Tàu sân bay Ấn Độ và những ẩn ý ngoại giao

Thứ Hai, 18/11/2019, 09:47
Giống như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ muốn sở hữu những thứ vũ khí tốt nhất mà họ có thể mua được. Tuy nhiên, những quan ngại về hệ tư tưởng và tài chính là yếu tố then chốt trong việc lựa chọn đối tác. 5 tàu sân bay của Ấn Độ có thể thể hiện 4 giai đoạn khác nhau trong sự phát triển chính sách đối ngoại của New Delhi.

Mặc dù hiện tại Ấn Độ đang điều hành 1 tàu sân bay, nhưng New Delhi đang có kế hoạch điều hành ít nhất 3 tàu sân bay như thế, miễn là nước này có đủ khả năng tài chính. Việc xây dựng một cỗ máy quân sự lớn như vậy là một sự lựa chọn chiến lược không chỉ xét về các khía cạnh quân sự đơn thuần. 

Đối  với một đất nước như Ấn Độ, vốn cần công nghệ nước ngoài, việc xây dựng một cỗ máy quân sự nói trên cũng là một tuyên bố chính trị. Đó không chỉ là về việc tàu sân bay có thể được sử dụng để chống lại ai, mà là ai có thể hợp tác được để tiến hành các hợp đồng mua sắm các hệ thống cần thiết và ai sẽ bị gạt ra khỏi sự hợp tác này.

5 tàu sân bay của Ấn Độ, các tàu trong quá khứ, hiện tại và tương lai, có thể là sự hiện diện của 4 giai đoạn trong quá trình phát triển chính sách đối ngoại của New Delhi. Do đó, sự phát triển này sẽ không phải là một văn bản về công nghệ mà về những lựa chọn trong việc nhập khẩu công nghệ nước ngoài được gắn kết chặt chẽ như thế nào với công tác ngoại giao.

Chắc chắn, vào thời điểm này, mỗi tàu sân bay của Ấn Độ đều đang ở một giai đoạn phát triển hoàn toàn khác nhau: 2 tàu sân bay đầu tiên đã ngừng sử dụng, cái thứ 3, vốn vẫn đang hoạt động, đã làm nhiệm vụ canh gác và bảo vệ vùng lãnh hải của Ấn Độ trong những năm qua, song cái thứ 4 thì đang trong quá trình xây dựng, còn cái thứ 5 thì mới chỉ đang được lên kế hoạch. Vậy những tàu sân bay này thể hiện sự thay đổi về ngoại giao và chính trị như thế nào?

Ẩn ý 1 về ngoại giao

Hai tàu sân bay INS Viraat và INS Vikrant (R11) đều là do Ấn Độ mua lại từ Anh mà việc xây dựng hai tàu này đã bắt đầu từ thời Thế chiến II. Nếu như tàu Vikrant được New Delhi mua lại khi còn chưa hoàn thiện thì tàu Viraat được bán cho Ấn Độ chỉ sau khi tàu này phục vụ các mục đích của London trong hàng chục năm. 

Tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Ấn Độ INS Viraat.

Hiện giờ cả hai tàu sân bay này đều là "di sản lịch sử" vì cả hai đã được mua lại từ lâu: INS Vikrant được đưa vào hoạt động ở Ấn Độ năm 1961 còn Viraat từ năm 1987.

Điều thú vị là cả hai mốc năm này thuộc về thời kỳ Ấn Độ và Liên Xô có mối quan hệ hợp tác hữu nghị. Thế nhưng, những tàu sân bay mà New Delhi chỉ huy vào thời điểm đó lại là những chiếc tàu do Anh chế tạo. 

Đây là một sự nhắc nhở mang tính biểu tượng về một Ấn Độ khát công nghệ như thế nào đã thâu tóm công nghệ và tài nguyên của phương Tây ngay cả giữa lúc xảy ra Chiến tranh Lạnh (khi New Delhi rõ ràng "thân" Moscow hơn là phương Tây). Vai trò của Anh trong chương trình hạt nhân dân sự của Ấn Độ ở thời điểm này là một điều đáng lưu ý.

