Tình báo Canada đối phó với mạng lưới gián điệp Mỹ

Thứ Tư, 08/04/2015, 06:40
Từ năm 2004 đến 2014, chính quyền Ottawa đã trục xuất 5 gián điệp Mỹ trong tổng số 21 người bị phát hiện ở Canada vì "hành động gián điệp chống Canada hay đi ngược lại các lợi ích của Canada" - theo tài liệu do Cơ quan Kiểm soát Biên giới Canada (CBSA) công bố. Đứng đầu bản danh sách các điệp viên hoạt động tại Canada là Mỹ và sau đó đến Trung Quốc, Ấn Độ và Thụy Điển.

Giám đốc Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) Michel Coulombe trong bài phát biểu trước một ủy ban Thượng viện ngày 3/2/2014 đã nhận định: "Từ lâu, chúng ta đã nhận thức được các khả năng công nghiệp, nguồn tài nguyên phong phú cũng như sự kết nối chặt chẽ với các đồng minh thân thiết của Canada đã khiến đất nước chúng ta trở thành mục tiêu của các thế lực thù địch”.

Michel Juneau-Katsuya, cựu Giám đốc CSIS và hiện là lãnh đạo Công ty tư vấn bảo mật Northgate Group, cho biết, đối với nhiều người Canada thì "con số gián điệp nước ngoài bị trục xuất trong những năm qua thật đáng báo động. Và người Canada cũng không muốn các quốc gia láng giềng gián điệp chúng ta. Họ là bạn bè nên không thể hành động như thế".

Tuy nhiên, Juneau-Katsuya cũng nhắc lại giai đoạn ông còn lãnh đạo CSIS (từ năm 1984 đến 2000), cơ quan này đã xác định được 3 - 4 gián điệp Mỹ hoạt động trên đất Canada.

Trong một cuộc phỏng vấn ông nói rằng: "Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cục Tình báo trung ương (CIA) đã âm thầm tiến hành những chiến dịch tình báo ngay trong lãnh thổ Canada mà không hề có sự chấp thuận từ chính quyền sở tại. Vấn đề nằm ở chỗ người Mỹ cũng là đồng minh thân thiết của Canada".

Juneau-Katsuya cho biết khi tiếp xúc với người Mỹ, giới doanh nhân cũng như chính khách Canada không hề cảnh giác hay đề phòng như khi làm việc với những người mang quốc tịch Nga hay Trung Quốc.

Canada là mục tiêu gián điệp bởi vì đất nước này có nền kinh tế dựa trên tri thức. Trên hết, Canada cũng là nơi tổ chức những sự kiện lớn của các tổ chức quốc tế quan trọng như G20, G8, NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), NORAD (Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ) và Liên Hiệp Quốc.

Trụ sở CSIS ở Ottawa, bang Ontario.

Sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001, tuyệt đại đa số nguồn lực của CSIS đều tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố cho nên có phần lơ là trước hoạt động gián điệp của nước ngoài.

CSIS là cơ quan tình báo dân sự với nhân lực vào khoảng 2.449 người và ngân sách hàng năm là trên 500 triệu USD. CSIS cũng có nhiệm vụ kiểm soát người nhập cư bất hợp pháp vào Canada tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

Một số vụ án gián điệp được chính quyền Canada phát hiện trong những năm qua bao gồm một người Nga mang tên giả là Paul William Hampel bị bắt giữ tháng 11/2006. Hay vụ cựu sĩ quan hải quân Canada Jeffrey Paul Delisle bị tuyên án 20 năm tù giam vì tội làm gián điệp cho người Nga.

Mới đây nhất, chính quyền Canada trục xuất một người Mỹ tên là Matt de Hart (được cho là hacker của nhóm Anonymous) về Mỹ, nơi người này bị truy nã vì tội rò rỉ thông tin nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia.

Năm 2013, Ottawa cũng bắt giữ kỹ sư hải quân người Canada gốc Trung Quốc Qing Quentin Huang vì tội thu thập thông tin về công nghệ đóng tàu cho Bắc Kinh, vi phạm Luật Bảo mật Thông tin của Canada.

Chính quyền Ottawa thường chọn cách giữ im lặng về những vụ án gián điệp mà chỉ lên tiếng về những vụ "tội phạm" nhằm tránh tình trạng "ăn miếng trả miếng" leo thang theo những vụ trục xuất.

Theo các tài liệu do CBSA cung cấp, Mỹ là quốc gia có số lượng người bị chính quyền Canada trục xuất nhiều nhất.

Từ năm 2004 đến 2014, mỗi năm Ottawa đều trục xuất về Mỹ hàng ngàn "tội phạm" mang quốc tịch nước này - cao nhất là 3.602 người năm 2007 và thấp nhất là 2.332 người năm 2014. Sau đó đến Mexico từ 19 đến 145 người bị trục xuất trong hơn một thập niên. Anh, Ấn Độ, Jamaica, Phillippines, Ba Lan và Hàn Quốc có số người bị trục xuất khỏi Canada mỗi năm chỉ chiếm 2 chữ số.

Thiên minh (tổng hợp)
.
.