Tiết lộ mới về vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme

Thứ Ba, 15/04/2014, 16:45

Vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme đã trôi qua hơn 28 năm, nhưng đây là một vết thương vẫn còn rỉ máu. Mặc dù hơn 130 người đã khai nhận, nhưng chưa một hung thủ nào bị kết án với một bản án có hiệu lực. Tuy nhiên vào đầu tuần trước, ngay trước dịp tưởng niệm biến cố đau buồn này, báo Svenska Dagbladet của Thụy Điển đã bất ngờ đăng tải hồ sơ về những thông tin mà cố nhà văn Stieg Larsson thu thập được trong quá trình điều tra vụ ám sát ông Palme kéo dài hàng chục năm trời.

Việc công bố hồ sơ do nhà văn Larsson thu thập được đã mở lại một hướng điều tra từng được đặt ra trước đây. Tuy nhiên, chỉ dựa vào đó vẫn cực kỳ khó để khẳng định hung thủ thực sự đã giết ông Palme.

Đây được xem là vụ án hình sự quy mô nhất, tốn kém nhất lịch sử Thụy Điển khi việc điều tra gặp nhiều khó khăn vì có quá nhiều giả thuyết được đặt ra. Nguyên nhân là do ông Palme dù rất được lòng dân chúng nhưng đối với chính trường nhiều toan tính và tranh đua, ông bị coi là “một cái gai” cần phải nhổ bỏ.

Nhà văn điều tra về tình báo

Chiều tối ngày 18/2/1986, khi vừa bước ra khỏi một rạp chiếu phim ở thủ đô Stockholm cùng vợ, Thủ tướng Olof Palme đã bị một kẻ lạ mặt bắn chết. Sau khi hành động, hung thủ bỏ trốn ngay trong màn đêm mà không để lại bất cứ dấu vết gì ngoài hai vỏ đạn súng ngắn tại hiện trường. Kẻ sát nhân đã trở thành ẩn số khiến Cảnh sát Thụy Điển đau đầu trong suốt gần 30 năm qua.

Một cuộc điều tra quy mô sau đó được Hans Holmer, Giám đốc Cục Điều tra của Bộ Nội vụ Thụy Điển, đích thân triển khai rộng khắp cả nước. Suốt một năm liền, cuộc điều tra vẫn không lần ra manh mối của thủ phạm do bị nhiễu bởi nhiều tin đồn như thủ phạm có thể là thành viên của Tổ chức đấu tranh vì độc lập của người Kurd (PKK), là thành viên của đảng Công nhân châu Âu (POE), hoặc có thể là một kẻ thất nghiệp người Thụy Điển do bất mãn với chế độ.

Do chưa đưa được thủ phạm ra ánh sáng nên cái chết của ông Palme đến nay vẫn còn là một bí ẩn, và khiến cho Hans Holmer đã bị đình chỉ chức vụ vào tháng 4/1987.

Thế nhưng vẫn còn có một người quyết tâm làm sáng tỏ vụ ám sát Thủ tướng Olof Palme, đó là nhà văn Stieg Larsson. Trước khi thành danh trên văn đàn, ông Larsson là nhà báo nổi tiếng, đặc biệt thường viết về các đảng phái cực hữu của Thụy Điển. Cái chết của vị Thủ tướng được nhiều người dân yêu mến đã làm rúng động đất nước Bắc Âu này. Không ngoại lệ, ông Larsson rất quan tâm đến vụ việc và ngay lập tức dành nhiều thời gian sau công việc để điều tra.

Theo báo Svenska Dagbladet, trước khi qua đời vì một cơn đau tim, nhà văn đã giao lại cho cảnh sát 15 thùng hồ sơ. Ông bắt đầu điều tra từ những nhóm cực hữu vì đây là lĩnh vực mà Larsson rành rẽ nhất; ngoài ra, những tổ chức cực đoan cũng nằm trong số các đối tượng tình nghi.

Stieg Larsson đã thu thập rất nhiều tài liệu như địa chỉ, số điện thoại rồi xếp lại theo thứ tự để xâu chuỗi các sự kiện với nhau. Rồi ông nhanh chóng chuyển hướng điều tra sang cựu quân nhân Thụy Điển Bertil Wedin vì tìm được nhiều nguồn tin cho biết người này làm việc cho tình báo Nam Phi từ những năm 1970.

Cố Thủ tướng Olof Palme.

Stieg Larsson biết lúc sinh thời, Thủ tướng Palme là người chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi. Một điểm đáng chú ý khác là ngày xảy ra biến cố trên, điệp viên nổi tiếng của Nam Phi Craig Williamson cũng ở Thụy Điển. Năm 1982, Wedin từng thừa nhận có làm việc cho ông Williamson. Một số tài liệu do nhà văn Larsson để lại miêu tả Wedin là "sát thủ chuyên nghiệp" hàng đầu châu Âu vào thời điểm ấy, là trung gian của vụ ám sát.

