Thung lũng Silicon - tâm điểm mới của tình báo nước ngoài tại Mỹ

Thứ Ba, 07/08/2018, 15:05
Kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ, kết thúc Chiến tranh Lạnh, cuộc chiến tình báo giữa Mỹ và các đối thủ phương Đông vẫn là câu chuyện muôn thuở của nghề “rình rập” này. Đó là những cuộc đáp trả qua lại sòng phẳng, thậm chí có khi còn gay cấn hơn thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Cuộc cách mạng công nghệ bùng nổ đã mở ra một mặt trận mới cho cuộc chiến này. Và Thung lũng Silicon ở bang California bỗng hiện ra như một “sàn đấu” mới của cuộc chiến tình báo thời đại công nghệ cao.

Trận động đất kinh hoàng Loma Pieta ở San Francisco, bang California năm 1989 đã cướp đi sinh mạng của 63 người, hàng ngàn người bị thương. Tổng thống Mỹ George H.W. Bush đã quyết định dành một khoản ngân sách trị giá 3,5 tỉ USD cho công tác cứu trợ nạn nhân. Theo lời kể của ông Rich Smith, cựu đặc vụ phản gián của FBI phụ trách gián điệp Liên Xô giai đoạn 1972-1992, trong số các nạn nhân sống sót khi đó có một người là điệp viên ngầm của Liên Xô hoạt động dưới vỏ bọc nhà ngoại giao.

Tình báo nước ngoài đang ngày càng đông đúc ở Thung lũng Silicon.

FBI biết rõ điệp viên này. Bởi thế, khi  điệp viên này nộp đơn xin cứu trợ, Smith và một số đặc vụ khác của FBI lập tức đóng giả làm nhân viên cứu trợ liên bang đứng ra phân phối hàng cứu trợ để đối mặt với ông nhằm tìm cách lật tẩy và mua chuộc ông. “Chúng tôi có thể phát hết phần cứu trợ của ông. Hãy quay trở lại gặp chúng tôi sau nhé”.

Thế nhưng, lần thứ hai quay lại, điệp viên này đi cùng một nhà ngoại giao khác mà các đặc vụ FBI đều biết đó là Đội trưởng phản gián của Liên Xô tại San Francisco. Smith biết là kế hoạch phản gián của mình coi như kết thúc. Vì sự xuất hiện của Đội trưởng phản gián có nghĩa là “con mồi” của nhóm đặc vụ FBI đã trình báo lại cuộc “chạm trán” với cấp trên của mình, và dù sao thì họ vẫn phải đến cuộc hẹn để kết thúc câu chuyện.

Đó là một câu chuyện nhỏ mà các cựu điệp viên của CIA, FBI kể lại để nhấn mạnh rằng sự hiện diện của tình báo nước ngoài tại Mỹ trong giai đoạn mới hậu Chiến tranh Lạnh đã chuyển hướng sang Bờ Tây của nước Mỹ.

Nó không giống như những câu chuyện gián điệp xưa cũ ở vùng Bờ Đông nước Mỹ, với những cuộc hẹn tình cờ trong công viên, thả tài liệu mật trong các khu rừng ngoại ô Virginia, hay thập thò trong các đại sứ quán, cài máy nghe lén trong các tòa nhà trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Và mối bận tâm thời kỳ mới cũng mới hơn, đa dạng hơn. Đó không còn là các bí mật chính trị, quân sự, ngoại giao nữa, mà đã chuyển sang các bí quyết công nghệ, bí mật kinh tế,…

Để đạt được các mục tiêu quan tâm đó, kiểu hoạt động tình báo tại Thung lũng Silicon không còn khô cứng, sắc lạnh như trước đây, mà trở nên mới mẻ hơn, mềm mại hơn và phi truyền thống hơn.

Một cựu quan chức tình báo Mỹ nhận xét rằng: “Đó là một hình thức thu thập thông tin tình báo rất tinh vi, khéo léo, có định hướng rõ ràng và mang phong cách kinh doanh nhiều hơn”. Ở đây, “điệp viên hòa nhập hẳn vào môi trường kinh doanh hàng ngày” – cựu quan chức tình báo nói. Một cựu quan chức tình báo khác ước tính, 20% trong các vụ án phản gián gần đây nhất do FBI tiến hành có liên quan đến vùng Vịnh San Francisco, cụ thể hơn là Thung lũng Silicon.

Đã từng đặt chân đến San Francisco từ thời Chiến tranh Lạnh, tình báo Liên Xô (sau này là Nga) âm thầm duy trì sự hiện diện tại đây. Chỉ từ năm 2000 trở đi, hoạt động của tình báo Nga tại vùng Vịnh San Francisco mới bắt đầu mạnh lên.

Khi nơi đây trở thành trung tâm công nghệ cao của nước Mỹ và thế giới, với sự ra đời của Thung lũng Silicon, tình báo Nga cũng chuyển hướng, tập trung vào việc thu thập thông tin về công nghệ có giá trị, nhạy cảm và có tiềm năng kinh tế cao. Đó là những công nghệ có giá trị ứng dụng cả trong dân sự lẫn quân sự.

