Syria: Vũ khí hạt nhân tiếp tục hình thành trong lòng đất?

Thứ Năm, 22/01/2015, 07:15
Trong suốt nhiều năm, thế giới cứ tưởng Israel đã hủy diệt khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của Syria sau chiến dịch ném bom bí mật khu phức hợp Kibar của nước này vào năm 2007. Nhưng, thực tế khác hẳn. Thông tin tình báo mới tiết lộ tổng thống Bashar al-Assad vẫn tiếp tục nỗ lực chế tạo bom hạt nhân.

Các mẫu uranium đáng ngờ

11 giờ ngày 5/9/2007, 10 chiếc máy bay ném bom F-15 cất cánh từ căn cứ quân sự Ramat David ở phía nam thành phố cảng Haifa của Israel hướng về Địa Trung Hải để thực hiện sứ mạng huấn luyện. Khoảng nửa giờ sau, 3 chiếc F-15 nhận được lệnh bay trở về căn cứ trong khi những chiếc còn lại đổi hướng qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ và bay thẳng đến biên giới Syria.

Tổng thống Bashar al-Assad thăm binh sĩ trên mặt trận gần Damascus vào ngày đầu năm mới 2015.

Sau khi phá hỏng một trạm radar tại vùng biên giới Syria bằng tín hiệu gây nhiễu điện tử, số máy bay nhắm hướng đến thành phố Deir al-Zor, nằm trên bờ sông Euphrates. Mục tiêu của chúng là ném bom khu phức hợp Kibar ở phía đông thành phố bằng tên lửa Maverick và những quả bom nặng 500kg. "Chiến dịch Orchard" sử dụng đến 17 tấn bom - được tuyên bố thành công sau khi những chiếc F-15 trở về căn cứ an toàn.

Ở Jerusalem, Thủ tướng lúc đó là Ehud Olmert và nhóm cố vấn thân cận tin rằng Tổng thống Bashar al-Assad đang âm thầm chế tạo vũ khí hạt nhân tại Kibar. Họ tin rằng "Chiến dịch Orchard" nguy hiểm sẽ cứu thế giới trước thảm họa hạt nhân. Tuy nhiên, họ không thông báo với Mỹ trước khi tiến hành kế hoạch ném bom được giữ bí mật mà chỉ gọi điện đến Washington sau khi chiến dịch hoàn thành.

Chính quyền Israel cũng không muốn để lộ việc họ đã phát hiện các chuyên gia CHDCND Triều Tiên đang giúp Syria xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở Kibar. Sau vụ ném bom, chính quyền Syria tuyên bố không phận nước này bị xâm phạm và tấn công một "nhà kho". Thế giới lúc đó không hề biết chuyện gì thật sự đã xảy ra. Khác với Israel và Pakistan, Syria là quốc gia ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và do đó cam kết chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình. Sau việc tiết lộ về khu phức hợp Kibar, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ở Vienna yêu cầu thanh tra địa điểm.

Giám đốc IAEA Yukiya Amano.

Tháng 6/2008, Tổng thống Assad cuối cùng buộc phải chấp thuận cho  đoàn chuyên gia IAEA dưới sự lãnh đạo của Olli Heinonen, người Phần Lan, được phép đến cơ sở Kibar đã bị không quân Israel phá hủy vào năm trước đó. Tuy nhiên, chính quyền Damascus đã nhanh chóng xóa hết mọi dấu vết tại Kibar trước khi đoàn thanh tra IAEA đến. Mặc dù vậy, đoàn chuyên gia nguyên tử IAEA vẫn có thể tìm thấy các mẫu uranium đáng ngờ - một phát hiện mà chính quyền Syria cố chối quanh rằng đó là hành động phá hoại.

Mặc dù không nắm được chứng cứ rõ ràng trong tay, song IAEA vẫn yêu cầu được thanh tra 3 cơ sở hạt nhân khác do nghi ngờ có mối liên quan đến Kibar, nhất là cơ sở làm giàu uranium Marj al-Sultan nằm cách Damascus 15km về phía bắc. Tuy nhiên, chính quyền Syria thẳng thừng từ chối, cho rằng đó là "tin đồn không có cơ sở".

Bức tranh rõ ràng về "Chiến dịch Orchard" của Israel cùng với những chi tiết về cuộc không kích chỉ phơi bày ra ánh sáng vào năm 2009, sau tiết lộ từ giới lãnh đạo chính trị, chuyên gia hạt nhân và tình báo. Trong cuộc phỏng vấn của tờ Der Spiegel của Đức năm 2009, Tổng thống Basar al-Assad kiên quyết phủ nhận tham vọng hạt nhân của mình: "Chúng tôi muốn một Trung Đông không vũ khí hạt nhân, bao gồm cả Israel".