Ẩn ý 2 về ngoại giao

Đến đầu những năm 2000, Ấn Độ đối mặt với tình thế lưỡng nan vì các tàu sân bay cũ dự kiến sẽ sớm về hưu. Trong khi đó, tàu sân bay giúp Ấn Độ khẳng định tầm ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương cũng như là biểu tượng của vị thế của New Delhi. Vì vậy, Ấn Độ cần có tàu sân bay mới để thay thế gấp. Các lựa chọn khi ấy của Ấn Độ đều hạn hẹp. 

Vào thời điểm đó, các nước xây dựng tàu sân bay gồm Mỹ, Pháp, Italy đều xây dựng những tàu quá to so với khả năng tài chính của New Delhi. Năm 2004, Ấn Độ đã phải ký hợp đồng với Nga mua lại tàu sân bay Đô đốc Gorshkov đã cũ và không còn được sử dụng. Bản thân tàu này đáng giá "cho không", song New Delhi đã phải trả 974 triệu USD để Nga nâng cấp con tàu này theo yêu cầu của Ấn Độ trước khi bàn giao.

Thế nhưng, con tàu sân bay cũ thời Liên Xô này cũng có thể đã "đánh chìm" nhiều mối quan hệ thân thiện nồng ấm giữa Ấn Độ và Nga.

Tàu Đô đốc Gorshkov đã được sử dụng hơn 10 năm và 8 năm "đắp chiếu". Mùa đông khắc nghiệt của Nga đã tàn phá con tàu này. Nhiệm vụ của Moskva là nâng cấp Đô đốc Gorshkov từ một tàu sân bay trực thăng thành một tàu có khả năng điều hành 24 chiến đấu cơ đa nhiệm MiG-29K và 10 máy bay trực thăng Kamov đều do Nga sản xuất. 

Với giá chưa đầy 1 tỷ USD, dự án nâng cấp này nghe có vẻ quá hời, như thể chỉ có trong mơ và Ấn Độ sẽ đặt tên con tàu "mới" này là Vikramaditya, theo tên một vị vua thời xưa của nước này.

Thế nhưng, công tác chuyển giao lại bị đình trệ trong khoảng thời gian dài (tàu được đặt mua từ năm 2004 song cuối cùng mới được Ấn Độ đưa vào sử dụng năm 2013). Năm 2007, chỉ 1 năm trước thời hạn chuyển giao, xưởng đóng tàu Sevmasha của Nga đã không thể đáp ứng được thời hạn. Hơn thế, xưởng này còn yêu cầu phía Ấn Độ trả số tiền hơn gấp 2 lần để hoàn thành dự án nâng cấp, tức New Delhi phải trả tổng cộng 2,9 tỷ USD chứ không phải con số 974 triệu USD như ban đầu.

Một năm sau, dự án vẫn đang dang dở. Điều làm New Delhi bất bình hơn là một giám đốc của xưởng đóng tàu Sevmasha đề nghị Ấn Độ trả thêm 2 tỷ USD, viện dẫn "giá cả thị trường" của một tàu sân bay hoàn toàn mới vào thời điểm đó dao động vào khoảng "3-4 tỷ USD".

Tàu sân bay INS Vikramaditya (tức Đô đốc Gorshkov mua của Nga) đang chạy thử nghiệm trên biển.

Do đã "đi được nửa đường"  và đã "tiền trao" 974 triệu USD cho Moscow mà chưa được "múc cháo" nên New Delhi đành "đi tiếp" với dự án này, mà không thể bỏ. Nga nắm bắt được điều này và đã nói "toạc móng heo" để Ấn Độ có sự lựa chọn. "Nếu Ấn Độ không trả thêm, thì chúng tôi sẽ giữ lại tàu sân bay này", một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố trên Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga.

