Tình báo Mỹ "xúi" Israel hạn chế hợp tác tình báo với ông Trump

Thứ Năm, 19/01/2017, 22:50
Có vẻ như cuộc đối đầu giữa tình báo và Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ không dừng lại ở bên trong nước Mỹ mà đang bắt đầu bung ra thế giới: Xúi giục các cơ quan tình báo nước ngoài không hợp tác với ông Trump khi ông lên nắm quyền.

Các thảo luận tại các diễn đàn bí mật diễn ra gần đây đã làm tăng nỗi lo ngại nguy cơ những thông tin tối mật của tình báo Israel, bao gồm các kế hoạch tác chiến bí mật và các nguồn thông tin tình báo chia sẻ với người Mỹ trong suốt 15 năm qua, có thể rò rỉ cho người Nga và sau đó sẽ được chia sẻ cho Iran.

Nguyên do của nỗi lo ngại đó xuất phát từ những nghi ngờ về quan hệ bí mật giữa ông Trump với Điện Kremlin. Tình báo Mỹ cho rằng, giữa tình báo Nga và Iran có những mối quan hệ hợp tác khá chặt chẽ, và việc chia sẻ thông tin tình báo giữa cộng đồng tình báo hai nước này diễn ra thường xuyên.

Tình báo Israel được cảnh báo hạn chế hợp tác với ông Trump vì lo ngại việc ông hợp tác với Nga, Iran.

Nhiều quan chức tình báo Mỹ từng bày tỏ sự thất vọng đối với việc ông Trump thắng cử, và nhất là việc ông thường có lời lẽ căng thẳng nhắm vào cộng đồng tình báo nước này. Các quan chức tình báo Mỹ cũng "bắn" cho các đồng nghiệp người Israel rằng, cơ quan tình báo tín hiệu NSA "có thông tin đáng tin cậy" và rằng các cơ quan tình báo Nga - FSB và GRU - là những cơ quan phải chịu trách nhiệm cho các vụ hacker đột nhập vào hộp thư của DNC trong thời gian diễn ra các cuộc bầu cử và lấy trộm, rò rỉ những thông tin nhạy cảm cho trang WikiLeaks, từ đó tạo nên hình ảnh không tốt trong cử tri, dẫn đến sự thất bại của ứng cử viên Hillary Clinton.

Chưa thôi, các quan chức Mỹ còn nhấn mạnh thêm rằng, Tổng thống Nga Putin nắm giữ "chìa khoá" thao túng ông Trump nhưng ông đã không làm như thế. Điều mà người Mỹ muốn nhấn mạnh chính là việc truyền thông Mỹ làm ầm ĩ thông tin về việc tình báo Nga đã thu thập được những thông tin bất lợi và lưu giữ chúng để "kiểm soát" Tổng thống đắc cử Trump.

Thông qua câu chuyện này, người Mỹ muốn ám chỉ rằng, các đồng nghiệp Israel của họ cần "thận trọng" khi chuyển thông tin tình báo đến Nhà Trắng và Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) vốn cũng do Tổng thống chủ trì. 

Những người Israel tham gia cuộc họp giữa tình báo Israel và Mỹ cho rằng các quan chức Mỹ gợi ý Israel nên tránh tiết lộ các nguồn tin nhạy cảm cho các quan chức chính quyền Mỹ, chừng nào vẫn chưa làm rõ được các mối quan hệ bí mật giữa ông Trump với nước Nga và việc ông có bị "giật dây" hay không. Vì khi đó, thông tin tình báo nhạy cảm rất có thể sẽ được chuyển đến Iran thông qua tình báo Nga. Nếu các bí mật của Israel bị lộ, đây sẽ là một mối nguy cho an ninh của Nhà nước Do Thái.

Từ những năm đầu thế kỷ XXI, sự hợp tác giữa cộng đồng tình báo Mỹ với tình báo Israel luôn được tăng cường, được dẫn dắt bởi các ông Aharon Ze'evi Farkash - Giám đốc Tình báo Quân đội (AMAN), các Giám đốc MOSSAD Meir Mogan (đã qua đời) và Tamir Pardo - người từng chỉ huy các  đơn vị tình báo bí mật hợp tác với tình báo Mỹ. Phần lớn các hoạt động liên kết giữa tình báo hai nước Mỹ-Israel đều được định hướng chống lại Iran, một phần nhỏ còn lại là chống Hezbollah và Hamas.

