Tập đoàn viễn thông AT&T “hợp tác cửa sau” với NSA
Các tài liệu được tiết lộ mới đây từ Edward Snowden cho thấy mối quan hệ giữa NSA và AT&T là hết sức đặc biệt và cực kỳ hiệu quả hơn so với các công ty viễn thông khác. Một tài liệu mô tả mối quan hệ “mang tính cộng tác cao”, trong khi tài liệu khác ca ngợi “thái độ sẵn sàng phục vụ nhiệt tình” của AT&T. Với sự hỗ trợ từ AT&T, NSA tiến hành hàng loạt hoạt động bí mật từ năm 2003 đến 2013, theo dõi hàng tỉ email khách hàng của AT&T. Tập đoàn này còn hỗ trợ kỹ thuật cho phép NSA nghe lén mọi giao tiếp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ), cũng là khách hàng của họ.
Còn nhiều hơn cả công ty cạnh tranh Verizon, AT&T lắp đặt thiết bị gián điệp tại ít nhất 17 trung tâm Internet của họ trên đất Mỹ. Đội ngũ kỹ sư AT&T là những người đầu tiên triển khai ứng dụng những công nghệ do thám mới nhất do NSA phát triển. Theo một tài liệu rò rỉ, giới chức NSA mô tả mối quan hệ với AT&T: "Đây là một đối tác, chứ không chỉ là quan hệ hợp đồng".
Trạm cáp AT&T ở Point Area, California. |
NSA không nêu tên cụ thể AT&T hay công ty nào khác chịu sự điều hành của phân ban Chiến dịch Nguồn đặc biệt (SSO) của NSA mà chỉ sử dụng tên mật mã. SSO chịu trách nhiệm đối với hơn 80% lượng thông tin tình báo mà NSA thu thập. Fairview là một trong những chiến dịch lâu năm nhất của SSO, được bắt đầu từ năm 1985 mà trong đó đối tác nổi bật là AT&T. Năm 2012, chương trình Fairview tiến hành giám sát mạng cáp sợi quang của AT&T phục vụ trụ sở LHQ tại thành phố New York của Mỹ theo lệnh từ tòa án. Trước đó, NSA gián điệp các nhà ngoại giao LHQ đã được tiết lộ song lúc đó chưa có lệnh tòa án hay sự dính líu của AT&T. Tháng 10/2013, chính quyền Mỹ tuyên bố sẽ không giám sát LHQ nữa.
Tháp Whitacre, trụ sở tập đoàn viễn thông AT&T ở Dallas, bang Texas. |
Một chương trình khác của NSA có tên mã là Stormbrew cũng bao gồm cả Verizon và MCI (công ty được Verizon mua lại hồi năm 2006). Sau vụ 11/9/2001, Verizon và MCI trở thành công cụ trong các chương trình gián điệp quy mô không được tòa án cấp phép của chính quyền Tổng thống W. Bush. AT&T bắt đầu chuyển giao cho NSA dữ liệu email và cuộc gọi điện thoại của khách hàng sau khi hoạt động giám sát bất hợp pháp được khởi động vào tháng 10/2001.
Tháng 9/2003, AT&T là đối tác đầu tiên mang lại khả năng thu thập thông tin mới cho NSA. Trong những tháng đầu tiên của chiến dịch, chương trình Fairview đã thu thập cho NSA 400 tỷ siêu dữ liệu Internet: thông tin về cuộc gọi mà không có nội dung, và hơn 1 triệu email/ngày. Năm 2011, AT&T chuyển giao hơn 1,1 tỉ nhật ký cuộc gọi trong nước trong một ngày cho NSA nhằm chuẩn bị kỷ niệm 10 năm sự kiện 11/9/2001. Trong năm này, một slide tài liệu của NSA cho thấy họ đã chi ra 188,9 triệu USD cho chương trình Fairview - gấp đôi số tiền chi cho Stormbrew.
Kỹ thuật viên Mark Klein của AT&T. |
Sau khi tờ The Times tiết lộ chương trình gián điệp nghe lén không có lệnh tòa án của chính quyền Bush vào tháng 12/2005, nhiều đơn kiện bắt đầu xuất hiện chống lại AT&T và NSA. Trong một vụ kiện năm 2006, một kỹ thuật viên về hưu của AT&T tên là Mark Klein cho biết 3 năm trước ông được phân công đến làm việc tại một căn phòng bí mật trong tòa nhà công ty ở San Francisco, nơi được NSA lắp đặt thiết bị nghe lén.
Theo Mark Klein, AT&T cung cấp cho NSA khả năng xâm nhập mạng cáp truyền dữ liệu Internet của họ phục vụ cho các công ty khác - tức là, những cuộc giao tiếp giữa khách hàng và các công ty khác đều đi qua mạng cáp của AT&T. Năm 2008, sau khi Quốc hội Mỹ thông qua luật hợp pháp hóa chương trình gián điệp của chính quyền Bush và không truy tố các công ty hợp tác với chương trình, vụ kiện của Mark Klein bị bác bỏ. Nhiều nhà hoạt động bảo vệ quyền riêng tư nghi ngờ AT&T cung cấp cho NSA bản sao các dữ liệu Internet để chọn lọc thông tin. Một tài liệu năm 2012 cũng tiết lộ NSA "xâm nhập trực tiếp" các trung tâm điều hành mạng cáp của AT&T.
Chính sự hỗ trợ đắc lực và hiệu quả từ AT&T đã giúp cho NSA có được sức mạnh gián điệp vô cùng lớn. Sự cung cấp thông tin giao tiếp giữa những người nước ngoài với nhau là quan trọng đối với NSA bởi vì những giao tiếp Internet trên thế giới đều đi qua các mạng cáp truyền ở Mỹ. Cũng theo tiết lộ từ Edward Snowden, AT&T đã giúp NSA thu thập nội dung email khách hàng trong nhiều năm. Tài liệu rò rỉ này còn cho biết vào năm 2013, AT&T đã giúp NSA xử lý 60 triệu email trao đổi giữa những người nước ngoài trong một ngày và đây là hành động tự nguyện của AT&T mà không có lệnh tòa án.