Tại sao tình báo Iran thất bại?

Thứ Hai, 01/10/2012, 10:50

Vào nhiều thời điểm, nhất là từ khi nổ ra cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria, dường như tình báo Iran hoạt động không mấy hiệu quả, thậm chí thất bại nặng nề từ bên trong cũng như ở nước ngoài. Tehran đang lo trước thực tế là lực lượng tình báo của mình không đủ khả năng ngăn chặn những nỗ lực của phương Tây và Israel đang gây cản trở cho chương trình hạt nhân của họ, cũng như nhiều điệp vụ ở hải ngoại gần như thất bại hoàn toàn.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, những thất bại của tình báo Iran một phần xuất phát từ nội bộ rối ren. Như là sự đối chọi gay gắt giữa một bên là lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei và những người ủng hộ ông, và một bên là Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.

Thật ra, kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi năm 2009, Bộ Tình báo và An ninh quốc gia Iran (còn gọi là Vevak) do Heydar Moslehi lãnh đạo đã bớt ảnh hưởng đến Lực lượng Vệ binh Cách mạng và nhánh quân sự Al-Quds của Thiếu tướng Qassem Soleimani. Năm 2011, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad muốn tống khứ Heydar Moslehi nhưng người này vẫn giữ được chiếc ghế lãnh đạo Vevak của mình nhờ thế lực của lãnh đạo tinh thần tối cao Ali Khamenei.

Sự thiếu năng lực đáng kể của tình báo Iran bộc lộ rõ rệt sau khi Tehran phải đương đầu với cuộc chiến tranh bí mật do phương Tây phát động nhằm làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Iran đối với khu vực Cận Đông và Trung Đông. Với sự hậu thuẫn của Washington, trục Hồi giáo salafist Arập Xêút - Qatar - vốn là kẻ thù truyền kiếp của người shiite Iran - ra sức lợi dụng sự kiện "Mùa xuân Arập" để tranh giành ảnh hưởng ở Ai Cập và khu vực Bắc Phi (Maghreb).

Iran cũng đang có nguy cơ mất đồng minh duy nhất của nước này trong thế giới Arập Hồi giáo là Syria. Nhóm Hezbollah đồng minh của Iran ở Liban cũng gánh hậu quả trên. Sự suy yếu của chính quyền Syria khiến cho Hezbollah mất đi hậu phương vững chắc và nhất là không còn nhận được thông tin cần thiết từ tình báo Syria nữa. Ngoài ra, Iran cũng bị Hamas - phong trào Sunni được lực lượng Al-Quds của Iran bí mật ủng hộ để chờ cơ hội sử dụng - bỏ rơi khi tổ chức này đứng về phe nổi loạn ở Syria. Hiện thời,  chỉ còn phe thánh chiến Hồi giáo người Palestin còn ủng hộ Iran, và nhóm này cũng đã dời bộ phận lãnh đạo từ thủ đô Damascus của Syria sang Tehran để bảo đảm an ninh.

Tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Al-Quds.

Cuộc chiến tranh trong bóng tối do Mossad, CIA và tình báo phương Tây tiến hành nhằm tấn công chương trình hạt nhân của Iran thật sự là mối đe dọa khủng khiếp cho Tehran. Bằng chứng là virus máy tính Stunext của Israel vào năm 2010 đã làm tê liệt một số thiết bị ly tâm của Iran và những vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của nước này.

Mới đây, Washington nhận thông tin tình báo được cho là rất chính xác về sự tồn tại của một địa điểm mới nghiên cứu hạt nhân của Iran gọi là Parchin. Chính trên cơ sở thông tin này mà hiện nay những lệnh trừng phạt quốc tế được tăng cường chống Tehran. Thỉnh thoảng Tehran thông tin về vài vụ bắt giữ "điệp viên Israel" nhưng có lẽ điều đó nhằm cứu vãn thể diện trước những thất bại thảm hại của tình báo Iran. Ví dụ, 48 người "hành hương" của Iran đến nhà thờ Hồi giáo Sayyida Zeinab vào tháng 8/2012 đã bị phe nổi dậy ở Syria bắt giữ.

