Tiết lộ kinh hoàng từ cựu thủ lĩnh y tế của IS

Thứ Sáu, 23/03/2018, 11:06
Sau khi bị lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hồi tháng 1-2018, cựu thủ lĩnh phụ trách y tế của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Kefah Basheer Hussein vẫn tỏ ra là một người hết sức điềm tĩnh pha lẫn nét tự mãn.

Kefah Hussein luôn trả lời "không có bình luận gì" khi được phóng viên hãng tin CNN hỏi về những năm tháng u ám gia nhập Al-Qaeda ở Iraq mà thay vào đó chỉ tiết lộ về khoảng thời gian phục vụ cho bọn khủng bố IS.

Trước khi bị bắt giữ, Kefah Hussein đã rời khỏi nhóm IS được 6 tháng. Kefah Hussein đang bị giam giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ và chờ ngày xét xử.

Kẻ lộ diện từ trong bóng tối

Kefah Basheer Hussein, 39 tuổi, cho biết hắn là sĩ quan cao cấp của IS nhưng không hề tham chiến trên chiến trường mà là người tạo dựng nên cột trụ của nhóm khủng bố. Là người tài trí trong bóng tối, Kefah Hussein đã giúp IS sống còn và "biến tướng" qua nhiều năm. Kefah Hussein là bác sĩ khoa xương khớp phục vụ cho IS cũng như các nhóm tiền thân của nhóm này trong hơn 15 năm.

Trong phần lớn thời gian đó, hắn vẫn không bị các cơ quan tình báo cũng như quân đội Mỹ và chính quyền Iraq phát giác. Kefah Hussein lớn lên ở thành phố Tal Afar - nơi có đa số người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống - ở miền bắc Iraq nằm cách Mosul khoảng 63km về phía tây. Bạn bè trong nhà trường trung học mô tả Kefah Hussein là người "tham vọng", "thông minh" và "rất có tinh thần tranh đua". Giống như bất cứ thanh niên mới lớn nào luôn ấp ủ nhiều hoài bão, Kefah Hussein nhanh chóng di chuyển lên thành phố để tìm cách xây dựng sự nghiệp sau khi tốt nghiệp bậc trung học.

Năm 2003, khi quân đội Mỹ xâm lược Iraq, hắn đang được đào tạo bác sĩ khoa xương khớp ở thành phố Mosul. Lúc đó, Kefah Hussein cảm thấy căm giận tột cùng khi chứng kiến cảnh đất nước bị quân đội nước ngoài chiếm đóng. Gia đình của hắn bao gồm những thành viên cải đạo nhiệt thành.

Trong thập niên 1970, theo một người láng giềng ở Tal Afar, gia đình Kefah Hussein rời bỏ tín ngưỡng Shiite để chuyển sang dòng Hồi giáo Sunni. Vốn trung thành với phong trào Thánh chiến Hồi giáo Jihadi-Salafism, gia đình Kefah Hussein vô cùng tức giận trước những sự kiện kinh khủng diễn ra ở Afghanistan cũng như khi trở thành nhân chứng trước sự sụp đổ của Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Kefah Hussein càng thêm căm hận khi nhìn thấy quân đội Mỹ tăng cường những cuộc đột kích chống phiến quân cũng như triển khai chiến dịch săn lùng các thành viên trung thành với chính quyền Saddam.

Người láng giềng ở Tal Afar tiết lộ: "Cả gia đình của Kefah Hussein đều phản ứng dữ dội và họ nhanh chóng trở thành một phần trong nhóm người đầu tiên nổi dậy chống lại sự xuất hiện của quân đội Mỹ ở Tal Afar.  Ngôi nhà của họ được sử dụng để lên kế hoạch cho các hoạt động chống Mỹ".

Kefah Hussein lúc bị lực lượng an ninh bắt giữ khi đang trên đường đến Istanbul.

Năm 2004, Kefah Hussein bắt đầu gia nhập nhóm khủng bố Tawhid wal-Jihad của thủ lĩnh Abu Musab al-Zarqawi - người được coi là tiên phong truyền bá hệ tư tưởng Al-Qaeda ở Iraq. Kefah Hussein là người chấp nhận và tôn sùng hệ tư tưởng của al- Zarqawi. Kefah Hussein phát biểu với nhóm phóng viên CNN: "Chúng tôi chứng kiến tận mắt nhiều điều khủng khiếp do người Mỹ gây ra - cưỡng bức phụ nữ, giết người, tham nhũng".

Thậm chí, Kefah Hussein còn mạnh dạn khoe khoang hắn được bọn thủ lĩnh cao cấp của IS giao "trọng trách" quản lý các dịch vụ y tế. Đó là vai trò chính của Kefah Hussein trong suốt một thập niên tại Iraq và Syria khi mà nhóm Tawhid wal-Jihad dần dần "biến hình" thành IS.