Vì vậy, dù không hài lòng về giá cả mà phía Nga yêu cầu, nhưng New Delhi không còn lựa chọn nào khác là tiếp tục mất nhiều năm ròng để thương lượng tìm ra mức giá chung mà hai bên có thể chấp nhận được. Ấn Độ có thể đã cảm nhận rằng họ đã mất rất nhiều tiền cho cỗ máy cũ kỹ này, còn Nga thì mất đi một phần danh tiếng ở New Delhi. 

Ngoài ra, khi dự án nâng cấp do xưởng đóng tàu Sevmasha thực hiện vẫn ở tình trạng đình trệ, Ấn Độ đã phải lợi dụng chuyến thăm của Tổng thống Nga khi đó là Dmitri Medvedev đến xưởng đóng tàu này vào tháng 7-2009, để ông Medvedev hạ lệnh cho tổng giám đốc xưởng phải hoàn thiện và bàn giao cho Ấn Độ.

INS Vikramaditya chắc chắn là một biểu tượng của một giai đoạn chuyển giao trong những năm 1990 và đầu những năm 2000: Đây là giai đoạn mà mối quan hệ New Delhi - Moscow phát triển từ mối quan hệ đối tác đặc biệt, được hậu thuẫn bởi hệ tư tưởng đến mối quan hệ hợp tác thực chất hơn. Nói một cách chính xác hơn, đây cũng là biểu tượng của sự thay đổi quan hệ ngoại giao Ấn - Nga. 

Sức mạnh một thời của Nga không còn là điều gì đó đáng kinh sợ ở Ấn Độ và công nghệ của Moscow không còn tiên tiến và hấp dẫn nữa. Sự  tranh cãi về giá cả đã cho thấy mối quan hệ từng ở cấp độ đặc biệt giờ trở thành mối quan hệ thực tế hơn như thế nào giống như các mối quan hệ giữa các nước thường có xu hướng chung như vậy.

Toàn bộ câu chuyện về quá trình Ấn Độ mua lại từ Nga tàu sân bay mà sau đó đặt tên là Vikramaditya này giải thích mọi lý do vì sao mối quan hệ của New Delhi với Moscow bị chệch hướng sau 50 năm Ấn Độ là bạn hàng lớn về vũ khí quân sự của Nga.

Ẩn ý 3 về ngoại giao

Tàu sân bay thứ 4, INS Vikrant, hiện đang trong quá trình xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2021. INS Vikrant là tàu sân bay đầu tiên do Ấn Độ tự xây dựng. Tàu này thuộc dự án mà New Delhi công bố từ năm 1989 nhằm thay thế 2 tàu sân bay mua của Anh đề cập ở trên. Đây là con tàu thể hiện giai đoạn phát triển thứ 3 trong chính sách đối ngoại của New Delhi về lĩnh vực mua sắm khí tài với đối tác nước ngoài.

Tàu sân bay tự chế đầu tiên của Ấn Độ INS Vikrant sẽ được hoàn thành vào năm 2021

Về mặt biểu tượng, con tàu này thể hiện đẳng cấp quốc tế hiện nay của New Delhi, mà nhiều chuyên gia bình luận sẽ gọi là "sự tự chủ chiến lược". New Delhi muốn duy trì những gì nước này có thể và những gì nước này muốn có từ mối quan hệ với Nga, song New Delhi cũng muốn thúc đẩy mối quan hệ đang phát triển hiện nay của mình với Mỹ. 

Theo đó, con tàu này sẽ thể hiện sự tổng hợp của các hệ thống nhập khẩu từ các nguồn khác nhau và sự chế tạo của riêng Ấn Độ. Một số giải pháp chính của con tàu này sẽ theo thiết kế của tàu INS Vikramaditya. Ví dụ hệ thống phóng sẽ cùng loại với INS Vikramaditya (STOBAR, hệ thống phóng hỗ trợ cất cánh và hạ cánh cho máy bay trên tàu sân bay. Hệ thống này có công nghệ đơn giản và chỉ hỗ trợ được cho các máy bay chiến đấu hạng nhẹ). 