Nhưng, báo cáo điều tra vào tháng 5/2011 của IAEA và câu chuyện trên tạp chí Mỹ New Yorker năm 2012 hoài nghi chính quyền Syria đang đùa với lửa! Báo cáo IAEA nêu rõ: "IAEA kết luận cơ sở bị đánh bom hủy diệt rất giống lò phản ứng hạt nhân". Về sau, các hình ảnh vệ tinh khu vực Kibar cho thấy mọi hoạt động ở nơi này đã ngưng hẳn. Điều đó phải chăng có nghĩa là chiến dịch đánh bom của Israel thật sự đã kết liễu chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đầy tham vọng của Syria? Lúc đó, nhiều nhà quan sát cũng cho rằng, khu phức hợp Kibar có thể là nơi bí mật che giấu nhiên liệu uranium đủ dùng cho một năm.

Theo nghiên cứu của IAEA, Syria sở hữu 50 tấn uranium tự nhiên đủ để sản xuất 5 quả bom hủy diệt hàng loạt sau khi tiến trình làm giàu hoàn thành. Tháng 9/2013, Viện Khoa học và An ninh quốc tế có trụ sở tại Washington DC (Mỹ) bắt đầu đưa những dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của kho uranium ở Kibar đồng thời bày tỏ mối quan  ngại. Báo cáo của viện này: "Kho uranium tự nhiên khá lớn này đặt ra nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Rất có thể chính quyền Syria có được số uranium này từ tổ chức Hezbollah, Al-Qaeda hay các chương trình hạt nhân bí mật của các nhà nước như Iran".

Trong khi đó, các cơ quan tình báo phương Tây khẳng định Tổng thống Bashar al-Assad vẫn đang tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của mình, có lẽ được tiến hành ngầm ở dưới lòng đất. Theo thông tin từ cộng đồng tình báo phương Tây, khoảng 8.000 thanh nhiên liệu được Syria cất giấu dưới lòng đất. Hơn nữa, một số uranium có lẽ được giấu trong thời gian dài tại Marj as-Sultan.

Các hình ảnh vệ tinh chụp từ tháng 12/2012 đến tháng 2/2013 đã cho thấy hoạt động đáng ngờ ở Marj as-Sultan - cơ sở nằm không xa căn cứ quân đội Syria. Hiện nay, Marj al-Sultan cũng là điểm giao tranh mạnh với quân nổi dậy khiến cho chính quyền Syria quyết định cho di dời toàn bộ những tài sản có giá trị đi nơi khác và được cho là có sự giúp đỡ từ Hezbollah - tổ chức quân sự ở Liban.

Những cuộc điện đàm được chặn tín hiệu

Những phát hiện gần đây cho thấy cơ sở hạt nhân được di dời đến địa điểm ngầm dưới đất nằm ở phía tây thành phố Qusayr, cách biên giới với Liban chưa đến 2km. Nhưng cuối cùng thì Marj as-Sultan không rơi vào tay quân nổi dậy mà tiếp tục được quân đội Syria kiểm soát. Tình báo phương Tây đã theo dõi một vị trí nằm bên ngoài Qusayr, nơi trước đây chưa được ai biết đến, vì cho rằng đó là kho chứa vũ khí của Hezbollah.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy địa điểm đáng nghi ngờ gần Qusayr.

Các chuyên gia phân tích so sánh những hình ảnh vệ tinh, cẩn thận đánh dấu các thay đổi dù nhỏ nhất và nhanh chóng tìm thấy sự thật hết sức bất ngờ. Theo đó, kế hoạch xây dựng cơ sở ở Qusayr bắt đầu từ năm 2009. Ngay từ lúc khởi công xây dựng, công trình được ngụy trang hết sức cẩn thận với nhiều đồi cát được bố trí tại nhiều vị trí khác nhau có lẽ nhằm gây khó khăn cho sự quan sát từ trên không. Mọi lối vào khu vực công trường đều được quân đội canh gác cẩn mật. Mùa xuân năm 2013, khu vực bao quanh Qusayr xảy ra xung đột vũ trang dữ dội, song quanh vùng dự án vẫn được quân đội chính phủ kiểm soát cho dù số đơn vị quân tinh nhuệ Hezbollah đồn trú ở đó bị thiệt hại khá lớn.