Theo một chuyên gia về IS, Kefah Hussein từng bị cáo buộc là thành viên của Al-Qaeda nhưng chỉ bị giam giữ một thời gian ngắn ở Mosul mà không hề bị ngược đãi trước khi được thả ra. Sau đó, Kefah Hussein tiếp tục làm việc tại Bệnh viện Ibn Sina ở Mosul. Một bác sĩ cùng làm việc với Kefah Hussein mô tả hắn là con người "kỳ lạ" và "xa cách".

Năm 2014, khi chiến binh IS tấn công chiếm giữ Mosul, Kefah Hussein bắt đầu lộ diện từ bóng tối. Sau khi chiếm đóng Mosul hoàn toàn, IS lập tức hành hình vài bác sĩ và đe dọa những người khác bằng hành động bắt giữ và đánh đập dã man nếu họ từ chối điều trị cho những chiến binh bị thương hay đau ốm. Một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Ibn Sina nhớ lại Hussein từng tuyên bố chắc nịch rằng: "Nếu bất cứ bác sĩ nào bỏ chạy, chúng tôi sẽ hành hình họ ngay lập tức".

Hassan Fadel Allaf, giám đốc Bệnh viện Ibn Sina, tố cáo với tờ báo trực tuyến Rudaw ở Erbil (thủ phủ của Vùng tự trị người Kurd ở Iraq): "Hàng chục bác sĩ trong bệnh viện bị bắt giữ và hành hình ngay lập tức vì từ chối đi theo chiến binh vào căn cứ do chúng lập ở Mosul".

Hikmat Sultan, giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Công cộng Al-Salam ở Mosul, cũng bày tỏ sự phẫn nộ: "IS bắt giữ tôi vào đầu tháng 8-2014 và giam cầm tôi khoảng 20 ngày. Bọn chúng cũng quất tôi 20 roi hết sức tàn bạo vì nhiều bác sĩ khác và cả tôi từ chối đi đến Tal Afar để điều trị cho một số chiến binh bị thương của chúng".

Theo các nhân viên Sở Y tế Mosul, IS ra lệnh cho toàn bộ bác sĩ phải làm việc suốt cả ngày lẫn đêm. Nữ bác sĩ Warqa Fadil cho biết bà phải tuân lệnh IS vì lo sợ cho tính mạng của mình: "Tôi buộc phải ngoan ngoãn nghe theo chúng và đi theo chúng đến bất cứ nơi đâu và vào bất cứ lúc nào. Tôi lo sợ cho sự an toàn bản thân và tương lai của 4 đứa con đang học tại Đại học Mosul".

Hisham al-Hashimi, chuyên gia hàng đầu về IS tại Iraq, cho biết với vai trò một bác sĩ trung thành tuyệt đối với IS, Kefah Hussein giám sát chặt chẽ một số hoạt động kinh khủng nhất của IS. Để phát triển ngân hàng máu của IS, những người sắp bị bọn đao phủ khủng bố hành hình sẽ bị lấy máu, thậm chí còn có một số người bị cắt lấy cả 2 quả thận trong một số trường hợp.

Các thành viên IS bị bắt giữ khi đang trốn trong một đường hầm ở Mosul.

Al-Hashimi giải thích: "Hành động này phục vụ cho chính nhu cầu của IS, họ cần máu. Bọn chúng cho rằng nếu lấy máu từ tù nhân trong vài tuần trước khi đưa ra hành quyết thì hành động đó sẽ giúp gây suy yếu sức lực cũng như ý chí đấu tranh của họ. Còn đối với những quả thận của tử tù, IS tìm cách bán ra thị trường đen".

Một cựu quan chức cao cấp Iraq ở tỉnh Nineveh, nơi IS kiểm soát những vùng đất rộng lớn, cho biết một số xác người được phát hiện trong một số nhà xác đã bị cắt lấy mất thận.

Mối liên kết với giới thủ lĩnh IS

Khoảng 2 tháng sau khi IS nắm quyền kiểm soát thành phố, người vợ đầu tiên của Hussein rời bỏ hắn và bỏ chạy đến thủ đô Baghdad của Iraq để được an toàn hơn. Kể từ đó, Kefah Hussein không ngừng truy đuổi người vợ đồng thời phát đi thông báo đe dọa sẽ bắt cóc.

