Tình báo Đức đóng vai trò tích cực trong cuộc chiến Iraq?

Thứ Hai, 20/03/2006, 08:52

Trong việc cung cấp tài liệu mật về kế hoạch phòng thủ của Tổng thống Saddam Hussein trước khi Mỹ tấn công Iraq, các viên chức tình báo Đức đã tình nguyện giúp đỡ liên minh gây chiến do Mỹ cầm đầu nhiều hơn những gì Chính phủ Đức thừa nhận cho đến thời điểm hiện nay...

Theo một tài liệu tuyệt mật do quân đội Mỹ thực hiện nghiên cứu, 2 nhân viên tình báo Đức tại Baghdad đã tìm cách đánh cắp được bản sao kế hoạch phòng thủ của Iraq, mà sau đó một viên chức Đức đã chuyển giao cho các tư lệnh chiến trường Mỹ khoảng 1 tháng trước khi Mỹ tiến quân vào Iraq. Trong việc cung cấp tài liệu này, tình báo Đức đã chứng minh họ đem đến sự giúp đỡ đáng kể cho Mỹ hơn Chính phủ Đức từng thừa nhận.

Bản sao kế hoạch ấy mở ra cho quân đội Mỹ một cánh cửa sổ tuyệt vời, nhằm xem xét thấu đáo mọi nước cờ phòng thủ của các nhân vật chóp bu trong chính quyền Saddam, kể cả ông Hussein chuẩn bị triển khai lực lượng đặc biệt trung thành với ông ở đâu và như thế nào.

Như vậy có thể nghi ngờ những tuyên bố về lập trường trung lập đối với cuộc chiến Iraq của Chính phủ Đức. Trên bình diện ngoại giao, Chính phủ Đức là một nhà chỉ trích cực kỳ huyên náo đối với quyết định dùng vũ lực quân sự lật đổ chế độ Saddam Hussein của Chính phủ Bush. Dù có nhân viên tình báo tại Baghdad suốt thời gian chiến tranh, Chính phủ Đức vẫn nhất mực bảo rằng họ chỉ giúp “rất hạn chế” cho liên minh do Mỹ cầm đầu.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 23/2/2006, các viên chức Đức nói đa phần sự trợ giúp chỉ giới hạn trong việc nhận dạng các địa điểm dân sự sao cho chúng không bị rải bom nhầm. Tuy nhiên, nghiên cứu tuyệt mật của quân đội Mỹ có ghi nhận những sự trợ giúp “thật sự quan trọng” từ phía tình báo Đức.

Trước khi cuộc chiến Iraq xảy ra quan hệ Đức – Mỹ cực kỳ căng thẳng. Trong chiến dịch tranh cử chính trị của mình vào năm 2002, Thủ tướng Đức Gerhard Schroder khi ấy cảnh báo nguy cơ gây hấn Iraq và thề rằng Đức sẽ không tham gia. Để trả đũa, Tổng thống Bush từ chối gọi điện chúc mừng theo nguyên tắc xã giao khi ông Schroder giành phần thắng chiếc ghế thủ tướng vào tháng 9 năm đó. Phiền lòng bởi lập trường phản đối của Đức và Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald H. Rumsfeld mỉa mai gọi họ là “châu Âu già cỗi”.

Tuy vậy, quan hệ tốt đẹp và lâu bền giữa các cơ quan tình báo Mỹ và Đức vẫn không có gì sứt mẻ. Lúc quân đội Mỹ chuẩn bị tấn công Iraq, các nhân viên tình báo Đức triển khai hoạt động tại thủ đô Baghdad. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của họ là tìm bằng được kế hoạch phòng thủ Baghdad của Tổng thống Saddam Hussein.

Nhưng ngày 18/12/2002, ông Saddam Hussein mở cuộc họp gấp với các tướng lĩnh để đưa ra một chiến lược, trong đó có cả một kế hoạch mới sẽ được tiết lộ. Trong số những người tham dự có Qusay Hussein, con trai Saddam lúc đó là Tổng chỉ huy lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iraq; Tham mưu trưởng Vệ binh Cộng hòa Iraq – Thiếu tướng Sayf al-Din Fulayyih Hasan Taha al-Rawi; và nhiều tướng khác trong lực lượng tinh nhuệ đó. Chỉ thị của ông Hussein là tập hợp binh sĩ dọc theo các vành đai phòng thủ quanh thủ đô, kể cả một “tuyến lửa” mà Vệ binh Cộng hòa có thể sẽ cố thủ đến cùng.

Tài liệu tuyệt mật của quân đội Mỹ, do Bộ Tư lệnh Liên quân Mỹ soạn thảo, có đề cập hẳn một phần quy định trách nhiệm của tình báo Đức trong việc lấy bằng được kế hoạch phòng thủ của Saddam để biết rõ chiến lược quân sự của Iraq. Bản kế hoạch này ngay sau đó được chuyển tới vị chỉ huy chiến trường cao nhất của Mỹ lúc đó là tướng Tommy R. Franks. Các tướng lĩnh chỉ huy chiến trường tại Tổng hành dinh lúc đó bắt đầu nghiên cứu bản kế hoạch cùng với Ban tình báo J-2 của Tư lệnh trung tâm chiến trường.

Kế hoạch phòng thủ Baghdad, theo tường trình của Nhóm Khảo sát Iraq, nằm trong chuẩn hệ thống chiến lược dạy cho các sĩ quan Iraq tại Anh và được huấn luyện theo khuôn mẫu Anh tại Pakistan thời thập niên 50 của thế kỷ trước. Không rõ ai đã lên kế hoạch này, nhưng theo các cựu sĩ quan Iraq, rõ ràng nó được ông Hussein và các tướng lĩnh trung thành nhất duyệt. Tất nhiên có một số tướng lĩnh Iraq nghi ngờ tính hiệu quả của kế hoạch. Nhưng con trai Qusay của Saddam Hussein cắt ngang việc tranh luận. Cựu tướng lĩnh Tư lệnh Vệ binh Cộng hòa trả lời thẩm vấn của các sĩ quan Mỹ: “Qusay thét lên rằng kế hoạch đã được Saddam thông qua, và “nhiệm vụ của tôi bây giờ đây là biến nó thành hiện thực”

Nhật Lê (Tổng hợp từ Spiegel online)
.
.