Những hình ảnh vệ tinh mới đây nhất tiết lộ 6 cấu trúc: một căn nhà cho binh sĩ canh gác và 5 khu nhà xưởng, trong đó 3 khu che giấu lối vào cơ sở ngầm dưới lòng đất. Khu công trường cũng sử dụng lưới điện kết nối với thành phố Blosah lân cận. Một chi tiết hết sức đáng ngờ là cái giếng sâu nối liền cơ sở với hồ Zaita cách đó 4km. Sự liên kết này thật ra không cần thiết cho kho chứa vũ khí thông thường nhưng lại hết sức quan trọng cho cơ sở hạt nhân!

Bằng chứng rõ ràng nhất về sự tồn tại của cơ sở hạt nhân dưới lòng đất là dữ liệu tín hiệu điện đàm được mạng lưới gián điệp phương Tây thu thập. Một giọng nói được xác định là của một quan chức cao cấp Hezbollah tiết lộ về "nhà máy nguyên tử" và một số đề cập đến khu vực Qusayr. Rõ ràng, quan chức này biết rất rõ về Qusayr và thường xuyên cập nhật tình hình qua điện thoại với một nhân vật quan trọng khác - đó là Ibrahim Othman, lãnh đạo Ủy ban Năng lượng nguyên tử Syria. Quan chức Hezbollah phần lớn sử dụng tên mã cho cơ sở hạt nhân ngầm Qusayr là "Zamzam", một từ mà hầu hết người Hồi giáo đều biết rõ.

Theo truyền thống, “Zamzam” là giếng nước được Thượng đế tạo ra trên sa mạc dành cho vợ của Abraham và con trai Ishmael của họ. Giếng được tìm thấy ở thành phố Mecca miền Tây Arập Xêút, một trong những địa điểm hành hương của người Hồi giáo. Do đó, những người không tôn sùng và uống nước giếng thiêng Zamzam đều bị coi là không phải tín đồ Hồi giáo thật sự!

Sơ đồ Chiến dịch Orchard của Israel được tiết lộ.

Dự án cơ sở hạt nhân ở Qusayr nằm dưới sự quản lý của Vệ binh Cộng hòa Iran (IRGC) cũng được tình báo phương Tây nắm được nhờ thu thập tín hiệu những cuộc điện đàm. IRGC kiểm soát một bộ phận lớn nền kinh tế Iran đồng thời đóng vai trò trọng yếu trong chương trình hạt nhân nước này. Trong khi đó, không phải mọi hoạt động của IRGC - tổ chức được coi là nhà nước bên trong nhà nước - ở hải ngoại đều được trình báo với chính quyền Tổng thống Hassan Rohani. Lại có thông tin rằng, khi xây dựng cơ sở Kibar, Ibrahim Othman làm việc sát cánh với Chou Ji Bu - kỹ sư xây dựng lò phản ứng hạt nhân Yongbyon ở CHDCND Triều Tiên và nhân vật này đang ẩn náu ở Damascus (?). Theo lý thuyết, Othman không bao giờ để mất liên lạc với người quan trọng của mình.

Sau kế hoạch tiêu hủy toàn bộ số vũ khí hóa học của chính quyền Syria một cách hiệu quả và dưới sự giám sát chặt chẽ của quốc tế, phương Tây và Mỹ tin rằng khả năng phát động chiến tranh bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt của Assad đã bị giới hạn. Phát hiện tình báo mới xuất hiện trong giai đoạn hết sức phức tạp càng gây bối rối thêm cho chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng thời cũng tạo vấn đề nan giải cho Israel khi quốc gia này không hề biết sự tồn tại của cơ sở hạt nhân mới ở Qusayr!

Trong giai đoạn hiện nay, giới lãnh đạo Israel đang đối mặt với 2 lựa chọn cực kỳ khó khăn - phớt lờ đi Zamzam hay tiếp tục tiến hành chiến dịch ném bom mạo hiểm phá hủy cơ sở ngầm này. Bởi vì, khác với năm 2007, những quả bom hạng nặng xuyên phá boongke có thể dẫn đến những hậu quả cho môi trường không lường trước được. IAEA cũng lúng túng không kém sau khi Giám đốc Yukiya Amano của cơ quan này vào tháng 9-2014 phát đi lời kêu gọi:"Syria cần hợp tác đầy đủ với IAEA về mọi vấn đề chưa được giải quyết" nhưng không hề nhận được phản hồi từ chính quyền Assad. 

Mới đây, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lên tiếng mời IAEA điều tra những khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của chúng, như là khu vực quanh Deir al-Zor cách đây vài tháng. Tuy nhiên, IAEA đã từ chối vì không muốn cung cấp cho IS bất cứ thông tin nào mang tính hợp pháp.

Diên San (tổng hợp)
.
.