Cơ sở để nhà văn Larsson hướng sự nghi ngờ vào ông Wedin là các thông tin thu thập được như: bản sao hộ chiếu cho thấy người này nhiều lần đến Nam Phi; điều kiện kinh tế khá giả; bản báo cáo ở Cộng hòa Cyprus về những lần Wedin bị cảnh sát hỏi thăm sau khi định cư tại nước này (không lâu trước khi xảy ra vụ ám sát). Ngoài ra, Wedin cũng bị tình nghi là chủ mưu vụ ám sát bạn của Thủ tướng Palme, ông Ruth First vào năm 1982.

Âm mưu "cây cổ thụ"

Một trong số các tư liệu nhà văn Larsson để lại nhắc tới chiến dịch bí mật "Cây cổ thụ", được hoạch định và triển khai bởi một tổ chức đặc biệt của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) có tên gọi tắt là SOPS, bao gồm đại diện các cơ quan tình báo quân sự của các quốc gia thành viên NATO.

Theo đó, ông Olof Palme nằm trong tầm ngắm phải loại trừ của SOPS là vì vị Thủ tướng thuộc đảng Dân chủ - Xã hội này luôn phê phán thái độ nước lớn của các quốc gia phương Tây, có hành động thiết thực nhằm giúp đỡ các quốc gia thuộc thế giới thứ ba trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

Chứng cứ để nhà văn này nghiêng về "giả thuyết thủ tiêu" của SOPS là bản sao biên bản một cuộc họp, được đóng dấu tuyệt mật của SOPS, được tổ chức vào tháng 11/1985 - 3 tháng trước khi xảy ra vụ ám sát. Biên bản cuộc họp bí mật này ghi nhận rằng, việc Thụy Điển cung ứng chất uranium 235 đã được làm giàu cho Ấn Độ để quốc gia Nam Á này có thể triển khai các chương trình phòng thủ bằng vũ khí hạt nhân là một hành động đi ngược lại lợi ích của NATO.

Điểm quan trọng nhất của biên bản  cuộc họp này là việc ông Olof Palme luôn tìm cách đóng cửa các căn cứ quân sự của NATO trên lãnh thổ Thụy Điển ở vùng biển Baltique, vốn được xây dựng để theo dõi hoạt động các đội tàu ngầm của Liên Xô, với lý do là muốn phi hạt nhân hóa vùng biển Baltique. Ngoài ra, ông Olof Palme còn muốn đóng cửa luôn hai trạm thu thập thông tin tình báo điện tử Musko và Kariskfona của NATO nằm ở phía bắc Thụy Điển.

 Nhân dân Thụy Điển bày tỏ lòng tiếc thương đối với cố Thủ tướng Olof Palme.

Cho rằng những hành động của ông Olof Palme sẽ gây phương hại đến việc bố phòng của NATO nên SOPS quyết định triển khai một chiến dịch có mật danh "Cây cổ thụ" để loại trừ ông bằng phương án tổ chức ám sát. Và nếu không thành công thì chuyển ngay sang phương án thứ hai là tạo nên những bất ổn trên chính trường Thụy Điển để lật đổ Olof Palme.

Theo tiết lộ, một nhóm hành động gồm 2 nhân viên CIA và 6 nhân viên của Cơ quan Tình báo quân sự Thụy Điển có trách nhiệm tạo ra các tình huống để một sát thủ tiến hành ám sát ông Olof Palme. 8 thành viên của toán hành động này có mật danh Host P, P.G, C.N, Gorane, MATSL, CUW. P.S và viên chỉ huy có mật danh "Tướng quân".

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của chiến dịch "Cây cổ thụ" là tìm ra một sát thủ không phải là người của NATO để trực tiếp ám sát ông Olof Palme. Đến đầu tháng 12/1985, một sát thủ chuyên nghiệp người Iran, tên là Nass Beirut, vốn là cựu nhân viên của Savak, cơ quan mật vụ khét tiếng của Iran trước đây, từng được CIA huấn luyện, đã được bổ sung cho toán hành động.

Sau khi cùng nhau tập dượt các tình huống để ám sát ông Olof Palme tại một căn cứ quân sự của NATO ở vùng Wiltshire, miền Bắc nước Anh, đến giữa tháng 1/1986, toán hành động được đưa vào lãnh thổ Thụy Điển qua nhiều con đường khác nhau để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ.

Biết rằng Thủ tướng Olof Palme luôn có thói quen cùng vợ đi xem phim, nghe nhạc, xem kịch sau giờ làm việc với rất ít nhân viên bảo vệ đi kèm nên sau khi được nhân viên nội ứng làm việc tại văn phòng Thủ tướng thông báo về việc ông này sẽ đi xem phim cùng vợ vào chiều tối ngày 18/2/1986, nên SOPS ra lệnh cho toán hành động triển khai phần quan trọng nhất của chiến dịch - sát hại ông Olof Palme.