Một số hệ thống khác trên tàu sân bay INS Vikrant sẽ do công ty cổ phần Rosoboronexport (thuộc tập đoàn nhà nước Rostec của Nga) cung cấp. Tổ hợp hàng không trên tàu sân bay được thiết kế bởi tập đoàn thiết kế tàu nổi cỡ lớn mặt nước Nevskoye Design Bureau của Nga. 

Tuy nhiên, tàu INS Vikrant được chạy bằng động cơ tuốc bin do tập đoàn General Electric của Mỹ sản xuất, cũng giống như mối quan hệ Washington - New Delhi hiện đang đẩy Ấn Độ theo các chiều hướng mới.

Ẩn ý 4 về ngoại giao

Tàu sân bay thứ 5 của Ấn Độ, mang tên INS Vishal, vẫn đang trong giai đoạn thiết kế ở thời điểm này. Do đó, vẫn chưa có nhiều thông tin về cách thức con tàu này sẽ được xây dựng như thế nào. Mặc dù vậy, quá trình xây dựng con tàu thứ 5 này sẽ mang những ẩn ý về chính sách đối ngoại của Ấn Độ hướng về Mỹ nhiều hơn.

INS Vishal sẽ trở thành tàu sân bay tự chế thứ hai của New Delhi, song nó sẽ không theo y như mô hình của Vikrant. Hệ thống phóng của Vishal sẽ là CATOBAR. Hệ thống hỗ trợ cất và hạ cánh CATOBAR có boong phẳng, khi cất cánh máy bay vẫn chạy đà như kiểu thông thường nhưng được hỗ trợ bởi máy phóng. Khi hạ cánh, máy bay được giảm tốc bằng thiết bị bắt và hãm. 

Hệ thống phóng CATOBAR giúp tàu sân bay hỗ trợ được nhiều máy bay chiến đấu cất cánh cùng lúc (kể cả máy bay hạng nặng). Hầu hết các tàu sân bay sử dụng CATOBAR đều chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tuy nhiên, Vishal cũng có thể sử dụng hệ thống phóng thế hệ mới của CATOBAR là EMALS, tức hệ thống phóng điện từ. Hiện nay, Hải quân Mỹ đang đầu tư tập trung nghiên cứu và phát triển hệ thống EMALS vì vậy Ấn Độ sẽ muốn hợp tác với Washington về lĩnh vực này. Hiện nay, một nhóm làm việc Ấn Độ - Mỹ về lĩnh vực này đã được thành lập.

Sự thay đổi hệ thống phóng có thể sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn sử dụng hệ thống máy móc. Tàu sân bay Vikramaditya sử dụng hệ thống phóng STOBAR và Vikrant cũng được thiết kế để sử dụng hệ thống phóng này và loại máy bay sử dụng trên 2 tàu sân bay này là máy bay chiến đấu đa năng MiG-29K của Nga. 

Nếu Vishal sử dụng hệ thống phóng EMALS, thì tàu sân bay thứ 5 này sẽ "song hành" với các hệ thống máy móc do phương Tây sản xuất và có khả năng hoạt động với những chiến đấu cơ hạng nặng hơn, như máy bay E-2 Hawkeye của Mỹ vốn được ví là "mắt thần" trên không đóng vai trò chỉ huy và cảnh báo cho cả phi đội tiêm kích trên tàu sân bay.

Nếu chúng ta giả sử rằng Vishal được xây dựng theo cách được suy tính hiện nay thì tàu sân bay này có thể thể hiện cho giai đoạn tương lai của chính sách đối ngoại Ấn Độ, một chính sách hiện đang ở giai đoạn mới định hình (và được chờ đợi ở New Delhi). Trong giai đoạn đó, Ấn Độ sẽ vẫn không liên kết với bất kỳ siêu cường thế giới nào, song sẽ hợp tác với Mỹ hơn bất kỳ nước nào khác.

Ngọc Hà (tổng hợp)
.
.