Tại sao NASA từ bỏ chương trình huấn luyện nữ phi hành gia?

Thứ Tư, 28/10/2009, 06:50
Vào cuối thập niên 50 thế kỷ XX, Chính phủ Mỹ dự định huấn luyện phụ nữ cho vị trí phi hành gia và các kết quả test y khoa mới nhất cho thấy, phụ nữ cũng có đầy đủ khả năng tinh thần cũng như sức khỏe bền bỉ như nam giới để bay lên mặt trăng.

Donald Kilgore, bác sĩ phụ trách đánh giá sức khỏe các ứng viên nam và nữ bay vào không gian tại Lovelace Clinic - một trung tâm nghiên cứu về y học hàng không vũ trụ, nói: "Họ là những phụ nữ ngoại hạng và phi công nổi bật xứng đáng với vị trí ứng viên đáp ứng những yêu cầu đề ra. Thậm chí họ còn vượt qua nam giới trong nhiều hạng mục".

Người thành lập Trung tâm Y học, Randy Lovelace, đã phát triển các tiêu chuẩn đánh giá được sử dụng để tuyển chọn nhóm Mercury 7 và ông cho rằng, phụ nữ có thể trở thành những phi hành gia có đẳng cấp. Đây là ý tưởng cấp tiến trong trong ngành hàng không vũ trụ những năm 50. Đó là lúc phong trào giải phóng phụ nữ mới bắt đầu và chỉ 1/4 số phụ nữ Mỹ có việc làm.

Lovelace nhận xét phụ nữ nhẹ hơn nam giới nên cần ít nhiên liệu hơn để đưa họ vào không gian. Phụ nữ cũng ít bị đau tim và Lovelace nhận định họ sẽ thích hợp hơn cho cuộc sống cô lập gây sợ hãi trong không gian.

Năm 1959, người cộng tác của Lovelace là Donald Flickinger - vị tướng không quân và cố vấn NASA - hợp tác thành lập Chương trình Women In Space Easliest nhằm mục đích tuyển chọn những phụ nữ đáp ứng những yêu cầu trở thành phi hành gia. Nhưng Không quân Mỹ đã hủy chương trình trước khi xét nghiệm y khoa đầu tiên được thực hiện và thúc đẩy Lovelace thành lập Chương trình Women in Space (gọi tắt là WISP).

Sau đó 19 phụ nữ được tham gia WISP và họ phải trải qua những xét nghiệm căng thẳng như nam giới cho sứ mạng Mercury và 13 người trong số đó - về sau được gọi là Mercury 13 - vượt qua được thử thách. Nhưng Kilgore nói: "Họ biết họ là những ứng viên lý tưởng, nhưng những quy định của NASA  đã gạt họ ra khỏi chương trình".

Các kết quả xét nghiệm y khoa cho phụ nữ được mô tả lần đầu tiên trong một bài báo xuất bản trên tờ Advances in Physiology Education số tháng 9 đã cho thấy khả năng của phụ nữ như thế nào. Kilgore viết cùng với những người khác: "Dựa theo những thử nghiệm trước đó đối với vài trăm đối tượng, người ta thấy rằng 6 giờ là giới hạn tuyệt đối cho sức chịu đựng trước khi rơi vào ảo giác. Nhưng Jerrie Cobb đã chịu đựng được 9h40 trước khi cuộc thử nghiệm kết thúc. Cuối cùng, 2 phụ nữ khác (Rhea Hurrle và Wally Funk) cũng được test và mỗi người chịu đựng hơn 10 giờ trước khi thử nghiệm kết thúc".

Trong thử nghiệm, những phụ nữ ứng viên phải ngâm mình trong bể tối chứa đầy nước lạnh. Trong khi đó, John Glenn được thử nghiệm trí nhớ trong căn phòng chiếu sáng mờ mờ và chỉ được cung cấp cây bút và tờ giấy. Thử nghiệm dành cho Glenn kéo dài chỉ 3 giờ.

Nhưng cuối cùng một số quan chức NASA nghi ngờ năng lực của phụ nữ có thể sút kém đi trong thời gian kinh nguyệt. Còn một số người khác muốn chọn những phi công đã từng lái máy bay chiến đấu - yêu cầu mà chỉ có nam giới mới thỏa mãn được vì phụ nữ thời đó không được gia nhập không quân! Kết quả cuối cùng là WISP bị hủy vào tháng 8/1961.

Mãi cho đến năm 1995, khi Eileen Collins lái tàu con thoi STS-63 bay quanh Trạm không gian MIR thì Mercury 13 mới được phục hồi. Tuy nhiên, Eileen Collins chỉ là phụ nữ đầu tiên trở thành phi hành gia chứ không là phụ nữ đầu tiên cho vị trí này

Di An (theo Science)
.
.