 9 biệt kích tham gia cuộc tấn công tiêu diệt Antonio thì bây giờ đã bị thương 4, chỉ còn lại 5 người. Và mặc dù quân số ít nhưng 3 lần, nhóm khủng bố nằm bên trái đường định xông lên thì cả 3 lần đều bị đánh bật trở lại.
Nhóm biệt kích Lữ đoàn Chó sói và những thùng cocain thu được từ bọn khủng bố SL. |
Rồi trực thăng xuất hiện, khẩu đại liên PKT lập tức chuyển hướng, nhắm vào những chiếc Mi-171 nặng nề. Một trong những loạt đạn của nó giết chết một biệt kích ngồi ngay cửa lên xuống và làm bị thương một người khác. Được sự hướng dẫn bằng máy phát tín hiệu của người tài xế xe tải chở axít, chiếc Mi-35 lượn một vòng tròn rồi phóng xuống 2 quả tên lửa. Khi khói tan, chỗ đặt khẩu PKT chỉ còn là một cái hố lớn, đất đai tơi tả trong lúc những chiếc Mi-35 khác thay nhau nhả đạn vào nhóm khủng bố nằm ở hai bên đường khiến chúng phải rút vào rừng, kéo theo những kẻ bị thương và những xác chết.
Sẩm tối, những chiếc trực thăng được lệnh quay về. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ivan Vega ra tận bãi đáp đón nhóm biệt kích trực tiếp tham gia cuộc tấn công tiêu diệt Antonio. Những người bị thương nhanh chóng được đưa đến bệnh viện. Theo nhận định của các chuyên gia quân sự, cuộc tấn công đã không mang lại kết quả như mong muốn vì nhóm biệt kích gặp phải đối thủ có quân số đông hơn, lại thông thạo địa hình và vũ trang tốt hơn.
Bên cạnh đó, chúng còn nắm thế chủ động qua việc bí mật dàn quân phục kích mặc dù Antonio chưa chắc đã biết được ý đồ của lần nộp thuế này là nhằm tiêu diệt ông ta. Tuy nhiên, cuộc đột kích đã chứng tỏ sáng kiến và sự táo bạo của Cơ quan Chống khủng bố Peru. Việc đồng bộ hóa kế hoạch cũng như sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ phận cùng những nỗ lực phi thường của các phi công trực thăng đã xóa sổ xưởng sản xuất ma túy, đồng thời giải cứu thành công những nạn nhân bị bắt cóc, đưa họ về nơi an toàn...
Cho đến khi những chiếc trực thăng xuất hiện, toàn bộ cuộc tấn công tiêu diệt Antonio chỉ diễn ra đúng 2 phút. Tại Pirachi, nơi đặt bộ chỉ huy cuộc đột kích, Tư lệnh Lữ đoàn Chó sói liên tục cập nhật tình hình cho Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ivan Vega, Tư lệnh Lữ đoàn Lực lượng đặc biệt số III Cesar Astudillo và Tư lệnh Cảnh sát Vicente Alvarez bằng hệ thống bộ đàm gọi về từ nơi xảy ra cuộc giao tranh.
Khi ấy, tất cả đều cho rằng Antonio đã bị tiêu diệt qua chiếc balô và khẩu súng vứt lại ngay chỗ quả đạn 40mm bắn vào. Trong chiếc balô, ngoài cái áo thun, khăn mặt và một cuốn sổ tay, ghi chép họ tên của tất cả những thành viên SL ở thung lũng Vraem, còn có 1 thắt lưng và chiếc radio khắc tên Antonio. Tuy nhiên, 1 biệt kích tham gia cuộc tấn công tiêu diệt Antonio cho biết khẩu súng có thể là của một trong những tên cận vệ vì nó là khẩu AK báng dài, còn khẩu Antonio mang bên mình là AK báng gập. Hơn nữa, trong 16 tử thi SL bỏ lại, không có xác của Antonio!
