Tình báo Mỹ giám sát chặt chẽ hàng triệu tài xế ôtô

Thứ Hai, 16/02/2015, 05:05
Mục tiêu ban đầu của chương trình giám sát biển số ôtô do Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ (DEA) tiến hành là nhằm phát hiện và bắt giữ nhanh chóng những chiếc xe, tiền mặt cũng như tài sản bất hợp pháp khác liên quan đến tội phạm ma túy. Nhưng, về sau cơ sở dữ liệu được sử dụng mở rộng để săn lùng những loại tội phạm khác - từ bắt cóc, giết người cho đến nghi can cưỡng bức.

Nhiều cơ quan hành pháp bang và liên bang cũng cung cấp thông tin cho cơ sở dữ liệu DEA nhằm mục đích phục vụ công tác điều tra tội phạm.

Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu của DEA cũng dẫn đến những vấn đề mới liên quan đến quyền riêng tư công dân cũng như mức độ quy mô của chương trình gián điệp.

Sự tồn tại của chương trình và quy mô của nó được mô tả trong những cuộc phỏng vấn các quan chức đương nhiệm và về hưu của chính quyền Mỹ, cũng như trong số tài liệu mà Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU) có được thông qua Luật Tự do Thông tin (FOIA).

Người phát ngôn cho Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ), tổ chức lãnh đạo DEA, cho biết chương trình giám sát biển số ôtô phù hợp với luật pháp liên bang trong phòng chống và bắt giữ tội phạm.

Thông tin chi tiết về mỗi chiếc ôtô lưu thông ở Mỹ đều nằm trong cơ sở dữ liệu của DEA.

Chương trình thu thập dữ liệu về sự di chuyển của ôtô trên khắp nước Mỹ - bao gồm: thời gian, hướng di chuyển và vị trí - được tiến hành với hàng loạt camera công nghệ cao được triển khai trên những quốc lộ chính có vị trí chiến lược.

Nhiều thiết bị cũng thu thập hình ảnh tài xế và hành khách đôi khi đủ rõ để xác định nhân dạng. Năm 2011, DEA có khoảng 100 camera phục vụ chương trình giám sát.

Một tài liệu nội bộ không đề ngày tháng của DEA cho biết vào năm 2010 cơ sở dữ liệu giúp bắt giữ 98kg cocaine, 8.336kg cần sa và tịch thu 866.380 USD.

Cơ sở dữ liệu DEA cũng liên kết với hệ thống gọi là Amber Alert (cảnh báo khẩn cấp khi có tình huống nguy hiểm) giúp chính quyền bang và liên bang nhanh chóng tìm thấy những đứa trẻ bị bắt cóc.

Chương trình cơ sở dữ liệu quốc gia về ô tô của Mỹ được phát động từ năm 2008 và mở rộng đến chính quyền bang và địa phương một năm sau đó.

Mục tiêu ban đầu là theo dõi những chiếc ôtô lưu thông tại Mexico hay gần biên giới với Mexico nhằm phát hiện nhanh sự di chuyển của ma túy và tiền từ mua bán ma túy.

Nhiệm vụ tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu được giao cho Trung tâm Tình báo El Paso (EPIC) ở bang Texas giáp giới với Mexico.

EPIC có đội ngũ nhân viên túc trực 24/24 để nhập và gửi thông tin về những biển số ôtô có vấn đề. Nỗ lực ban đầu được triển khai ở các bang biên giới như Arizona, California, Nevada, New Mexico và Texas trước khi được mở rộng ra nhiều bang khắp nước Mỹ.

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy.

Tuy nhiên, giới chức chính quyền Mỹ không tiết lộ thực tế có thêm bao nhiêu bang khác tham gia cung cấp thông tin cho cơ sở dữ liệu của DEA vì lý do lo ngại thông tin nhạy cảm có thể giúp cho bọn tội phạm tránh né được sự giám sát.

Tại buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ năm 2012, DEA báo cáo cơ sở dữ liệu của họ được xây dựng để giám sát những chiếc ôtô được sử dụng để chuyển tiền ma túy và các con đường vận chuyển ma túy ở vùng biên giới với Mexico, đặc biệt theo dõi những con đường liên bang được bọn tội phạm sử dụng như là Quốc lộ 15 ở bang Utah hay Quốc lộ 95 ở bang New Jersey.

Người phát ngôn DOJ cũng cho biết thời gian lưu trữ thông tin trong cơ sở dữ liệu của DEA hiện nay được giảm xuống chỉ còn 3 tháng so với 2 năm như trước đây. Ngoài ra, DEA cũng chia sẻ dữ liệu với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP).

Tiết lộ về cơ sở dữ liệu biển số ôtô của DEA diễn ra ngay sau những thông tin rò rỉ trong những tháng gần đây liên quan đến DOJ cũng như các cơ quan khác do tổ chức này điều hành như là Tổng cục Thi hành luật pháp Liên bang Mỹ (US Marshal Service - USMS).

Tháng 11/2014, tờ The Wall Street Journal đưa tin USMS triển khai trên bầu trời những chiếc máy bay mang theo các thiết bị mô phỏng tháp tín hiệu viễn thông để thu thập thông tin liên quan đến điện thoại di động của công dân Mỹ được cho là nhằm phục vụ công tác truy tìm tội phạm.

Tuy nhiên, DOJ tuyên bố chương trình của USMS là hợp pháp! Đầu năm nay, một tài liệu tòa án tiết lộ hơn chục năm nay DEA đã thu thập dữ liệu điện thoại di động của công dân Mỹ gọi ra nước ngoài để truy lùng tội phạm ma túy.

Chương trình được tiến hành mà không chịu sự giám sát của tòa án này sau đó đã bị hủy bỏ vào năm 2013.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Patrick Leahy, cựu Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh chương trình sử dụng thiết bị đọc biển số ôtô của DEA "làm tăng thêm đáng kể mối lo ngại về quyền riêng tư" đồng thời kêu gọi thực thi "trách nhiệm giải trình".

Trung tâm Tình báo El Paso (EPIC) ở bang Texas.

Jay Stanley, chuyên gia phân tích chính sách của ACLU, bình luận: "Bất cứ cơ sở dữ liệu nào theo dõi và lưu trữ thông tin chi tiết về vị trí của những người Mỹ vô tội là vấn đề đáng quan ngại về quyền riêng tư".

Clifford Fishman, giáo sư Khoa Luật chuyên về gián điệp kỹ thuật số Đại học Công giáo Mỹ ở Washington, nhận xét: "Công nghệ hiện nay cho phép theo dõi, chụp ảnh hay quay video và thông tin được lưu trữ mỗi khi chúng ta rời khỏi nhà".

Diên San (tổng hợp)
.
.