Cuối cùng Kefah Hussein lấy người vợ thứ hai - đó là cuộc hôn nhân do các thủ lĩnh hàng đầu IS sắp đặt. Cô dâu chính là con gái của một nữ bác sĩ có tầm ảnh hưởng lớn trong bộ phận điều hành nhân sự của IS. Nữ bác sĩ này được cho là thành viên trong nhóm được giao nhiệm vụ điều trị cho thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi bị thương vào năm 2015. Kefah Hussein chỉ tiết lộ với phóng viên CNN rằng vợ con của hắn còn "tồn tại".

Theo al-Hashimi, Hussein không có mối liên hệ trực tiếp với al-Baghdadi, nhưng người vợ thứ hai của hắn thì có. Al-Hashimi nói: "Đối với những kẻ như Kefah Hussein, tôi gọi chúng là 'hộp đen' của IS bởi vì chúng có quan hệ khăng khít với tầng lớp thượng lưu và lãnh đạo địa phương. Hắn thực sự không có mối quan hệ trực tiếp song nắm giữ được nhiều thông tin quan trọng. Những cá nhân như thế được coi là quan trọng vì 3 lý do chính. Chúng không có tên trong bất kỳ bản danh sách phần tử khủng bố nào. Chúng có uy tín và khả năng mê hoặc mọi người. Cuối cùng là chúng là những kẻ hoàn toàn trung thành với IS".

Bệnh viện Ibn Sina ở Mosul, nơi Kefah Hussein làm việc.

Một bác sĩ ở Deir Ezzor, thành phố lớn nhất miền đông Syria, cho biết ông gặp Kefah Hussein vào cuối mùa xuân năm 2016. Khi đó Kefah Hussein là người đứng đầu một ủy ban do al-Baghdadi lựa chọn, với nhiệm vụ thành lập bệnh viện trong ngôi làng nhỏ ở thị trấn al-Kasrah của Syria nằm giữa Raqqa - thành trì của IS - và Deir Ezzor. Bác sĩ giấu tên bình luận: "Tôi cho rằng al-Kasrah được chọn do nó nằm ở vị trí thuận lợi nhất để tiếp nhận các bệnh nhân trong giới thủ lĩnh IS đến để điều trị. Bệnh viện cũng được trang bị những thiết bị y tế tốt nhất mà IS có được".

Kefah Hussein bắt đầu đảm nhận vai trò thủ lĩnh y tế của IS sau khi người tiền nhiệm bị giết chết do trúng bom ở Mosul. Khi IS bắt đầu mất quyền kiểm soát thành phố Mosul ở Iraq, Kefah Hussein chuyển cơ sở hoạt động đến Syria giống như mọi thủ lĩnh cao cấp khác của IS và thường xuyên di chuyển giữa Raqqa và Deir Ezzor.

Hắn khai nhận: "Chúng tôi không chỉ phục vụ chiến binh IS mà còn điều trị cho cả dân thường - đó là những người nghèo khó trong khu vực". Kefah Hussein cũng thừa nhận hắn buộc phải rời khỏi IS sau khi nhận thấy nhóm này không còn đi theo "con đường đạo đức" nữa.

 Tháng 6-2017, một người dân Syria tình cờ nhận ra Kefah Hussein qua một bức ảnh tại thị trấn al-Mayadeen ở Deir Ezzor. Theo lời khai của Kefah Hussein với giới chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, hắn rời khỏi al-Mayadeen khi cuộc chiến trở nên khốc liệt. Sau đó, hắn nhập cư bất hợp pháp vào Thổ Nhĩ Kỳ qua ngõ thị trấn Tal Abyad nằm dưới sự kiểm soát của nhóm gọi là Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG).

Trong 1 tháng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Kefah Hussein sử dụng căn cước giả của một người tỵ nạn Syria. Cuối cùng hắn bị phát hiện tại một trạm kiểm soát khi hắn đang trên đường đến thủ đô thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng đi với Kefah Hussein là một người mà giới chức Thổ Nhĩ Kỳ xác định là thuộc cấp của hắn. Kefah Hussein bị bắt giữ chung với khoảng nửa chục chiến binh IS thuộc quốc tịch nước ngoài trong đó bao gồm 1 người Hà Lan và 1 người Anh đang bị truy nã gắt gao và có lệnh bắt giữ quốc tế.

Kefah Hussein nhấn mạnh: "IS không chỉ có mặt tại Iraq và Syria mà còn hiện diện tại khu vực Khorasan ở vùng Trung Á, Libya và cả Philippines cũng như châu Phi". Al-Hashimi cũng bình luận: "Thực ra, chúng ta chỉ đánh bại IS về mặt quân sự mà thôi. Nói cách khác là đã không còn thấy lá cờ IS cũng như những tòa nhà của chúng xuất hiện nữa để chứng minh sự tồn tại. Nhưng, trên thực tế IS vẫn tiếp tục hiện diện ở khắp mọi nơi trên thế giới".

An Di (tổng hợp)
.
.