Thời gian gần đây, 10 chiến dịch "tình báo con người" của tình báo Iran tiến hành đã gặp thất bại nặng nề ở Mỹ, Georgia, Cyprus, Ấn Độ, Thái Lan, Azerbaijan và Kenya. Trong khi phía Israel thì quả quyết chính gián điệp Iran tổ chức vụ đánh bom chiếc xe buýt ở Bulgaria - vào tháng 7/2012 giết chết 7 người trong đó có 5 du khách người Israel - chưa bị bắt giữ.

Theo các chuyên gia phân tích, một trong nhiều lý do giải thích những thất bại liên tiếp của tình báo Iran là họ đã cho tiến hành quá nhiều điệp vụ ở nước ngoài cùng một lúc. Một lý do khác - do thiếu điệp viên có năng lực cho nên tình báo Iran buộc phải sử dụng nguồn nhân lực bên ngoài, tức là thường dân, thậm chí cả những kẻ du thủ du thực! Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy trong một cuộc chiến tranh bí mật, việc sử dụng một đội quân tình báo ô hợp như thế chỉ dẫn đến thất bại thảm hại.

Lãnh tụ tối cao Iran, Ali Khamenei và di ảnh của các nhà khoa học hạt nhân Iran bị Mossad ám sát.

Lý do thứ ba là hiện thời đang diễn ra cuộc "thanh trừng nội bộ" bên trong lực lượng đặc nhiệm Al-Quds nhằm mục đích truy tìm những cá nhân chịu trách nhiệm cho những thất bại đáng xấu hổ cho tình báo Iran - trong khi đó Tổng thống Ahmadinejad quy trách nhiệm cho phe ủng hộ lãnh tụ tối cao  Ali Khamenei. Hơn nữa, Tehran có nhiều tham vọng khi muốn điệp viên Iran thường xuyên hoạt động tại nhiều khu vực trên thế giới.

Yemen, tình báo Iran cung cấp vũ khí và huấn luyện cho phe nổi loạn Al-Houthi ở miền Bắc nước này. Theo chính quyền Sana'a, một mạng lưới gián điệp chịu sự chỉ huy của Pasdaran (Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo - IRGC - với quân số khoảng 100.000 người) hoạt động bí mật suốt 7 năm trời ở Yemen và mới bị phát hiện năm 2012. Các mạng lưới điệp viên Iran cũng bị phát hiện ở Mỹ Latinh, đặc biệt ở những quốc gia "bạn bè" của Iran như Venezuela. Mỹ Latinh không chỉ là khu vực mang lợi ích trực tiếp cho Iran mà còn là vùng đất lý tưởng để đe dọa nước Mỹ.

Để phục vụ ý đồ riêng, Tehran sử dụng các cơ quan ngoại giao đại diện Iran và người của Hezbollah ở Liban đặc biệt thâm nhập vào vùng tam giác biên giới giữa các nước Brazil, Paraguay và Argentina. Một điều đáng lưu ý là các văn phòng thương mại và báo chí Iran được sử dụng làm vỏ bọc cho hoạt động của điệp viên nước này. Để được bổ nhiệm công tác ở hải ngoại, một người Iran phải chứng minh lòng trung thành với Tehran và chấp nhận làm việc cho tình báo Iran. Các sĩ quan của Pasdaran cũng có mặt khắp nơi kín đáo dò xét mọi hành vi của người Iran ở hải ngoại.

Một số thành viên của lực lượng Al-Quds.

Theo truyền thống, tình báo Iran cũng sử dụng cộng đồng người Liban để hoạt động gián điệp ở châu Phi song đang gặp thất bại do sự bùng nổ của "Mùa xuân Arập". Ngoài Iraq, tình báo Iran luôn duy trì sự hiện diện ở Afghanistan cũng giống như Ấn Độ. Bởi vì Iran và Ấn Độ có cùng mối quan ngại chung - đó là tầm ảnh hưởng của Pakistan đến Afghanistan!

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.