Bên cạnh các mục tiêu về kinh tế và công nghệ, cũng không thể thiếu mối bận tâm về chính trị. Tình báo Trung Quốc quan tâm nhiều nhất đến các bí quyết công nghệ, nhưng không vì thế mà họ bỏ qua mối bận tâm về chính trị

Theo các cựu điệp viên Mỹ, trong thập niên đầu thế kỷ XXI, đã từng có một nhân viên làm việc tại văn phòng chi nhánh San Francisco của Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein đã trở thành nội gián cho tình báo Trung Quốc, đã gửi báo cáo tình báo về Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc. Người nội gián này còn kết nối với cộng đồng người Hoa tại San Francisco. Khi bị phát hiện, anh ta chỉ bị sa thải chứ không bị truy tố.

Tiêu biểu cho hoạt động hợp tác với tình báo Trung Quốc là một phụ nữ đầy quyền lực tên Rose Pak (đã qua đời tháng 9-2016). Trong nhiều thập niên, Pak là một trong những nhà “mai mối quyền lực” nổi bật nhất ở San Francisco. Mặc dù chưa từng nắm giữ chức vụ bầu cử nào, bà ta vẫn nổi tiếng với “tài nghệ” dựng lên hoặc hạ bệ những vị tai to mặt lớn như thị trưởng, hội đồng địa phương, và luôn luôn là người thúc đẩy các hợp đồng làm ăn cho các đồng minh của mình ở khu Phố Tàu.

Theo các cựu quan chức tình báo, trong cộng đồng tình báo Mỹ từng có mối quan ngại rằng Pak có thể là một điệp viên nội gián của tình báo Trung Quốc, với những hành động tạo mọi thuận lợi, lợi ích cho cộng đồng người Hoa. Người ta còn lo ngại rằng, bà Pak đóng vai trò nhà tổ chức các chuyến đi vui chơi ở Trung Quốc với sự tham gia của nhiều chính khách nổi bật ở vùng Vịnh San Francisco, như cựu Thị trưởng San Francisco Ed Lee.

Những chuyến vui chơi dành cho các chính khách là “chiêu” mà tình báo Trung Quốc thường sử dụng để do thám và thu thập thông tin tình báo từ chính các cá nhân chính khách tham gia chuyến đi, cũng như để “chấm” các mục tiêu tuyển mộ tiềm năng. Cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá Pak có thể là một điệp viên giúp tình báo Trung Quốc gây cảnh hưởng tại San Francisco hơn là có mối quan hệ về chính trị với chính quyền Trung Quốc.

Tình báo Trung Quốc cũng biết cách dụ dỗ, mua chuộc những người làm việc bên trong các doanh nghiệp có công nghệ được người Trung Quốc quan tâm. Một số cựu quan chức tình báo Mỹ nhận xét tình báo Trung Quốc chiêu dụ người ở Thung lũng Silicon một cách rất nhẹ nhàng, khéo léo, đến nỗi các doanh nghiệp dù biết nhưng đành “bó tay”. Đơn cử trường hợp mới đây nhất, một nhân viên của Hãng Apple ở Thung lũng Silicon tên Xiaolang Zhang, bị bắt hồi tháng 7-2018 vì lấy trộm thông tin sở hữu độc quyền về sản phẩm xe ôtô tự hành của Apple để làm lợi cho ông chủ mới của mình là một đối thủ cạnh tranh của Apple đặt tại Trung Quốc. (Sau đó Zhang bị buộc tội lấy trộm bí mật thương mại, nhưng không bị cáo buộc tội gián điệp.)

Một trường hợp khác, Walter Liew, một cư dân địa phương tại San Francisco, bị buộc tội vào năm 2014 vì lấy trộm công thức chế tạo chất pha màu của Hãng DuPont rồi bán cho một doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc. Liew được xác định đã vi phạm Luật Gián điệp kinh tế (ban hành năm 1996). Tại San Francisco ngoài trường hợp Liew còn có thêm ba vụ việc khác từng xảy ra trước đó, một vào năm 2008, và 2 vụ vào năm 2006, với tính chất và phương cách tương tự.

Đổ bộ vào khu vực Vịnh San Francisco, tâm điểm là Thung lũng Silicon để tìm kiếm thông tin sở hữu trí tuệ, công nghệ mới và các bí mật kinh doanh còn có tình báo một số quốc gia khác, kể cả các quốc gia đồng minh của Mỹ.

Trong cộng đồng tình báo Mỹ hiện đang chia rẽ xung quanh việc ứng phó với cách “chơi” mới quá tinh vi của tình báo các nước đồng minh. Và đây chính là một trong những nguyên do khiến Thung lũng Silicon ngày càng trở nên “đông đúc” hơn đối với các đội quân tình báo nước ngoài.

Nguyên Khang (theo Politico)
.
.