Sự thật về vụ Trân Châu Cảng

Thứ Bảy, 07/04/2012, 08:40

Cách đây gần 7 thập niên, không quân Nhật Bản đã tiến hành trận đánh úp tổng lực nhắm vào căn cứ hải quân Pearl Harbor (Trân Châu cảng) trên quần đảo Hawaii giữa Thái Bình Dương, gây cho quân đội Mỹ những tổn thất hết sức nặng nề. Theo sử sách chính thống thì đây là nguyên nhân chính khiến Washington quyết định tham gia trực tiếp vào Đệ nhị thế chiến, cốt trừng trị đến cùng những kẻ gây hấn.

Sau nhiều năm dày công đi sâu phân tích, học giả Robert Stinnett thuộc Viện nghiên cứu độc lập ở Oakland (California, Mỹ) đã cho xuất bản cuốn sách nhan đề "Day of Deceit: The Truth About FDR and Pearl Harbor" (Ngày lừa lọc: Sự thật về Franklin D. Roosevelt và Trân Châu cảng). Nội dung cuốn sách vạch rõ chính quyền Washington đã cố tình kích động để người Nhật mở cuộc tấn công, tạo thành cái cớ để Nhà Trắng dễ bề thực hiện sách lược sen đầm quốc tế hằng ấp ủ bấy lâu.

Theo nhận định của Tom Ruzer, cộng sự viên cao cấp tại Trường quản lý mang tên J. F. Kennedy thuộc Đại học Tổng hợp Harvard danh tiếng, thì  ấn phẩm dày 416 trang của R. Stinnett chính là tài liệu xác đáng nhất trong thời đại chúng ta. Dựa trên hồ sơ lưu trữ của Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA), cho thấy nội các  Tổng thống F. D. Roosevelt đã biết về cuộc tấn công trước khi nó được thực hiện. Công trình nghiên cứu của R. Stinnett còn tổng hợp từ những công văn tuyệt mật, được cung cấp cho các ủy ban điều tra thuộc lưỡng viện Quốc hội Mỹ về vụ tấn công căn cứ Trân Châu cảng. Giới khảo cứu đã được tiếp cận tài liệu này theo đạo luật tự do thông tin.

Lần lại lịch sử, thoạt tiên Washington áp dụng chính sách phong tỏa kinh tế triệt để với Tokyo. Sau lệnh cấm vận cung cấp dầu mỏ, Tổng thống Roosevelt đã ký một đạo luật cho phép bắt giữ tất cả xe ôtô do Nhật sản xuất đang lưu hành trên đất Mỹ. Hành động này được Tokyo xem là sự gây hấn đáng lên án, đồng thời quyết định trả đũa bằng việc tiến hành xâm chiếm Indonesia và các lãnh thổ kề cận hòng làm chủ vùng Đông Á - Thái Bình Dương, nơi đồn trú căn cứ Trân Châu cảng lớn nhất trong khu vực.

Khoảng 11 tháng trước khi xảy ra cuộc "đánh úp", Đô đốc Husband Kimmel - Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, cùng với Đô đốc Phó tư lệnh James Richardson đã cảnh báo Lầu Năm Góc về khả năng người Nhật tấn công Trân Châu cảng trên quần đảo Hawaii, cũng là tiểu bang Mỹ duy nhất nằm ngoài đại dương nên khó có sự hỗ trợ từ đất liền. Thông tin của họ dựa vào báo cáo của lực lượng Tình báo Hải quân cài cắm trên đất Nhật, theo đó mật danh chiến dịch được Tokyo đặt là "Magic" (Ma thuật).