Tự do sau 30 năm lao động khổ sai
Trong lúc những chiếc Mi-35 tấn công bọn khủng bố và Mi-171 thả quân yểm trợ cho nhóm biệt kích ở dưới đất thì một số trực thăng Mi-171 còn lại nhắm hướng thung lũng Vraem bay đến. Một số tên khủng bố canh giữ xưởng sản xuất ma túy nghe tiếng súng nổ, tiếng trực thăng vần vũ trên đầu nên mặc dù chẳng nhìn thấy gì vì rừng rậm che khuất, nhưng chúng cũng kéo những khẩu đại liên 12,8mm ra, chĩa lên trời bắn hú họa. Theo một người lính Lực lượng đặc biệt, có 2 chiếc Mi-171 bị rơi do trúng đạn nhưng Bộ chỉ huy cuộc đột kích không xác nhận tin này.
Những nạn nhân tộc người Ashaninka sau khi được cứu thoát. |
Chỉ khoảng một tiếng sau đó, nhóm đổ bộ đã quét sạch những tên SL, làm nhiệm vụ bảo vệ và giải thoát cho 74 dân bản địa thuộc tộc người Ashaninka, trong đó có 26 trẻ em và 13 phụ nữ. Nhiều người đã bị SL bắt cóc từ 30 năm trước, khi mà tổ chức khủng bố SL đang trong giai đoạn mạnh mẽ nhất.
Escobar, 39 tuổi cho biết, năm 14 tuổi, ông ta cùng người anh trai và cha ruột đã bị SL bắt cóc tại làng Puerto Ocopa: “Họ đưa chúng tôi vào thung lũng Vraem, anh trai tôi bị buộc phải cầm súng cho SL, còn tôi và cha tôi bị bắt lao động khổ sai trên những cánh đồng trồng cây coca. Mấy năm sau, cha tôi chết vì bệnh sốt rét rồi tiếp theo, anh tôi cũng chết trong một trận đánh với quân đội chính phủ”. 25 năm ở Vraem, Escobar chưa một lần ra khỏi thung lũng. Không sách báo, không tivi hay radio nên ông không biết thế giới đã thay đổi như thế nào.
Bà Paola, 70 tuổi kể bà bị SL bắt khi bà đang làm việc tại một tu viện: “Lúc ấy tôi 40 tuổi. SL bảo với tôi rằng tôi sẽ được đưa đi làm việc để phục vụ “cách mạng”. Cuộc sống trong rừng rất thiếu thốn, nhất là thuốc men. Nhiều người đã chết vì không được chữa trị kịp thời. Việc hãm hiếp xảy ra như cơm bữa. Không riêng gì tôi mà rất nhiều phụ nữ khác, chẳng ai nhớ nổi là mình đã bị hiếp bao nhiêu lần. Có những đứa bé sinh ra nhưng mẹ chúng không biết kẻ nào là cha chúng”.
Sau khi được cứu thoát, tất cả các nạn nhân được kiểm tra y tế. Hầu hết đều suy dinh dưỡng. Nhiều người trong số họ mang trong mình nhiều căn bệnh: sốt rét, thấp khớp và các bệnh về đường tiêu hóa. Họ cũng được đoàn tụ với người thân - những người mà hàng chục năm qua, họ chưa hề thấy mặt nhưng vẫn có người hoang mang vì suốt một thời gian dài, họ đã quen với kiếp sống khổ sai. Được giải thoát, họ không biết điều gì đang chờ đợi họ ở phía trước.
Theo tướng Jose Baella, Tư lệnh Cơ quan Chống khủng bố Peru, việc phá hủy các nông trại trồng cây coca và xưởng sản xuất ma túy đã khiến SL suy yếu trầm trọng vì đó là nguồn tài chính duy nhất để nuôi dưỡng đội quân này: “Hiện họ chỉ còn không đầy 200 người và cuộc sống của họ bây giờ là chui rúc trong những cánh rừng ở thung lũng Vraem. Sớm hay muộn gì thì họ cũng sẽ bị quét sạch…”.