Ký kết hợp tác giữa tình báo Mỹ và tình báo Israel.

Quan hệ này khăng khít nhất dưới thời các Thủ tướng Ariel Sharon và Ehud Olmert, vì những người này có quan hệ thân thiết với Tổng thống Mỹ George W. Bush. Năm 2008, chính quyền của Tổng thống Mỹ George W. Bush và chính quyền của Thủ tướng Israel Ehud Olmert đã đạt được một thoả thuận chính thức về hợp tác toàn diện giữa hai cộng đồng tình báo, trong đó bao gồm cả việc thông báo cho nhau về nguồn thông tin và phương pháp hành động. Mức độ hợp tác này được mô tả như "không còn gì để che giấu cả".

Sự hợp tác sâu sắc này đã cho ra nhiều kết quả rất ấn tượng, trong đó có những vụ phá rối làm ngưng trệ chương trình hạt nhân của Iran. Đó là chiến dịch hợp tác mang tên Olympic Games, trong đó có việc tạo ra các virút máy tính như Stuxnet tấn công vào hệ thống máy tính của các lò phản ứng hạt nhân của Iran và làm cho chúng ngưng hoạt động.

Truyền thông Israel còn cho biết, vụ ám sát chỉ huy Hezbollah Imad Mughniyah ở Damascus vào năm 2008 là sự phối hợp hành động của MOSSAD và CIA. Khi các cuộc đàm phán bí mật giữa Mỹ và Iran về thoả thuận hạt nhân bắt đầu vào năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh chấm dứt mọi hành động gây hấn đối với Iran. Tuy nhiên, điều này không cản trở sự hợp tác chia sẻ thông tin chiều sâu giữa tình báo Mỹ và Israel.

Trong cuộc họp với các đồng nghiệp Israel - như đã nói ở phần trên - các quan chức tình báo Mỹ còn chỉ cho tình báo Israel thấy một số thông tin về hoạt động bí mật của Mỹ ở Iran đã bị tiết lộ trong tài liệu do Edward Snowden cung cấp cho trang WikiLeaks. Tình báo Mỹ tin rằng Snowden đã chuyển giao thông tin cho tình báo Nga - như một điều kiện thoả thuận để cho tị nạn - và một phần của những thông tin đó đã được trao cho Tehran trong hoạt động hợp tác, chia sẻ thông thường giữa Nga và Iran.

Và các quan chức tình báo Mỹ kết luận: Tất cả chỉ nhằm phục vụ mục tiêu cuối cùng là khôi phục vị thế và ảnh hưởng của nước Nga tại Trung Đông.

CIA lập đội đặc trách điều tra ông Trump

Theo BBC News, vào năm 2016, CIA đã thành lập một đơn vị đặc trách phản gián do cơ quan này chủ trì để điều tra các mối quan hệ bí mật giữa ông Donald Trump với nước Nga và tìm kiếm dấu hiệu của việc "Nga bỏ tiền tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông Trump". Thành phần đơn vị đặc trách này bao gồm người của FBI, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, CIA, NSA và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia.

Đơn vị đặc trách này ra đời sau khi Giám đốc CIA John Brennan nhận được bản ghi âm một cuộc trao đổi thông tin về khoản tiền được rót từ Điện Kremlin vào két sắt của chiến dịch tranh cử của ông Trump. Bản ghi âm này được cho là do tình báo của ba nước vùng Baltic thu thập và gửi cho CIA.

Vào ngày 15-10-2016, đơn vị đặc trách được một thẩm phán của Toà án căn cứ theo Đạo luật Do thám tình báo nước ngoài (FISA) cấp giấy phép thực hiện hoạt động do thám ở nước ngoài để can thiệp vào hồ sơ điện tử của hai ngân hàng Nga được cho là có dính líu trong vụ việc chuyển tiền. Trump không có tên trong giấy phép, nhưng ba phụ tá của ông thì có và hiện đang là mục tiêu của một cuộc điều tra.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.