Đến ngày 7/11/1941 Đô đốc Harold R. Stark từ trụ sở Lầu Năm Góc điện lại cho Bộ Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, đồng ý với nhận định rằng tình hình trong khu vực đang dần phát triển thành một cuộc khủng hoảng. Một tuần sau, công điện kế tiếp nêu rõ quan điểm là "Hoa Kỳ thích Nhật Bản tấn công trước…". Đồng thời bức điện văn này cũng yêu cầu Đô đốc H. Kimmel chấm dứt mọi hoạt động quân báo liên quan tới vụ "Magic", cũng như có biện pháp sơ tán tàu bè tránh tổn thất lớn. Vậy là 2 tàu sân bay, 6 tàu tuần dương và 14 tàu phóng lôi đắt tiền đã được di tản từ Trân Châu cảng trên đảo Hawaii sang các đảo Midway và Wake cách xa hàng trăm hải lý.

Bìa cuốn sách bóc trần sự thật về vụ Trân Châu cảng.

Trong trận "đánh úp" đúng 3 tuần sau đó, căn cứ Trân Châu cảng thậm chí thiếu cả các phi đội máy bay tuần tiễu thường trực, còn hệ thống pháo phòng không lại ở tư thế không… sẵn sàng chiến đấu. Trong thực tế các phương tiện tác chiến chủ chốt, kể cả phi cơ và tàu chiến thuộc căn cứ đều được dồn lại thành từng nhóm, như thể giúp không quân đối phương dễ bề tiêu diệt hơn. Kết cục là 17 tàu chiến và 188 máy bay đã bị phá hủy, cùng tổn thất sinh mạng là 2.403 người chết và 1.178 người bị thương, trở thành một trong những thất bại lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ.

Cho đến thời điểm lúc ấy Hoa Kỳ vẫn theo đuổi học thuyết Monroe - mang tên Tổng thống Mỹ thứ 5 James Monroe (1758-1831), chủ trương không can thiệp vào công việc của các quốc gia độc lập khác. Nhưng sau trận Trân Châu cảng, quan điểm chiến lược của Nhà Trắng đã thay đổi, Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến và để lại hậu quả mang dấu ấn toàn cầu.

Sự trả thù lên tới mức tối đa, sau khi đã tàn phá thủ đô Tokyo bằng những trận mưa bom không ngơi nghỉ, kế đến là 2 quả bom nguyên tử nối tiếp nhau rơi xuống 2 thành phố nhỏ khác là Hiroshima và Nagasaki, đúng vào thời điểm Đệ nhị thế chiến sắp kết thúc nhằm chứng tỏ sức mạnh quân sự của người Mỹ.

Ngay từ năm 1946, một bản báo cáo của Ủy ban Quân lực Quốc hội Mỹ đã chỉ rõ toàn bộ trách nhiệm trận Trân Châu cảng thuộc về chính quyền Washington, khi chỉ đạo cho Đô đốc H. Kimmel giấu nhẹm các tin tức tình báo về vụ "đánh úp"; trong khi nguồn tin chính thống lại gây ấn tượng là người Nhật sắp xâm lược Philippines. Riêng Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nhiều lần cảnh báo Tổng thống F. D. Roosevelt rằng mục tiêu của Tokyo chính là căn cứ Pearl Harbor.

Nhà địa chính trị học nổi tiếng người Mỹ William Engdahl đã viết trong cuốn sách "Gods of Money" (Chúa tể của bạc tiền), rằng "Roosevelt cùng cánh cố vấn của ông ta đã khơi gợi chuyện quân Nhật đánh úp Trân Châu cảng, với mục đích khiến những người Mỹ ngây thơ tin rằng nhân danh kỷ nguyên tương lai của  Hợp Chủng quốc, cần phải tăng cường sức mạnh đất nước trên bình diện toàn cầu".

Vụ Trân Châu cảng, một trong những bí mật hàng đầu mà Nhà Trắng cố tình bưng bít đã bị phanh phui. Đây lại thêm một bằng chứng nữa về mưu đồ muốn làm bá chủ thế giới của Washington, khiến họ rắp tâm thực thi bằng mọi cách

Trần Hồng (theo Morning Star)
.
.