Trưa ngày 17/2/1986, Licio Gelli, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng của Italia và là chỉ huy luân phiên của SOPS vào năm 1986, đã gửi một bức điện mật cho Philip Guarino, Chủ tịch Ủy ban tình báo của Thượng viện Mỹ, có nội dung: "Cây cổ thụ của Thụy Điển sẽ bị đốn ngã vào ngày mai". Quả thật vào chiều tối ngày hôm sau, Thủ tướng Olof Palme đã bị một kẻ lạ mặt bắn chết bên ngoài một rạp chiếu phim ở thủ đô Stockholm. Và như vậy, kế hoạch "Cây cổ thụ" đã thành công.

Những nghi ngờ còn ở lại

Khi Thủ tướng Palme bị sát hại, Cảnh sát Thụy Điển có hàng chục hướng điều tra để triển khai cả trong và ngoài nước, thậm chí còn đưa ra giả thuyết hung thủ là một kẻ có vấn đề về tâm lý, hành động đơn độc.

Theo báo Svenska Dagbladet, từ năm 1986 đến nay có hơn 11.000 người bị xét hỏi, trong đó có 130 người tự nhận là thủ phạm. Do tính chất phức tạp của vụ án, hồ sơ thu thập được trong gần 30 năm qua xếp đầy số kệ dài hơn 200m. Lượng tài liệu như thế phải mất khoảng 10 năm mới đọc hết với điều kiện mỗi ngày đọc 300 trang. Chính phủ Thụy Điển đã chi hơn 50 triệu euro cho quá trình điều tra.

Các tư liệu của nhà văn Larsson tiếp tục đưa ra những nghi ngờ mới khi tiết lộ những dấu hiệu bất thường liên quan tới đồn cảnh sát chịu trách nhiệm về an ninh ở trung tâm Stockholm vào đêm ông Palme bị sát hại. Đây là một đồn có nhiều cảnh sát có tư tưởng cực hữu, trong đó có người công khai thừa nhận thù ghét Palme. Một ban điều tra án mạng không được điều tra vụ này, mà đích thân Giám đốc Hans Holmer đảm nhận việc phụ trách điều tra. Trong công việc này, ông Holmer hoàn toàn không có kinh nghiệm, nhưng nổi tiếng là một người thuộc đảng Dân chủ - Xã hội mang tư tưởng cánh hữu.

Holmer khẳng định không ở Stockholm vào buổi tối mà ông Palme bị bắn chết. Nhưng Rolf Dahlgren, lái xe cho các chính khách và các nhân viên mật vụ, đã bác lại sự khẳng định này. Ông cho biết đã chở Holmer đi quanh Stockholm tối hôm đó.

Đặc biệt, ông đã nhiều lần đưa Holmer tới gần hiện trường để gặp gỡ nhân viên bí mật. Sau một lần gặp, Holmer kể với người lái xe là Olof Palme vừa bị bắn chết. Vì sao ông ta biết điều đó? Bảy phút sau vụ án mạng, trước khi cảnh sát xuất hiện, Holmer đã bảo Dahlgren đi chầm chậm qua hiện trường, nhưng ông ta không ra khỏi xe. Dù tỏ ra nhạc nhiên, nhưng Dahlgren buộc phải im lặng.

Nhiều năm sau, Dahlgren đã kể lại sự việc cho một nghị sĩ Quốc hội. Khi thông tin này được điều tra, Dahlgren bị gây sức ép phải phủ nhận việc đã cùng với ai ở hiện trường đêm hôm đó. Và đột nhiên Dahlgren bị chết trong những tình huống mờ ám. Bạn đời của ông, cũng là một cảnh sát, đã phát hiện ông chết bên nhiều chai rượu. Bà tin rằng đây không phải là một cái chết tự nhiên, vì Dahlgren ít uống rượu và nếu uống thì uống loại rượu có nhãn hiệu khác.

Nghị sĩ Jerry Martinger thuộc đảng Bảo thủ đối lập mà Dahlgren kể lại điều bí mật quyết định tiếp tục theo đuổi vụ việc. Nhưng ông bị cảnh báo sẽ phải hứng chịu hậu quả. Khi ông gửi báo cáo lên Viện công tố Tối cao thì cũng là lúc ông bị tố cáo quấy rối tình dục người khác trong một phòng điện thoại. Không cần có bằng chứng, ông bị kết tội và mất chức nghị sĩ Quốc hội.

Nhận định về những chi tiết mới này, nhà điều tra Edqvist thừa nhận: "Có nhiều điều bất ổn. Có lẽ chính phủ lo ngại rằng những thông tin nhạy cảm sẽ lọt ra ngoài. Rốt cuộc, vào thời điểm bấy giờ, Thủ tướng Palme là một người gây nhiều tranh cãi". Trong khi đó, gia đình ông Palme lại vẫn tin rằng Pettersson, một kẻ nghiện rượu, nghiện ma túy và có tiền án, tiền sự chính là hung thủ đã sát hại Thủ tướng.

Nhưng có lẽ không bao giờ có thể biết được sự thực vì Pettersson đã qua đời từ năm 2004, và hồ sơ về nhân vật này đã biến mất. Và như thế, thủ phạm thực sự của vụ án cho tới tận bây giờ vẫn là một ẩn số …

Trần Quân - Việt Dũng (tổng hợp)
.
.