Tiết lộ mới về vai trò của chính quyền Mỹ trong vụ sát hại Che Guevara
Thông tin từ trước đến nay đều xác nhận có sự dính líu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong vụ bắt giữ vị anh hùng giải phóng dân tộc Cuba Che Guevara. Nhưng vai trò sâu hơn của CIA và chính quyền Mỹ (thời Tổng thống Lyndon B. Johnson) trong vụ sát hại Che Guevara sau đó thì chưa được minh bạch. Mới đây, 2 nhà báo Mỹ là Michael Ratner và Michael Steven Smith và cho ra mắt một quyển sách mới, nhan đề “Who Killed Che? How CIA Got Away with Murder”, trong đó tiết lộ những tình tiết quan trọng cho thấy chính quyền Johnson thật sự đóng vai trò quyết định trong vụ hành quyết Che.
Washington đã "ném đá giấu tay" như thế nào?
Trong quyển sách của mình, 2 nhà báo Ratner và Steven Smith khẳng định lại rằng những gì mà CIA và giới chức chính quyền Mỹ công bố từ trước nay về cái chết của Che Guevara là giả dối, không đúng sự thật. Ratner và Steven Smith bác bỏ luận điệu dối trá của Washington lâu nay cho rằng vụ hành quyết Che Guevara là việc làm của chính quyền Bolivia lúc bấy giờ. Vậy sự thật là như thế nào?
Vào tháng 8/2011, Tòa án liên bang Mỹ tại Miami, bang Florida, đã tuyên Chính phủ Cuba phải "bồi thường" cho Guastavo Viloldo - một cựu điệp viên CIA người Cuba sống lưu vong - số tiền lên đến 2,8 tỉ USD. Theo cáo trạng của tòa án, Chính phủ Cuba phải bồi thường cho Viloldo số tiền trên là vì đã "tra tấn ông ta và khiến cho cha ông ta phải tự sát".
Một án quyết buồn cười, và dư luận báo chí quốc tế đều cho rằng "làm gì có chuyện chính quyền Cuba trả tiền cho Viloldo?" Ngược lại, chính Viloldo lẽ ra đã phải bị kết án tại Cuba vị tội lỗi đã gây ra trong quá khứ. Tội lỗi đó chính là việc Viloldo tham gia sát hại Che Guevara.
Theo Ratner và Steven Smith, Viloldo là người đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch truy lùng sát hại ông Che Guevara. Toàn bộ kế hoạch truy sát Che Guevara xuất phát từ Nhà Trắng, do một người được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện là Walt Whitman Rostow - Trợ lý đặc biệt về an ninh quốc gia của Tổng thống Lyndon B. John.
Sau đó, kế hoạch được giao cho CIA triển khai, và Viloldo là người được giao chỉ huy đơn vị lính biệt kích Bolivia trực tiếp thi hành chiến dịch. Dưới quyền Viloldo còn có một sĩ quan CIA nữa tên là Felix Rodriguez. Chính Rodriguez đã bịa ra câu chuyện về việc "tư lệnh tối cao Bolivia đã ra lệnh giết Che Guevara" nhằm che đậy bàn tay vấy máu của nước Mỹ.
Rodriguez và Viloldo đã "diễn" màn kịch vụng về nhằm làm cho thế giới thấy rằng, nước Mỹ đã "cố cứu Che Guevara" nhưng không thành công. Thế nhưng bằng chứng thực tế thì không thể chối cãi. Chính Viloldo lại "tự hào" khoe khoang rằng, mình là người đã trực tiếp bắt giữ và chứng kiến cái chết của Che Guevara.
Để minh chứng cho điều mình nói là thật, Viloldo còn chụp "ảnh lưu niệm" bên cạnh thi thể của Che Guevara, đồng thời, khi mang xác Che Guevara đi chôn, đã cắt lấy một nhúm tóc trên mái tóc dài đặc trưng của Che Guevara để làm "kỷ niệm". Sau này, khi "vã" quá, hắn đã mang nhúm tóc "kỷ niệm" ấy ra bán lấy tiền tiêu(!?).
Vilolko chụp ảnh bên thi thể của Che Guevara. |
Ngay sau khi sát hại Che Guevara, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Rostow ngoài miệng thì giả vờ bảo rằng "cái chết của Che là điều đáng tiếc", nhưng trong một bức điện mật ngay sau đó ông ta lại thể hiện điều ngược lại, chính đó là điều mà nước Mỹ mong muốn nhất. Và một mật lệnh đã được truyền cho CIA rằng, bằng mọi giá "Che phải chết".
Tại sao Che Guevara đến Bolivia?
Trong suốt chặng đường làm cách mạng, từ lần đầu gặp gỡ Fidel Castro vào năm 1955, rồi sau đó cùng tham gia lãnh đạo du kích Cuba, chiến đấu bên cạnh Fidel Castro, Che Guevara trở thành cánh tay đắc lực giúp Fidel Castro vận động ngoại giao khối 14 quốc gia Hiệp ước Bandung (gồm Morocco, Sudan, Ai Cập, Syria, Pakistan, India, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Nam Tư và Hy Lạp), Singapore, Hồng Kông và nhiều nước khác ủng hộ cách mạng Cuba cho đến khi cách mạng Cuba thành công. Trở thành nhà ngoại giao, Che Guevara luôn là tiếng nói chống Mỹ toàn diện, triệt để và mãnh liệt nhất.
Tất cả hoạt động cách mạng và những động thái chống Mỹ của Che Guevara đã khiến ông trở thành mục tiêu săn đuổi gay gắt thứ hai của CIA sau Chủ tịch Fidel Castro. CIA đã cho người theo sát gót Che Guevara, từ khi ông đến Pháp, rồi Algeria, Congo, Liên Xô, Trung Quốc và Bolivia,…
Nhiều lần CIA suýt thành công nhưng đều "trượt mục tiêu". Nhưng CIA không bao giờ buông tha cho ông, cũng như Fidel Castro - 2 nhà cách mạng mà nước Mỹ rất quan tâm lo ngại tại khu vực Mỹ Latinh thời bấy giờ.
Michael Ratner và Michael Steven Smith cho rằng lý do để Che Guevara đến Bolivia là vì ông nghĩ rằng cách mạng Cuba sẽ khó bảo vệ nếu những quốc gia xung quanh Cuba trong khu vực Mỹ Latinh không làm cách mạng giải phóng dân tộc như Cuba. Và ông đến Bolivia để xây dựng phong trào cách mạng chống lại chính quyền do Mỹ ủng hộ tại đây, vì ông nghĩ rằng ở Bolivia lúc bấy giờ điều kiện tiến hành cách mạng đã chín muồi.
Ngoài Bolivia, Che Guevara còn định đến một số quốc gia khác trong khu vực để thực hiện chủ trương cách mạng của mình nhưng đã không kịp. Ông đã bị truy kích đến bị trọng thương và bị bắt vào ngày 8/10/1967 trong một khu rừng ở Bolivia. Lực lượng truy bắt ông gồm binh lính Bolivia dưới sự điều khiển của CIA. Ngay ngày hôm sau, bọn chúng hành quyết ông